Không Tôn Giáo Nào Cao Hơn Chân Lý

 HOME TÌM HIỂU  NHẬP MÔN  sách  TIỂU SỬ   BẢN TIN   HÌNH ẢNH   thIỀN  BÀI VỞ  THƠ   gifts  TẾT 2006  NỮ THẦN ISIS


MỘT BUỔI DIỄN THUYẾT

Trích Ần Diện Của Sự Vật

Tác giả C. W. Leadbeater

MỘT BUỔI DIỄN THUYẾT 

Trong chương trước chúng ta đã khảo sát ảnh hưởng của việc đi lễ nhà thờ. Bây giờ chúng ta hãy xem khía cạnh bên trong khi tham dự một buổi diễn thuyết, một cuộc họp chính trị, một buổi chiêu hồn, một cơn bừng dậy tôn giáo.

Trong những hình thức kích động thì diễn thuyết là một hình thức nhẹ nhàng nhất mặc dầu nó còn tùy đề tài. Thông thường, nhóm cử tọa buổi diễn thuyết rất ít đồng nhất hơn nhóm giáo dân trong nhà thờ. Những người cùng chấp nhận một tín ngưỡng thường có nhiều điểm trọng hệ giống nhau, trong khi đó những người thích nghe diễn thuyết một đề tài đặc biệt nào đó thì thuộc về nhiều tầng lớp khác nhau, đủ mọi mẫu người khác nhau. Tuy nhiên tạm thời họ có một mối liên kết chung là cùng quan tâm vào một đề tài đặc biệt, do đó dầu tâm trí họ khác nhau nhưng tạm thời cũng có một phần chung cùng hoạt động trong mọi người, tạo nên một vẻ điều hòa bên ngoài nào đó.

 Vì hội viên Thông Thiên Học thường diễn thuyết và cố gắng duy trì liên tục, nên họ không nên xao nhãng khía cạnh trên và còn phải ghi nhận rằng nếu người thuyết trình muốn tác động hiệu quả lên thể trí của cử tọa, trước tiên y phải có một ý niệm xác định biểu lộ trong thể trí của y. Khi y nhiệt thành nghĩ đến những phần khác nhau của đề tài và cố gắng trình bày trước thính giả, thì y đang cấu tạo một loạt hình tư tưởng - những hình tư tưởng rất mạnh mẽ vì có nỗ lực trong đó.

 Y có một cơ hội tốt đẹp vì thính giả đang ở trong tình trạng rất thụ cảm. Họ đã chịu khó để đến nghe một đề tài đặc biệt vì thế chúng ta nên cho rằng họ đang sẵn sàng nghe. Nếu trong những tình trạng thuận lợi như thế mà y thất bại, đó là vì tư tưởng của chính y không đủ rõ ràng. Một hình tư tưởng vụng về không xác định chỉ tạo được một ấn tượng yếu ớt với rất nhiều khó khăn. Hình tư tưởng rõ ràng bắt buộc những thể trí của khán giả phải cố gắng tạo lại nó. Hình ảnh lập lại nầy chắc chắn không rõ ràng và hoàn toàn như hình tư tưởng nguyên thủy, tuy nhiên nếu đường nét của nó sắc cạnh thì nó sẽ chuyển được quan niệm của diễn giả. Còn hình tư tưởng đầu tiên mà lu mờ thì các thể trí ấy chỉ sao lại được những hình ảnh không thể nào nhận ra được.

Đôi khi người thuyết trình nhận được một sự giúp đỡ bất ngờ. Chính sự miên man suy nghĩ một đề tài đặc biệt mà y gây chú ý cho một thực thể vô hình tình cờ thích đề tài ấy, và số thính giả trên cõi trung giới còn nhiều hơn ở dưới trần nữa. Nhiều người đến chỉ để nghe như người trần, nhưng thỉnh thoảng có người còn rành rẽ về vấn đề hơn cả người thuyết trình. Trong trường hợp đó, đôi khi y tham dự bằng cách đưa ra những gợi ý hay những lời chú giải. Chúng đến với diễn giả qua nhiều cách thức. Nếu y có nhãn thông, y sẽ thấy người giúp đỡ y; và những ý tưởng mới, những hình ảnh sẽ được vật chất hóa bằng những chất thanh mịn trước mắt y. Nếu y không có nhãn thông thì có thể người giúp đỡ cần phải in những ý tưởng nầy vào bộ óc của y - trong trường hợp nầy y cho rằng chúng là của chính y. Đôi khi người giúp đỡ không phải là một nhân vật không còn thể xác, hay đúng hơn là chỉ xuất vía tạm thời; đó là một trong những công việc mà các vị giúp đỡ vô hình thường làm.

 Trong vài trường hợp, chơn nhơn của người thuyết trình tự biểu lộ trong vài cách thức cụ thể lạ lùng. Thí dụ tôi có nghe một diễn giả đại tài hiện còn sống nói rằng trong khi bà đang thuyết trình một câu, bà thường thấy câu kế tiếp đã hiện ra trong khoảng không khí trước bà dưới ba dạng khác nhau để bà tự ý chọn dạng nào tốt nhất theo bà. Đây hẳn là công việc của chơn nhơn mặc dầu người ta dễ dàng nhận thấy tại sao chơn nhơn dùng phương pháp thông tin đó vì nói cho cùng thì chính chơn nhơn đã thuyết trình xuyên qua một cơ quan vật chất. Mới trông qua thì có vẻ dễ cho chơn nhơn tự chọn lấy một hình thức và chỉ cần in nó vào một vật chất thấp hơn rồi sau đấy hoặc là nó sẽ trực tiếp đi đến bộ óc hoặc là nó sẽ hiện ra trong không khí.

 Trở về diễn giả và thính giả, chúng ta nhận thấy rằng các thính giả cũng có thể giúp ích rất nhiều cho diễn giả lúc thuyết trình. Đôi khi các hội viên lớn tuổi cho rằng mình không cần đi họp chi bộ vào một buổi nào đó nếu họ đã thông suốt đề tài thuyết trình. Khó có sự thông suốt đầy đủ một giáo lý Thông Thiên Học nào. Nhưng dẫu chấp nhận y có thể thông suốt đầy đủ đi nữa, thì sự hiện diện của y cũng không phải là vô ích, mà trái lại, càng có ích lợi hơn nữa. Bởi vì y biết đề tài một cách thông suốt nên y có thể tạo các hình tư tưởng minh bạch mạnh mẽ cho những lời thuyết minh khác nhau. Nhờ vậy y có thể giúp đỡ người thuyết trình rất nhiều trong việc in khắc những điều mà người thuyết trình muốn chuyển đạt đến cử tọa. Số người hiểu rõ đề tài tham dự càng nhiều thì những người mới càng dễ dàng có được một quan niệm chính xác hơn. Vì thế người thuyết trình được giúp đỡ đặc biệt nhờ sự hiện diện của những người thông hiểu y. Y cũng có thể được giúp đỡ hay ngăn cản rất nhiều bởi thái độ chung của thính giả. Phần nhiều thái độ ấy là thân thiện vì đa số người đến tham dự vì thích thú về đề tài và muốn học hỏi đôi điều. Tuy nhiên đôi khi có người đến vì thích phê bình và sự hiện diện của họ cũng có lợi mà thôi.


 HOME TÌM HIỂU  NHẬP MÔN  sách  TIỂU SỬ   BẢN TIN   HÌNH ẢNH   thIỀN  BÀI VỞ  THƠ   gifts  TẾT 2006  NỮ THẦN ISIS