Không Tôn Giáo Nào Cao Hơn Chân Lư

 HOME T̀M HIỂU  NHẬP MÔN  sách  TIỂU SỬ   BẢN TIN   H̀NH ẢNH   thIỀN  BÀI VỞ  THƠ   gifts  TẾT 2006  QUEST  MAGAZINES

 

Sách Sưu Tầm

HỘI THÔNG THIÊN HỌC VIỆT NAM

CHI BỘ BÁC ÁI - TÂN CHÂU

NHƠN LOẠI TRÊN ĐỊA CẦU

CÁC GIỐNG DÂN

Sách tặng  - Tập 2  -  1971

 

TẬP HAI

 

        Theo như quyển trước, chúng tôi đã lược thuật thì Linh-Hồn Nhơn loại đến Địa cầu đã được 4 kỳ. Hiện giờ mọi người đang ở giữa Cuộc-Tuần-Hoàn thứ Tư.

        Những Linh-hồn chuyên cần đã đầu thai trong các giống dân chánh: thứ Nhất, thứ Nhì, thứ Ba (Lê-muy-ri), thứ Tư (Ắt-Lăn) và nay đã đến nhánh thứ Năm Aryen (A-ri-en).

        Mỗi Linh-hồn phải đầu thai ít nhất là hai kiếp trong mỗi nhánh. Nếu học xong rồi sẽ được đầu thai vào Nhánh dân kế cao hơn. Nhưng nay ta còn thấy các dân tộc bán khai lạc hậu, là vì họ bê trễ, học chưa đầy đủ những điều phải học. Quần-Tiên-Hội cố gắng thúc đẩy cho họ mau mở mang hầu theo kịp trào lưu tiến hóa của Nhơn-loại Tiền-phong, nên thỉnh thoảng trong các dân lạc hậu lại có những người xuất chúng phi thường để dìu dắt họ.

        Kỳ trước, chúng tôi đã nói đến dân Tôn-Téc, nay xin kể tiếp.

 

TÀN TÍCH CỦA DÂN TÔN TÉC

Ở Pérou (Bê-ru), Nam Mỹ Châu.

 

        Lối 12.000 năm trước Chúa giáng sinh, dân chúng ở Pérou cũng văn minh như Đế Quốc Tôn-Téc trong thời phồn thịnh nhất.(L’homme, d’où il vient, où il va, trang 155- 216). Từ vua đến các quan, dân, đều biết lo bổn phận, thân mật với nhau như ruột thịt. Nếu ai xao lảng phận sự thì bị vị quan có trách nhiệm cảnh cáo. Nếu nhiều lần mà không chịu sửa đổi sẽ bị trục xuất, chớ không có khám đường để nhốt tội nhân.

        Tôn giáo của họ có mục tiêu căn bản là vui tươi, vì buồn rầu và đau khổ, bị xem như là bằng chứng của sự hung dữ và vong ân bội nghĩa.

        Trong xứ không có ai nghèo khó, thiếu thốn.

        Thủ lãnh, chính là Đức Bàn-Cổ hoặc một vị Phụ Tá Chơn-Tiên cai trị và dạy dỗ, nên dân chúng đều hiểu biết bổn phận, vui vẻ làm tròn nhiệm vụ của mình.

        Đất ruộng được săn sóc kỹ lưỡng và chia đồng đều cho dân chúng. Làng xã nào cũng có đất ruộng tương xứng với số dân. Huê lợi thâu thập được thì dân giữ phân nửa để nuôi gia đình, còn phân nửa thì góp vào của công. Chánh phủ sẵn sàng mua hết lúa mì còn dư của dân sự và chứa vào các kho rộng lớn, ở khắp nơi để dành nuôi dân chúng khi thất mùa và tai biến.

        Các Nhà sư xây cất và giữ gìn những đền thờ tốt đẹp phi thường, ở khắp trong xứ, ngày nay không có đền thờ nào bằng. Các Ngài còn lo nuôi dưỡng kẻ đau ốm, mà người ta gọi là khách quí của mặt trời.

        Trẻ nhỏ đều được đi học, đọc, viết, tính toán và các điều thường thức cần thiết; đến 10, 11 tuổi chúng tập nấu bếp, phân biệt trái cây nào độc, trái nào ăn được; chúng tập bơi xuồng, bơi lội, trèo, leo, nhảy rất giỏi, biết cứu thương và dùng cây làm thuốc.

        Đến 12 tuổi, người ta cho chúng theo một nghề thích hợp và được học ở trường kỹ thuật chuyên môn trong chín, mười năm nữa. Chúng nó cũng được tuyển chọn để học các lớp Chánh trị, nhưng vì kỷ luật nghiêm khắc nên số sinh viên không được nhiều.

        Canh nông, khoa học, là ngành hoạt động chánh trong nước. Họ có nhiều xưởng và nhà máy.

        Kiến trúc của họ thật là vĩ đại nhưng đơn giản, cần và thực dụng chớ không phải để phô trương. Cột nhà bằng nguyên tảng đá. Họ mài đá cho bằng thẳng rồi để chồng lên nhau thật khít, khó trông thấy kẽ hở, vậy mà theo kẽ đá có đổ thêm một thứ hồ như xi măng, chừng khô cứng hơn đá. Phần nhiều nhà xây cất bằng đất sét có trộn một thứ thuốc, chừng khô rồi cứng như đá. Vách tường rất dày và cao. Cửa làm bằng nguyên tảng đá, chạm trổ phức tạp, mà đóng mở được dễ dàng. Vách phía trong nhà đều bọc bằng kim khí, cũng như dán giấy vào vách phòng. Nhà của Vua và các đền thờ thì vách bọc bằng vàng lá dày 5,6 ly. Đường lộ đều lót đá bằng thẳng, hai bên trồng cây và kiểng.

        Quân đội của họ được rảnh rang, chỉ lo bảo vệ các công tác công cộng, hoặc tăng cường trong các kiến trúc mới. Họ rất tử tế, dễ dãi với các bộ lạc khác để tránh sự xung đột.

        Họ thích dùng đồng trộn với chất xi măng tốt, làm cho nó thật cứng và chế tạo đồ khí cụ bén như thép ngày nay. Họ làm đồ gốm bằng đất sét trộn với chất hóa học nên màu đỏ và chói; có thứ lại trong suốt như pha lê, màu sắc đẹp đẽ mà không giòn. Họ cũng cẩn đồ dùng với vàng và bạc, tinh xảo vô cùng. Nghề vẽ cũng khéo léo, khi vẽ xong thì thoa lên một lớp dầu rất mau khô và không phai màu, lại chịu đựng với mưa nắng được lâu ngày.

        Họ không ăn thịt thú vật, chỉ dùng khoai tây, khoai mài, đậu, bắp, gạo và sữa.

        Người Pérou thương thú vật nhà, nhất là khỉ con và mèo, có nhiều loại. Họ gây giống được thứ mèo có lông xanh tươi rất sáng chói. Vài bà sang trọng, giàu có, nuôi chim trong một cái lồng bằng vàng rất to, rồi cả ngày mãi vui dạy chúng nó mở tình thương và mở trí.

       Dân chúng lấy bổn phận làm đầu và không vụ lợi. Đây là một nhánh dân đã trưởng thành, tiến cao hơn trình độ nhơn loại hiện tại. Đến một ngày kia, chúng ta cũng sẽ đến bực cao hơn dân Ắt-lăn nầy nữa.

 

DÂN TU-RA-NHEN (TOURANIEN)

(Nhánh thứ Tư, giống At-Lăn)

 

Dân Touranien (Tu-ra-nhen) sanh ra tại miền Đông Châu Ắt-lăn-tít, và miền Nam xứ Tlavatlis (La-hoát-li). Họ sống chung với dân Tôn-téc. Họ không có uy thế tại bản thổ, mặc dầu họ có nhiều bộ lạc rất mạnh mẽ. Họ luôn luôn ưa thích chiếm thuộc địa nên di cư qua miền Đông.

        Vào khoảng 800.000 đến 200.000 năm trước Tây Lịch, họ chiếm vùng đất mà bây giờ là Đô thị Maroc và Algérie. Nhiều người khác di cư qua miền Đông, thành ra dân Trung Hoa, và một nhóm nhỏ là dân Atèques xâm chiếm đại quốc Tôn-Téc.

        Dân Tu-ra-nhen là dân hung bạo và không kỷ luật. Vì họ là nhóm di cư thiểu số nên luôn luôn không thắng được dân Tôn-téc. 

        Dân Touranien là nhánh dân đầu tiên của 4 nhánh dân phụ da vàng. Ban đầu họ dùng ngôn ngữ của người Tlavatlis, nhưng về sau họ biến cải ra một thứ tiếng riêng biệt.

        Có một lúc, họ cổ võ để thành lập Chánh phủ nhân dân lập hiến, nhưng quá bạo nên kết quả khốc hại, khiến cho toàn dân phải chìm trong hỗn loạn.

        Dân Tu-ra-nhen có nhiều tánh đam mê dữ dội và thấp hèn. Họ là một dân tộc khó chịu.

 

TÀN TÍCH CỦA DÂN TOURANIEN

(Xứ Chaldée. (Can-đê)

Năm 19.000 trước T.L.

 

        Một nhóm dân Tu-ra-nhen đến ở xứ Chaldée (Can-đê) lối 30.000 năm trước T.L., luôn luôn bị giặc giả, sống về nghề nông tối sơ, dốt kiến trúc và văn hóa.

        Đức Bàn Cổ đưa đến đây một vị Thủ-Lãnh Á-Đông, một người Théodorus, tạo ra dòng Vương hầu xứ cổ Chaldée. Dung mạo thật khác xa thần dân. Dáng người khỏe mạnh, da màu đồng, mắt hơi sâu và sáng ngời.

        Sự văn minh, tiến bộ của dân Can-đê lên đến ngang hàng với dân Tôn-téc ở Pérou, lúc 14.000 năm trước T.L., nhưng có nhiều điểm khác nhau.

        Cách cai trị cũng khác xa. Căn bản trong đời sống xây dựng theo Tôn-giáo, đến mức độ cao hơn Bà-La-Môn giáo ở Ấn Độ.

        Giáo lý Chaldée thì nghiêm khắc, thần bí và có một nghi lễ phức tạp trong việc thờ phượng các vị Đại-Thiên-Thần Tinh-Tú; (Thông-Thiên-Học gọi là các vị Hành-Tinh Thượng-Đế, Logos planétaires) gồm một giáo lý rộng rải và tinh luyện tỉ-mỉ về Chiêm-Tinh thuật. Họ biết được ảnh hưởng của các vì sao đối với mỗi người, nhưng các vị Tư-Tế Can-đê không theo thuyết định-mạng. Các Ngài nói là: ảnh hưởng đó không thể áp chế Ý-chí của con người được. Người  hùng tráng không sợ ảnh hưởng xấu làm hại, còn người thường thì biết lợi dụng ảnh hưởng tốt để tiến bộ.

        Họ xây cất những đền thờ theo một tỷ-lệ thích hợp để trình bày tương xứng kích thước mỗi hành-tinh và khoảng cách xa từ chúng nó đến mặt trời.

        Người ta dạy người mẹ có thai, sống theo nhà tu, trước và sau khi sanh con.

        Sau một thời gian huy hoàng, thạnh vượng rất lâu, Đế quốc Can-đê lần lần suy tàn cho đến khi bị Bộ lạc du mục của người Thát-Đát (Tartares) dã man, cuồng tín, xâm lấn và hủy diệt tất cả tàn tích đền thờ. Nhóm ăn cướp nầy lại bị dân Akkadien từ Bắc tràn xuống đánh giết, rồi lai giống với dân chúng sống sót, cùng các dân khác để thành lập ra Đế Quốc Babylone.

 

DÂN XÊ-MÍT (SÉMITE)

(Nhánh thứ Năm.- Giống Ắt-Lăn)

 

        Giống dân Xê-mít nguyên thủy tức là nhánh thứ Năm của giống dân chánh thứ Tư (Ắt-Lăn). Họ là Tổ-Tiên của dân Do-Thái và tạo ra giống dân chánh thứ Năm Aryen.- (A-ri-en) bây giờ. Họ ở miền sơn cước và các bãi biển lân cận, nên rất bất lợi. Họ mở mang thạnh vượng và vì giành độc lập nên chống với các vua miền Nam, cho đến khi phải bành trướng ra ngoài để chiếm thuộc địa. 

        Họ nóng nảy, luôn luôn bất mãn và khai hấn với những người lân cận, nhứt là với dân Ăc-ca-den (Akkadien) là nhánh thứ Sáu mà dân nầy càng ngày càng hùng cường thêm.

        Dân Xê-Mít (Sémite) chiếm được một vùng đất dài và rộng, bao gồm luôn Kim-Môn-Thành (Cité aux Portes d’or). Nhưng sau lại họ phải phục tùng dân Akkadiens và cuối cùng bị dân nầy tận diệt, lối 100.000 năm nay.

        Dân Xê-mít (Sémite) đi sang phía Tây là vùng đất của Huê-kỳ ngày nay, và tràn lan qua miền Đông là Âu-Châu, Phi-Châu và Á-Châu nữa. Đức Manou (Bàn Cổ) dự định dùng nhánh dân nầy để đào tạo ra giống dân chánh thứ Năm và cho họ mở Hạ-trí. Ấy là dân Aryen. Da họ trắng hơn người Ắt-Lăn; họ dùng tiếng Tôn-téc làm căn bản để tạo ra một thứ tiếng riêng biệt.

 

DÂN AKKADIEN (ĂC-CA-DEN)

(Nhánh thứ Sáu, giống Ắt-Lăn)

 

        Nhánh thứ Sáu là dân Ăc-ca-den (Akkadien). Họ sanh ra sau cuộc Đại Hồng Thủy, cách nay 800.000 năm, ở miền Đông châu Ăt-Lăn-Tít. Dân Ăc-ca-den phải tranh đấu với dân Xê-mít, đến 100.000 năm sau mới chiến thắng và tiêu diệt dân Xê-mít. Họ lập triều đình tại Kinh-đô cũ của Xê-mít. Họ trị nước rất khôn khéo cả mấy trăm năm như vậy. Dân Akkadien rất giỏi nghề buôn bán, đi biển và chiếm thuộc địa. Họ cũng giỏi về khoa chiêm-tinh và thiên văn.

        Họ đem ánh sáng văn minh truyền sang miền Đông, đi ngang qua xứ Perse (Ba-Tư cổ) và Á Rạp. Họ chiếm xứ Ai-cập và sanh ra dân Etrusques, Phénicien, Carthaginois và Basques.

        Lúc dân Ắc-ca-den mới lập thành, có một nhóm Đệ-tử Điểm-Đạo qui tụ ở vùng Scandinave của Âu-Châu. Các nhà Sư thuộc về nhánh dân trước. Họ cao lớn và da vàng hơn người bổn xứ, đầu cũng dài hơn. Người Akkadien là nhánh dân phụ da vàng thứ Ba, nhưng da mặt họ sáng hơn người Xê-mít. Họ cũng dùng tiếng Tôn-téc tạo ra một ngôn ngữ riêng biệt.

 

DÂN MÔNG CỔ (MONGOL)

(Nhánh thứ Bảy, giống Ắt-Lăn)

 

        Nhánh thứ Bảy là dân Mông-Cổ, sanh ra trên đồng Thát-Đát (Tartarie), ở miền Đông Tây-Bá-Lợi-Á (Sibérie). Họ là con cháu chánh tông của dân Tu-ra-nhen, lần lần họ tràn lan khắp Á-Châu. Nhánh nầy sanh sản mau lẹ và hầu hết con người trên thế giới bây giờ đều có lai dòng máu của họ.

        Dân Mông-Cổ không ở yên một chỗ và tấn hóa rất mau. Họ mộ Đạo và có Tâm Linh hơn người Tu-ra-nhen. Dân Hung-gia-lợi là cháu chắt của họ và tánh tình được cải thiện nhờ dòng máu A-ri-en. Dân Mã-Lai là một chi nhánh khác, lai giống với dân Lê-muy-ri suy tàn. Dân Mông-Cổ là nhánh cuối cùng của giống Ắt-Lăn, hiện còn đang phát triển mạnh mẽ. Họ chưa tiến bộ đến tuyệt đỉnh, vì hậu duệ của họ là dân Nhựt-Bổn, sẽ tạo một thành tích mới để bổ khuyết vào lịch sử nhân loại.

 

GIỐNG DÂN CHÁNH THỨ NĂM

ARYEN (A-RI-EN)

 

        Dân Aryen (A-ri-en) là Tổ-Tiên của dân tộc da trắng. Dân nầy mở mang trí thức, cũng có 7 giống dân phụ là:       

        1/- Ấn-Độ (Hindoue, Indo Aryen)

        2/- Á-Rạp (Aryo Sémitique)

        3/- Iranien (I-ra-nhen, Cổ Ba-Tư)

        4/- Celte (Xen-tờ)

        5/- Teuton (Tơ-Tông)

        6/- Nhánh thứ Sáu đã xuất hiện ở nhiều nơi.

        7/- Nhánh thứ Bảy chưa ra đời.

 

        Đức Bàn-Cổ Vaivasvata bắt đầu chọn một nhóm Linh hồn tiến hóa cao, cho đầu thai để sau tạo thành giống dân chánh thứ Năm Aryen (A-ri-en) cách đây đã được một triệu năm, rồi 400.000 năm sau tuyển lại kỳ nhì những Linh-hồn đủ điều kiện, nhưng quyết định dứt khoát lối 100.000 năm nay là chọn dân trong nhánh thứ Năm, dân Xê-mít, đang ở biệt lập vùng núi Bắc Routa, mới xứng đáng. Đức Bàn-Cổ cần phải để cho họ ở riêng biệt. Đức Phật Gautama lúc nầy còn ở ngôi Bồ-Tát, lo giáo hóa họ, tạo cho họ một Tôn Giáo mới. Người nào được công nhận vào đoàn thì không được kết hôn với người Bộ Lạc khác. Vào năm 79.797 trước Tây Lịch (T.L), sự xâm lược của Hắc Thần gần kề, Đức Bàn-Cổ dùng 30 chiếc tàu buồm lớn để di-cư đám dân của Ngài sang xứ A-rạp, đi ngang biển Sahara, bây giờ là Sa-mạc. Có 3 kỳ di cư, cả thảy được 9.000 người, cùng một số thú vật. Trong 9.000 người di cư ấy có: 5 phần sáu là dân Xê-mít, một phần 12 là người Ắc-ca-den (akkadien) và một phần 12 là dân Tôn-téc. Đức Bàn Cổ lựa toàn là người tốt.

        Lúc đó người Tôn-téc ở Ai-Cập tiến hóa vô cùng. Khi đoàn người di cư đi ngang qua xứ họ, bị họ quyến rủ ở lại. Có một số người ham mê lời đường mật, cải lịnh Đức Bàn-Cổ và ở lại đó nên sau trở thành tôi mọi của người Tôn-téc. Những người di cư theo Đức Bàn-Cổ lên cao nguyên Á-rạp, đi ngang qua rẻo đất mà ngày nay là kinh Suez. Họ đến trũng núi phì nhiêu, ở rải rác để lập nghiệp an cư. Họ tận tình tôn thờ Đức Bàn-Cổ nên dân Ai-cập không bằng lòng, nổi giận rượt theo để tiêu diệt dân di cư, nhưng chúng bị Đức Bàn-Cổ Vaivasvata giải tán. Dân di cư sống sung sướng, sanh sản mau lẹ, trong 2 ngàn năm, dân số lên đến mấy triệu người. Họ gieo trồng các hột giống của họ đem theo. Họ ở đây xa hẳn các dân chúng khác, nhờ một dải cát sa mạc bao quanh, chỉ còn một con đường đi ra ngoài được, nay là thành La Mecque. Những người sanh tánh xấu xa đều bị Đức Bàn-Cổ cho đi ra miền Nam Palestine hoặc miền Nam Ai-cập.

        Vài năm trước khi có Đại-Hồng-Thủy (75.000) trước T.L.) Đức Bàn Cổ vâng lịnh Thiên-Đình chọn 700 người con cháu của Ngài có hạnh kiểm tốt, lập thành một phái không theo cổ tục khắc khe, đưa họ đi lên miền Bắc ngang qua Turquie d’Asie, xứ cổ Ba-Tư là Perse và nhiều xứ khác; đến Turkestan, họ xin phép chánh phủ Liên-hiệp Tu-ra-nhen để đi qua Tây Tạng (Thibet). Sau nhiều năm lữ hành họ đến mé biển Gobi rồi đi lần lên các núi ở phía Bắc. Biển nầy không sâu lắm, nhưng rộng lớn chạy dài đến Bắc-cực.

        Đức Bàn-Cổ để một số dân ở trên doi đất cao Đông Bắc, còn phần đông Ngài để ở tại trũng đất phì nhiêu. Bạch-đảo (ile blanche) ở hướng Đông-Nam, nhưng họ chưa biết, đến sau khi ở đây đầy dẫy Đền thờ vĩ đại, họ mới thấy. Đất cát ở đây vững chắc, nên khi có cuộc động đất kinh khủng nhất thế giới, thành thị và nhà cửa ở đây không bị hư hao. Dân chúng Gobi chỉ sợ hãi và dường như bị tê liệt, vì lúc ấy mặt trời bị nhiều lớp mây đen dày bịt phủ kín cả năm. Những trận mưa ghê rợn không dứt. Bụi mù mịt và hơi nước bay lên  khuất cả vùng. Cây cỏ không mọc được nên dân sự bị đói mà chết bớt.

        Khi mới đến đây, dân số 700 người, sau sanh sản thêm đến cả ngàn người, nay vì không chịu nổi đói rét phải chết mòn, chỉ còn lại 300 người bền dẽo, lực lưỡng. Năm năm sau, họ tạo lập sự nghiệp lại. Nhờ khí hậu ấm thêm, đất tốt nổi lên nên trồng tỉa được.

        Lúc đó Đức Bàn-Cổ đã già. Ngài được lịnh Thiên-Đình phải dắt dân sự của Ngài qua Bạch-Đảo. Nơi đây Ngài phải thực hành một chương trình vĩ đại trong cả chục ngàn năm. Dân chúng của Ngài sẽ sanh sống trên mé biển Gobi để phát triển và hùng cường thêm. Giống dân mới sẽ thành lập tại Bạch-Đảo và trên bờ biển đối diện phía Nam, một thành phố hùng vĩ được dựng lên. Dân chúng càng ngày càng đông và mạnh mẽ cả chục ngàn năm.

        Có một dãy núi chạy dài theo mé biển Gobi và cách thành phố lối 30 cây số, nhiều ngọn đồi thấp, nhô lên giữa dãy núi và mé biển, tạo ra 4 trũng núi riêng biệt nhau, chạy dài xuống tới mé biển, nên Đức Bàn Cổ dắt những gia quyến được chọn lựa đến ở, mỗi nhóm một trũng núi, để sanh sản ra 4 Nhánh dân khác nhau. Bốn Nhánh này về sau, được dắt đi đến nhiều nơi trên thế giới để tạo ra các dân tộc mới đặc biệt.

        Lối 70.000 năm trước T.L. Đức Bàn Cổ ra lệnh cho dân sự của Ngài lập làng xóm trên đất liền. Dân sự sanh sản trong nhiều ngàn năm như vậy. Đức Bàn Cổ lúc bấy giờ được toàn dân tôn lên Hoàng Đế ngự tại Đế-Đô Bạch-Ngọc-Kinh (Shamballa).

        Vài năm sau, Đức Bàn Cổ ra lệnh cho Jupiter, Corona (sau đầu thai là Jules César), Mars, và Vajra (tiền kiếp của bà H.P.Blavatsky) chọn những trẻ ưu tú đưa về Bạch Ngọc Kinh. Những trẻ này là Uranus, Neptune, Surya, Brihaspati, Saturne, Vulcain và Vénus, về sau đều đắc quả Chơn Tiên. Đến sau, không bao lâu những người Touranien đến xâm lấn, hết tốp này rồi tốp khác và tiêu diệt họ.

        Những trẻ nhỏ được cứu khỏi chết và được nuôi dưỡng theo kỷ luật, sau lập được nền văn minh thật cao hơn quần chúng tầm thường. Phần đông là những nhà hiền triết và những người phụng sự nhơn loại. Họ lập đồn để giữ biên giới chắc chắn, phòng ngừa sự xâm lăng của dân Tu-ra-nhen. Nhưng khi dân sự khá đông đủ lập thành quốc gia thì họ lại bị dân Tu-ra-nhen tàn sát lần thứ nhì, chỉ trừ một số trẻ nhỏ và những tớ gái được cứu thoát. Họ được đem về nuôi dưỡng tại Bạch Ngọc Kinh. Như thế giống dân Chánh luôn luôn được bảo tồn.

        Đức Bàn Cổ và các phụ tá cũng thường đầu thai lại để sửa đổi giống dân thêm tốt đẹp, như ý muốn. Có một điều lạ là dân Tu-ra-nhen không dám đá động đến Bạch Đảo mà họ rất tôn thờ.

 

ĐÔ THÀNH ĐẠI KIỀU

(Ville du Pont)

 

         Sau sự tàn sát kỳ nhì của Touraniens, Đức Bàn Cổ mới cho Mars đầu thai trong một gia đình Tôn-Téc trong sạch nhất tại Poseidonis. Khi Mars được 25 tuổi Đức Bàn Cổ gọi về gả con gái, để cho hai thứ máu hòa nhau, hầu sanh ra giống dân kiểu mẫu.

        Lúc đó lối 60.000 năm, trước Tây lịch, Giống dân Aryen mới chánh thức thành lập và không sợ bị tàn sát nữa.

        Những con cháu Đức Bàn Cổ cư ngụ tại Bạch Đảo cho đến khi đủ số 100 người mới di cư vào đất liền và bắt đầu xây dựng Thủ Đô theo ý định của Đức Bàn Cổ.

        Thành phố cất dọc theo bờ biển, hình rẻ quạt, chạy dài lên dốc đồi, dài đến 30 cây số. Đường sá rất rộng rãi, hướng về Bạch Đảo.

        Trong các đồi núi có đủ thứ kim loại, có nhiều thứ đá đẹp, đủ màu và vân-ban-thạch màu đỏ hồng.

        Nhóm người lo việc kiến thiết, sống trong tình huynh đệ, làm việc vui vẻ, vì biết là họ phụng sự cho Từ phụ của họ, vừa là một đấng Minh vương.

        Họ dùng máy, đẩy những tảng đá thật to để xây dựng nhà cửa. Có những tảng dài đến 50 thước, Đức Bàn Cổ và các vị phụ tá phải dùng thần lực đem để nó đúng chỗ xây dựng. Các kiến trúc giống như ở Ai Cập, nhưng hình dáng nhẹ nhàng hơn. Điều đáng được chú ý ở Bạch Đảo là nóc nhà tròn như búp hoa sen, có chạm trổ, giống cánh hoa ốp lại khi chưa nở, trông rất khéo  léo. Nhà cửa rộng lớn vững chắc, phải mất mấy trăm năm mới xây cất xong. Nhờ các đền đài đó mà Bạch Đảo trở thành một kỳ quan trong thế giới. Khắp Bạch Đảo đều có đền thờ tốt đẹp phi thường, làm toàn bằng cẩm thạch cẩn vàng và nổi tiếng là một Thánh-Đô, độc nhất ở trần gian. Chính giữa đảo có một đền thờ rộng lớn bao la, là nơi bốn vi Hồng Quân (Koumaras) hiện đến vào những dịp đặc biệt.

        Bốn khu vực đường lộ chung quanh đều đồng quy về đền thờ chánh. Nếu đứng ở đầu đường, xa đền 16 cây số để nhìn, người ta sẽ thấy cảnh đẹp tuyệt vời và dễ cảm kích.

Bên trong cũng như bên ngoài các đền thờ có nhiều hình điêu khắc, phần lớn là những biểu tượng như hội Tam Điểm.                                                                                              Có một loạt hình tượng trưng hột nguyên tử hồng trần và hóa học. Những hột sanh lực thì được chạm nổi. Trải qua cả ngàn năm kiến trúc mà người ta vẫn còn tiếp tục xâydựng thêm mãi. Người ta dùng vàng, bạch ngọc, mã não để cẩn trên đá cẩm thạch trắng.

        Thành phố trên mé biển nối liền với Bạch Đảo nhờ một cây cầu đá nguyên khối to lớn và đẹp lộng lẫy. Vì vậy người ta mới gọi là Đô-Thành Đại-Kiều. (Ville du Pont). Cầu gồm có một nhịp, êm ái, trang trí rất nhiều hình tượng khéo léo. Đá lót trong lòng cầu dài đến 50 thước và rộng lớn.

        Vào năm 45.000 trước T.L Đô thành phồn thạnh cực điểm. Nó là Kinh Đô của một Đế quốc bao la, gồm cả Á Châu, từ Tây Tạng đến mé biển, và từ Mãn Châu đến Thái-Lan. Nó thiết lập uy quyền tối thượng trên tất cả các đảo từ Nhựt Bổn đến Úc Châu.

        Các lâu đài khổng lồ này kết thúc với một sự thanh nhã vĩ đại và văn minh tột bực. Người ta nói các phế tích đại quy mô của nó, ngày nay còn làm kinh ngạc tất cả những ai thấy được tại Bạch-Ngọc-Kinh (Shamballa).

        Cây cầu vẫn còn đứng vững, nhưng dưới cầu thì khô cạn chỉ có những lượn sóng cát của sa mạc vẫy vùng.

        Đấy là Đô thị uy quyền dựng theo kiểu mẫu của Đức Bàn Cổ Vaivasvata và tạo tác bởi con cháu của Ngài. Trên đời nầy không có thành phố to lớn nào bì kịp. Nơi đây các đấng thiêng liêng vẫn cư trú, thường phóng điển lành và ban ân huệ mãi mãi cho khắp thế gian.

 

DÂN ẤN-ĐỘ  (INDO ARYEN)

(Nhánh thứ Nhứt , giống Aryen)

 

        Đến năm 60.000 trước T.L., một thiểu số dân di cư ở bờ biển Gobi đã thành một dân tộc đông đảo Aryen, họ đi xâm chiếm các nước lân cận. Nhánh đầu tiên đi qua Ấn-Độ nên được gọi là dân Ấn-Độ da trắng (Indo Aryen). Lần lượt các nhánh khác cũng di dân về hướng Tây, ít ra cũng có bốn nhánh , Giống dân chánh thứ Năm: Aryen, tiến triển phi thường, đến năm 45.000 trước Tây-lịch thì họ mở mang đến tuyệt đỉnh. Họ đi xâm chiếm Trung-Hoa và Nhật-Bổn, nhứt là Mông-Cổ và tiến lên miền Bắc và Đông. Tới khi gặp lạnh quá, họ mới dừng chơn. Họ cũng chiếm Đài Loan và Thái-Lan, có dân Tu-ra-nhen và La-hoát-li ở.

        Dân Aryen còn chiếm cứ Sumatra, Java và các cù lao ở kế cận.

        Thường thường dân Aryen tới đâu thì được thổ dân tiếp rước vui vẻ, vì họ xem những người da trắng nầy như thần thánh, nên yêu quí chớ không đánh đuổi như kẻ địch. Tàn tích thuộc địa nầy còn lưu dấu đến ngày nay là Bộ-lạc ở miền núi, gọi là Toala ở cù lao Célèbe. Dân Aryen còn lan tràn đến bán đảo Mã-Lai, Phi-Luật-Tân và Úc Châu nữa.

        Đức Bàn-Cổ làm bá chủ các Vương Quốc, dầu Ngài có đầu thai lại hay không, các vị vua đều nhân danh Ngài để cai trị. Nền văn minh và đặc tính của giống dân nầy đáng cho ta tìm học. Một dân tộc trải qua mấy trăm ngàn năm văn hiến ở Ắt-lăn và cả ngàn năm tiến bộ dưới quyền điều khiển của Đức Bàn-Cổ ở Á-rap và Bắc Á-Châu thì chẳng phải là một giống dân đầu tiên.

        Toàn dân đều biết đọc và biết viết. Công tác nào cũng được xem là vinh dự, vì họ phụng sự Đức Bàn-Cổ. Họ sống theo tình Huynh-đệ, bình đẳng và nhã nhặn. Họ tin cậy người cao thượng hơn họ, biết nhớ ơn người giúp đỡ họ và luôn luôn tránh sự gây gổ nhau. Nền văn minh Aryen khác hẳn văn minh Ắt-Lăn, vì nó không phức tạp, xa hoa. Dân Ắt-Lăn tìm phương tiện và danh dự riêng cho mình, lại nghi ngờ lẫn nhau. Dân Aryen rất trọng lời nói của mình, nếu không giữ lời hứa thì không xứng đáng làm dân Aryen.

        Họ kết bạn và hợp tác với người tiến-hóa cao, dầu không đồng chủng, nhưng không giao thiệp với người xấu xa.

        Vài người Aryen nghiên cứu tận tường khoa học huyền bí để giúp vào việc công ích. Họ mở được Thần nhãn và tập điều khiển thần lực, tạo những hình tư tưởng  và  muốn bỏ xác chừng nào cũng được.

        Nhớ lại những hậu quả thảm khốc thời kỳ Ắt-Lăn-Tít, các vị Giáo chủ rất thận trọng trong việc lựa chọn Đệ-tử và một vị Phụ tá Đức Bàn-Cổ kiểm soát tất cả các hạng dân.

        Thời kỳ đó không có báo chí, nhưng các vị có thần nhãn, biết được tất cả các tin tức ở khắp nơi cũng như ngày nay, ta dùng điện tín hay vô tuyến điện. Có khi Đức Bàn-Cổ không thể ban chỉ dụ cho một lãnh tụ ở xa xôi thì Ngài sai một Đệ-tử xuất vía đến vị lãnh tụ đó, hiện hình ra và giao thông điệp. Như thế Đức Bàn-Cổ thật là một Đế-vương có mặt ở khắp nơi trong đế quốc.

        Người ta ghi chép trên mọi vật thể. Người ta dùng một mũi nhọn để khắc trên một bề mặt bằng thẳng có tráng một lớp sáp và chữ viết là những nét hủng được đổ đầy một chất lỏng, khi khô thì cứng lại.

        Máy móc lúc đó đơn giản hơn hồi giống Ắt-lăn và một phần lớn công việc đều làm bằng tay. Đức Bàn-Cổ muốn tránh các xa hoa quá lố của thời Ắt-Lăn. Đến năm 40.000 trước T.L. Đế quốc bắt đầu suy sụp. Các đảo và các tỉnh xa xôi đòi quyền độc lập một cách dã man. Đức Bàn Cổ thỉnh thoảng cũng có đầu thai xuống thế, nhưng thường chỉ huy những công tác ở cõi trên. Tuy thế, trung tâm đế-quốc vẫn giữ nền văn minh huy hoàng được 25.000 năm nữa, trong lúc các nhánh dân phụ lan rộng ra khắp nơi.

 

DÂN Á-RẠP (ARYO  SÉMITE)

(Nhánh thứ Hai , giống Aryen)

 

        Đức Bàn-Cổ tiếp tục đào tạo bốn nhánh dân phụ của giống A-ri-en. Ngài chọn những người Phụng-sự đã tiến bộ muốn đi khai thác các nơi hoang vu để thành lập quốc gia. Phần đông những người nầy đã là Hội viên T.T.H. Công tác nầy có thể bị coi là bạc bẽo, nhưng nó rất cần thiết và hợp thời.

        Đến kiếp thứ ba, Mars, Mercure, và vài vị tiến hóa cao đầu thai vào gia quyến nầy để minh thị cho giống dân mới. Khi có Linh Hồn tiến hóa cao đầu thai thì Nhánh  dân đó trở nên hết sức tốt đẹp. Ấy là thời đại Hoàng Kim của dân-tộc đó. Lúc bấy giờ, các Linh hồn trẻ hơn cũng đầu thai để cộng tác, nhưng tự nhiên là họ chưa đủ khả năng.

        Đến năm 40.000 trước T.L. Đức Bàn-Cổ nhứt định cho họ di cư khắp thế giới. Dưới quyền điều khiển của Mars, một đoàn người đi theo lối cũ trở lại xứ Á-Rạp, để tạo ra giống dân lai người Á-Rạp.

        Về sau, chính Đức Bàn-Cổ cầm đầu đoàn di cư gồm có 150 ngàn tráng sĩ và 100.000 đàn bà với trẻ nhỏ. Hai năm trước khi đi, Đức Bàn Cổ có cho sứ giả đến xứ Á-Rạp xin cho dân di cư đến đó. Ban đầu vị Thủ Lãnh Á-Rạp không bằng lòng, nhưng sau cho phép họ đến ở nơi một thung lũng lớn, hoang vu, trên biên giới. Không bao lâu, toàn thung lũng được khai phá, dẫn thủy nhập điền và một ngọn rạch lớn lưu thông ở giữa. Không đầy một năm, đất được trồng tỉa và trúng mùa. Ba năm sau thành một Quốc gia thạnh vượng và tự túc.                                                     

        Nhưng Lãnh tụ Á-Rạp lại ganh tị và thuyết phục Đức Bàn Cổ giúp đánh một nước láng giềng. Đức Bàn Cổ không chịu giúp, nên Thủ-lãnh Á-Rạp ký hoà ước với kẻ nghịch và tìm thế đuổi nhóm di cư ra khỏi lãnh thổ. Nhưng Đức Bàn-Cổ chống cự lại, đánh bại và giết hai thủ lãnh Á-Rạp. Ngài kiến thiết hai lãnh thổ nầy. Không bao lâu, dân chúng ở đây trở thành dân A-ri-en, được thạnh vượng và sung sướng hơn trước. Đức Bàn Cổ thâu nạp vào Đế-Quốc của Ngài, Bộ-lạc nầy rồi đến Bộ lạc khác, không phải đổ máu, có khi họ tự nguyện gia nhập nữa.

        Bốn chục năm sau, trước khi Đức Bàn-Cổ từ trần thì phân nửa xứ Á-Rạp miền Bắc thuộc quyền cai trị của Ngài, chỉ còn miền Nam chống đối vì cuồng tín, họ quyết giữ theo Giáo-truyền của Đức Bàn-Cổ đã dạy khi xưa là: không cưới gả với người ngoại tộc. Bộ lạc miền Nam họp nhau để chống vị thủ lãnh của họ, nay đã đầu thai lại.

        Trong lúc chiến tranh kéo dài rất lâu, Đức Mahâgourou (sau đắc quả được gọi là Phật Gautama) đầu thai trong nhánh dân phụ thứ hai của dân Aryen tại Á-Rạp, để khắc ghi vào tâm não họ một tôn giáo mới mà Ngài đã truyền bá ở Ai-Cập, để cải cách tôn giáo cũ ở đó.

        Lúc nầy lối 40.000 năm, trước T.L.một đế quốc Ắt-lăn được kiến thiết tại Ai-cập. Dân chúng văn minh tuyệt đỉnh. Họ xây cất đền thờ đồ sộ, nghi lễ huy-hoàng và có một giáo lý rất cao thâm. Dân Ai-Cập rất mộ Đạo và có Tâm-linh. Khi Osiris băng hà, dân chúng thương tiếc, khóc lóc, cầu xin Ngài trở lại với họ. Đức Mahâgourou lúc đầu thai tại Ai-Cập lấy tên là Tehouti hoặc Thot, đến sau người Hy-lạp gọi là Hermès.

        Đức Mahâgourou đã dạy về giáo lý: “Ánh sáng nội tâm”  ánh sáng ẩn trong muôn loài vạn vật. Ánh sáng là sự sống của nhơn loại. Người chết là về với ánh sáng, v.v. . .

        Trở lại lịch sử nhánh thứ Hai Á-Rạp. Sau nhiều thế kỷ, có một vị vua tham tàn dẫn binh sĩ đến bờ Đại dương, và xưng là Hoàng-Đế Á-Rạp.

        Dân chúng miền Nam muốn chống cự nhưng vì tin theo một vị Tiên-tri thô bạo và hùng biện, họ lìa bỏ Tổ quốc bị xâm chiếm, và đến ở vùng bãi biển Somalie, đối diện với xứ Á-Rạp. Họ ở đây nhiều thế kỷ và sanh sản đông đảo, cho đến khi một vị Tiên-tri đang trị vì lại yêu một cô gái mọi, và tuyên bố là: ông không phạm luật nước, cấm người bổn xứ cưới gả với người ngoại quốc. Những cô gái mọi nầy bị đem bán, ấy là một món hàng, là một con vật chớ không phải là đàn bà ngoại quốc. Dân tình phản đối, chống lại lý luận nầy và vầy đoàn đi quanh vịnh Aden, đi lên biển đỏ và đến Ai-Cập.

        Hoàng Đế Pharaon biết lý do cuộc đi nầy nên bằng lòng giúp đỡ, cho họ ở một khu xa của Đế-Quốc. Tới sau, có một Hoàng-Đế khác đặt ra thuế mới và phu-dịch (prestations), mà họ cho là bị xâm phạm quyền lợi, nên cùng nhau di cư nữa. Lần nầy họ đến xứ Palestine. Chính họ là dân Do-Thái (Juifs) còn sót, đến ngày nay, họ vẫn còn giữ ý tưởng mạnh mẽ: họ là dân tộc được tuyển chọn, (people élu). Nhân quả do sự cự tuyệt nầy, khiến dân Do Thái luôn luôn chia rẽ với giống dân khác; những Linh-hồn nầy cứ mãi đầu thai trong nhóm nầy, không chịu sang qua giống khác để tiến bộ theo thường lệ.

        Việc tốt nhất đưa đến cho họ là họ bi giam cầm ở Babylone, vì đây là lần đầu tiên họ tiếp xúc với một giống dân rất văn minh và nghe nói đến Đấng Tối Cao. Họ rán hiệp nhứt vị Thần-minh của họ với đấng Tối Cao và sanh ra nhiều hỗn độn. Khi họ được tự do, họ soạn kinh sách có thêm ý tưởng cao thượng hơn, tương đối với Đấng Tối Cao.

        Đức Jésus Christ (Giáo-chủ Thiên-Chúa giáo) đầu thai vào một xác thân Do-Thái, và những nhà truyền giáo đầu tiên cũng người Do-Thái.

        Phần đông nhóm người ở bờ biển Somalie lại bị khốn khổ vì đám săn người để đem đi bán mọi, nên họ phải bỏ nhà cửa di cư khi bị bắt mất cả ngàn người. Họ lại di cư về Á-Rạp và được tiếp đón thân mật.

        Dân Á-Rạp, nhánh thứ Hai của giống Aryen sanh sản và mở mang cả ngàn năm, lan rộng gần giáp Phi Châu, trừ vùng đất Ai-Cập. Về sau, họ cũng chiếm luôn và cai trị dưới danh hiệu: những Vua Hyksos.

        Mars trở lại đầu thai làm Vua miền Nam Phi Châu. Người ta xây cất lầu đài đồ sộ, điện thờ hùng tráng. Nền văn minh đáng tưởng thưởng.

        Sau khi Đế quốc Á-Rạp ở Perse và ở Chaldée (Can-đê) bị suy sụp thì cả mấy trăm năm ly loạn, vô chánh phủ, dân tình bị giết hại.

        Đức Bàn Cổ nhứt định cứu vớt họ, bèn đưa nhánh dân phụ thứ Ba đến, để thành lập Đế-Quốc Persans lai Iraniens.

 

DÂN I-RA-NHEN  (IRANIEN)

(Cổ Ba-Tư,- Perse,- Iran)

(Nhánh thứ Ba, giống Aryen)

 

        Khi nhánh thứ Hai (dân Á-Rạp) ra đời được 10.000 năm, lối năm 30.000 trước T.L. thì Đô thành Đại Kiều (Ville du Pont) vẫn còn tráng lệ, mặc dầu đã kém lộng lẫy hơn trước.

        Những vị được chọn để đào tạo nhánh dân thứ Ba đều được huấn luyện kỹ-lưỡng

trong nhiều thế kỷ. Đức Bàn-Cổ đã để họ ở riêng một nơi, trong bốn thung lũng, cho đến khi họ trở thành một dân tộc đặc biệt. Ở Ắt-lăn-tít, Đức Bàn-Cổ đã chọn đem theo một số ít người Ắc-ca-den tốt. Nay Ngài cho những Linh-hồn nhóm lãnh đạo đầu thai vào những gia đình còn giữ huyết thống Ắc-ca-den. Vài gia quyến được đưa qua Phương Tây để thâu thập thêm dòng máu nầy.

        Dân sự Nhánh thứ Ba nầy càng ngày càng đông, gồm những người mục súc chớ không phải nông gia. Họ có nhiều đàn trừu, bò và ngựa đông đảo.

        Lúc đó, diện mạo của Đức Bàn-Cổ đã được sửa đổi rất nhiều. Qua kiếp thứ năm, Ngài đầu thai vào nhánh thứ Ba và để dân sự tiến hóa cho đến khi tạo được một đạo binh có 30.000 chiến sĩ, Ngài sai Mars, Corona và những người tiến hóa cao đầu thai để cầm đầu đạo binh ấy, còn Ngài giữ quyền kiểm soát.

        Khi đạo binh đi chinh phục thì đàn bà và trẻ nhỏ đều ở lại thung lũng. Chiến sĩ dùng giáo ngắn hoặc trường thương, mũi lao, đoản kiếm chắc chắn, ná và cung. Họ vượt đèo dãy Thiên Sơn. Dọc đường họ đánh tan các Bộ lạc du-mục phục kích họ. Nhiều làng từ lâu bị cướp phá giết hại, nay rất vui mừng, được những người hùng dũng đến phục hưng và giữ gìn trật tự cho họ.

        Đức Bàn-Cổ chiếm xứ Perse (cổ Ba-Tư) dễ dàng, rồi xứ Mésopotamie tùng phục. Đức Bàn-Cổ lập các đồn binh gần nhau và chia đất cho các thủ-lãnh cai trị. Những thành lũy được dựng lên, ban đầu bằng đất, sau bằng đá, trở nên một bức tường kiên cố để ngăn ngừa dân sơn cước xâm lăng.

        Nhờ có đạo binh mạnh mẽ bảo hộ, nên dân sự được an cư, lạc nghiệp, chừng đó Đức Bàn-Cổ mới gọi các đàn bà, trẻ con đến.

        Ngài còn săn sóc Đế-Quốc mới nầy trong 50 năm nữa, và đề cử người trong gia tộc làm thủ-lãnh. Mars kế vị Ngài và Corona là vua độc lập xứ Perse.

        Lúc đó Nhánh thứ Ba tăng tiến mau lẹ. Vài  thế kỷ sau, nó bành trướng khắp Tây-Á, từ Địa-Trung-Hải đến núi Pamir và từ vịnh Persique tới bờ biển Aral, dân số có cả triệu người. Đế-quốc nầy tồn tại đến năm 2.200 trước T.L.- Trong thời gian 28 ngàn năm, Đế-quốc nầy có nhiều biến đổi. Khi thì xứ Perse và xứ Mésopotamie có Thủ lãnh khác nhau, khi thì xứ nầy hoặc xứ kia làm bá chủ. Có lúc hai xứ chia thành nhiều lãnh thổ nhỏ. Các xứ nầy mãi bị nạn xâm lăng của dân sơn cước Kourdistan, dân Hindou Kouch, dân du-mục Mông-Cổ. Có khi dân Iranien đánh đuổi được các dân dã man đó, có khi họ phải rút lui. Họ không bị dân Á-Rạp phá khuấy, nhờ có vùng sa-mạc ngăn cách.

        Năm 27.900 trước T.L. Đức Mahâgourou (sau nầy là Phật Gautama) đã đến với Nhánh thứ Ba dưới danh hiệu là Zarathoustra thứ nhứt, và thành lập Hỏa giáo. Mars là vị vua thứ 10 của triều đại Corona. Mercure đầu thai làm con trai thứ của Mars và được chọn làm xác thân để Đức Bồ-Tát Chưởng-giáo tối-cao dùng tại cõi Trần. Lúc nầy Sourya (tiền thân của Đức Di-Lạc)  là nhà sư danh tiếng trong xứ và uy thế vô biên do tài đức của Ngài, lại là dòng máu hoàng tộc. Hoàng tử Mercure đã được chuẩn bị từ khi còn nhỏ để lãnh cái thiên chức huy-hoàng nầy (cho mượn xác).   

        Đức Mahâgourou từ Bạch-Ngọc-Kinh (Shamballa) đến đây với một thể tinh vi và nhập vào xác của Mercure. Một đoàn người đông đảo vô cùng, khởi hành từ đền vua và đi về Thánh-Đường. Bên tay mặt, Vua đi dưới một cây tàn bằng vàng, bên trái, Đại Sư Sourya đi dưới một cây tàn khác, nhận ngọc sáng chói, và giữa hai Ngài là Hoàng-tử Mercure ngồi trên kiệu bằng vàng.

        Đoàn người dừng lại trước Thánh-Điện. Ba vị trọng yếu bước lên thang. Hoàng-tử đi giữa bây giờ là Đức Mahâgourou. Sourya tuyên bố rằng: “Người ở giữa đây không phải là Hoàng-tử nữa, mà là Sứ-giả của Đấng Tối-Cao, là Khâm Sai của Đức Hồng-Quân, từ Viễn-Đông đến. Với tư cách là Thủ-Lãnh Tôn-Giáo, tôi xin kính cẩn chào mừng Ngài !”

        Đức Mahâgourou, trong xác thể Hoàng–Tử, mới nói sứ mạng của Ngài là do lịnh Đức Hồng Quân (Seigneurs du Feu) giao phó. Ngài đem đến cho dân một biểu hiệu sẽ luôn luôn đánh thức Tâm-hồn họ. Ngài giải thích rằng: “Lửa trong sạch nhất trong các nguyên tố. Lửa tinh lọc tất cả mọi vật, và từ nay, Lửa là biểu hiệu của Đấng Tối-Cao. Lửa ẩn trong mặt trời, và nó cháy trong lòng người dầu không ai thấy. Lửa là sức nóng, là ánh sáng, là sự khương kiện và sức mạnh. Trong Lửa, nhờ Lửa mà vạn vật mới sống và hoạt động được. Ngài dạy mọi người phải nhận thấy Lửa ẩn trong vạn vật. . .” .

        Đoạn Ngài đưa bàn tay mặt lên, một cây Pháp-Lịnh ở đó, chiếu sáng tỏa ra khắp nơi. Ngài xây đầu cây Pháp-Lịnh qua hướng Đông và lớn tiếng đọc thần chú, tức thì trên Trời hiện ra một vừng lửa rộng và xẹt ngay trên bàn thờ, nơi có để sẵn củi, nhựa thông và hương trầm, một Ngôi Sao chiếu sáng trên đầu Ngài.

        Lúc đó các nhà sư và dân chúng đồng quì lạy. Sourya và Vua cũng tỏ lòng tôn kính, cúi mọp xuống chân Ngài.

        Đoàn người trở lại đền Vua và dân chúng lượm những bông hoa đã rơi xuống như mưa, sau khi ngọn lửa đi qua. Họ giữ gìn để làm di sản quí báu cho con cháu.

        Đức Mahâgourou ở lại trong châu thành một thời gian khá lâu; mỗi ngày Ngài đi đến Thánh-Điện để chỉ dạy các nhà sư. Ngài dạy cho họ biết rằng Lửa và Nước thanh lọc mọi vật, và không được làm cho nó hoen ố. Nước cũng được Lửa tinh lọc nó. Lửa và Nước là hai Linh-hồn. Lửa là sự Sống và nước là Hình dạng, và còn rất nhiều điều nữa.

        Qui tụ chung quanh Đức Mahâgourou là một nhóm Chơn Sư uy nghiêm và nhiều người kém hơn, ngày sau vẫn tiếp tục việc truyền bá Giáo-Lý của Ngài.

        Sự từ giả ra đi của Ngài cũng cảm động và lạ thường như hồi Ngài mới đến. Đứng trên một nóc nhà bằng, rộng rãi, Ngài dạy dân lần chót mà họ không biết: “Bổn phận con người phải lo mở kiến thức và thực hành lòng Từ-Thiện. Dân chúng phải tuân theo Sourya vì Sourya sẽ là Chưởng Giáo kế vị cho Ngài ! Ngài ban Ân-lành và đưa tay về  hướng Đông, hô một tiếng, tức thì một vầng Lửa  hiện ra bao quanh Ngài, rồi bay bổng lên và đi về hướng Đông. Ngài đã đi rồi.

        Hồn Mercure từ lâu, vẫn ở gần bên, nay nhập vô xác thân của mình, và ở đây yên ổn.

        Sau khi Đức Mahâgourou đi rồi, sự thờ Tinh-Tú cũng chưa dứt hẳn, nhưng tin: Lửa là Thiêng Liêng, tiêu biểu cho Mặt Trời. Lần lần sự thờ Lửa càng bành trướng mạnh mẽ ở xứ Perse (Cổ Ba-Tư), các vị Tiên-tri tiếp tục công nghiệp của Zoroastre và Hỏa-Giáo còn mãi mãi tới ngày nay.

(Còn tiếp tập 3)

TRÚC LÂM và TRI THIỆN

Tân Châu, ngày 10-9-1971.

 

 HOME T̀M HIỂU  NHẬP MÔN  sách  TIỂU SỬ   BẢN TIN   H̀NH ẢNH   thIỀN  BÀI VỞ  THƠ   gifts  TẾT 2006  QUEST  MAGAZINES