|
HOME TÌM HIỂU NHẬP MÔN sách TIỂU SỬ BẢN TIN HÌNH ẢNH thIỀN BÀI VỞ THƠ gifts TẾT 2006 NỮ THẦN ISIS
|
CHƯƠNG
XVI
Đế quốc Aryen và nền văn
minh của nó thời ban sơ
Trích CON NGƯỜI từ đâu tới, Sinh hoạt ra
sao và Rồi sẽ đi về đâu
Tác giả Annie Besant và C. L. Leadbeater |
|
CHƯƠNG
XVI
Đế quốc Aryen
và nền văn minh của nó thời ban sơ
Các con của
Đức Bàn Cổ chưa bao giờ là một dân tộc nguyên sơ vì họ đã bắt đầu
nhiều trăm ngàn năm văn minh mãi từ thời Châu Atlantis và hàng ngàn
năm duới sự lãnh đạo của Đức Bàn Cổ ở Ả Rập và Bắc Á. Dân chúng đều
biết đọc và biết viết kể cả những người mà ta gọi là giai cấp hạ lưu
nhất vì mọi công việc đều được coi là vinh quang do làm cho Đức Bàn
Cổ, coi đó là công việc của Ngài bất kể là việc gì đi chăng nữa.
Chúng tôi nhận thấy một người đang quét đường phố; khi một tu sĩ rất
có tư cách; quần áo sặc sỡ hiển nhiên giữ chức vụ cao đi tới thì tu
sĩ này ngõ lời với phu quét đường cũng lễ độ như với người anh em,
một người ngang hàng, một trong các anh em của đại gia đình các đứa
con của Đức Bàn Cổ. Tình cảm mà người ta trau dồi là tình huynh đệ
của một giống dân căn bản là bình đẳng tuyệt vời – giống như đôi khi
ta thấy trong các hội viên Tam điểm – và lịch sự đối với nhau; đồng
thời người ta vẫn công nhận hoàn toàn công nhận công trạng cá nhân,
ngưỡng mộ những người cao cả, rất biết ơn họ giúp đỡ mình và hoàn
toàn không hề tự vỗ ngực xưng tên. Có một tình cảm tử tế chỉ nhìn
thấy khía cạnh tốt đẹp nhất của mọi người, coi như đương nhiên là
người khác có hão ý cho nên tránh được việc cãi cọ. Nền văn minh
Aryen này khác hẳn nền văn minh Atlantis xa hoa hơn và cầu kỳ hơn
vào lúc ấy khi mỗi người chỉ mưu tìm sự thoải mái của riêng mình và
chỉ biết tới bản thân mình, khi người ta nghi kỵ lẫn nhau và chẳng
ai tin ai. Trong nền văn minh Aryen, thiên hạ tin cậy lẫn nhau –
quân tử nhất ngôn, nếu nuốt lời thì không phải là người Aryen.
Có
một điều kỳ diệu khác là trong số dân cư thì ai cũng biết người
khác. Giống như hiện nay ở một làng nhỏ cũng vậy, nơi một thị trấn
lớn thì trong nhiều thế kỷ mọi người đều dường như biết nhau hết chỉ
biết ít hoặc biết nhiều. Khi dân số tăng lên thì điều này trở nên
không thể được nữa, cho nên bổn phận của các viên chức là phải biết
hết dân tình trong địa hạt của mình, việc quen biết nhiều người là
một trong những tiêu chuẩn để chọn vào chức vụ này.
Tuy nhiên
tình huynh đệ ấy là tình huynh đệ của một Giống dân, nó không mở
rộng vượt ra ngoài phạm vi chính dân Aryen, chẳng hạn như mở rộng
tới dân Turania. Dân Turania thuộc dòng dõi khác, có nền văn hóa
khác; họ rất lưu manh và quỉ quyệt không đáng tin cậy. Đối với dân
Turania thì dân Aryen tỏ ra rất dè dặt khinh khỉnh; họ không thù
địch với người ngoại bang, cũng không khinh thường người ngoại bang;
nhưng họ đối xử rất dè dặt với người ngoại bang chứ không được như
trong gia đình. Người ngoại quốc không được phép xâm nhập vào phần
bên trong của nhà họ, chỉ được ở sân ngoài. Có những nhà và sân vườn
đặc biệt dành riêng cho người ngoại quốc cư trú, tuy nhiên cũng chỉ
ít thôi; đôi khi cũng có các đoàn thương gia ghé thăm cùng với sứ
thần của những quốc gia khác, họ được tiếp đãi lịch sự và hiếu khách
nhưng luôn luôn khinh khỉnh và dè dặt biểu thị một hàng rào không
thể vượt qua được.
Sau này khi
có dịp cai trị các nước ngoại bang thì đôi lúc họ cũng tỏ ra khắc
nghiệt: Chúng tôi quan sát thấy một viên Thống đốc đối xử với người
Turania; y không độc ác và cũng chẳng đàn áp nhưng nghiêm khắc và
khá hà khắc. Thái độ nghiêm khắc này dường như đặc trưng cho cách
cai trị người nước ngoài của họ và nó tương thích với tình cảm huynh
đệ nồng thắm nhất đối với dân tộc của chính mình.
Ở đây cũng
như ở mọi chỗ khác, một tình huynh đệ trên cõi vật lý dường như đòi
hỏi phải có một nền tảng chung nào đó về giáo dục và văn hóa, về đạo
đức và danh dự: một người Aryen là một người quân tử, chỉ nội sự
kiện này cũng hàm ý có một bộ luật danh dự và phong tục mà y không
thể coi thường. Như hiện nay chúng ta nói y là một người quí phái
nên phải sống tuân theo một tiêu chuẩn nào đó về nghĩa vụ xã hội. Y
có thể làm bất cứ công việc gì, y có thể vươn lên bất cứ trình độ
học thức nào, nhưng có một mức tối thiểu nào đó về hạnh kiểm và tư
cách mà y không được quyền xuống thấp hơn. Chính vì thế mới có tình
cảm dè dặt đối với tất cã những kẻ nào ở ngoài phạm vi luân lý ấy,
vì người ta đâu có biết những người kia có tư cách và phong tục ra
sao; có đạo đức và phẩm hạnh thế nào. Con cái của Đức Bàn Cổ là một
quốc gia của những nhà quí phái theo đúng nghĩa của từ này, tự hào
về dòng dõi cao quí của mình và hoàn toàn công nhận những yêu cầu
cao siêu của nó. Đôi với họ thì
hành xử quân tử là chuyện
đầu môi chót lưởi.
Nền
văn minh này rất hạnh phúc và vui vẻ, có âm nhạc, khiêu vũ rất vui
tươi và tôn giáo của họ đã sinh ra điều ấy vì nó chủ yếu là tôn giáo
ngợi ca và tạ ơn: Dân chúng thường xuyên hát thánh ca tán tụng và
công nhận các Thiên thần ẩn đằng sau mọi lực thiên nhiên. Cứ mỗi
buổi sáng là lại vui vẻ hát bài thánh ca về các Cô gái Bình minh và
Chân linh Mặt trời là đối tượng chính được thờ phụng. Bốn đấng
Kumaras được coi là Thần linh và hiển nhiên những người nào sống rất
gần Thiên nhiên đến mức trở nên nhạy cảm và có được sự thông linh
đều cảm nhận được bản lai diện mục của các ngài: Đằng sau ngai của
đấng Thủ lĩnh, các Kumaras trong Sảnh đường lớn ở Đền thờ trung tâm
có một Mặt trời hoàng kim khổng lồ, một hình bán cầu nhô ra từ bức
vách và vào ngày đại lễ thì nó chói lòa ánh sáng. Kim tinh cũng được
tôn thờ, có lẽ do truyền thuyết các đấng Hỏa đức Tinh quân đã từ Kim
tinh giáng lâm xuống. Người ta
cũng thờ Bầu trời và có khi cũng thờ cả
Nguyên tử nữa, coi đó là nguồn gốc của vạn vật, là biểu lộ của Đấng
thiêng liêng nhỏ lại.
Ta có thể dùng một nghi lễ hằng năm để làm ví dụ cho một trong các
đại lễ tôn giáo.
Ngay từ sáng sớm thiên hạ - nam phụ lão ấu – đã nườm nượp đi diễn
hành dọc theo những đường phố lớn hội tụ lại thành hình trăng lưỡi
liềm lớn đối diện Cây cầu hùng dũng. Vải lụa sặc sỡ phấp phới trên
cửa sổ và trên cột cờ. Đường phố rải rác những đóa hoa, những lò
than hồng lớn tỏa ra những đám mây khói nhang; thiên hạ diện quần áo
lụa đủ màu, đeo nặng trĩu đồ nữ trang và đồ trang trí lộng lẫy bằng
san hô, mang theo những
tràng hoa và vòng hoa màu sắc đẹp như cảnh thần tiên đi diễu hành
với những cái chập chõa, cồng chiêng và tù và làm bằng sừng.
Họ băng ngang qua cây Cầu một cách trật tự nối bước nhau, nhưng khi
họ đặt chân lên Cầu thì mọi âm thanh đều ngừng bặt; trong cảnh im
lặng ấy họ tiến lên giữa những Đền thờ uy nghi đi tới Điện thờ trung
tâm rồi từ đó tiến vào chính Sảnh đường. Cái ngai lớn được đẽo gọt
từ tảng đá sống động, được cẩn vàng và đầy ngọc quí được đặt trên
một cái bệ vững như bàn thạch, trên đó có những biểu tượng lớn được
đúc bằng vàng và rải rác phía trước nó có một bàn thờ mà hiện nay
chất cao vòi vọi loại gỗ trầm hương. Mặt trời hoàng kim khổng lồ
chiếu sáng lờ mờ bên trên đó, còn Kim tinh lơ lửng trên không phía
trên mái vòm.
Khi Sảnh đường đã đặc nghẹt hết mức, ngoại trừ một khoảng trống ở
phía trước và hai bên hông ngai lớn thì có một nhóm oai vệ từ phía
sau đi vào lấp đầy khoảng trống, mọi người đều cúi đầu kính chào các
ngài. Ba Đức Bàn Cổ đứng nơi đó khoác lấy bộ đạo phục cùng với Đức
Mahaguru là Bồ tát vào thời ấy tức Đức Vyasa đứng bên cạnh Bàn Cổ
Vaivasvata. Và lại có Surya kế cận đằng sau Huynh trưởng hùng dũng
là bậc tiền bối của mình, đứng gần ngài nhất là ba Đấng Kumaras; có
lẽ đám đông không thấy được các ngài nhưng chắc chắn là họ lờ mờ cảm
thấy lơ lửng trên không theo dạng hình bán nguyệt lớn cũng có các
Thiên thần màu đỏ thắm sặc sỡ và màu bạc đang chăm chú làm thị giả.
Thế rồi một sự im lặng hoàn toàn phủ xuống đám đông, những người tụ
tập ấy dường như thể thiên hạ đều nín thở; dịu dàng, du dương và
thoang thoảng dường như phá vỡ bầu không khi im lặng ấy là một chuỗi
nhạc tuyệt diệu ngân lên đệm cho một bài hát mà các Đấng Cao cả và
Thánh thiện nhất đứng quanh ngai đã ngâm lên để cầu khấn Đấng chúa
tể trị vì xin hãy giáng lâm. Những tiếng ca trân trọng câm lặng ấy
vừa mới dứt lời thì đã vang lên một nốt nhạc duy nhất trong trẻo như
bạc dường như thể để đáp lời; Mặt trời hoàng kim lớn lóe sáng lên
rực rỡ chói mắt và bên dưới nó ngay phía trên ngai có Ngôi sao huy
hoàng lóe lên, các tia sáng của nó bắn ra như tia chớp phia trên đầu
đám đông đang ngóng đợi; và Ngài đây rồi, đấng Chúa tể tối cao của
Quần tiên hội, ngài ngự trên ngai chói lọi hơn cả Mặt trời và Tinh
tú, chúng quả thật dường như sáng chói được là do Ngài; thế là tất
cả phủ phục xuống úp sát mặt che đôi mắt đi để khỏi thấy sự rực rỡ
chói lòa của Bản lai Diện mục của Ngài.
Rồi thì một cách dịu dàng, Ngài làm cho
sự vinh quang ấy dịu bớt đi để cho mọi người có thể ngước nhìn lên
trông thấy Ngài là Đức Sanat Kumara, đấng Trinh nguyên Vĩnh cữu.
[[1]].
Với mọi vẻ đẹp của đấng Thanh xuân bất biến, thế nhưng, Ngài lại là
đấng Vô lượng thọ. Đám đông đang kính ngưỡng thở dài với vẻ kính sợ
và trầm trồ, rồi thì một nụ cười tươi tắn làm cho Khuôn mặt của Ngài
vô cùng đẹp đẽ, thế nhưng lại mang tính xuất thần nhiều hơn, đáp lại
ánh mắt đăm đăm kính ngưỡng đơn giản của tình thương và tục thờ
cúng.
Thế rồi Ngài vươn tay ra hướng về phía
bàn thờ trước mặt mình khiến cho lửa bốc cháy trên đó, và ngọn lửa
bốc lên cao vút trên không trung. Rồi thì Ngài đi mất – cái ngai
trống rỗng, Ngôi sao biến mất, Mặt trời hoàng kim vẫn sáng nhưng mờ
đi và chỉ có Lửa mà Ngài ban cấp là vẫn cháy sáng không thay đổi
trên Bàn thờ. Từ Bàn thờ này một mảnh gỗ cháy đỏ được ban cho các tu
sĩ để dùng cho các bàn thờ ở những Đền thờ khác nhau và mỗi vị gia
trưởng đều hiện diện ở đó [[2]];
y nhận được nó trong một bình chứa có một cái nắp đậy bên trên,
trong đó lửa sôi động vẫn còn không thể bị tắt đi được cho đến lúc
nó được mang về bàn thờ ở nhà.
Các đám rước được định hình trở lại và rời bỏ Thánh điện trong im
lặng, lại băng ngang qua Chiếc cầu và nhờ đó đến được Thành thị. Thế
rồi bùng nổ ra một bài hát vui tươi, thiên hạ nắm tay nhau bước đi
trao đổi những lời chúc tụng, tán dương, những người lớn tuổi ban
phước cho người trẻ tuổi, thế là tất cả đều rất vui vẻ. Lửa linh
thiêng được đặt trên bàn thờ trong gia đình để thắp sáng ngọn lửa
được giữ cho sống động mãi suốt năm và những nhãn hiệu được thắp
sáng nơi đó được mang tới nhà của những người không hiện diện cho
đến khi lễ hội trở lại vào một năm khác, khi đã đi hết lộ trình thì
lửa ấy không cần phải thánh hóa cho bàn thờ trong gia đình. Sau đó
thì âm nhạc trổi lên, lễ hội, vũ hội cho đến khi Thành thị hạnh phúc
chìm vào giấc ngủ.
Đó là Lễ hội lửa thiêng được cử hành vào mỗi Ngày giữa mùa hạ ở Kiều
thành.
Một số người toàn tâm toàn ý hầu như chuyên nghiên cứu và đạt được
sự thông thạo về khoa học huyền bí để có thể chuyên tâm vào một vài
ngành phục vụ cho công chúng. Họ trở nên có thần nhãn và kiểm soát
được đủ thứ lực trong thiên nhiên, học cách tạo ra các hình tư tưởng
và tùy ý rời bỏ được thể xác của mình. Vì còn nhớ những kết quả đáng
buồn khi ở Châu Atlantis, thần thông không di kèm với lòng vị tha và
đạo đức, các huấn sư dạy những môn này chọn học trò rất cẩn thận và
một trong những vị phụ tá cho Đức Bàn Cổ có vai trò Tổng thanh tra
giám thị các lớp học ấy. Một số học viên khi đã thông thạo thì có
bổn phận đặc biệt đối với Nhà nước là duy trì sự liên lạc của các bộ
phận khác nhau trong Đế quốc; không có báo chí nhưng họ điều khiển
cái có thể gọi là một bộ thông tin. Theo thông lệ thì không xuất bản
tin tức, nhưng bất cứ ai muốn tìm hiểu thông tin về bất cứ ai khác ở
bất cứ nơi đâu trong Đế quốc thì đều có thể đi tới văn phòng trung
ương này để thu lượm được thông tin. Vậy là có những ủy viên dành
cho nhiều xứ khác nhau, mỗi ủy viên cung cấp thông tin về xứ sở mà
mình phụ trách, thông tin có được bằng những phương tiện huyền bí.
Những cuộc đột kích đối với những kẻ vi phạm hòa bình hoặc gây chiến
đều được theo dõi và thông tin được cung cấp cho chúng giống như
thời nay người ta dùng vô tuyến điện hoặc là điện báo.
Có một dịp, khi Corona đang cai trị một xứ ở phương xa mà Đức Bàn Cổ
không thể gây ấn tượng cho y với những mệnh lệnh của mình; thế là
Ngài ra lệnh cho một trong những học viên lão luyện hãy rời bỏ thể
xác, xuất vía đi tới Corona, rồi hiện hình ra lúc tới nơi; nhờ
phương tiện này mà thông điệp được chuyển giao cho Corona khi ý thức
của y đang tỉnh táo. Bằng cách này thì Đức Bàn Cổ vẫn còn là nhà Cai
trị thật sự, bất kể Đế quốc trải rộng đến đâu đi chăng nữa.
Việc viết lách được thực hiện bằng nhiều chất khác nhau. Chúng tôi
quan sát thấy một người viết bằng một dụng cụ sắc nhọn trên bề mặt
trông giống như sáp trong một cái hộp
thuôn thuôn dường như thể y đang khắc trên đó; thế rồi y lại
dùng một cây bút rỗng lướt trên đó, từ bút tuôn ra một chất lỏng có
màng khô cứng lại khiến cho chữ viết được gắn chặt vào lớp sáp. Đôi
khi người ta phát minh ra phương pháp của riêng mình.
Máy móc chưa đạt đến mức giống như thời Châu Atlantis; nó đơn giản
hơn và có nhiều công việc phải làm thủ công. Đức Bàn Cổ hẳn nhiên
không muốn dân chúng của mình bắt chước theo tình cảnh cực kỳ xa hoa
ở Châu Atlantis.
Từ một vương quốc nhỏ bắt đầu vào năm
60.000 trước Công nguyên, nó dần dần tăng trưởng thành một vương
quốc đông đảo dân cư, bao xung quanh biển Gobi và đạt được chủ quyền
ở nhiều mức độ khác nhau đối với nhiều lân quốc, bao gồm cả người
Turania vốn đã tàn sát cha ông của mình một cách tàn nhẫn xiết bao.
Đây là dòng dõi gốc của mọi quốc gia Aryen và từ năm 40.000 trước
Công nguyên trở đi thì những đợt di dân lớn của nó tạo thành các
phân chủng Aryen. Nó vẫn còn ở nơi chôn nhau cắt rốn của mình cho
đến khi nó đã biệt phái được bốn đoàn di dân về hướng Tây và cũng
biệt phái được nhiều nhóm khổng lồ những người di dân chinh phục Ấn
Độ, họ chiếm được đất đai và sở hữu đất đai; những di dân cuối cùng
chỉ rời bỏ nhà và gia nhập với các bậc tiền trạm ở Ấn độ chẳng bao
lâu trước khi đảo Poseidonis
bị chìm vào năm 9.564 trước Công nguyên
[[3]];
thật ra họ được biệt phái đi để tránh được thảm họa ghê gớm này.
Từ năm 60.000 trước Công nguyên cho tới 40.000 trước Công nguyên thì
dòng dõi tổ tiên tăng trưởng và phồn thịnh tột độ, đạt tới đỉnh cao
của sự vinh quang đầu tiên vào năm 45.000 trước Công nguyên. Nó
chinh phục được Trung quốc và Nhật bản, lúc bấy giờ chủ yếu dân
chúng là người Mông cổ, (phân chủng thứ 7 của giống dân Atlantis),
rồi đi lên phương Bắc và sang phương Đông mãi cho tới khi bị khí
lạnh chận đứng lại, nó cũng thêm vào qua việc sáp nhập đảo Đài loan
và Xiêm la vào Đế quốc, những nơi này dân cư là người Turania và
người Tlavatli tức là các phân chủng thứ tư và thứ nhì của giống dân
Atlante. Thế rồi người Aryen lại chiếm Sumatra, Java và các đảo lân
cận làm thuộc địa (các đảo này hồi đó không nát bét như hiện nay)
hầu như ở bất cứ nơi đâu họ cũng được dân chúng ở các vùng này hoan
nghênh, dân chúng coi những người lạ mặt đẹp đẽ này là Thần linh và
có khuynh hướng sùng bái họ hơn là chiến đấu chống lại họ. Một di
tích thú vị của một trong những vụ định cư vẫn còn lại ở vùng
Cilebes chính là
một bộ lạc trên đồi núi tên là
Toala. Đảo
này ở phía Đông Borneo đã ở dưới quyền điều khiển của họ và trải dài
tới tận địa điểm hiện nay là bán đảo Mã lai vượt qua đảo Philippine,
quần đảo Lin-Kiu, quần đảo phía Đông và Papua, những hòn đảo trên
đường đi tới Úc châu và cả Úc châu nữa, Úc châu lúc đó vẫn còn đông
dân Lemuria là Căn chủng thứ ba .
Vào khoảng năm 50.000 trước Công nguyên, chúng tôi thấy Corona cai
trị trên một vương quốc lớn ở những biển có rải rác các đảo này, ông
đã được sinh ra ở vùng ấy và tự mình lập nên một vương quốc, công
nhận Đức Bàn Cổ là Đấng Chỉ huy và tuân theo mọi mệnh lệnh mà mình
tiếp nhận được từ nơi Ngài. Trên khắp Đế quốc khổng lồ này bao gồm
nhiều vương quốc, Đức Bàn Cổ là Lãnh tụ Tối cao. Cho dù Ngài có nhập
thể hay chăng, thì các vị Thánh vương vẫn chỉ huy nhân danh Ngài và
thỉnh thoảng Ngài ra lệnh để thi hành công việc.
Vào năm 40.000 trước Công nguyên thì Đế quốc có dấu hiệu suy vong,
các hòn đảo và các tỉnh ngoại biên đều khẳng định quyền đối lập man
di mọi rợ của mình. Đức Bàn Cổ thỉnh thoảng mới nhập thể còn thường
thường điều khiển mọi chuyện từ các cõi cao. Tuy nhiên Vương quốc
trung ương vẫn có nền văn minh rực rỡ, tự mãn và lặng thinh trong
vòng 25.000 năm nữa, trong khi các hoạt động chủ yếu vẫn tiếp diễn
theo đường lối đi dã ngoại thêm nữa để xây dựng các phân chủng và mở
rộng chúng ra mọi hướng.
[[1]]
Danh xưng này được dịch từ tiếng Bắc phạn có nghĩa là đấng
Trinh nguyên Vĩnh cữu, từ ngữ đấng Trinh nguyên là giống đực
[[2]]
Mãi sau này khi dân số ở thành thị đã tăng trưởng lên nhiều
thì các viên chức mới tiếp nhận phân bổ nó cho những căn nhà
ở các địa hạt quản trị của mình.
[[3]]
Dòng dõi gốc này thường được gọi là phân chủng thứ nhất
trong kho tài liệu Thông Thiên Học; nhưng ta không nên quên
rằng đây là Căn chủng nguyên thủy từ đó phát sinh ra mọi
nhánh tức phân chủng.
Đợt di dân thứ nhất được gọi là
phân chủng thứ nhì
v.v… Những người di cư tới Ấn độ đều xuất phát từ dòng
dõi Á châu và chính là phân chủng thứ nhất.
HOME TÌM HIỂU NHẬP MÔN sách TIỂU SỬ BẢN TIN HÌNH ẢNH thIỀN BÀI VỞ THƠ gifts TẾT 2006 NỮ THẦN ISIS