Không Tôn Giáo Nào Cao Hơn Chân Lý

 HOME TÌM HIỂU  NHẬP MÔN  sách  TIỂU SỬ   BẢN TIN   HÌNH ẢNH   thIỀN  BÀI VỞ  THƠ   gifts  TẾT 2006  NỮ THẦN ISIS

CHƯƠNG II

CÁC DÃY HÀNH TINH THỨ NHẤT VÀ THỨ NHÌ

Trích CON NGƯỜI TỪ ĐÂU TỚI

Bản dịch: www.thongthienhoc.com

CHƯƠNG  II

CÁC DÃY HÀNH TINH THỨ NHẤT VÀ THỨ NHÌ

 

Chúng ta phải giáp mặt với điều hầu như là khó khăn lớn duy nhất trong công trình khảo cứu của mình ngay từ đầu – đó là các chu kỳ tiến hóa thuộc Dãy hành tinh thứ nhất và thứ nhì trong Hệ thống Tiến hóa của ta. Một Chơn sư có mỉm cười nói về điều này như sau: “Được thôi, con có thể nhìn thấy nó nhưng chưa chắc gì con có thể miêu tả được nó bằng ngôn ngữ mà ai cũng hiểu được”. Tình hình khác hẳn mọi thứ mà ta biết ở dưới này: các hình tướng tế nhị, tinh vi, biến dịch nhiều đến nỗi vật chất giống như “loại vật liệu tạo nên các giấc mơ”, chính điều này cho thấy thật khó lòng miêu tả được những sự vật mà ta đã chứng kiến. Thế nhưng, cho dù việc mô tả là bất toàn, song ta vẫn cứ phải cố gắng miêu tả để cho sự tăng trưởng và phát triển sau này có thể hiểu được; cho dù việc mô tả thật tồi tệ nhưng có còn hơn không.  

Ta không thể tìm ra được ‘sự khởi đầu’ đích thực trong sợi dây xích vô tận gồm những sự vật sống động thì ta có thể nghiên cứu một mắt xích hầu như tự nó là hoàn chỉnh. Thế nhưng, kim loại tạo ra mắt xích đã ngủ yên đâu đó trong lòng trái đất rồi được đào xới lên từ mỏ nào đó, được nung chảy trong một lò nung nào đó, được gia công trong một phân xưởng nào đó, được một nhân công nào đó định hình trước khi nó xuất hiện thành một mắt xích trong một dây xích. Đối với Hệ thống Tiến hóa của ta thì cũng vậy. Nếu không có những Hệ thống Tiến hóa trước kia thì nó làm sao mà tồn tại được vì các cư dân cao cấp của nó đâu có bắt đầu tiến hóa ở Hệ thống này. Chỉ cần nói rằng một số Điểm linh quang của Thượng Đế, các Tinh thần vĩnh hằng, đã trải qua vòng cung đi xuống ở đâu đó nơi khác – dấn mình vào vật chất càng ngày càng thô trược trải qua các Giới Tinh hoa ngũ hành đ đạt tới mức thấp nhất – trước khi leo lên Giới Khoáng vật của Dãy hành tinh thứ nhất, đó là sự phát triển lâu dài của họ nơi vật chất đang tiến hóa; và chúng ta – nhân loại ở trái đất hiện nay đã học những bài học tiến hóa đầu tiên của mình trong Giới Khoáng vật nơi Dãy hành tinh thứ nhất ấy. Chúng tôi đề nghị hãy truy nguyên tâm thức bắt đầu từ sự sống nơi Khoáng vật thuộc Dãy hành tinh thứ nhất tới tận sự sống nơi con người trên Dãy hành tinh thứ tư. Bản thân chúng ta là một bộ phận của loài người trên trái đất cho nên ta dễ truy nguyên tâm thức này hơn so với việc truy nguyên một điều gì đó hoàn toàn xa lạ với chính chúng ta. Đó là vì muốn làm như vậy, chúng ta chỉ cần khơi dậy trong Ký ức Vĩnh hằng những cảnh tượng mà chính chúng ta đóng vai trò trong đó, chúng ta liên kết mật thiết với nó, do đó dễ dàng đạt tới nó hơn.

Ta thấy có bảy trung tâm tạo thành Dãy hành tinh thứ nhất; như ta đã nói trung tâm thứ nhất và thứ bảy ở trên cõi Tinh thần [[1]] ; trung tâm thứ nhì và thứ sáu ở trên cõi trực giác [[2]]; trung tâm thứ ba và thứ năm ở trên cõi Thượng trí; trung tâm thứ tư ở trên cõi Hạ trí. Chúng ta gọi chúng theo kiểu các bầu hành tinh sau này là các trung tâm A và G, B và F, C và E rồi tới trung tâm D là bước ngoặc của chu kỳ. Trong Cuộc tuần hoàn thứ nhất của Dãy hành tinh thứ tư – ở một chừng mực nào đó, đây là bản sao thô thiển của Dãy hành tinh thứ nhất. Phần Bình luận Huyền bí mà Giáo Lý Bí Truyền có trích dẫn nói rằng Trái đất là một “bào thai trong vật chất của Không gian” khiến ta lại chợt nhớ tới dụ ngôn này. Dãy hành tinh là các thế giới tương lai trong khuôn viên của tư tưởng, sau này các thế giới ấy được sinh ra trong vật chất thô trược hơn. Chúng ta khó lòng gọi các trung tâm này là ‘bầu hành tinh’, chúng giống như các trung tâm ánh sáng trong một biển ánh sáng, đó là cái tụ điểm ánh sáng mà ánh sáng cuồn cuộn chảy qua đó, chúng được tạo ra từ chính chất liệu ánh sáng và chỉ có ánh sáng thôi; thế nhưng, bị biến đổi bởi cơn lũ ánh sáng cuồn cuộn chảy qua chúng; chúng là các vành xoáy cuộn, thế nhưng các vành ấy cũng chỉ là ánh sáng chỉ phân biệt được qua sự chảy xoáy qua sự khác nhau về chuyển động giống như các xoáy nước phân biệt với nước giữa biển nước, còn đây là các xoáy ánh sáng giữa biển ánh sáng. Các trung tâm thứ nhất và thứ bảy đều là những biến thái của vật chất tinh thần, trung tâm thứ bảy triển khai toàn bích được những nét phác họa tổng quát mà ta thấy được nơi trung tâm thứ nhất, đấng Họa sĩ thiêng liêng đã hoàn tất được bức tranh từ bản phác họa thô thiển. Ở đó có một nhân loại, một loài người rất vinh quang là sản phẩm của một cơ tiến hóa nào đó trước kia và hoàn tất khóa học làm người ở đây trên Dãy hành tinh này (xem vòng tròn ở trên cùng bên tay phải thuộc Dãy hành tinh thứ nhất của Sơ đồ IV). Ở đây mỗi thực thể đều thu đạt được cơ thể thấp nhất của mình – trong bầu hành tinh thứ tư của mỗi Cuộc tuần hoàn – Dãy hành tinh chỉ cung cấp được cơ thể thô trược nhất là cơ thể bằng vật chất trí tuệ. Mức thành tựu qui định cho Dãy hành tinh này – việc không thành tựu hàm ý là cần phải tái sinh trên Dãy hành tinh kế tiếp – là cuộc Điểm đạo lớn thứ nhất tức điều tương ứng với nó ở đây. Theo chỗ chúng tôi quan sát thì trên Dãy hành tinh thứ nhất này không có ai bị rơi rớt thất bại và có một số -  dường như trong các Dãy hành tinh sau này cũng luôn luôn xảy ra trường hợp ấy – vượt xa mức qui định; trong Cuộc tuần hoàn thứ bảy thì các thành viên của nhân loại vốn đã trở thành Điểm đạo đồ ắt nhập vào một trong bảy Con đường nêu trên.

Trên Dãy hành tinh này dường như có mặt đủ mọi trình độ ngã thức nhưng việc thiếu vắng các mức vật chất thấp mà chúng ta đã quen thuộc khiến cho phương pháp tiến hóa ở đây làm nổi bật lên một sự khác nhau đáng kể đối với người quan sát: mọi thứ chẳng những khởi sự mà còn tiến bộ ở ‘bên trên’, không có bên dưới và không ‘hình tướng’ theo nghĩa thông thường của từ ngữ này mà chỉ có các trung tâm sinh hoạt vốn không có hình tướng ổn định; không có các cõi hồng trần và cõi xúc động – nơi cả ba bầu đu tiên thậm chí còn không có cả cõi hạ trí – từ đó các xung lực có thể trồi lên, nhấn chìm những thứ cao siêu đáp ứng với việc làm linh hoạt và sử dụng hình tướng đã tồn tại sẵn trên các cõi thấp. Cách tiếp cận gần gũi nhất với tác động ấy diễn ra trên bầu D khi các hình tư tưởng giống như loài thú vươn lên thu hút sự chú ý của các trung tâm tinh vi trôi nổi bên trong chúng; thế rồi sự sống của Tinh thần càng tuôn trào mạch động vào các trung tâm, chúng bám trụ vào các hình tư tưởng làm linh hoạt các hình tư tưởng khiến cho các hình tư tưởng trở thành người.

Thật khó mà nêu rõ các Cuộc tuần hoàn liên tiếp sau này; chúng dường như cái này mờ nhạt đi chìm vào cái kia giống như cảnh tượng tan biến [[3]] và chỉ được đánh dấu qua việc tăng hoặc giảm chút ít về ánh sáng. Sự tiến bộ rất chậm chạp khiến người ta nhớ lại Chu kỳ Satya Yuga của kinh điển Ấn Độ trong đó một kiếp sống kéo dài nhiều ngàn năm mà chẳng thay đổi được bao nhiêu [[4]] .

Các thực thể phát triển rất chậm khi các tia sáng đã được từ hóa tác động lên họ; điều này giống như sự thụ thai, giống như sự tăng trưởng trong nội bộ một quả trứng hoặc nụ hoa tăng trưởng bên trong đài hoa. Điều thú vị chính yếu của Dãy hành tinh này là sự tiến hóa của các Đấng Quang Huy (các Thiên thần) vốn quen cư ngụ trên các cõi cao; trong khi các cơ tiến hóa hạ đẳng dường như đóng vai trò thứ yếu. Nhân loại bị ảnh hưởng nhiều bởi các đấng này, hầu hết chỉ do các ngài hiện diện và do bầu hào quang mà các ngài tạo ra đôi khi ta có thể thấy một Đấng Quang Huy khoác lấy một hình hài người, coi đó như một trò chơi hoặc một con thú cưng. Dòng tiến hóa thiên thần vĩ đại trợ giúp cho loài người qua chính sự tồn tại của nó; những rung động mà các Chơn linh huy hoàng này dựng nên tác động lên các loại người hạ đẳng, củng cố và làm linh hoạt họ. Khi xét Dãy hành tinh này nói chung thì ta thấy chủ yếu đó là môi trường tiến hóa của Giới Thiên thần, còn giới nhân loại chỉ có môi trường tiến hóa thứ yếu; nhưng biết đâu đó có thể là vậy chỉ vì chúng ta là người cho nên chúng ta xem xét thế giới theo quan điểm đặc biệt của mình.

Trên bầu hành tinh thứ tư thỉnh thoảng ta thấy có một Đấng Quang Huy cố tình trợ giúp cho một con người, chuyển dời vật chất từ cơ thể chính mình sang cơ thể con người, như vậy là làm gia tăng tính đáp ứng và sự thương cảm của con người. Những đấng phò trợ ấy thuộc về lớp Rupa Devas tức là Sắc giới Thiên thần họ thường sống nơi cõi hạ trí.

Khi trở lại giới khoáng vật, ta thấy chúng ta chính là một số khoáng vật vốn sẽ trở thành người trên Dãy Nguyệt tinh và một số trở thành người trên Dãy Địa cầu. Tâm thức thiu thiu ngủ nơi các khoáng vật này phải được khơi hoạt dần dần và phát triển qua những giai đoạn dài dằng dặc để trở thành tâm thức con người.

 Giới thực vật hơi tỉnh táo hơn một chút, nhưng vẫn còn rất trì độn và ngáy ngủ; sự tiến hóa bình thường ở đây sẽ đưa tâm thức làm linh hoạt tiến lên giới động vật trên Dãy hành tinh thứ nhì và tiến lên giới nhân loại, trên Dãy hành tinh thứ ba.

Hiện nay, trong khi chúng ta cần nói tới các giới này là khoáng vật và thực vật thì thật ra chúng chỉ là bao gồm các tư tưởng – tư tưởng của khoáng vật, tư tưởng của thực vật với các Chơn thần có thể nói là đang mơ mộng trong đó, đang trôi nổi bên trên đó, phóng xuống những đợt sự sống xao xuyến nhập vào các hình tướng thanh mảnh như không khí, dường như các Chơn thần này thỉnh thoảng bắt buộc phải chú ý tới chúng, cảm xúc thông qua chúng, cảm giác thông qua chúng khi có một sự tiếp xúc nào đó với ngoại giới bắt buộc kẻ đang ngáy ngủ phải tỉnh lại. Các hình tư tưởng này giống như các mô hình trong Tâm trí của đấng Chưỡng quản bảy Dãy hành tinh, sinh hoạt bên trong nội bộ Ngài, là sản phẩm của công phu thiền định của Ngài, đó là một thế giới của tư tưởng và ý tưởng, chúng ta thấy rằng các Chơn thần nào đã có được các nguyên tử trường tồn trong một hệ thống tiến hóa trước kia và đang trôi nổi bên trên những hình tư tưởng ấy, đều gắn bó với chúng và trở nên mơ hồ có ý thức bên trong và thông qua chúng. Mặc dù ý thức này chỉ mơ hồ thôi nhưng vẫn có những sự khác nhau, ta khó lòng có thể gọi mức thấp nhất là ý thức khi sự sống trong các hình tư tưởng thuộc loại ấy giống như cái mà ngày nay ta gọi là đất đá. Ta khó lòng có thể nói các Chơn thần nào tiếp xúc với chúng mà lại biết được điều gì xung quanh chúng ngoại trừ áp lực được rút ra từ chúng qua một sự khơi động sinh hoạt tẻ nhạt, biểu lộ thành sức đề kháng đối với áp lực, như vậy khác hẳn sự sống còn tẻ nhạt hơn nữa trong các phần tử hóa chất chưa gắn liền với các Chơn thần và chưa cảm thấy áp lực nào. Trong cấp độ kế tiếp nơi các hình tư tưởng giống như cái mà ngày nay người ta gọi là kim loại, ý thức về áp lực vốn mạnh mẽ hơn và sức đề kháng với áp lực lại xác định hơn một chút; hầu như có một nỗ lực bung ra bên ngoài chống lại áp lực, một phản ứng gây ra sự bành trướng. Khi cái phản ứng theo tiềm thức này tỏa ra theo nhiều hướng thì nó hình thành cái mô hình tư tưởng của một tinh thể. Chúng tôi nhận thấy rằng khi tâm thức của chính mình ở trong khoáng vật ấy thì chúng tôi chỉ cảm thấy phản ứng theo tiềm thức, nhưng khi chuyển ra ngoài và cố gắng cảm thấy phản ứng từ bên ngoài thì nó thể hiện nơi tâm thức chúng tôi thành ra sự mơ hồ bất mãn với áp lực ấy và một nỗ lực tẻ nhạt phấn kích nhằm chống lại và đẩy lùi áp lực. Một trong số chúng tôi nhận xét rằng: “Tôi cảm thấy mình là một loại khoáng vật bất mãn. Có lẽ sự sống Chơn thần khi tìm cách biểu lộ ra đã mơ hồ cảm thấy sự thiếu khoái lạc và bất đắc chí; chúng tôi cũng cảm thấy điều này khi thoát ra bên ngoài khoáng vật, cảm thấy điều đó nơi bản thân giống như cảm thấy điều đó nơi cái bộ phận tâm thức vốn ở bên ngoài hình tướng cứng rắn vào lúc ấy. Nếu chúng tôi liếc nhìn nhanh về tương lai thì chúng tôi có thể thấy rằng các Chơn thần gắn liền với các tinh thể ấy không nhập vào Dãy hành tinh kế tiếp dưới dạng sự sống thực vật thấp nhất mà chỉ dưới dạng sự sống thực vật cao cấp, rồi khi trải qua giai đoạn này bèn nhập vào Dãy Nguyệt tinh ở mức trung gian dưới dạng những con thú có vú để rồi biệt lập ngã tính nơi đó, sinh ra làm người vào Cuộc tuần hoàn thứ năm.

Một trong những sự kiện gây bối rối nhất cho các quan sát viên đó là “những tư tưởng về khoáng vật” này, không cố định mà lại lưu động; một ngọn đồi mà người ta trông mong là bền vững sẽ xoay chuyển hoặc nổi lềnh bềnh hoặc biến đổi hình dạng; không có đất đá rắn chắc mà chỉ có một hoạt cảnh biến động. Chẳng cần đức tin cũng di chuyển được các núi non này vì chúng tự di chuyển.

Vào cuối Dãy hành tinh thứ nhất thì mọi sinh linh đạt tới mức qui định - như ta đã nói trước kia, mức này tương ứng với cuộc Điểm đạo thứ nhất – nhập vào một trong bảy Thánh đạo mà một trong bảy con đường ấy dẫn tới công trình trên Dãy hành tinh thứ nhì với vai trò là những đấng kiến tạo hình tướng cho loài người, đóng vai trò đối với Dãy hành tinh thứ nhì cũng giống như vai trò mà các Nguyệt tinh quân thủ diễn sau này trên trái đất [[5]]. Bà H.P Blavatsky gọi họ là Asuras nghĩa là các Đấng linh động; về sau thuật ngữ này được hạn chế dùng để chỉ các sinh linh mà chỉ có trí năng phát triển chứ xúc dộng chưa phát triển [[6]]. Những người nào không thành công khi đạt tới mức ấy, ắt nhập vào Dãy hành tinh thứ nhì vào lúc giữa chừng để tự mình tiến hóa thêm và dẫn đầu nhân loại đến lúc kết thúc Dãy hành tinh ấy bèn được giải thoát thuộc về một trong các Tinh quân; đến lượt một số Tinh quân này làm việc trên Dãy hành tinh thứ ba để kiến tạo hình tướng loài người [[7]].

Nhân loại sơ khai của Dãy hành tinh thứ nhì được rút ra từ giới động vật của Dãy hành tinh thứ nhất; giới động vật của Dãy hành tinh thứ nhì được trích ra từ giới thực vật của Dãy hành tinh thứ nhất; trong khi giới thực vật của Dãy hành tinh thứ nhì xuất phát từ giới khoáng vật của Dãy hành tinh thứ nhất. Ba giới tinh hoa ngũ hành trên vòng cung đi xuống thuộc Dãy hành tinh thứ nhất cũng chuyển sang Dãy hành tinh thứ nhì lấp đầy giới khoáng vật và hai giới tinh hoa ngũ hành, còn giới tinh hoa ngũ hành thứ nhất của Dãy hành tinh thứ nhì được tạo ra từ một xung lực sinh hoạt mới mẻ của THƯỢNG ĐẾ.

Trong Dãy hành tinh thứ nhì, việc giáng thêm nữa xuống vật chất khiến cho ta có một bầu hành tinh trên cõi xúc động, một bầu hành tinh bằng chất trung giới và vật liệu thô trược hơn khiến cho sự vật cố kết hơn một chút và dễ hiểu hơn. Bây giờ ta có A và G trên cõi trực giác, B và F trên cõi thượng trí, C và E trên cõi hạ trí và D trên cõi xúc động. Trên bầu hành tinh thấp nhất thì các sự vật hơi giống hơn so với những sự vật mà ta thường quen thuộc mặc dù vẫn còn rất kỳ lạ và quái đản. Vậy là những sự vật với dáng vẻ nói chung thuộc loài thực vật tự do di chuyển như loài động vật, mặc dù xét theo biểu kiến có rất ít (nếu có) cảm tính. Chúng không bám trụ vào vật chất trên cõi trần cho nên rất linh động. Nhân loại còn non trẻ ở đây sinh hoạt tiếp xúc mật thiết với các Đấng Quang Huy, các ngài vẫn khống chế môi trường tiến hóa; các Sắc giới Thiên thần và Dục giới Thiên thần (Rupa Devas và Kama Devas) ảnh hưởng mạnh mẻ, (nhưng phần lớn là vô ý thức) tới cơ tiến hóa của loài người. Sự đam mê biểu lộ nơi nhiều người giờ đây đã có các thể xúc động trên bầu D và mầm mống của nó đã rõ rệt trên các loài thú. Những sự khác nhau trở nên đáng kể qua năng lực đáp ứng với những rung động mà Đấng Quang Huy phóng ra một cách hữu thức và vô thức, nhưng sự thay đổi rất từ từ và sự tiến bộ chỉ chậm chạp thôi. Về sau khi tâm thức trực giác đã khai mở thì có sự liên lạc giữa Hệ thống tiến hóa này với Hệ thống tiến hóa bao gồm Kim tinh hiện nay là bầu hành tinh trên cõi trần của nó; Hệ thống tiến hóa ấy là một Dãy hành tinh tiên tiến hơn chúng ta, một số đấng từ đó đã giáng xuống Dãy hành tinh thứ nhì của ta; nhưng chúng tôi cũng chẳng biết liệu họ thuộc về nhân loại trên Hệ thống Kim tinh hay là thành viên của bộ “Tổng tham mưu.”

Trong Cuộc tuần hoàn thứ nhất có một đặc điểm đáng chú ý trên bầu D là có lộ ra những đám mây vật chất lớn màu sắc rực rỡ; trong Cuộc tuần hoàn kế tiếp, chúng trở nên thô trược hơn, có màu sắc lộng lẫy hơn, đáp ứng nhiều hơn với những rung động cung cấp hình hài cho chúng mà ta cũng khó lòng nói chắc được đó là loài thực vật hay động vật. Nhiều công trình diễn ra trên các cõi cao cấp sinh lực cho vật chất tinh vi để sử dụng trong tương lai lại tỏ ra có ít tác dụng đối với những hình tướng hạ đẳng. Cũng giống như hiện nay, người ta dùng tinh hoa ngũ hành để xây dựng các thể xúc động và thể trí tuệ; cũng vậy vào lúc ấy các Sắc giới Thiên thần và Dục giới Thiên thần tìm cách phân biệt với nhau rốt ráo hơn bằng cách sử dụng các đám mây vật chất và sinh hoạt trong đó. Họ giáng xuống từng cảnh một, thâm nhập vào vật chất thô trược hơn nhưng không sử dụng giới nhân loại bằng cách này. Ngay cả hiện nay thì một vị Thiên thần cũng có thể làm linh hoạt trọn cả một vùng quê, còn lúc bấy giờ thì tác động như vậy rất chung chung; vật chất xúc động và vật chất hạ trí tạo thành cơ thể của các Thiên thần này vốn biến đổi và hòa lẫn vào nhau; nhân tiện xin nói các nguyên tử trường tồn của giới thực vật, giới khoáng vật và ngay cả giới động vật đều có gốc rễ nơi cơ thể của những Thiên thần ấy, chúng đều tăng trưởng và tiến hóa. Các Thiên thần dường như không đặc biệt chú ý tới các nguyên tử trường tồn cũng giống như bản thân chúng ta không quan tâm tới sự tiến hóa của các con vi trùng bên trong cơ thể ta, song le thỉnh thoảng thì Thiên thần cũng có chú ý tới một con thú và trong tình huống đó thì năng lực đáp ứng của nó gia tăng nhanh chóng.

Khi nghiên cứu tâm thức loài thực vật trong Dãy hành tinh thứ nhì – trong Dãy hành tinh ấy chúng ta hiện nay là người thì thời đó còn sinh hoạt trong thế giới thực vật – ta thấy có ý thức mơ hồ về các lực tác động lên nó và có một ý thức thôi thúc nào đó hướng về sự tăng trưởng. Nơi một số người có cảm giác muốn tăng trưởng, ham muốn tăng trưởng, một trong những nhà khảo cứu nhận xét như sau: “Tôi đang cố gắng để đơm hoa kết trái”. Nơi một số người khác thì lại có chút ít sự chống đối với đường lối tăng trưởng bị áp đặt và có một sự mò mẫm mơ hồ đi theo một phương hướng khác do chính mình lựa chọn. Một số người dường như cố gắng sử dụng bất cứ lực nào tiếp xúc với mình và trong ý thức phôi thai ấy thì họ cho rằng tất cả xung quanh đều tồn tại để phục vụ cho bản thân. Một số cố gắng bung ra theo một hướng thu hút mình, bị bất đắc chí và mơ hồ cảm thấy phấn kích; có một người tạo một bộ phận của một Thiên thần theo quan sát thấy đã bị cản trở như thế vì Thiên thần dĩ nhiên là sắp xếp mọi chuyện để thích ứng với bản thân chứ không thích ứng với bất kỳ bộ phận cấu thành nào của cơ thể của mình. Mặt khác, theo quan điểm mù mờ của giới thực vật thì hành trang của Thiên thần ắt là không thể hiểu nổi cũng giống như hiện nay chúng ta chẳng hiểu nổi thời tiết và thường thấy là thời tiết gây rắc rối. Vào khoảng lúc kết thúc Dãy hành tinh thì các loài thực vật tiến hóa cao hơn tỏ ra có chút ít trí tuệ, quả thật là trí khôn của một trẻ sơ sinh, nhận ra được sự tồn tại của những con thú ở bên ngoài, thích một số con thú ở gần cận mình và co cụm lại đối với những con thú khác. Có một sự khao khát để được cố kết nhiều hơn, đây hiển nhiên là kết quả của việc sự sống giáng xuống vật chất thêm nữa để có được sự thô trược nhiều hơn, Ý chí hoạt động trong Thiên nhiên để giáng xuống những mức độ thô trược hơn. Nếu không bám trụ được vào vật chất trên cõi trần thì các hình tướng trên cõi xúc động rất bất ổn và có khuynh hướng trôi nổi vật vờ thiếu mục đích.

Trong Cuộc tuần hoàn thứ bảy của Dãy hành tinh này, có một số khá lớn nhân loại bị rơi rớt thất bại vì đã tụt hậu quá xa nên không tìm được những hình tướng thích hợp; sau này họ sẽ tiếp tục trên hành tinh thứ ba, Dãy Nguyệt tinh dưới dạng con người. Những người khác đạt tới mức mà hiện nay được qui định bởi cuộc Điểm đạo thứ ba (mức được qui định là thành công của Dãy hành tinh thứ nhì) và nhập vào một trong bảy Con đường; cũng như trước kia có một Con dường dẫn tới công trình trên Dãy hành tinh kế tiếp. Những người nào không thất bại nhưng cũng chẳng thành công hoàn toàn thì tiếp tục chuyển sang Dãy hành tinh thứ ba nhập vào nó ở một Cuộc tuần hoàn thích hợp khi có trình độ mà mình đã đạt được trước kia. Đám tiên tiến nhất trong giới động vật biệt lập ngã tính trên Dãy hành tinh thứ nhì và bắt đầu cơ tiến hóa làm người trên Dãy Nguyệt tinh, lướt qua các giới hạ đẳng rất nhanh rồi trở thành người; bấy giờ họ dẫn dắt cơ tiến hóa trên Dãy hành tinh ấy cho đến khi những lớp người đã nêu trên – trước hết là những kẻ thất bại, rồi tới những kẻ không thành công hoàn toàn – ghé vô từ Dãy hành tinh thứ nhì để lần lượt sau đó trở thành nhóm lãnh đạo. Đám tiên tiến nhất trong Giới Thực vật thuộc Dãy hành tinh thứ nhì nhập vào Giới Động vật thuộc Dãy Nguyệt tinh vào Cuộc tuần hoàn thứ tư với vai trò là loài động vật có vú chứ không đi băng qua loài trích trùng và loài động vật hạ đẳng, như cá và bò sát; trong Cuộc tuần hoàn thứ nhất thì đám còn lại của giới thực vật thuộc Dãy hành tinh thứ nhì giáng lâm dưới dạng những con thú hạ đẳng. Tâm thức của Giới Khoáng vật thuộc Dãy hành tinh thứ nhì chuyển sang Giới thực vật thuộc Dãy Nguyệt tinh, còn Giới Khoáng vật của Dãy Nguyệt tinh được lấp đầy bằng Giới Tinh hoa ngũ hành cao nhất thuộc Dãy hành tinh thứ nhì. Cũng như trước kia, Giới tinh hoa ngũ hành thấp nhất của Dãy hành tinh thứ ba được lấp đầy bằng một làn sóng sinh hoạt mới của THƯỢNG ĐẾ.

Ở đây ta có thể nhắc tới một nguyên tắc quan trọng: mỗi một trong bảy cảnh tạo thành một cõi lại được chia nhỏ ra thành bảy; vì thế cho nên một cơ thể trong khi thành phần cấu tạo chưa đủ vật chất thuộc mọi cảnh, lại chỉ bộc lộ hoạt động qua sự tế phân tương ứng với con số của Dãy hành tinh hoặc Cuộc tuần hoàn mà nó đã trải nghiệm rồi hoặc đang trong quá trình trải nghiệm. Một người hoạt động trong Cuộc tuần hoàn thứ nhì của Dãy hành tinh thứ nhì ắt chỉ có thể vận dụng các tế phân thứ nhất và thứ nhì thuộc mỗi cảnh của vật chất trung giới và vật chất trí tuệ chứa trong thể xúc động và thể trí tuệ của mình; trong Cuộc tuần hoàn thứ ba, y ắt có thể vận dụng các tế phân thứ nhất, thứ nhì, và thứ ba mặc dù đối với tế phân thứ ba thì chưa hoàn chỉnh như khi sinh hoạt trong Cuộc tuần hoàn thứ ba, thuộc Dãy hành tinh thứ ba và v.v… Như vậy mãi về sau này, trong Dãy hành tinh Trái đất, con người thuộc Cuộc tuần hoàn thứ nhì đã hoạt động xuyên qua các tế phân thứ nhất và thứ nhì của mỗi một cảnh cũng như hoạt động chút ít trong tế phân thứ ba và thứ tư vì y đang sinh hoạt trong Dãy hành tinh thứ tư; vì thế cho nên trong khi bản thân y có đủ vật chất của mọi cảnh nhưng chỉ hai tế phân thấp nhất thuộc hai phân cảnh thấp nhất là hoạt động trọn vẹn và tâm thức của y chỉ hoạt động trọn vẹn thông qua hai tế phân này. Mãi cho tới Giống dân thứ bảy thuộc Cuộc tuần hoàn thứ bảy thì con người mới có được một cơ thể rực rỡ trong đó mọi hạt vật chất đều rộn ràng đáp ứng với bản thân y và ngay cả lúc đó sự đáp ứng vẫn chưa được toàn bích như trong các Dãy hành tinh sau này.

 



[[1]] Cõi Niết Bàn.

[[2]] Cõi Bồ Đề

 

[[3]] Ta có thể nhớ rằng các Giống dân thứ Nhất và thứ Nhì trong thế giới hiện nay cũng chứng tỏ một điều gì đó mang đặc tính ấy, mặc dù ở một mức độ thấp hơn hẳn.

[[4]] Người Ấn Độ chia thời gian ra thành các chu kỳ bao gồm bốn Yuga tức Thời đại, nối tiếp nhau; Satya Yuga, thời đại đầu tiên trong loạt ấy là chu kỳ dài nhất và mang tính tâm linh nhất. Khi thời đại thứ tư kết liễu thì một chu kỳ mới lại khai trương bắt đầu bằng một thời đại Satya.

 

[[5]] Các Barhishad Pitris trong Giáo lý Bí truyền.

[[6]] Các Asuras đóng vai trò Barhishad Pitris trên Dãy hành tinh thứ nhì đóng vai trò Agnishvatta Pitris trên Dãy hành tinh thứ ba và tạo thành một trong các lớp cao cấp nhất của nhóm Manusaputras siêu nhân giáng lâm trên trái đất theo Giáo lý Bí truyền. Phải nhớ rằng những giai đoạn này đều là siêu nhân; xét theo biên kiến nó biểu thị những giai đoạn siêu nhân của con đường thứ năm trong số bảy Con đường được liệt kê ở trang 14. Trong Giáo lý Bí truyền có gây ra một điều khó khăn cũng dùng danh xưng Asuras này để chỉ những người đã rời bỏ Dãy Nguyệt tinh ngay từ bầu hành tinh đầu tiên của Cuộc tuần hoàn thứ bảy và gây rối trên trái đât bằng cách từ chối không sáng tạo. Bạn nào đã đọc quyển Phổ hệ con người ắt phải dùng điều này để chỉnh đốn lại sự kiện ấy dựa theo những chi tiết được trình bày sau này, vì chính tôi cũng bị nhầm lẫn do việc dùng từ Asuras theo hai nghĩa khác nhau trong Giáo lý Bí truyền. Con người chưa bao giờ có thể tồn tại như vậy nhiều hơn mức hai Dãy hành tinh liên tiếp. Muốn xuất hiện như vậy thì họ ắt trở thành siêu nhân – Annie Besant.

[[7]]  Trong thuật ngữ của Giáo lý Bí truyền, thì họ trở thành các Barhishad Pitris.      


 HOME TÌM HIỂU  NHẬP MÔN  sách  TIỂU SỬ   BẢN TIN   HÌNH ẢNH   thIỀN  BÀI VỞ  THƠ   gifts  TẾT 2006  NỮ THẦN ISIS