Không Tôn Giáo Nào Cao Hơn Chân Lý

 HOME TÌM HIỂU  NHẬP MÔN  sách  TIỂU SỬ   BẢN TIN   HÌNH ẢNH   thIỀN  BÀI VỞ  THƠ   gifts  TẾT 2006  NỮ THẦN ISIS

CHƯƠNG  VI

THỜI KỲ SƠ KHAI TRÊN DÃY HÀNH TINH TRÁI ĐẤT

Trích từ CON NGƯỜI: Từ đâu tới, Sinh hoạt ra sao và rồi sẽ Đi về đâu

(MAN: Whence, How and Whither)

Tác giả C. W. Leadbeater - Bản dịch www.thongthienhoc.com

CHƯƠNG  VI

THỜI KỲ SƠ KHAI TRÊN DÃY HÀNH TINH TRÁI ĐẤT

 

Trong khi đó Dãy trái đất dần dần được hình thành, như ta biết [[1]].

Các Nguyệt tinh quân trông nom việc kiến tạo nó; đã đến lúc chất lên tàu ra khơi đi tới Dãy hành tinh mới những người đầu tiên cần phải tiến hóa trên đó trong những thời đại sắp tới. Đức Chủng Bàn Cổ quyết định nội dung của mỗi chuyến tàu và ra lệnh cho nó khởi hành, còn Đức Căn Bàn Cổ phân bố các chuyến tàu khi chúng thành công cặp bến trên bầu hành tinh A của Dãy trái đất.

Ở đây ta có thể phác họa ngắn gọn về Chính phủ Huyền bí của Dãy hành tinh, mặc dù chỉ sơ lược thôi để cho học viên có thể ngộ ra được một điều gì đó về tầm mức vĩ đại của cơ tiến hóa mà mình đang khảo sát. 

Đứng đầu là Chủng Bàn Cổ của Dãy hành tinh trước kia tức Đức Chakshushas, ta đã thấy một điều gì đó về công trình vĩ đại của Ngài nơi Dãy Nguyệt tinh. Có nhiều Chức sắc trợ giúp ngài, báo cáo cho Ngài biết các thành viên của bất kỳ phân bộ đặc biệt nào đáp ứng được bao nhiêu với những ảnh hưởng mà Ngài tác động lên họ trong khi họ nhập vào cõi Niết Bàn Liên hành tinh. Cũng giống như kẻ kém tiến hóa nhất trong thời đại được biệt phái để hoàn thành nhiệm vụ cư ngụ trong những hình hài nguyên thủy nhất, còn kẻ tiên tiến hơn nối tiếp sau đó khi hình hài đã tiến hóa tới một mức cao hơn; cũng vậy xuất phát từ bất kỳ phân bộ đặc biệt nào được di tản từ Mặt trăng rồi tích trữ nơi cõi Niết Bàn Liên hành tinh, những kẻ nào tiến bộ chậm nhất do ảnh hưởng của Ngài trong thời gian tị nạn sẽ được biệt phái đi đầu tiên gia nhập vào lớp người chinh phục thế giới mới.

Đức Căn Bàn Cổ của Dãy trái đất là đấng Vaivasvata [[2]]; Ngài điều khiển toàn bộ thứ tự của cơ tiến hóa và là một Đắng cao cả xuất phát từ Dãy hành tinh thứ tư của hệ thống tiến hóa Kim tinh, hai trong những vị phụ tá của Ngài cũng xuất phát từ Dãy hành tinh ấy, còn vị phụ tá thứ ba là một bậc Cao đồ đã thành chánh quả vào buổi sơ khai của Dãy Nguyệt tinh [[3]].

Một Đức Căn Bàn Cổ của một Dãy hành tinh trước hết phải thành chánh quả trên dãy hành tinh mà Ngài đã từng làm người và trở thành một trong các tinh quân của nó; sau đó Ngài trở thành Bàn Cổ của một Giống dân rồi trở thành một Độc Giác Phật, rồi trở thành Đấng Chúa Tể thế gian rồi trở thành Căn Bàn Cổ và Chủng Bàn Cổ của một Cuộc tuần hoàn và chỉ lúc bấy giờ Ngài mới trở thành Căn Bàn Cổ của một Dãy hành tinh, Ngài điều khiển các vị Bàn Cổ của Cuộc tuần hoàn vốn phân chia công việc cho các Bàn Cổ của Giống dân. Hơn nữa mỗi Dãy hành tinh cũng cho tốt nghiệp được một số nhân vật đã thành chánh quả tức tinh quân của Dãy hành tinh, một số vị này tận tụy với công việc của Dãy hành tinh mới dưới quyền điều khiển của Đức Căn Bàn Cổ của nó.

Như vậy đối với Dãy hành tinh Trái đất ta thấy có bảy lớp Nguyệt tinh quân làm việc dưới quyền của Đức Căn Bàn Cổ của chúng ta, bảy lớp này tốt nghiệp từ bảy bầu của Dãy Nguyệt tinh; họ tạo thành một trong hai loại hình lớn các Đấng phò trợ từ bên ngoài vốn có liên quan tới việc dẫn dắt cơ tiến hóa tổng quát của Dãy hành tinh Trái đất. Loại hình quan trọng thứ nhì các Đấng Phò trợ từ bên ngoài là các Đấng mà ta gọi là Hỏa Đức tinh quân, các ngài giáng lâm từ Kim tinh, xuống bầu hành tinh thứ tư vào Cuộc tuần hoàn thứ tư, lúc giữa Căn chủng thứ ba để xúc tiến cơ tiến hóa trí tuệ, để thành lập Quần Tiên Hội trên trái đất và tiếp quản chính quyền của quả địa cầu. Chính ảnh hưởng ghê gớm của các Ngài đã làm thúc đẩy nhanh chóng mầm mống sinh hoạt trí tuệ khiến cho chúng bộc phát tăng trưởng tiếp theo sau một đợt ào xuống dữ dội thông qua Chơn thần của cái mà ta gọi là Làn Sóng Sinh hoạt thứ ba, tạo nên thể thượng trí, khiến cho Chơn ngã được khai sinh hoặc giáng lâm đối với những sinh linh nào từ giới động vật ngoi lên giới nhân loại. Sự đáp ứng của hằng hà sa số cư dân trên trái đất đối với biến cố ấy mang tính ngay tức khắc, đến nỗi đôi khi người ta bảo rằng các Ngài đã ‘ban cấp’ hoặc ‘phóng chiếu’ tia lửa trí tuệ; nhưng thật ra tia lửa chỉ được quạt lên thành ngọn lửa chứ không được phóng chiếu; bản chất của tặng phẩm này là việc làm cho phát triển nhanh chóng mầm mống vốn đã có sẵn nơi nhân loại sơ sinh, đó là tác dụng của tia nắng mặt trời đối với một hạt giống chứ không phải là việc cung cấp hạt giống [[4]].

Nhờ có các Hỏa Đức tinh quân cho nên quyền năng của THƯỢNG ĐẾ mới được tập trung vào các Chơn thần giống như các tia nắng mặt trời có thể được một thấu kính hội tụ lại, và nhờ ảnh hưởng ấy mà tia lửa tức điểm linh quang đáp ứng mới xuất hiện. Các Ngài chính là các Manasaputras chân chính, các Con trí tuệ vì các Ngài xuất phát từ Cuộc tuần hoàn thứ năm tức Cuộc tuần hoàn trí tuệ của Kim tinh cho nên các Ngài được gọi là Con của lửa, Hỏa Đức tinh quân [[5]].

Đức Căn Bàn Cổ phân phối bảy loại Nguyệt tinh quân ra khắp Dãy hành tinh trái đất, đảm nhiêm các Cuộc tuần hoàn và các bầu hành tinh trong khi các vị Bàn Cổ của các Giống dân đặc biệt chăm lo về cơ tiến hóa của các Gióng dân tức là một Căn chủng.

 

CUỘC TUẦN HOÀN THỨ NHẤT

 

Các Nguyệt tinh quân xuất phát từ bầu A, B và C của Dãy Nguyệt tinh là ba lớp người giám sát chứ không tham gia vào việc kiến tạo vật lý của các bầu hành tinh thuộc Dãy trái đất vì các bầu này lần lượt được tạo ra xung quanh Chơn linh của mỗi bầu mà ta đã mô tả trước kia [[6]]. Dường như họ giám sát công trình chi tiết của các Tinh Quân đến sau. Lớp thấp nhất xuất phát từ bầu G tạo ra các hình tướng nguyên mẫu bản sơ trên bầu A của Dãy trái đất trong Cuộc tuần hoàn thứ nhất rồi hướng dẫn nhóm Tuyến giáng lâm để lấp đầy các hình tướng ấy từ bầu F lại giám sát cơ tiến hóa của hình tướng trong Cuộc tuần hoàn thứ nhì; lớp xuất phát từ bầu E giám sát cơ tiến hóa tương tự trong Cuộc tuần hoàn thứ ba còn lớp xuất phát từ bầu D giám sát cơ tiến hóa tương tự trong Cuộc tuần hoàn thứ tư [[7]].

Hơn nữa chúng tôi thấy có một số Tinh quân xuất phát từ bầu E cũng hoạt động trên Hỏa tinh trong Cuộc tuần hoàn thứ tư, còn các Tinh quân xuất phát từ bầu D sau này mới hoạt động trên Trái đất.

Khi bắt đầu biệt phái những sinh linh đầu tiên thuộc cõi Niết Bàn Liên hành tinh thì chuyến tàu đầu tiên mang theo nhóm Tuyến cùng với đại đa số những con thú xuất phát từ bầu D của Dãy Nguyệt tinh; mỗi chuyến tàu nối tiếp nhau cách khoảng chừng 100 ngàn năm thế rồi luồng tiếp tế ấy ngưng lại tiếp theo sau là một thời kỳ bao la, trong khi đó những kẻ mới di cư, những kẻ tiên phong xung quanh lên Dãy hành tinh trái đất; theo đuổi cuộc hành trình dài của các Cuộc tuần hoàn thứ nhất và thứ nhì cũng như một phần Cuộc tuần hoàn thứ ba.

Thế giới lúc ấy thật kỳ lạ giống như những cuộn xoáy bị đánh nháo nhào lên, Trái đất vốn là vật rắn chắc nhưng lại nóng bỏng, đầy bùn lầy, dính xềnh xệch và nhiều phần lãnh thổ của nó dường như không bám chặc được vào đâu. Nó cứ sôi sùng sục và thay đổi độ dính kết liên tục; những thảm họa bao la nhận chìm đại đa số sinh linh thỉnh thoảng xảy ra một lần mà vào tình trạng phôi thai thì việc nhận chìm ấy cũng không có kết quả tồi tệ lắm, chỉ gia tăng và nhân bội lên các sinh linh sống dưới những hang động khổng lồ cũng giống như thể chúng sống trên mặt đất.

Cuộc tuần hoàn thứ nhất của Dãy Trái đất có các bầu hành tinh ở cùng mức với Cuộc tuần hoàn thứ bảy của Dãy Nguyệt tinh; Bầu A ở trên cõi thượng trí có một số vật chất hơi được kích hoạt một chút; bầu B ở trên cõi Hạ trí; bầu C trên cõi xúc động, bầu D trên cõi trần, bầu E lại ở trên cõi xúc động, bầu F ở trên cõi hạ trí, bầu G ở trên cõi thượng trí. Trong Cuộc tuần hoàn thứ nhì, toàn thể Dãy hành tinh giáng xuống một mức, có ba bầu ở trên cõi trần: G, D và E, tuy nhiên các sinh linh trên đó đều có hình tướng làm bằng chất dĩ thái giống như cái bao bánh bột, tạm mượn hình dung từ văn vẻ của Bà H.P. Blavatsky. Các bầu C và E mà nay ta gọi là Hỏa tinh và Thủy tinh vào thời ấy có vật chất của cõi trần nhưng ở trạng thái thể khí cháy bỏng.

Cơ thể con người trên Trái đất trong Cuộc tuàn hoàn thứ nhất giống như con a míp, giống như đám mây trôi nổi, hầu như bằng chất dĩ thái cho nên tị nhiệt, chúng sinh sôi nảy nở theo kiểu trực phân. Chúng dường như nối tiếp nhau thành các Giống dân nhưng không có từng kiếp lâm phàm riêng biệt, mỗi hình tướng chỉ kéo dài trong thời khoảng một Giống dân. Không có sự sinh ra và sự chết; chúng thừa hưởng tính bất tử giống như con a míp và được chăm sóc bởi các Nguyệt tinh quân đã đạt quả vị La hán trên bầu G. Có một số vật trôi nổi bằng chất dĩ thái có vẻ muốn ra sức mơ làm loài thực vật nhưng không được thành công lắm.

Loài khoáng vật ít nhiều rắn chắc hơn vì nó từ Mặt trăng, phần lớn là như mưa đá rớt xuống trái đất trong tình trạng chảy lỏng; nhiệt độ có lẽ vào cở 3.500 độ C. Vì đồng ở tình trạng hơi đồng và đồng bốc hơi trong lò điện ở nhiệt độ ấy. Ta thấy rõ có chất Silicon nhưng hầu hết các chất đều là tiền nguyên tố chứ chưa phải nguyên tố và dường như rất hiếm có những sự hòa hợp giống như ngày nay; bao quanh trái đất là những khối hơi khổng lồ chắn nhiệt cho nên trái đất nguội đi rất chậm. Ở vùng cực có loại đất bùn đang sôi sùng sục và nói chung nó cũng bị lắng đọng xuống để rồi sau vài ngàn năm sẽ xuất hiện một lớp váng màu xanh lục vốn là loài thực vật hoặc có lẽ nói cho chính xác hơn thì sau này nó sẽ trở thành loài thực vật.

 

CUỘC TUẦN HOÀN THỨ NHÌ

 

Trong Cuộc tuần hoàn thứ nhì thì nhiệt độ trên bầu D đã giảm đi đáng kể, đồng đã nguội đi và trở thành chất lỏng, có nơi trở thành chất đặc. Gần vùng Cực đã có đất liền, nhưng nếu ta đào lỗ thì lửa lại bùng lên giống như một số nơi ở hai bên cạnh của vùng hình nón Vesuvius. Đám tạo vật hình bao bánh bột dường như chẳng đếm xỉa gì tới nhiệt mà thản nhiên trôi bồng bềnh, nhắc ta nhớ tới hình dáng của những thương binh cụt giò và bộ quân phục được cắt may xung quanh thân hình; một cơn gió thổi tạo ra một sự đánh dấu răng cưa, nó từ từ được lấp đầy trở lại giống như thịt của một người bị bệnh thủy thủng; phần trước của tạo vật ấy có một miếng để mút mà nó dùng để lùa thức ăn vào trong mình, nó bám lấy nhau và mút lấy mút để dường như thể mút một cái trứng qua một cái lỗ thủng nối vỏ trứng khiến cho kẻ bị mút bị chảy xệ ra rồi chết; ta lưu ý thấy có một cuộc đấu tranh trong đó mỗi bên cắm chặt miệng mút vào bên kia rồi mút lấy mút để. Chúng có một loại tay chân lả lướt giống như tay chân của một con hải cẩu, chúng biết tạo ra một tiếng động giống như tiếng kèn líu lo nghe vui tai để biểu diễn sự khoái lạc – khoái lạc nói chung là một loại cảm thấy dễ chịu còn đau đớn nói chung là khó chịu chứ không đến nỗi đau buốt, chỉ hơi hơi thích thú và không thích thú. Da chúng đôi khi có hình răng cưa và có nhiều sắc thái. Về sau này chúng tương đối ít vô định hình hơn và mang hình người nhiều hơn, bò lê trên mặt đất giống như những con sâu. Mãi về sau này ở gần vùng Bắc cực trên mỏm đất ở đó, các tạo vật này mới phát triển ra tay và chân, mặc dù vẫn không thể đứng thẳng được và đã thông minh hơn nhiều. Người ta quan sát thấy một Nguyệt tinh quân – một vị La hán đã thành chánh quả trên bầu F của Dãy Nguyệt tinh, ngài từ điển hóa một hòn đảo và chăn dắt một đám tạo vật trên đó, nhắc ta nhớ tới những con hải ngưu hoặc cá heo mặc dù chưa có cái đầu rõ rệt; ngài dạy cho chúng biết gặm cỏ thay vì mút lẫn nhau và khi chúng mút lẫn nhau thì chúng biết chọn bộ phận này để mút hơn bộ phận kia dường như thể đã phát triển dược vị giác. Cái chỗ lõm dùng làm miệng mút đâm sâu hơn thành ra một loại cái phễu và có một cái bao tử bắt đầu phát triển, nó nhanh chóng lộn từ trong ra ngoài nếu có chất lạ nào lọt vào bao tử mà nó không ưa. Các sinh vật này lộn ngược từ trong ra ngoài mà dường như chẳng nảy ra điều gì tồi tệ. Bề mặt trái đất vẫn còn rất bấp bênh, đôi khi chúng cũng bị bỏng hoặc cháy xém một phần; dĩ nhiên chúng chẳng thích như vậy, và nếu tình trạng diễn biến tồi hơn thì chúng cũng bị suy sụp. Bầu khí quyển nặng nề khiến cho phương pháp di chuyển thông dụng của chúng là trôi nổi và thấy vậy chứ còn dễ chịu hơn khi chứng kiến chúng oằn oại trên mặt đất khiến ta nhớ tới những con sâu róm dễ sợ. Việc sinh sôi nảy nở là bằng cách đâm chồi, một khối u xuất hiện tăng trưởng, một lúc sau thì nó bị ngắt rời để sống một kiếp độc lập.

Trí thông minh của chúng y như con nít, người ta thấy có một sinh vật rút mỏ vào con bên cạnh tính mút và khi mút hụt mục tiêu đã mút trúng phần ở bên dưới của chính mình rồi cứ tiếp tục khoái chí mút đi mút lại cho đến lúc có lẽ là đến lúc hết hứng thú thì lại nhả chính mình ra. Có một sinh vật đồng loại lăn bộ phận bên dưới của mình trong bùn rồi nổi lên thẳng đứng thay vì nằm sóng soài và có vẻ rất hảnh diện về bản thân. Dần dần thì cái đầu mút có chứa cái phễu cũng bị thuôn thuôn đi khá nhiều và có một trung tâm nho nhỏ xuất hiện trong đó để rồi trong những thời đại vị lai xa xăm, nó có thể trở thành bộ óc. Có một khối u nhỏ xuất hiện tạo ra thói quen đi chúi về phía trước với khối u chỉa ra dường như mang theo cái miệng khiến cho các tác động thường xuyên ảnh hưởng lên miệng xúc tiến việc phát triển.

 Trong thời kỳ này đời sống thực vật cũng phát triển và được trợ giúp bởi bầu khí quyển nặng nề khó thở; rừng rú cũng phát triển nhưng rất giống thảo nguyên cao tới 40 bộ Anh và cũng rậm rạp tương ứng. Chúng mọc ở dưới bùn lầy ấm áp và cực kỳ hưng thịnh.

Vào lúc cuối thời kỳ này thì một số vùng của trái đất đã hoàn toàn rắn chắc và chỉ hơi âm ấm thôi. Có nhiều đường nứt chằng chịt, xét theo biểu kiến là do trái đất bị co rút lại và mỗi ngọn đồi là một núi lửa đang hoạt động.

Hỏa tinh trở nên rắn chác hơn, nguội đi nhanh hơn vì kích thước nó nhỏ hơn nhưng sự sống trên Hỏa tinh rất giống sự sống trênTrái đất.

 

CUỘC TUẦN HOÀN THỨ BA

 

Trong Cuộc tuần hoàn thứ ba, Hỏa tinh hoàn toàn rắn chắc và một số con thú bắt đầu phát triển, mặc dù thoạt tiên trông chúng khá giống như những khúc gỗ cồng kềnh, những lọn gỗ đã được cưa xẻ. Chúng nhắc ta nhớ tới những bức phác họa mà trẻ con vẽ ra khi chưa học vẽ; nhưng theo thời gian có những sinh linh rõ rệt là người, mặc dù giống khỉ đột hơn là giống người.

Địa hình lúc bấy giờ khác hẳn địa hình của Hỏa tinh mà ta biết hiện nay. Không có vấn đề nước vì khoảng chừng 3/4 bề mặt là nước và chỉ có1/4 là đất liền. Vì thế cho nên không có kênh đào như ngày nay và tình hình vật lý nói chung rất giống như tình thế hiện nay trên Trái đất.

Những người bắt đầu bằng sự biểu lộ tuyến tính của thể thượng trí vào lúc này đã phát triển được một dạng Rỗ lưới thô sơ mà chúng tôi nhận thấy thô thiển hơn dạng Rỗ lưới đã được phát triển trên Mặt trăng. Khi đã đạt tới giai đoạn này thì nhóm Rỗ lưới trên Mặt trăng bắt đầu tràn vào và những chuyến tàu ấy lại được Đức Chủng Bàn Cổ gửi đi tới Trái đất.

Khi xem xét cõi Niết bàn Liên hành tinh để truy nguyên việc nhóm Rỗ lưới giáng lâm xuống Hỏa tinh, chúng tôi đạt tới một điều thú vị. Những cái kệ để chứa những củ giống ấy rõ ràng làm bằng vật chất cõi Thượng trí; nhưng các củ giống được mang theo trong hào quang của Đức Chủng Bàn Cổ phải được đưa ngang qua cõi tinh thần cho nên Rỗ lưới làm bằng vật chất trí tuệ ở Mặt trăng phải bị tan rã và cần được tái tạo trở lại trước khi các thực thể này bắt đầu đời sinh hoạt trên trái đất. Chúng ắt ngủ im hằng thời đại trên cõi tinh thần để rồi lại khoác lấy Rỗ lưới, làm bằng vật chất trí tuệ tương đương trên trái đất. Giữa các Dãy hành tinh không có sự liên tục về chất trí tuệ. Cố nhiên ta có thể bỏ qua khoảng cách vì Dãy địa cầu chiếm cùng một vị trí trong không gian so với Dãy Nguyệt tinh nhưng, sự không liên tục về vật chất trí tuệ khiến ta cần phải làm phân rã rồi tái tổ hợp những thể thượng trí dạng Rỗ lưới.  

Chúng tôi thấy một Đức Bàn Cổ ghé thăm Hỏa tinh với một chuyến tàu gồm nhóm Rỗ lưới nhắc chúng tôi nhớ tới những câu chuyện trong Kinh Puranas của Ấn Độ băng qua đại dương trong một chiếc tàu mang theo hạt giống của một thế giới mới cũng như những câu chuyện ghi chép lại về ông Noah của dân Hebrew, bảo tồn trong chiếc bè tất cã những gì cần thiết để cho Trái đất có trở lại cư dân sau trận lụt. Các huyền thoại được bảo tồn trong các Kinh điển của tôn giáo thường là những câu chuyện bao hàm những điều ghi chép về quá khứ, và Đức Bàn Cổ quả thật có giáng lâm xuống Hỏa tinh để ban một xung lực mới cho cơ tiến hóa. Khi đến Hỏa tinh Ngài lập nên một kiều dân gồm những người thuộc nhóm Rỗ lưới ở nơi ấy.

Khi truy nguyên nhóm người đặc biệt này tức là nhóm đầu tiên thuộc loại Rỗ lưới đến Dãy hành tinh Trái đất, chúng tôi thấy rằng họ xuất phát từ bầu G của Dãy Nguyệt tinh, và đã trở thành nhóm Rỗ lưới ở trên đó. Họ là nhóm kém tiến hóa nhất trong tập thể nhóm Rỗ lưới vì là nhóm cuối cùng đạt tới trình độ này; Đức Bàn Cổ hướng dẫn họ sinh trưởng trong những gia đình đầy triển vọng nhất thuộc Giống dân thứ ba trên Hỏa tinh và khi họ trưởng thành thì ngài dẫn họ đi tới vùng mà họ trở thành kiều dân nơi họ nhanh chóng phát triển thành ra dân số của Giống dân thứ tư. Ở vùng kiều dân này thiên hạ di chuyển theo một ý chí trung tâm giống như những con ong trong một tổ ong, ý chí trung tâm ấy là của Đức Bàn Cổ; ngài phóng ra những thần lực để điều khiển tất cả. Hai nhóm Rỗ lưới khác giống như loài ong dã đến với Hỏa tinh, những nhóm này đạt tới trình độ ấy trên bầu E và F của Dãy Nguyệt tinh; họ đến nơi theo thứ tự ngược lại với thứ tự rời Mặt trăng, những người xuất phát từ bầu F tạo thành Giống dân thứ tư trên Hỏa tinh, còn những người xuất phát từ bầu E tạo thành Giống dân thứ năm. Họ phát triển một số tình cảm và trí thông minh nhờ sự chăm sóc bảo dưỡng của Đức Bàn Cổ; thoạt tiên sống trong hang động, chẳng bao lâu sau họ bắt đầu biết xây nhà và dạy cho thổ dân ở đó xây nhà dưới quyền của mình, ngay cả ở mức tiến hóa này thì nhóm Rỗ lưới đã thành những kẻ chỉ huy.

Những người này vốn thư hùng lưỡng tính, nhưng một giới tính này thường phát triển nhiều hơn giới tính kia và cần có hai cá thể để sinh sôi nảy nở. Các dạng sinh dục khác cũng tồn tại trong loại người thấp kém và có một số người phôi thai thuộc loại hải xà sinh sôi nảy nở bằng cách đâm chồi và những người khác bằng cách rịn mồ hôi ra trong khi một số khác lại có trứng. Nhưng các cách sinh sản này không có trong đám Rỗ lưới.

Trong Giống dân thứ năm, trật tự xã hội đã thay đổi vì người ta phát triển trí thông minh nhiều hơn; hệ thống đàn ông biến mất, nhưng chúng vẫn có chút ít cá tính và đúng hơn di chuyển thành từng bầy đàn do Đức Bàn Cổ chăm sóc. Những Rỗ lưới được đan bện kín mít hơn và biểu diễn điều có thể thực hiện qua sự sống đang phát triển nơi những kẻ chủ yếu là thân lập thân, không được trợ giúp do sự kích thích lớn lao trong Cuộc tuần hoàn thứ tư nhờ vào các Hỏa Đức Tinh quân. Loại người di chuyên theo bầy đàn đa số vẫn còn được đại diện trong đám chúng ta qua những người bám lấy những ý tưởng bảo thủ theo qui ước bởi vì người khác cũng bám lấy chúng và họ hoàn toàn bị bà Grundy khống chế. Đây thường là những người rất tốt, nhưng ngoan ngoãn như bầy cừu và có tính bầy đàn, họ sống đơn điệu dễ sợ. Trong nhóm họ cũng có sự khác nhau nhưng đó là sự khác nhau giữa những người mua trà thơm từng 1/4 cân Anh hoặc theo từng ounce mà chỉ có họ mới nhận ra được.

Ta quan sát thấy có loại Rỗ lưới dữ tợn, không sống trong cộng đồng mà đi lang thang trong rừng rậm thành từng cặp, đầu họ trút lên thành một điểm ở phía đằng sau khớp với cái cằm ở phía đằng trước và đầu họ tận cùng bằng hai điểm trông thật kỳ cục và chẳng hấp dẫn chút nào. Họ chiến đấu bằng cách húc đầu vào nhau như những con dê đỉnh đầu có xương rất cứng. Cũng có một loại còn thấp hơn nữa là loài bò sát kỳ lạ sống trên cây. Chúng to con hơn loại Tuyến nhưng kém thông minh hơn nhiều và khi có cơ hội là ăn thịt nhóm Tuyến.

Trên Hỏa tinh cũng có một số con thú ăn thịt; ta thấy một con thú khổng lồ giống như cá sấu kịch liệt tấn công một người, y cầm cây chùy xông vào nó nhưng đây dường như là một vũ khí không hiệu lực lắm. Song le y vấp vào một tảng đá cho nên rơi tõm vào hàm con thú, thế là sớm đi đời nhà ma.

Cuộc tuần hoàn thứ ba trên Trái đất rất giống ở trên Hỏa tinh, thiên hạ nhỏ con hơn và rắn chắc hơn, nhưng theo quan điểm hiện nay của chúng ta thì loài người vẫn còn khổng lồ và giống như khỉ đột. Đa số nhóm Rỗ lưới xuất phát từ bầu D thuộc Dãy Nguyệt tinh đã đến Trái đất trong Cuộc tuần hoàn này và lãnh đạo cơ tiến hóa của loài người; nhóm Rỗ lưới xuất phát từ Hỏa tinh bị tụt hậu so với nhóm kia và toàn bộ giống như những con khỉ đột khá thông minh. Loài thú có rất nhiều vảy và ngay cả những tạo vật mà ta gọi là chim thì cũng có nhiều vảy hơn là lông vũ; tất cả đều dường như làm bằng một lố những mảnh vụn được ghép vào nhau nửa chim nửa bò sát trông chẳng hấp dẫn chút nào. Thế nhưng trái đất vẫn còn hơi giống một thế giới hơn là các bầu hành tinh trước kia, thật vậy giống hơn bất cứ bầu hành tinh nào mà chúng ta chứng kiến từ khi rời Mặt trăng để rồi kiến tạo những đô thị sau này. Công việc của các Nguyệt tinh quân – trong Cuộc tuần hoàn này, họ là những vị La hán xuất phát từ bầu E – giống như viên huấn luyện những con thú nhiều hơn là viên dẫn dắt loài người tiến hóa. Nhưng ta có thể lưu ý thấy rằng có thể nói là họ hoạt động theo từng tiểu đội với những thể xác khác nhau và những thể tinh vi khác nhau. Cảnh thứ ba của các cõi hồng trần; trung giới và trí tuệ đặc biệt phát triển, còn những loa tuyến của các nguyên tử trên những cảnh này lại được khơi hoạt [[8]] .

Các phương pháp sinh sôi nảy nở trên trái đất trong Cuộc tuần hoàn thứ ba là những phương pháp hiện nay chỉ hạn chế cho các giới hạ đẳng trong thiên nhiên. Trong các giống dân thứ nhât và thứ nhì vẫn chưa hoàn toàn rắn chắc thì sự trực phân vẫn còn xảy ra, nhưng trong Giống dân thứ ba trở đi thì các phương pháp như sau: nảy mầm ra, giống như loài rắn biển nơi nhóm sinh vật có tổ chức kém cõi hơn; xuất tiết các tế bào từ những cơ quan khác nhau trong cơ thể, nó sinh sản ra những cơ quan tương tự rồi tăng trưởng thành một bản sao tí hon của sinh vật tổ phu; đẻ trứng và con người phôi thai phát triển bên trong đó. Đây là nhóm thư hùng lưỡng tính và dần dần một giới tính chiếm ưu thế, nhưng chẳng bao giờ đủ mạnh để biểu diễn dứt khoát là phái nam hay phái nữ.

Việc làn sóng sinh hoạt di chuyển từ bầu này sang bầu khác vốn từ từ và có sự chồng chéo đáng kể; ta nên nhớ rằng bầu A của Dãy trái đất bắt đầu hình thành khi bầu A của Dãy Nguyệt tinh đang tan rã, việc Chơn linh của bầu xuất ra là dấu hiệu của sự chuyển đổi hoạt động [[9]].

Như vậy hoạt động sống vốn liên tục mặc dù các chơn ngã có thời gian nghỉ ngơi lâu dài. Một bầu chuyển sang giai đoạn hoại không khi THƯỢNG ĐẾ không còn chú tâm tới nó nữa và do đó Ánh sáng của Ngài được triệt thoái. Nó chuyển sang một loại hôn mê và chỉ còn lại tàn dư của các sinh linh; trong thời kỳ này số lượng các sinh linh ấy dường như không tăng lên. Nhưng khi các Giống dân đã bị diệt vong, các Chơn ngã cư ngụ nơi các giống dân ấy đã chuyển đi hết thì bầu hành tinh trở thành môi trường cho cuộc Nội Tuần hoàn, là nơi chốn mà các chơn ngã trong trạng thái chuyển tiếp có thể được di dời đến đó nhằm làm tăng trưởng nhanh chóng cơ tiến hóa theo kiểu săn sóc đặc biệt. Bầu hành tinh mà Đức THƯỢNG ĐẾ lại chú ý tới bắt đầu sinh hoạt, để rồi tiếp nhận các luồng Chơn ngã sẵn sàng tiến bước trên cuộc hành hương.

Có một điều khác nữa mà ta cần lưu ý là sự hồi qui của các loại hình ở mức tiến hóa cao hơn, trong đó chúng chỉ tạo thành những giai đoạn chuyển tiếp. Cũng giống như sự phát triển phôi thai con người thời nay, có xuất hiện các loại hình cá, bò sát và động vật hữu nhũ hạ đẳng vốn lập lại trong vài tháng sự tiến hóa a tăng kỳ kiếp trong quá khứ; cũng vậy trong mỗi Cuộc tuần hoàn ta thấy rằng có một thời kỳ lập lại xảy ra trước thời kỳ tiến bộ mới thêm. Cuộc tuần hoàn thứ ba triển khai tỉ mỉ và cần mẫn những gì Giống dan thứ ba trong Cuộc tuần hoàn thứ tư sẽ mô phỏng lại một cách tương đôi nhanh chóng, trong khi Giống dân thứ nhì cũng được phản ảnh tương tự nơi Cuộc tuần hoàn thứ nhì, và Giống dân thứ nhất được phản  ảnh hai nơi Cuộc tuần hoàn thứ nhất. Một khi ta lĩnh hội được nguyên tắc chung thì việc nghiên cứu trở nên dễ dàng hơn vì bức phác họa đã rõ ràng chỉ cần điền thêm vào những chi tiết thích hợp.

 



[[1]] Xem phần trước kia trang 65.

[[2]] Ta không được lẫn lộn Đức Căn Bàn Cổ Vaivasvata với Đức Bàn Cổ Vaivasvata của Căn chủng Aryen. Đức Căn Bàn Cổ là một Đấng cao cả hơn nhiều mà ta thừa hiểu theo phát biểu về cơ tiến hóa dài dằng dặc của Ngài ngay trong đoạn này.

[[3]] Ta phải nhớ rằng khi một người đã thành chính quả trên Dãy hành tinh mà mình tiến hóa ở đó thì ngài có thể ở lại trên đó tiếp tục tiến hóa thêm nữa trên cương vị là một Cao đồ, hiện nay trên bầu hành tinh của ta, Ngài có thể đạt tới quả vị cao hơn trong Quần Tiên Hội mà không cần rời bỏ trái đất.

[[4]] Giáo Lý Bí Truyền quyển III trang 560, ấn bản năm 1897, quyển V trang 533 ân bản Adyar.

[[5]] Trong Giáo Lý Bí Truyền các thuật ngữ Manasaputras chẳng những được dùng để chỉ các Đấng này mà còn được dùng để chỉ mọi Chơn ngã đã đủ tiên tiến để kích hoạt mầm mống trí tuệ nơi các sinh linh khác, giống như hiện nay ta có thể kích thích trí khôn của loài vật. Như vậy thuật ngữ này bao gồm một lớp sinh linh lớn lao thuộc đủ mọi trình độ tiến hóa.

[[6]] Xem phần trước trang 65..

[[7]] Mọi lớp này đều được bao hàm bằng tên gọi Barhishad Pitris trong  Giáo Lý Bí Truyền.

[[8]] Xem phần trước, trang 32.

[[9]]  Xem phần trước, trang 65.


 HOME TÌM HIỂU  NHẬP MÔN  sách  TIỂU SỬ   BẢN TIN   HÌNH ẢNH   thIỀN  BÀI VỞ  THƠ   gifts  TẾT 2006  NỮ THẦN ISIS