|
HOME TÌM HIỂU NHẬP MÔN sách TIỂU SỬ BẢN TIN HÌNH ẢNH thIỀN BÀI VỞ THƠ gifts TẾT 2006 NỮ THẦN ISIS
|
Tủ sách Adyar
Tập sách số 56
KHOA HỌC HIỆN ĐẠI VÀ CHƠN NGÃ
(Modern Science and the Higher Self)
Tác giả: Annie Besant
|
|
Việc kết hợp hai cụm từ - một đằng nhà Khoa học Hiện đại còn một đằng là Chơn Ngã - có thể khiến cho một số bạn cảm thấy kỳ lạ và thậm chí không thích hợp; bởi vì theo đầu óc nói chung thì những ý niệm của Khoa học Hiện đại và của Chơn Ngã cách xa nhau đến nỗi kết hợp chúng lại dường như thể có liên quan mật thiết với nhau ắt có vẻ là bất thường và kỳ quặc. Thế nhưng tôi thiết tưởng khi ta tiếp tục, thì tôi có thể cho bạn thấy là hai sự việc này - một đằng hiện đại nhất còn một đằng cổ truyền nhất, tức là tư tưởng Âu Mỹ hoạt động theo cách liên tục thí nghiệm và tư tưởng của Á Đông hoạt động theo cách mưu tìm khoa học về Tâm thức Cao siêu và ghi nhận bằng chứng của nó - thời nay cả hai thứ này đã được tiếp xúc với nhau chặt chẽ, sao cho chúng có thể góp phần củng cố lẫn nhau, có thể được coi là phục vụ cho một chính nghĩa chung chứ không phải là những ý tưởng đối nghịch, tương kỵ. Trong suốt bài thuyết trình chiều nay, tôi muốn cho các bạn thấy Khoa học Hiện đại rõ ràng cũng công nhận Chơn Ngã, giữa khoa học Á Đông và khoa học Âu Mỹ (vốn có các phương pháp mâu thuẫn nhau) vẫn có sự đồng thuận và có cả đống bằng chứng, mà các nhà khoa học Âu Mỹ thu thập được để ta có thể trích dẫn, chứng minh khoa học về Chơn Ngã được công nhận, có tồn tại một Jīvātmā, một Tinh thần sống động, một trí tuệ sống động nơi con người và Tinh thần ấy tìm được một công cụ vốn bất toàn để biểu hiện qua thể xác con người. Tôi muốn cho bạn thấy ngày nay Khoa học Hiện đại đang quay mặt theo một chiều hướng khác với chiều hướng mà nó quay về cách đây chừng 20 - 30 năm; tôi muốn cho bạn thấy ở Âu Mỹ đang có một ý tưởng tăng trưởng, theo đó ý thức tỉnh táo nơi con người chẳng qua chỉ là một mảnh nhỏ của chơn nhơn, vốn là con người siêu việt được thể xác, con người vĩ đại hơn tâm trí và ý thức tỉnh táo; có bằng chứng đang từng ngày một xuất hiện đầy đủ từ những địa hạt bất ngờ nhất, cho thấy tâm thức con người lớn hơn và viên mãn hơn hẳn so với ý thức biểu hiện thông qua óc phàm. Ý niệm về một tâm thức lớn hơn ý thức tỉnh táo về đạo đức nơi con người, ý thức mà cho đến nay khoa Tâm lý học hiện đại vẫn công nhận; điều này chẳng những được gợi ý mà bây giờ còn bắt đầu được Khoa học Hiện đại Âu Mỹ công nhận. Đó là lý do ta kết hợp hai cụm từ Khoa học hiện đại và Chơn Ngã lại với nhau.
Bây giờ tôi xin định nghĩa tôi ngụ ý gì khi nói Chơn Ngã. Tôi không dùng cụm từ này theo nghĩa nghiêm túc chuyên môn mà các bạn thấy trong kho tài liệu Thông Thiên Học, nghĩa là Jīvātmā nơi con người. Tôi đang dùng nó để chỉ toàn bộ biểu hiện của Jīvātmā ấy vượt trên thể xác. Tôi đang dùng nó để chỉ mọi thứ siêu việt được ý thức của bộ óc và thấy bộ óc quá thô trược cho nên không đủ là công cụ để biểu hiện nó. Tóm lại tôi đang dùng nó với hàm ý là điều thường được gọi bằng thuật ngữ tâm thức rộng lớn hơn. Nếu ta có thể dứt khoát chứng tỏ rằng khoa học thực nghiệm đã công nhận tâm thức con người mạnh mẽ hơn, năng động hơn, linh hoạt hơn ý thức hoạt động qua óc phạm, nếu ta có thể chứng tỏ sự tồn tại của các cõi còn cao hơn nữa, thì ta ắt nhập vào con đường đưa tới các cõi vô hình cao nhất. Ta leo lên từng bước một nhìn thấy tâm thức rộng lớn hơn càng ngày bộc lộ ra, trải dài qua một khoảng bao la cho đến khi cuối cùng ta đạt tới cái mà mọi người ở khắp nơi đều luôn luôn có hoài bão, cho đến khi chứng minh được các hoài bão tinh thần của con người. Đó là sự hứa hẹn bành trướng vô hạn vốn ở nơi địa hạt điều tra về tâm thức con người. Vậy thì ngành Khoa học Hiện đại đặc thù bước vào tiếp xúc với Khoa học Cổ truyền chính là khoa Tâm lý học. Tâm lý học dưới dạng hiện đại leo từ dưới thấp lên con đường thực nghiệm, đến tiếp xúc với khoa học tâm lý cổ truyền của Á Đông; đây là một khoa học từ cổ đại xa xăm trong khi tâm lý học hiện đại là một khoa học ấu trĩ ở Âu Mỹ. Chẳng phải Âu Mỹ không có Tâm lý học; vào thời Trung cổ và vào những thế kỷ xảy ra trước đó vẫn có tâm lý học nhưng ngày nay đã bác bỏ khoa tâm lý ấy. Điều này khiến cho nếu ta lùi lại chừng 30 hoặc 40 - 50 năm thì ta ắt thấy đại biểu của tư tưởng gia Âu Mỹ minh định rằng không một khoa Tâm lý nào có thể được gọi là lành mạnh nếu không dựa trên khoa Sinh lý học.
Phương pháp nội quan, tức quan sát những diễn trình tâm trí của chính mình bị tư tưởng hiện đại hoàn toàn vứt bỏ. Phương pháp nghiên cứu những diễn trình tâm trí của người khác bằng cách suy diễn cũng bị thách đố và nghi ngờ. Người ta bảo - và trong lời nói ấy có phần nào sự thật - là lúc mà ta bắt đầu nghiên cứu diễn trình tâm trí của chính mình thì lúc ấy nó đã bị thay đổi bởi chính sự kiện là ta đang quan sát; và người ta lập luận rằng nếu ta cố gắng nghiên cứu diễn trình tâm trí của người khác, thì ta chỉ có thể làm như vậy bằng cách suy diễn chứ không trực tiếp quan sát được. Các tư tưởng gia hiện đại bảo rằng trước hết cần phải nghiên cứu bộ óc, hệ thần kinh và cơ chế nơi con người để cho tư tưởng biểu hiện qua đó. Thế là xuất hiện khoa học được gọi là sinh lý học-tâm thần, một khoa học trong đó hệ thần kinh và bộ óc, xét theo sinh lý học được nghiên cứu, phân tích, đo đạc, và người ta thấy không thể hiểu được tư tưởng nếu không biết cơ chế của tư tưởng và không biết qui trình biến đổi trong cơ chế ấy. Người ta thấy rằng theo con đường thực nghiệm ấy có thể đạt được những kết quả tốt hơn so với những phương pháp khác, và khi khoa học càng ngày càng trở nên duy vật hơn tới mức mà giáo sư Tyndall đưa ra phát biểu nổi tiếng cho rằng chúng ta phải nhìn vào vật chất để có được sự hứa hẹn và mãnh lực của mọi hình thức sự sống, thì dĩ nhiên (nếu không phải là tất yếu) con người nên bắt đầu nghiên cứu tư tưởng bằng cách nghiên cứu cơ chế của nó, công cụ của nó, hơn là bằng cách trực tiếp quan sát những qui trình của nó. Vì phương pháp thực nghiệm càng ngày càng được biện minh bởi những kết quả thú vị nhất, cho nên người ta thường coi rằng đó là phương pháp duy nhất đáng cho kẻ biết suy tư cứu xét tới mà không bị ô nhiễm bởi sự mê tín dị đoan; vì thế cho nên mới nảy sinh điều có thể được gọi là một khoa học mới, khoa tâm lý học dựa trên thí nghiệm về sinh lý, một khoa học mà người ta thiết tưởng ắt xác nhận phát biểu cho rằng tư tưởng là sản phẩm của bộ óc, quả thật là kết quả của cơ chế thần kinh nơi con người.
Con người có khuynh hướng tuyên bố liều lĩnh đến nỗi người ta dứt khoát cho rằng tư tưởng do bộ óc sản sinh ra. Ta có nhà sinh lý học nổi tiếng người Đức Carl Vogt tuyên bố rằng bộ óc sản xuất ra tư tưởng cũng giống như gan sản xuất ra mật. Đây có lẽ là phát biểu cực đoan nhất của trường phái tư tưởng được đại biểu bởi nhiều nhà tư tưởng Đức. Chính sự kiện người ta có thể phát biểu như vậy, cho thấy đường lối suy tư mà Khoa học Hiện đại đang đi theo.
Thế mà đối lập trực tiếp với điều đó là khoa Tâm lý học ngàn đời của Á Đông. Khoa này dựa trên ý tưởng cho rằng con người có bản thể không phải là thể xác mà là Tinh thần sống động, không phải là hình tướng mà là một trí tuệ vĩnh hằng. Tâm lý học Á Đông dựa trên ý niệm cho rằng trí tuệ sống động này tức thực thể Jiva hoặc Jīvātmā mới là điều sơ phát mà ta cần phải hiểu, thay vì coi tư tưởng là sản phẩm của một sự bố trí vật chất nào đấy thì ta phải coi sự bố trí vật chất nào đấy là kết quả của tư tường. Thay vì coi sự sống, ý thức, trí thông minh là những kết quả của một cơ chế, của một bộ máy do thiên nhiên từ từ kiến tạo qua hoạt động của những định luật mù quáng và vô ý thức thì tâm lý học Á Đông lại tuyên bố rằng sự kiện sơ phát là sự kiện tâm thức, còn vật chất chẳng qua chỉ là lớp vỏ, công cụ, phương tiện để biểu diễn tâm thức, do trí tuệ bố trí và dẫn dắt, chỉ hữu dụng và đáng chú ý khi nó biểu hiện trí tuệ ấy trong đủ thứ thế giới của vũ trụ. Điều này được khẳng định rõ rệt trong Chhandogyopanishat và tôi trích dẫn điều này vì ta thấy khoa học hiện đại nhất lại ủng hộ một cách kỳ lạ và đáng ngạc nhiên cho tư tưởng cổ truyền. Trong Áo nghĩa thư ấy người ta tuyên bố rằng Ātmā tồn tại, còn các hạ thể và các giác quan đều là kết quả của ý chí Ātmā. Bạn nên nhớ đoạn văn này diễn tả như sau, “Mắt tồn tại để nhận thức cho Đấng vốn ngự ở bên trong mắt”. Chính Ātmā muốn nghe thấy, ngửi thấy và suy nghĩ; vì thế cho nên mới có các cơ quan cảm giác và tâm trí. Đâu đâu thì Ātmā cũng là sự kiện sơ phát; còn các cơ quan, các hạ thể hình thành để cho ý chí của tâm thức có thể biểu hiện được. Vậy là cách đây 30 năm có sự đối lập lớn lao giữa tư tưởng Âu Mỹ và tư tưởng cổ truyền của Á Đông, một đằng bắt đầu bằng thể xác rồi từ đó ý thức mới tăng trưởng, còn một đằng thì bắt đầu bằng tâm thức mà do hoạt động của nó các hạ thể mới dần dần được hình thành. Ta hãy nhớ kỹ phản đề này để tiện theo dõi các đường lối nghiên cứu.
Thế rồi Khoa học Hiện đại bắt đầu bằng ý tưởng cho rằng phải hiểu rõ tư
tưởng qua việc hiểu rõ cơ chế của nó mà nhiều người coi là cơ chế ấy tạo ra
tư tưởng. Các nhà khoa học vĩ đại bắt đầu nghiên cứu kỹ lưỡng hệ thần kinh,
và nghiên cứu vô cùng kiên nhẫn để thành công rực rỡ; họ đo tốc độ mà các ấn
tượng tác động trên bề mặt thể xác được truyền đi tới các trung khu thần
kinh, rồi xuất hiện ở đó dưới dạng các nhận thức của tâm trí. Họ đo lường
tốc độ tư tưởng truyền dọc theo các sợi thần kinh. Họ đo lường nhận thức
tinh vi liên quan tới đủ thứ bộ phận của cơ chế ấy. Càng ngày họ càng rút
gọn các diễn trình tư tưởng thành ra các diễn trình hóa học và điện học để
được cân đong đo đếm và phân tích. Họ thành công rực rỡ và soi sáng rõ rệt
cho cơ chế của bộ máy thần kinh. Trong khi nghiên cứu và nỗ lực để phác họa
hệ thần kinh, họ thậm chí đã phạm tội ác là mổ xẻ sống sinh vật. Hàng ngàn
con thú khốn khổ bị lấy hết sọ, phơi trần bộ óc ra để cho người ta dí những
cơn sốc điện vào đủ thứ bộ phận của bộ óc hầu dùng những phương pháp quỷ
quái này để có thể khai thác được từ thiên nhiên một số bí mật về ý thức.
Nhưng khi tiến hành thí nghiệm, người ta thấy xuất hiện một vài kết quả
dường như thách đố khởi điểm nghiên cứu của mình. Người ta đang coi tư tưởng
là sản phẩm của hệ thần kinh và tất nhiên vì vậy họ nghĩ rằng khi hệ thần
kinh gia tăng mức hoàn hảo thì tư tưởng ắt gia tăng tính phức tạp, chính xác
và đáng tin cậy. Cấu tạo của bộ óc, quan hệ của các bộ phận thuộc bộ óc với
nhau, các chức năng của các bộ phận khác nhau của bộ óc đều được phác họa,
phân tích, giải thích. Nhưng khi bắt đầu nghiên cứu hoặc nói cho đúng hơn là
đang tiến hành nghiên cứu, thì họ phát hiện ra rằng có một vài kết quả về ý
thức không ăn khớp với thuyết mà nó xuất phát từ đó. Họ thấy rằng có một vài
kết quả về ý thức diễn ra khi bộ óc không ở trạng thái bình thường, không
hoạt động trọn vẹn và người ta không thể lờ đi những điều này vì không một
thuyết nào về ý thức có thể đúng thực nếu không giải thích được những kết
quả ấy.
Trước hết người ta xoay chuyển chú tâm sang cái được gọi là những kết quả về
ý thức trong lúc nằm mơ. Người ta đã khảo sát kỹ lưỡng ý thức lúc tỉnh táo
rồi. Nhưng khi con người ngủ thì ý thức ấy diễn tiến ra sao? Hiện tượng ngủ
cũng phải được giải thích. Những cuộc thí nghiệm thú vị bắt đầu về ý thức
khi mơ mộng, sự vận hành của ý thức khi thể xác đang ngủ. Người ta tiến hành
thí nghiệm một cách kỹ lưỡng, khéo léo, kiên nhẫn như thông lệ. Chúng ta
không có thời giờ để bàn chi tiết những thí nghiệm này. Bạn nào muốn biết có
thể tìm hiểu một số lớn chi tiết trong tác phẩm nổi tiếng Triết lý về
thuyết Thần bí của Du Prel. Tạm thời cũng đủ để trình bày với các bạn
một ví dụ bạo hành một lớp lớn các thí nghiệm. Người ta bắt đầu bằng cách
nghiên cứu một người ngủ, chạm vào thể xác y ở một điểm nào đó, rồi đánh
thức y dậy ngay lúc đó, và cật vấn y: “Bạn mơ thấy điều gì?” Rất thường khi
là không có giấc mơ, không có kết quả, nhưng có một số lớn trường hợp người
ấy tường trình về một giấc mơ. Tôi xin minh họa. Người ta sờ vào phía sau ở
vùng gáy rồi hỏi người ấy: “Bạn mơ thấy điều gì?” Y trả lời rằng: “Tôi mơ
thấy mình phạm tội giết người, bị truy tố về tội ấy; tôi mơ thấy trọn cả
phiên xử án, lời lẽ của luật sư, tổng kết của chánh án; rồi chờ đợi phán
quyết của bồi thẩm đoàn, người ta tuyên bố tôi phạm tội và có số phận bị tử
hình; tôi bị giải tới ngục cấm cố; và ở đó trong nhiều ngày; rồi bị dẫn ra
pháp trường, và khi lưỡi dao của đao phủ thủ rớt xuống thì tôi thấy nó chạm
vào gáy tôi và tôi giật mình thức dậy”. Người ta thử nghiệm nhiều thí nghiệm
như thế, rồi ghi chép lại. Đâu là kết quả của những thí nghiệm ấy? Kích
thích của giấc mơ xuất phát từ việc xúc chạm, vì việc chạm vào gáy đã gợi ý
là chết do chém đầu. Làm sao ta giải thích được mọi chuyện tiếp diễn trong
tâm thức khi mơ sau lúc chạm vào gáy và trước lúc tỉnh dậy? Làm thế nào mà
tâm thức khi mơ lại trải qua một chuỗi dài những diễn biến để giải thích
việc đụng chạm và làm thế nào mà những diễn biến nối tiếp sự đụng chạm lại
có vẻ xảy ra trước để giải thích được nó? Vấn đề là ở chỗ đó. Sau khi suy
nghĩ cẩn thận và bàn luận lâu dài, người ta gợi ý rằng tâm thức trong trạng
thái nằm mơ hoạt động ở một môi trường nào đấy khác hơn vật chất thô trược
của các tế bào óc. Nhưng ở đây có một chuỗi dài những hiện tượng trong tâm
thức diễn ra giữa lúc chạm vào thể xác và lúc bộ óc biết được sự đụng chạm
ấy. Vì vậy, phải có một môi trường nào đấy tinh vi hơn để cho tâm thức hoạt
động trong đó, kiến thức đi qua môi trường ấy nhanh hơn đi qua chất thần
kinh thì mới có thời gian để dựng nên câu chuyện giải thích sự đụng chạm
trước khi ý thức của bộ óc biết được thể xác bị đụng chạm. Thế thì trong khi
ngủ, tâm trí không suy nghĩ bằng óc phàm mà bằng một môi trường nào đấy tinh
vi hơn, nó đáp ứng nhanh hơn với những rung động của tâm thức. Cũng giống
như hai người có thể xuất phát từ cùng một chỗ và người chạy nhanh có thể
tới đích sớm, quay lại gặp người kia rất lâu, trước khi người ấy mới chạy
được 1/4 quãng đường; cũng giống như vậy, tâm thức trong môi trường tinh vi
hơn có thể truyền đi nhanh hơn, dựng chuyện để giải thích, quay về và gặp ý
thức trong óc phàm rồi truyền lại câu chuyện ấy để giải thích sự đụng chạm
được cảm thấy nơi ngoại giới.
Đó là lời gợi ý dùng để giải thích tác động nhanh trong tâm thức khi mơ.
Nhưng ta cần nhiều điều hơn nữa để tạo ra một thuyết thỏa đáng. Và khoa học
bảo rằng: “Khảo sát những giấc mơ theo kiểu này không đủ vào đâu cả. Ta hãy
thử đưa người ta vào trạng thái mơ, rồi khảo sát y trong lúc đang mơ thay vì
đánh thức y dậy lúc đang mơ. Ta hãy thử tiếp xúc với y trong khi giấc mơ
đang tiếp diễn”. Thế rồi bắt đầu một chuỗi dài các thí nghiệm được gọi là
thôi miên, trong đó người ta đưa một người vào trạng thái xuất thần để đạt
được một trạng thái mơ kéo dài, một trạng thái do người thao tác tạo ra và
kiểm soát. Bạn thừa biết rằng trong khi xuất thần do thôi miên, thể xác bị
rút gọn tới mức sinh hoạt thấp nhất. Mắt không nhìn thấy được, tai không
nghe thấy được; nếu banh mí mắt ra rồi chớp tia sáng điện vào đó thì đồng tử
không co lại, tim hầu như không đập, phổi không có hoạt động dễ nhận thức
được; chỉ bằng khí cụ tinh xảo nhất thì người ta mới có thể chứng tỏ tim
không hoàn toàn ngưng đập và phổi không hoàn toàn ngưng co giãn. Thế mà đâu
là trạng thái của bộ óc trong tình huống ấy theo thuyết tư tưởng do bộ óc
sản sinh ra? Bộ óc bị rút gọn về tình trạng hôn mê, hôn thụy. Nó không thể
hoạt động vì lượng máu được cung cấp quá ít; máu mà nó có được chứa đầy axit
carbonic và sản phẩm thải trừ, vì nó không được cung cấp đủ khí oxy. Theo
thuyết hiện đại thì không một tư tưởng nào có thể xuất phát từ một bộ óc như
thế. Nhưng đâu là những sự kiện đáng kinh ngạc mà những người điều tra phát
hiện khi họ cật vấn tâm thức trong tình huống bất bình thường như thế? Ở đâu
có sự hôn thụy thì ở đó có sự gia tăng mức độ nhanh lẹ, ở đâu có sự đờ đẫn
thì ở đó trí tuệ lại gia tăng rất nhiều, ở đâu có sự chết theo biểu kiến thì
ở đó lại tràn đầy nhựa sống, và toàn bộ chức năng tâm trí vững mạnh hơn và
linh hoạt hơn. Ta hãy xét trí nhớ của con người trong trạng thái tỉnh thức.
Cứ cật vấn y về thời niên thiếu thì y ắt hẳn đã quên bén nhiều diễn biến,
chúng đã biến mất vào quá khứ mù mờ. Nếu ta đưa người ấy vào trạng thái xuất
thần rồi cật vấn y về thời niên thiếu thì trí nhớ tuôn ra những câu chuyện
theo biểu kiến là đã quên mất rồi và người ta nhớ lại được những diễn biến
tầm phào nhất. Ta hãy xét một người trong lúc tỉnh thức và đọc cho y nghe
một trang sách mà trước đó y chưa hề nghe, rồi yêu cầu y lặp lại thì y lúng
túng nói được 1 - 2 câu chứ không thể thuật lại được trang sách. Ta hãy đưa
cũng người ấy vào trạng thái xuất thần, rồi đọc trang sách ấy cho y nghe thì
y ắt lập lại được trang sách từng chữ một ngay cả khi y không biết ngôn ngữ
của trang sách. Vậy thì lúc trạng thái nằm mơ hoặc xuất thần thì trí nhớ đã
gia tăng tầm mức và năng lực ghê gớm. Ta hãy xét tới những quan năng nhận
thức. Như tôi có nói, mắt không đáp ứng được với tia chớp của ánh đèn điện,
nhưng trong trạng thái xuất thần quan năng nhận thức thế giới vật chất (mà
mắt là cơ quan cảm giác) biểu hiện y như lúc ở trạng thái tỉnh thức ở mức độ
mà nó không vận dụng được. Con người trong trạng thái xuất thần có thể nhìn
xuyên qua một hàng rào ngăn chặn tầm nhìn lúc tỉnh thức, y có thể nói cho
bạn biết điều đang xảy ra ở phía bên kia của một cánh cửa khép kín, hoặc
điều đang xảy ra trong nội bộ cơ thể; y có thể nói cho bạn biết chẳng những
điều gì đang xảy ra ở phía bên kia của một chướng ngại mà còn là điều đang
diễn ra ở cách đó hàng trăm dặm. Đây không phải là những mơ mộng của các nhà
Đông Phương, hoặc các nhà Thông Thiên Học; tôi đang tự hạn chế trong những
trường hợp thí nghiệm mà người ta ghi chép lại, khi người ta không tin vào
thế giới siêu vật lý mà lại đương đầu với những sự kiện không thể giải thích
được. Bản thân tôi cũng đã chứng kiến những cuộc thí nghiệm thuộc loại này
vào thời trước khi tôi trở thành nhà Thông Thiên Học. Điều này chứng tỏ rằng
những vật trông mờ không gây trở ngại cho tầm nhìn của người bị đắm chìm vào
cơn xuất thần do thôi miên,và hiện nay mọi học viên khoa thôi miên đều công
nhận điều đó. Thế thì trí nhớ và nhận thức lại gia tăng quyền năng khi bộ óc
bị đê mê. Do đó tôi có thể đưa bạn từ năng lực này của tâm trí sang năng lực
kia để cho bạn thấy rằng trong mọi trường hợp thì tâm thức lại mạnh mẽ hơn,
linh hoạt hơn, năng động hơn khi cơ chế thể xác đã bị tê liệt.
Xuất phát từ mọi thí nghiệm này, lại nảy sinh ra thắc mắc: Thế thì đâu là
mối quan hệ giữa tâm thức và bộ óc? Người ta đã xác lập rằng khi bộ óc bị tê
liệt thì tâm thức trở nên năng động hơn trước kia.
Cho dù kết quả của thí nghiệm này về tình trạng các năng khiếu tâm trí ra
sao đi nữa, thì nó cũng chứng minh rằng bất chấp mức độ tâm thức trong giấc
mơ của con người là thế nào thì nó cũng có tầm mức rộng lớn hơn, mạnh mẽ hơn
cũng ý thức ấy hoạt động thông qua óc phàm. Vậy là dần dần người ta đã biết
cách công nhận sự thật mà các nhà tâm lý học Á Đông thừa biết, đó là ý thức
tỉnh táo chỉ là một phần, một biểu hiện manh mún và bất toàn của toàn thể
tâm thức con người.
Trong khi đó, các nhà tâm lý học hiện đại tiến hành một đường lối khảo cứu
mới, họ bắt đầu nghiên cứu cái gọi là những hiện tượng bất bình thường của
tâm thức, chẳng những là hiện tượng bình thường và thông thường mà còn là
hiện tượng ngoại lệ và bất bình thường; và thoạt tiên việc nghiên cứu theo
đường lối này có vẻ đưa hầu hết tư tưởng gia tới chỗ trực tiếp chống lại tâm
lý học Á Đông. Việc nghiên cứu trong trường phái tâm lý học đã đi đến một
kết luận có vẻ là khủng khiếp. Đó là trường phái Lombroso ở Ý. Ông cùng với
nhiều người theo ông tuyên bố rằng linh ảnh của các đạo sư, các bậc thánh,
các nhà thấu thị - tất cả đều chứng minh có sự tồn tại của những thế giới
siêu vật lý - đều là sản phẩm của những bộ óc rối loạn, của bộ máy thần kinh
bệnh hoạn hoặc căng thẳng. Ông còn đi xa hơn và tuyên bố rằng sự biểu lộ mà
ta goi là thiên tài tương cận với bệnh điên, bộ óc của thiên tài và bộ óc
của người điên tương cận với nhau đến nỗi mà cụm từ “thiên tài là đồng minh
của điên rồ”, trở thành tiêu đề nền tảng của trường phái ấy. Điều này dường
như là cú đấm chí tử cuối cùng mà thuyết duy vật giáng vào niềm hy vọng của
nhân loại được nuôi dưỡng bởi những hoài bão lớn lao nhất đã đến với con
người thông qua các thiên tài, bậc thánh, đạo sư, nhà thấu thị, giáo chủ của
thế giới. Chẳng lẽ mọi thứ ấy quả thật chẳng qua chỉ là kết quả của một trí
tuệ rối loạn? Chẳng lẽ mọi tôn giáo chẳng qua chỉ là giấc mơ vĩ đại của bộ
óc và hệ thần kinh bệnh hoạn? Chẳng lẽ tôn giáo quả thật là một bệnh thần
kinh? Chẳng lẽ mọi người nào nhìn thấy và nghe thấy khi những người khác
không nhìn thấy và nghe thấy đều mắc bệnh thần kinh hay sao? Điều này trở
thành một thắc mắc khủng khiếp mà trường phái tâm lý học này phát khởi.
Thoạt tiên chỉ là im lặng do thắc mắc ấy gây ra cú sốc quá lớn. Người ta
sững sờ đến nỗi chẳng biết cách giải đáp làm sao, chẳng biết cách lập luận
ra sao. Tuy nhiên dần dần trong hàng ngũ những người biết suy tư cũng có một
sự thách đố. Cứ cho là những điều mà ta phát hiện là đúng đi, cứ cho là
những bộ óc bất bình thường mới mang lại những linh ảnh của tôn giáo, những
khải huyền của tôn giáo, thì xét cho cùng đó chẳng phải là vấn đề quan trọng
có tầm mức sống còn hay sao? Khi các thế giới cao siêu tiếp xúc với con
người thì rất có thể chúng chỉ ảnh hưởng tới những bộ óc tinh tế nhất và
chính sự tiếp xúc ấy có thể khiến cho cơ chế tinh vi ấy hơi bị trật khớp một
chút. Chẳng lẽ không có chuyện những rung động tinh vi của các thế giới cao
- bộ óc người không quen thuộc, thế nhưng vẫn đáp ứng được - nơi một số cá
nhân khác với tiêu chuẩn của sự tiến hóa bình thường cho nên được đáp ứng và
những thế giới cao siêu có thể ngỏ lời với con người thông qua những bộ óc
bất bình thường? Vấn đề có tầm quan trọng đối với nhân loại không phải là
liệu bộ óc phàm của thiên tài có cơ chế tương cận với óc của người điên hay
chăng, mà là liệu điều xuất phát qua bộ óc của người điên và bộ óc của thiên
tài có quan trọng như nhau đối với nhân loại hay chăng. Nếu thông qua bộ óc
rối loạn của người điên, ta tiếp nhận một mớ lỉnh kỉnh những ý tưởng rời rạc
vô ích và những giấc mơ thì kết quả ấy vô giá trị và ta ắt dẹp nó đi. Nếu
thông qua bộ óc của thiên tài, của giáo chủ, của đạo sư, của vị thánh mà có
xuất phát những hoài bão cao siêu nhất, những ý tưởng cao cả nhất nâng nhân
loại vượt trên mức loài thú và kẻ dã man thì liệu ta có vứt bỏ chúng đi
giống như trên hay chăng? Ta phán xét kết quả không phải theo cơ chế mà nhờ
đó ta tiếp nhận được chúng, song phán xét theo giá trị của chúng đối
với nhân loại và cho dù cơ chế của bộ óc có ra sao đi chăng nữa thì vẫn còn
lại cái tư tưởng đã được ban ra cho thế giới.
Mọi thứ mà nhân loại tự hào nhất, mọi niềm hi vọng và hoài bão cao cả nhất,
những sự tưởng tượng đẹp đẽ nhất của thi ca, những sự bay bổng siêu việt của
siêu hình học và những quan niệm cao siêu của nghệ thuật đều là sản phẩm của
bệnh thần kinh, của bộ ốc bất bình thường. Khi thiên hạ bảo ta rằng các bậc
đại giáo chủ mắc bệnh thần kinh, Đức Phật, đấng Kitô, thánh Phanxicô đều mắc
bệnh thần kinh, thì ta có khuynh hướng đặt trọn số phận của mình vào tay một
số ít người bất bình thường ấy hơn là vào tay đa số bình thường. Ta biết các
ngài là như thế nào. Đó là những người nhìn xa trông rộng, biết nhiều hơn
ta; vậy có gì quan trọng nếu ta gọi bộ óc của các ngài là bình thường hay
bất bình thường? Trong tâm thức con người của các đấng này có một tia sáng
rực rỡ của Thượng Đế, như Browning diễn tả:
Chỉ thông qua những linh hồn ấy thôi
Thượng Đế mới cúi xuống tỏ lộ đủ Ánh sáng của mình
Để giúp ta vươn lên trong đêm tối.
Và nếu trong những trường hợp này mà bộ óc biến từ bình thường sang trạng
thái bất bình thường thì nhân loại ắt phải cảm ơn sự bất bình thường ấy.
Đó là giải đáp đầu tiên mà ta có thể đưa ra cho phát biểu của Lombroso và ta
thấy có một người như bác sĩ nổi tiếng Maudsley thắc mắc xem liệu có luật
nào theo đó thiên nhiên chỉ dùng cái mà ta gọi là những bộ óc hoàn hảo phục
vụ cho mục đích của mình hay chăng? Chẳng phải là muốn có những biểu diễn
cao siêu thì nó cần phải có những bộ óc khác với bộ óc bình thường thông
thường của con người hay sao? Đó là điều ta hãy xét bộ óc bình thường vốn là
sản phẩm của sự tiến hóa, là kết quả của quá khứ; bộ óc ấy thích hợp với
những sự việc bình thường của cuộc sống, thích hợp với những tính toán nơi
chợ búa, thích hợp với việc quan sát những sự việc vật chất, thích hợp với
những sự việc thế gian, thích hợp để tiến hành những sự việc bình thường
trong cuộc sống; nhờ thực hành cách suy nghĩ như thế mà nó đạt được trạng
thái ngày nay, cho nên nó là bộ máy tốt nhất để làm việc đó. Nhưng khi ta
phải bàn tới tư tưởng cao siêu, suy đoán trừu tượng, bàn tới những ý niệm
tôn giáo và những khả năng của thế giới cao siêu thì bộ óc ấy là công cụ
không thích hợp nhất; nó không được tổ chức một cách tinh tế đúng mức để đáp
ứng với những rung động tinh vi của thế giới cao siêu. Ấy là vì cũng giống
như ta có thể chế tạo ra một đồng hồ tinh xảo và dùng đồng hồ ấy đo lường
những thời khoản nhỏ mà ta không đo lường được bằng một cơ chế cồng kềnh
hơn; đối với những bộ óc khác nhau của con người thì cũng vậy. Bộ óc bình
thường ắt thông thường và mang tính phàm phu tục tử. Nó chẳng hứa hẹn gì cho
tương lai; nó chẳng qua chỉ là sản phẩm của quá khứ. Nhưng bộ óc bất bình
thường lại có thể hưởng ứng rung động cao siêu; nếu muốn ta có thể gọi nó
một cách sách mé là bộ óc bệnh hoạn, nhưng đó là bộ óc ở mức tiền tiêu của
cuộc tiến hóa, là hứa hẹn của tương lai và cho ta thấy con người sẽ như thế
nào trong những thế hệ vị lai.
Khi cuộc đấu tranh đang tiếp diễn thì lại có một thắc mắc nữa. Khi đến lúc
căng thẳng bất bình thường và kích thích bất bình thường thì bộ óc đáp ứng
với những rung động cao siêu; như vậy rất có thể là bệnh thần kinh ắt đi kèm
theo sự đáp ứng ấy. Đâu phải những trải nghiệm lạ chỉ luôn luôn xảy ra với
bộ óc của thiên tài. Chúng cũng xảy ra với đủ mọi người; kẻ phàm phu tục tử
nam cũng như nữ đều có những trải nghiệm ấy. Khi người ta đang bị mê mẩn
trong cơn xuất thần do cầu nguyện hoặc đang ăn chay và cơ thể bị yếu đi hoặc
chịu sự căng thẳng lớn do kích thích thì bộ óc chắc chắn là chịu ảnh hưởng
dễ dàng hơn so với tình trạng lúc bình thường và nó ắt có thể ghi nhận được
những rung động tinh vi dễ dàng hơn so với cái gọi là bộ óc lành mạnh. Ta
hãy xét một minh họa rất bình thường. Ta có một cây đàn violin vĩ cầm hoặc
đàn vina. Ta thấy từ sợi dây của nhạc cụ ấy, ta có thể khảy ra một số nốt
nhạc nào đó, nhưng nếu muốn có một nốt nhạc cao hơn thì ta phải làm sao đây?
Ta làm cho dây đàn căng ra. Đối với bộ óc con người cũng như vậy. Trong
trạng thái bình thường nó không hưởng ứng những nốt nhạc cao của cuộc sống;
ta phải làm căng sợi dây đàn bằng sự sùng tín hoặc định trí cực lực, thế rồi
bộ óc ắt hưởng ứng. Nhưng khi làm căng như vậy ắt nguy hiểm vì có khả năng
đứt dây; cũng vậy bộ óc bình thường bị căng thẳng thì đáp ứng được với sức
căng của những rung động tinh vi nhưng có nguy cơ rối loạn thần kinh, nguy
cơ cơ chế bị mất thăng bằng.
Ta biết làm sao đây? Ta hãy xem khoa học Á Đông với khoa tâm lý học cổ
truyền, đưa ra lời giải đáp - đó là khoa duy nhất biết được lời giải đáp -
đáp án này được củng cố qua khám phá hiện đại liên quan tới cơ chế của bộ
óc. Qui trình Yoga ra sao? Đó là qui trình mà bằng cách dần dần rèn luyện
thể xác và tâm trí, con người phát triển được một tâm thức cao siêu và khiến
cho tâm thức ấy biểu hiện được thông qua thể xác. Thế mà mọi người trong các
bạn có biết chút ít về khoa Yoga đều thừa biết rằng trong khoa Yoga có việc
rèn luyện thể xác, tẩy trược thể xác, tẩy trược bộ óc trước khi thực hành
bất cứ hình thức cao siêu nào. Bạn biết rằng người ta luôn luôn bảo nếu con
người muốn thực hành Yoga thì y phải trở thành một nhà khổ hạnh trong cuộc
đời. Y phải bỏ rượu và những món ăn thô trược, phải tẩy trược thể xác nhiên
hậu mới làm trong sáng tâm trí. Bạn biết rằng chỉ khi đã tẩy trược thể xác
rồi thì người ta mới có thể thực hiện hữu hiệu khoa Yoga tâm trí, và khi để
xác trở nên càng ngày càng thanh khiết thì tâm thức sẽ phát triển, những
quyền năng cao siêu sẽ biểu lộ qua bộ óc đã được tẩy trược mà không bị bệnh
tật, không quá căng thẳng, không có hậu quả bệnh hoạn gây tổn thương về thần
kinh. Khoa tâm lý Á Đông công nhận nguy cơ bị rối loạn thần kinh và giúp
người ta có thể đạt được sự bén nhạy cần thiết không gây quá căng thẳng cho
công cụ thể xác.
Nhưng tôi có nói rằng một khám phá mới đây của Khoa học Hiện đại liên quan
tới bộ óc đã biện minh cho qui trình này. Khám phá ấy là gì? Những tế bào bộ
óc mà tư tưởng được tiến hành trong đó đều phát triển, gia tăng kích thước
và mức độ phức tạp nhờ vào tiến trình tư tưởng, nghĩa là khi con người suy
nghĩ thì các tế bào bộ óc của y tăng trưởng; chúng phóng ra những đầu mút
cuối có quan hệ chằng chịt với nhau, nối liền với nhau, vậy là tạo ra một cơ
chế rất phức tạp khiến cho tư tưởng cao siêu có thể biểu hiện được thông qua
đó. Toàn thể qui trình biểu hiện tư tưởng đều tùy thuộc vào sự tăng trưởng
này của các tế bào bộ óc và khi suy nghĩ, ta đang thật sự định hình bộ óc,
ta đang sáng tạo ra cơ chế để cho sau này một tư tưởng cao siêu có thể biểu
hiện được. Khoa giải phẫu mới nhất của Tây Phương đã nêu rõ điều này, nghĩa
là các tế bào tăng trưởng do các sự thôi thúc trực tiếp của tư tưởng và khi
ta suy nghĩ thì ta chuẩn bị bộ óc cho một tư tưởng tốt hơn và cao siêu hơn,
về tư tưởng tác động lên các tế bào thần kinh, cho nên các tế bào thần kinh
trở nên phức tạp hơn, thích ứng nhiều hơn với các qui trình của tư tưởng.
Việc thực hành khoa Yoga bằng cách định trí, khiến cho tâm trí ổn định qua
việc cố định tư tưởng, khiến cho các tế bào bộ óc tăng trưởng và như vậy tạo
ra một công cụ thích hợp hơn với suy nghĩ cao siêu trong tương lai. Khi ta
tiến hành tham thiền thì ta đang xây dựng cơ chế mới trong bộ óc; khi ta
tiến hành định trí thì ta đang tạo ra công cụ để trình diễn cao siêu hơn.
Vậy là khi thực hành Yoga bằng cách tẩy trược thể xác, bộ óc và tâm trí, ta
đang xây dựng bộ óc khiến cho nó có thể tiếp xúc với một thế giới cao siêu
hơn mà không mất thăng bằng, không mất đi sự lành mạnh và sức mạnh. Đó chính
là sự biện minh cho Khoa Yoga theo những nghiên cứu mới nhất của khoa học Âu
Mỹ. Vậy thì Á Đông cho ta biết như thế nào về kết quả của Yoga? Nó cho ta
biết rằng con người là một tâm thức biểu hiện quyền năng thông qua thể xác
mà con người uốn nắn thể xác ấy theo mục đích của riêng mình; ý thức của con
người trong bộ óc kém xa tâm thức của y bên ngoài bộ óc; con người dùng bộ
óc là một công cụ trên cõi trần, nhưng không bị nó hạn chế, không bị nó câu
thúc. Cái thuyết cổ truyền ấy của các bậc Thánh hiền thời xưa giờ đây được
Âu Mỹ quảng bá qua những người như ngài Oliver Lodge, ông tuyên bố rằng việc
nghiên cứu khoa thôi miên, nghiên cứu về tâm thức, nghiên cứu về các trạng
thái bất bình thường của tâm thức, chứng minh rằng tâm thức con người rộng
lớn hơn ý thức trong bộ óc và có nhiều tiềm năng của chúng ta vượt ngoài tầm
thể xác so với mức biểu hiện qua sự vận hành của bộ óc. Đó là phán quyết
cuối cùng của Âu Mỹ về tâm thức và nó giống hệt như chứng nhận của Á Đông.
Thế thì bạn có hiểu chăng tại sao tôi lại kết hợp Khoa học Hiện đại với Chơn
Ngã? Chơn Ngã là tâm thức vượt ngoài tầm thể xác, tâm thức rộng lớn hơn, cao
cả hơn vốn là cái Ta thật, Tự ngã mà ý thức trong bộ óc chỉ là phản chiếu
yếu ớt nhất. Cơ thể ta chỉ là một căn nhà ta ở trong đó để làm việc trên cõi
trần, ta giữ chìa khóa của cơ thể, ta dùng khoa Yoga để đút chìa khóa vào ổ
khóa, rồi ra sức giải phóng tâm thức đang bị giam hảm. Ta vĩ đại hơn cái mức
biểu kiến của mình, ta được định hình theo hình ảnh của Thượng Đế, ta chẳng
những sinh hoạt nơi thế giới này mà còn sinh hoạt nơi những thế giới khác
nữa; tâm thức ta vượt xa ý thức trong xác phàm. Bàn chân ta bén rễ nơi cái
hành tinh bùn đất này, nhưng đầu ta chạm tới cõi trời; chúng được tắm gội
trong ánh sáng của thế giới tinh thần cao tít mù, được tắm gội trong ánh
sáng của Thượng Đế nơi thế giới vô hình. Ta có thể tin cậy tâm thức và sự
chứng nhận của các vị Thánh, các Đạo sư, các nhà Thấu thị và các Giáo chủ
của nhân loại. Các ngài cho ta biết điều mà các ngài biết, nhưng ta cũng có
thể tự mình biết được điều đó. Các ngài là những đấng thiêng liêng tỏ lộ
thiên tính cho thế gian. Song le ta cũng thiêng liêng mặc dù thiên tính của
ta bị che khuất. Ta hãy khẳng định quyền ưu tiên do thiêng liêng ấy để biết
được giống như các ngài đã biết. Các Đấng cao cả trong quá khứ là các vị
Thánh và Giáo chủ của nhân loại ắt hứa hẹn điều mà ta sẽ đạt được trong
tương lai, trong những ngày sắp tới ta cũng sẽ đạt tới những đỉnh cao mà các
ngài đã chạm được trong quá khứ. Mỗi người trong chúng ta đều là một mảnh
vụn của Thượng Đế, là một Tinh thần vĩnh hằng, là một sự sống có thiên
tính, phấn đấu thông qua vật chất để đạt được tâm thức về thiên tính của
chính mình. Đó là giáo huấn của mọi tín ngưỡng, là nguyên lý căn bản của
cuộc sống, của tôn giáo, của thiên nhiên; và Khoa học Hiện đại đang phát
hiện ra rằng ta không thể hiểu được ngay cả bản chất của thể xác, nếu ta
không hiểu rõ thế giới cao siêu, không công nhận những khả năng rộng lớn
hơn.
HOME TÌM HIỂU NHẬP MÔN sách TIỂU SỬ BẢN TIN HÌNH ẢNH thIỀN BÀI VỞ THƠ gifts TẾT 2006 NỮ THẦN ISIS