Không Tôn Giáo Nào Cao Hơn Chân Lý

 HOME TÌM HIỂU  NHẬP MÔN  sách  TIỂU SỬ   BẢN TIN   HÌNH ẢNH   thIỀN  BÀI VỞ  THƠ   gifts  TẾT 2006  NỮ THẦN ISIS

 

CÁC HÌNH TƯ TƯỞNG CÕI TRÍ TUỆ

Tác giả A. E. POWELL

(Trích chương VIII quyển THỂ TRÍ)

www.thongthienhoc.com

  

Bây giờ ta xét tới tác dụng thứ hai được tạo ra khi một người dùng thể trí của mình để suy nghĩ, nghĩa là tạo ra các hình tu tưởng.

Như ta đã thấy, một tư tưởng làm nảy sinh ra một tập hợp các rung động trong vật chất của thể trí. Do sức thôi thúc ấy, thể trí phóng ra một bộ phận đang rung động của chính mình được định hình theo bản chất của rung động, cũng giống như các hạt mịn rải trên một cái đĩa được sắp xếp thành một hình dạng khi cái đĩa ấy bị một nốt nhạc gây cho nó rung động.

Vật chất trí tuệ được phóng ra như thế thu thập tinh hoa ngũ hành của cõi trí tuệ thuộc bầu hào quang xung quanh (nghĩa là tinh hoa ngũ hành của Giới thứ nhì) vốn thuộc một loại thích hợp rồi khiến cho tinh hoa ấy rung động hài hòa theo nhịp độ của chính mình.

Vậy là một hình tư tưởng đơn thuần đã được tạo ra. Một hình tư tưởng trí tuệ như vậy cũng giống như một hình tư tưởng xúc động trên cõi trung giới (đã được mô tả trong quyển Thể Vía), nhưng nó chói sáng hơn nhiều, có màu sắc rực rỡ hơn, mạnh mẽ hơn, bền dai hơn và được cấp sinh lực đầy đủ hơn.

Sau đây là một đoạn mô tả thi vị về tác động của tư tưởng: “Những rung động trí tuệ này định hình vật chất của cõi ấy thành ra hình tư tưởng, nhờ nhanh nhẹn và tinh vi cho nên làm nảy sinh ra những màu sắc tuyệt vời nhất thường xuyên biến đổi, những làn sóng có sắc thái biến thiên giống như sắc cầu vồng trong đá xa cừ, thanh bai và sáng sủa tới mức khó tả, quét qua quét lại mọi hình tướng sao cho mỗi hình tướng ấy đều phô ra một sự hài hòa màu sắc lăn tăn, sống động, trong sáng và tinh tế bao gồm nhiều sắc thái, thậm chí trên cõi trần chưa hề biết tới. Ngôn từ không thể diễn tả được vẻ đẹp tuyệt vời và sự lộng lẫy phô diễn qua những tổ hợp của những vật chất tinh vi này vốn tràn đầy sức sống và sức linh động. Mọi nhà thấu thị đều đã từng chứng kiến nó, tín đồ Ấn giáo, Phật giáo, Ki Tô giáo đều dùng những lời lẽ ngất ngây để nói tới vẻ đẹp vinh diệu của nó, và bao giờ cũng thú nhận rằng mình hoàn toàn không có khả năng mô tả được nó; ngôn từ dường như chỉ làm nó thô thiển và bại hoại hơn cho dù lời tán thán có khéo léo đến đâu đi chăng nữa?”

Một hình tư tưởng là một thực thể sống động, nhất thời hoạt động mãnh liệt và được làm linh hoạt bởi một ý tưởng duy nhất sản sinh ra nó. Nếu được cấu tạo bằng loại vật chất tinh vi thì nó sẽ có sức mạnh và năng lượng lớn lao, có thể được dùng làm một tác nhân hùng mạnh nhất khi được một ý chí mạnh mẽ và kiên định điều khiển. Sau này ta sẽ đi sâu vào những chi tiết của công dụng ấy.

Tinh hoa ngũ hành là một sinh linh kỳ lạ bán thông tuệ bao quanh chúng ta, làm linh hoạt vật chất của cõi trí tuệ. Nó đáp ứng dễ dàng với ảnh hưởng của tư tưởng con người sao cho mọi xung lực phát ra từ thể trí của một người ngay tức khắc khoác lấy hiện thể tạm thời làm bằng tinh hoa này. Quả thật, nó còn bén nhạy ngay tức thời nhiều hơn (nếu có thể được) với tác động của tư tưởng nhanh hơn tinh hoa ngũ hành của thể vía.

Nhưng tinh hoa ngũ hành trí tuệ khác hẳn tinh hoa ngũ hành thể vía, nó chậm hơn tinh hoa ngũ hành thể vía trọn cả một dãy hành tinh, vì vậy lực bên trong nó không thể tác động một cách tập trung như vậy. Nó đang cố gắng xoay xở bởi vì nó chịu trách nhiệm phần lớn về những tư tưởng lang thang của chúng ta khi tư tưởng thường xuyên phóng từ đối tượng này sang đối tượng khác.

Vậy thì như ta có nói, tư tưởng nhất thời trở thành một loại sinh lực; lực của tư tưởng là linh hồn, còn tinh hoa ngũ hành là phần xác. Những hình tư tưởng này được gọi là tinh linh hoặc đôi khi gọi là tinh linh nhân tạo.

Những nguyên tắc làm căn bản cho việc tạo ra mọi hình tư tưởng là:

(1)  Phẩm chất của tư tưởng xác định màu sắc;

(2)  Bản chất của tư tưởng xác định hình dạng;

(3)  Tính chính xác của tư tưởng xác định rõ nét của đường bao quát quanh nó.

Có đủ vô số loại hình tư tưởng cả về mặt màu sắc lẫn hình dáng. Bây giờ học viên đã quen thuộc với đủ thứ màu sắc và ý nghĩa của chúng vì chúng phù hợp với những màu sắc tồn tại trong thể vía và thể trí, được miêu tả trong quyển Thể Vía cũng như trong Chương trước kia của quyển sách này.

Vậy thì chẳng hạn như tình luyến ái tạo ra màu hoa hồng cháy rực; ý muốn hòa giải tạo ra màu trắng bạc dễ thương, nỗ lực củng cố và làm ổn định tâm trí tạo ra một màu vàng hoàng kim lóe sáng rất đẹp.

Trong bất kỳ hiện thể nào thì màu vàng cũng biểu thị tri năng, nhưng các sắc thái của nó thay đổi rất nhiều và nó có thể bị phức tạp do pha trộn thêm những màu sắc khác.

Nói chung thì nó có sắc thái đậm hơn và mờ nhạt hơn nếu nó hướng về những kênh dẫn thấp hơn, nhất là nếu mục đích mang tính ích kỷ. 

Trong trường hợp thể vía hoặc thể trí của một doanh nhân bình thường thì nó biểu thị thành màu vàng đất, còn trí tuệ thuần túy dành cho việc nghiên cứu triết học hoặc toán học thường xuất hiện thành màu hoàng kim; nó dần dần thăng lên một màu vàng đinh hương sáng rỡ đẹp đẽ khi trí năng mạnh mẽ được dùng hoàn toàn bất vị kỷ vì ích lợi của loài người.

Hầu hết các hình tư tưởng màu vàng đều có đường nét rõ ràng, tương đối hiếm có một đám mây mờ nhạt màu vàng. Nó biểu thị vui sướng về trí thức chẳng hạn như đánh giá cao kết quả tài nghệ khéo léo hoặc vui thích trước nghệ thuật khéo léo của nghệ nhân.

Một đám mây có bản chất như vậy chứng tỏ việc hoàn toàn không có xúc động cá nhân nào vì nếu có xúc động cá nhân ấy thì nó tất yếu sẽ nhuộm thêm màu vàng bằng màu sắc thích hợp.

Trong nhiều trường hợp hình tư tưởng chỉ là một đám mây quay vòng có màu sắc thích hợp với ý tưởng khai sinh ra nó. Trong tình trạng hiện nay của loài người, học viên ắt nhận ra được rằng các tư tưởng lờ mờ và hình dáng không đều chiếm đa số, vì đó là sản phẩm của tâm trí kém lão luyện của đa số mọi người. Thật là một hiện tượng hiếm hoi khi ta thấy những hình tư tưởng rõ ràng và xác định trong số hàng ngàn hình tư tưởng trôi nổi xung quanh ta.

Khi một hình tư tưởng là xác định thì có một hình tướng tạo ra mang hình dạng rất rõ rệt và thường đẹp mắt. Trong khi thuộc đủ loại biến thể thì những hình tướng ấy thường tiêu biểu một cách nào đó cho loại tư tưởng mà chúng biểu diễn. Những ý tưởng trừu tượng thường biểu hiện mọi loại hình kỷ hà học toàn bích và đẹp đẽ nhất. Về vấn đề này ta nên nhớ rằng, điều chỉ là sự trừu tượng đối với chúng ta ở dưới đây lại trở thành những sự kiện xác định trên cõi trí tuệ.

Sực mạnh của tư tưởng và xúc động xác định kích cỡ của hình tư tưởng cũng như thời gian kéo dài của nó với vai trò là một thực thể riêng biệt. Thời gian kéo dài (tuổi thọ) của nó tùy thuộc vào nguồn dinh dưỡng được cung cấp cho nó sau khi đã được tạo ra do những người khai sinh ra nó hay những người khác lập lại tư tưởng ấy.

Tư tưởng mang tính trí thức và vô ngã; nếu người tư tưởng toan tính giải một bài toán đại số hoặc hình học thì những hình tư tưởng của y [cũng như các làn sóng tư tưởng] sẽ bị hạn chế vào cõi trí tuệ.

Nếu tư tưởng của y có bản chất tâm linh, nghĩa là nếu y thêm sắc thái yêu thương với đạo tâm sâu sắc, xúc cảm vị tha thì nó sẽ vươn lên khỏi cõi trí tuệ và sẽ vay mượn nhiều sự vinh quang chói lọi của các cảnh Bồ đề bên trên nữa. Trong trường hợp ấy ảnh hưởng của nó là mãnh liệt nhất, và mọi tư tưởng như thế đều là một sức mạnh hùng dũng phục vụ cho điều thiện.

Mặt khác, nếu tư tưởng có nơi bản thân một điều gì đó mang tính ham muốn cá nhân hoặc bản ngã thì ngay tức khắc rung động của nó xoay vào trong, nó thu hút xung quanh mình một cơ thể bằng vật chất trung giới thêm vào lớp áo bằng vật chất trí tuệ. Một hình tư tưởng như thế  - nói chính xác hơn là một hình tư tưởng xúc động – dĩ nhiên không thể ảnh hưởng tới cả thể trí lẫn thể vía của những người khác.

Loại hình tư tưởng này cho đến nay là thông dụng nhất, vì ít tư tưởng nào của người nam nữ bình thường mà lại không thấm đượm ham muốn, đam mê hoặc xúc động.

Ta có thể coi loại hình tư tưởng này được sinh ra do hoạt động của kama manas, nghĩa là trí tuệ bị ham muốn chế ngự.

Khi một người suy nghĩ về một đối tượng cụ thể - một quyển sách, một căn nhà, một phong cảnh – thì y xây dựng một hình ảnh nhỏ xíu của đối tượng ấy bằng vật chất thể trí của mình. Hình ảnh này trôi nổi ở phần trên cơ thể, thường ngay trước mặt người ấy và ở ngang mức mắt nhìn. Nó vẫn ở đó chừng nào người ấy còn đang chiêm ngưỡng sự vật và thường thường một ít lâu sau đó, độ dài này tùy thuộc vào cường độ và sự rõ nét của tư tưởng. Hình tư tưởng ấy hoàn toàn thuộc ngoại giới và bất cứ ai có thần nhãn của thể trí đều có thể nhìn thấy nó. Nếu một người nghĩ tới người khác thì y cũng tạo ra một chân dung nhỏ xíu của người ấy giống hệt như cách nêu trên.

Kết quả như vậy cũng nối tiếp bất cứ nỗ lực nào khi “tưởng tượng”. Họa sĩ tạo ra quan niệm về bức tranh tương lai rồi xây dựng nó từ vật chất của thể trí mình, rồi phóng chiếu nó vào không gian trước mặt mình, duy trì nó trước mắt trí tuệ của mình và sao chép nó lại. Cũng giống như vậy, tiểu thuyết gia xây dựng hình ảnh các nhân vật chính của mình bằng vật chất trí tuệ, rồi vận dụng ý chí làm cho những hình rối này di chuyển từ vị trí này hoặc nhóm này sang vị trí hoặc nhóm khác, sao cho tình tiết của câu chuyện theo sát nghĩa là được ông thể nghiệm trước mắt mình.

Như ta đã nói, những hình ảnh trí tuệ này hoàn toàn thuộc ngoại giới đến nỗi chẳng những nhà thần nhãn thấy được nó mà bất cứ ai khác với người sáng tạo nó, thậm chí cũng có thể di chuyển nó và sắp xếp nó, bố trí lại. Như vậy, chẳng hạn như những tinh linh thiên nhiên nghịch ngợm [Xem quyển Thể Vía trang 53] hoặc thường là một tiểu thuyết gia “đã chết” khi ngắm nhìn công trình tác phẩm của một tác giả - bạn bè sẽ làm di chuyển các hình ảnh hoặc con rối ấy sao cho đối với người sáng tạo ra chúng, chúng dường như đã phát triển một ý chí của riêng mình, tình tiết của câu chuyện vậy là thể hiện ra theo những đường lối khác hẳn tình tiết mà tác giả dự tính ban đầu.

Một nhà điêu khắc tạo ra một hình tư tưởng mạnh mẽ của pho tượng mà mình dự tính sáng tạo, gắn nó vào khối đá cẩm thạch, rồi tiến hành cắt bỏ khối cẩm thạch nằm bên ngoài hình tư tưởng cho đến khi chỉ còn bộ phận mà hình tư tưởng xuyên thấu vào đó còn lại.

Cũng vậy, một nhà diễn thuyết khi suy nghĩ tha thiết đến những bộ phận khác nhau về đề tài của mình, ắt tạo ra một loạt hình tư tưởng thường là những hình tư tưởng mạnh mẽ vì có cố gắng. Nếu ông không thể làm cho thính giả hiểu được mình thì phần lớn ắt là vì tư tưởng của chính ông không đủ rõ rệt. Một hình tư tưởng không xác định và vụng về chỉ gây ra một ấn tượng lờ mờ, thậm chí khó hiểu, trong khi hình tư tưởng rõ rệt khiến cho thể trí của thính giả bắt buộc phải ra sức mô phỏng lại nó.

Thuật thôi miên cung ứng những ví dụ về tính khách quan của hình tư tưởng. Ta thừa biết rằng hình tư tưởng của một ý tưởng có thể phóng chiếu lên một tờ giấy để trắng và ở đó nó trở nên nhìn thấy được đối với người đã bị thôi miên. Hoặc người ta có thể làm cho nó trở nên khách quan thuộc ngoại giới đến nỗi người bị thôi miên ắt nhìn thấy và cảm nhận được nó dường như thể đó là một vật có thật trên cõi trần.

Nhiều hình tư tưởng tồn tại ít nhiều mang tính thường trụ đối với những nhân vật chính trong lịch sử, kịch nghệ, tiểu thuyết v.v. . . Chẳng hạn như óc hoang tưởng của dân gian đã mạnh mẽ tô vẽ cho những nhân vật chính và những phong cảnh trong các vở kịch của Shakespeare, từ Bước tiến của người Khách Hành hương của Bunyan, từ những câu chuyện thần tiên chẳng hạn như Cô bé Lọ lem, cây Đèn thần của Aladdin v.v. . . Những hình tư tưởng như thế mang tính tập thể là sự hỗn hợp sản phẩn tưởng tượng của vô số cá nhân.

Trẻ con có óc tưởng tượng rất phong phú và sống động cho nên sách vở mà chúng đọc thường biểu diễn tốt đẹp trong thế giới hình tư tưởng, nhiều chân dung giống như thật, linh động tuyệt vời tồn tại bao gồm Sherlock Homes, Thuyền trưởng Kettle, Bác sĩ Nikola và nhiều nhân vật khác.

Tuy nhiên, nói chung thì hình tư tưởng bắt nguồn từ tiểu thuyết thời nay tuyệt nhiên không trong sáng do hình tư tưởng của cha ông chúng ta tạo ra về Robinson Crusoe hoặc những nhân vật chính trong kịch của Shakespeare. Dĩ nhiên có chuyện này, vì thiên hạ thời nay đọc tiểu thuyết hời hợt hơn và ít chú ý hơn trường hợp thời xưa. Việc sản sinh ra hình tư tưởng cũng đã nói nhiều rồi. Bây giờ ta chuyển sang xét tới tác dụng của chúng đối với người sáng tạo ra chúng và những người khác.

Mỗi người khi sinh hoạt trải qua cuộc đời đều tạo ra ba lớp hình tư tưởng.

(1). Những hình tư tưởng vì không tập trung xung quanh người suy nghĩ, cũng chẳng đặc biệt nhắm vào bất cứ ai cho nên bị bỏ lại thành ra một thứ đường mòn đánh dấu lối đi của y.

(2). Những hình tư tưởng tập trung xung quanh người suy nghĩ, lượn lờ quanh y và theo y đi tới bất cứ nơi đâu.

(3). Những hình tư tưởng phóng thẳng ra xa khỏi phạm vi người suy nghĩ nhắm vào một đối tượng xác định.

Hình tư tưởng thuộc lớp 1, vì không xác định thuộc cá nhân cũng không đặc biệt nhắm vào ai khác, cho nên chỉ trôi nổi lững lờ trong bầu hào quang, lúc nào cũng bức xạ ra những rung động giống như những rung động mà người sáng tạo ra nó thoạt tiên phóng ra. Nếu hình tư tưởng ấy không đến tiếp xúc với bất kỳ thể trí nào khác thì bức xạ dần dần kiệt quệ hết kho chứa năng lượng của mình, và trong trường hợp ấy hình tư tưởng tan tành mây khói.

Nhưng nếu nó thành công trong việc khơi dậy, những rung động đồng cảm nơi bất kỳ thể trí nào ở gần kề trong tầm tay thì một sự thu hút được lập nên khiến cho hình tư tưởng ấy thường được thể trí hấp thụ.

Ở trình độ tiến hóa hiện nay, đa số những tư tưởng của con người thường hướng về mình, ngay cả khi chúng không ích kỷ một cách tích cực. Những tư tưởng qui ngã ấy đeo bám lấy người suy nghĩ. Thật vậy, hầu hết mọi người đều có một lớp vỏ những tư tưởng như thế đeo bám xung quanh thể trí của mình. Chúng không ngừng lượn lờ xung quanh họ và thường xuyên tác động lên họ. Chúng có khuynh hướng tự mô phỏng lại, nghĩa là kích động người ấy lập lại những tư tưởng mà trước kia y đã từng ấp ủ. Nhiều người cảm thấy áp lực này từ bên trong, một vài tư tưởng thường xuyên ám thị y nhất là khi y nghỉ ngơi sau khi lao động vất vả và trong tâm trí không có tư tưởng nhất định nào. Nếu tư tưởng ấy gian tà thì y nghĩ rằng đó là ma quỉ cám dỗ y phạm tội. Thế nhưng, thật ra thì chúng toàn là do y tạo nên; chính y cám dỗ bản thân mình.

Tư tưởng lập đi lập lại thuộc loại này đóng vai trò quan trọng trong việc thanh toán cái gọi là nghiệp quả “chín muồi”, đó là Parabda. Việc kiên trì lập đi lập lại những tư tưởng thuộc cùng một loại, chẳng hạn như báo thù, rốt cuộc đưa người ta tới mức có thể được so sánh với tình trạng dung dịch đã bão hòa. Cũng giống như việc thêm cùng loại vật chất nữa vào dung dịch, ắt tạo ra kết rắn của toàn thể; cũng vậy, chỉ cần thêm một chút xung lực nữa ắt gây ra việc phạm tội ác. Cũng vậy, việc lập đi lập lại tư tưởng trợ giúp người khác, khi kích thích của cơ hội đến được với người ấy ắt có thể kết tinh thành một hành vi anh hùng. Trong tình huống ấy người ta có thể ngỡ ngàng khi thấy mình phạm phải một tội ác hoặc thực hiện một hành vi anh hùng nào đó mà không nhận thức ra được rằng chính tư tưởng lập đi lập lại đã khiến cho hành động ấy không thể tránh khỏi. Việc xét những sự kiện này đi xa tới mức giải thích được vấn đề xưa như trái đất về tự do ý chí, điều tất yếu hoặc số phận.

Hơn nữa, hình tư tưởng của một người có khuynh hướng thu hút về người ấy những tư tưởng của người khác có bản chất tương tự. Như vậy, người ta có thể thu hút về bản thân mình số lượng tăng cường năng lượng từ bên ngoài; dĩ nhiên tùy theo nội bộ của y mà các lực thu hút vào bản thân thuộc loại tốt hay loại xấu.

Thường thường mỗi tư tưởng xác định đều tạo ra một hình tư tưởng mới, nhưng nếu có hình tư tưởng cùng bản chất lượn lờ xung quanh người suy nghĩ rồi, thì trong một số trường hợp, một hình tư tưởng mới cũng về đề tài ấy, thay vì tạo ra một hình tư tưởng mới thì lại hỗn hợp với hình tư tưởng cũ để củng cố nó sao cho khi suy gẫm lâu dài về cùng một đề tài thì có khi người ta tạo ra một hình tư tưởng mạnh ghê gớm. Nếu tư tưởng mang tính gian tà thì hình tư tưởng ấy có thể trở thành một ảnh hưởng thật sự có ác tính tồn tại có lẽ nhiều năm trời, và tạm thời có được mọi dáng vẻ cũng như quyền năng của một thực thể linh hoạt có thật.

Một lớp vỏ tư tưởng qui ngã hiển nhiên phải có khuynh hướng làm mờ nhạt đi tầm nhìn qua thể trí làm cho sự hình thành thành kiến trở nên dễ dàng. Con người nhìn ra thế giới bên ngoài qua lớp vỏ ấy tự nhiên là nhìn thấy mọi chuyện đều nhuốm cái màu sắc chủ yếu của nó; mọi thứ đến với y từ bên ngoài vậy là ít nhiều đều bị biến đổi bởi đặc tính của lớp vỏ ấy. Như vậy, nếu một người chưa hoàn toàn kiểm soát được tư tưởng và xúc cảm thì y chẳng nhìn thấy được thực tướng của mọi chuyện, bởi vì mọi quan sát của y đều thực hiện thông qua cái môi trường giống như thủy tinh bị chế tạo chất lượng kém, làm méo mó và nhuộm màu mọi thứ.

Chính vì thế mà Aryasangha (Vô Trước Bồ Tát) [bây giờ là Chơn sư Djwal Kul] có nói trong quyển Tiếng Nói Vô Thinh rằng cái trí là “tay đại phá hoại sự thật”. Ngài khiến ta lưu ý tới sự thật là chúng ta không hề nhìn thấy thực tướng của bất cứ sự vật nào, mà chỉ thấy những hình ảnh chúng ta có thể tạo ra được về nó, như vậy vạn vật đều bị chúng ta nhuộm màu bởi chính hình tư tưởng do ta sáng tạo ra.

Nếu tư tưởng của một người về người khác chỉ mang tinh chiêm nghiệm và không có xúc cảm (chẳng hạn như luyến ai hoặc không ưa) hoặc ham muốn (chẳng hạn như ao ước gặp người ta) thì tư tưởng thường không rõ rệt tới người mà mình  nghĩ đến.

Tuy nhiên nếu có xúc cảm, nghĩa là luyến ái kết hợp với tư tưởng thì hình tư tưởng do vật chất trong thể trí của người suy nghĩ tạo ra là hình tư tưởng thuộc thể vía cộng với thể trí phóng ra khỏi cơ thể của người mà nó được sản sinh ra, rồi đi thẳng tới đối tượng của xúc cảm ấy và đeo bám theo đối tượng.

Ta có thể so sánh nó với bình Leyden, còn năng lượng của tư tưởng ứng với điện tích.

Nếu lúc đó người ấy ở trạng thái thụ động hoặc nếu y tích chứa nơi bản thân những rung động tích cực có tính cách hài hòa với rung động của hình tư tưởng thì hình tư tưởng ngay tức khắc sẽ phóng điện qua y và không tồn tại nữa sau hành vi ấy. Tác dụng là tạo ra một rung động tương tự như chính mình nếu rung động ấy chưa tồn tại hoặc tăng cường rung động nếu nó đã có sẵn rồi.

Nếu tâm trí của người ấy đang hết sức bận bịu theo những đường lối khác thì rung động không tìm được lối vào, hình tư tưởng lượn lờ xung quanh y chờ dịp phóng điện.

Như vậy, hình tư tưởng do một người này gửi tới cho một người kia thật sự bao gồm việc chuyển di một lượng nào đó cả về thần lực lẫn vật chất từ người phóng tư tưởng sang người tiếp nhận tư tưởng. Sự khác nhau giữa tác dụng một làn sóng tư tưởng và của hình tư tưởng là ở chỗ làn sóng tư tưởng như ta thấy trong Chương VII không tạo ra một ý tưởng hoàn chỉnh xác định, mà có khuynh hướng tạo ra một tư tưởng có cùng tính chất như chính mình; như vậy làn sóng tư tưởng có tác động kém xác định hơn nhiều nhưng nó đạt tới một phạm vi rộng lớn hơn hẳn.

Mặt khác, hình tư tưởng cố truyền đạt một ý tưởng hoàn chỉnh xác định, chuyển di bản chất chính xác của tư tưởng cho những người đã sẵn sàng tiếp nhận nó, nhưng nó chỉ có thể đạt tới một người trong một lúc .

Như vậy, một làn sóng tư tưởng rõ ràng là có tính thích nghi rất nhiều, chẳng hạn như một làn sóng tư tưởng sùng tín có khuynh hướng khơi dậy lòng sùng tín nơi người tiếp nhận, mặc dù đối tượng của lòng sùng tín có thể khác hẳn nhau trong trường hợp người phóng ra và người tiếp nhận. Nhưng một hình tư tưởng ắt sản sinh ra một hình ảnh chính xác về đối tượng mà lòng sùng tín thoạt tiên cảm nhận thấy.

Nếu tư tưởng đủ mạnh thì khoảng cách tuyệt nhiên không quan trọng đối với hình tư tưởng, nhưng tư tưởng của một người thường thì rất yếu và tản mạn cho nên không hữu hiệu ngoài tầm một vùng hạn chế.

Hình tư tưởng chẳng hạn như yêu thương hoặc muốn bảo vệ được hướng mạnh mẽ về phía một người khác, sẽ đi tới chỗ người được tưởng nghĩ và ở lại trong hào quang của y để trở thành một tác nhân che chở và đùm bọc; nó sẽ tìm đủ mọi cơ hội để phụng sự và mọi cơ hội để bảo vệ, chẳng những cố tình hành động một cách hữu thức mà còn mù quáng đi theo xung lực tác động lên nó, nó sẽ củng cố xung lực thân hữu tác động lên hào quang và làm yếu bớt đi những lực không thân thiện. Vậy là những thiên thần hộ mệnh thật sự đã được tạo ra và duy trì xung qanh những người mà chúng ta yêu thương. Vậy là nhiều “lời cầu nguyện” của một bà mẹ dành cho một đứa con ở xa xôi sẽ chạy vòng xung quanh nó, tác động theo cách thức đã được mô tả.

Biết được những sự kiện này ắt khiến cho ta ý thức được quyền năng khổng lồ được đặt vào tầm tay chúng ta. Ở đây chúng tôi xin lập lại điều đã nói khi bàn về các làn sóng tư tưởng, đó là có nhiều trường hợp mà chúng ta không thể làm bất cứ điều gì cho một người trên cõi hồng trần. Tuy nhiên thể trí và thể vía của một người vẫn có thể ảnh hưởng và người ta thường dễ dàng gây ấn tượng lên các thể này hơn là thể xác. Vì thế cho nên, ta luôn luôn có thể ảnh hưởng tới thể trí và thể vía của y bằng tư tưởng trợ giúp, xúc cảm luyến ái v.v. . . Những luật tư tưởng vốn cứ như thế, chắc chắn là các kết quả phải tăng cường và không thể nào thất bại mặc dù ta không theo dõi được kết quả rõ rệt trên cõi trần.

Học viên ắt dễ dàng nhận thấy rằng, một hình tư tưởng chỉ có thể ảnh hưởng tới người khác nếu trong hào quang của người ấy có những vật liệu đáp ứng đầy thiện cảm với rung động của hình tư tưởng. Trong trường hợp các rung động của hình tư tưởng nằm ngoài tầm hào quang của người ấy có thể rung động hưởng ứng được, thì hình tư tưởng dội lại với một lực tỉ lệ với năng lượng mà nó tác động lên.

Vì thế cho nên mới bảo rằng, một tâm trí và tâm hồn thuần khiết là sự che chở vũng chắc nhất chống lại những sự tấn công thù nghịch, vì một tâm trí và tâm hồn thuần khiết ắt xây dựng thể vía và thể trí bằng những vật liệu tinh vi tốt đẹp, cho nên những thể này không hưởng ứng được với những rung động đòi hỏi vật chất thô và trược.

Nếu một tư tưởng gian tà được phóng ra với một ý định đầy ác ý mà đập vào một thể được tẩy trược như vậy, thì nó sẽ bị dội lại theo con đường dễ đi nhất của luồng từ khí, trở lại đập vào chính người phóng ra nó. Y vốn có vật chất trong thể vía và thể trí tương tự như hình tư tưởng mà y đã sản sinh ra cho nên sẽ chuyển sang các rung động hưởng ứng, chịu những tác hại mà y dự tính gây ra cho người khác. Thế là “lời nguyền rủa (và lời chúc phúc) sẽ trở về nhà tá túc”. (Ác giả ác báo). Do đó cũng xảy ra những hậu quả nghiêm trọng khi người ta thù ghét hay nghi ngờ một người tiên tiến và tốt bụng; những hình tư tưởng phóng ra chống lại y không thể gây hại cho y và chúng dội trở lại người phóng ra, làm tan nát họ về phương diện tâm trí, đạo đức và thể xác.

Khi người ta nghĩ tới bản thân mình ở một khoảng cách xa hoặc tha thiết muốn ở đó thì hình tư tưởng do y tạo ra theo hình ảnh của chính mình bèn xuất hiện ở nơi ấy. Những người khác thường nhìn thấy hình tư tưởng đó và đôi khi họ nhầm lẫn chính người đó đã hiện hình hoặc đã xuất hiện trong thể vía. Muốn được như vậy, người thấu thị hoặc là nhất thời phải có đủ thần nhãn để thấy được hình tư tưởng, hoặc là hình tư tưởng phải đủ sức mạnh để hiện hình ra, nghĩa là tạm thời thu hút vào xung quanh mình một lượng vật chất hồng trần nào đó.

Tư tưởng sản sinh ra một hình tư tưởng như thế tất nhiên phải mạnh và vì vậy phải sử dụng phần lớn vật chất của thể trí sao cho mặc dù khi rời khỏi người suy nghĩ, hình tư tưởng bị nén nhỏ lại nhưng trước khi xuất hiện ở đích đến thì nó bành trướng ra tới kích thước giống như thật. Hơn nữa, một hình tư tưởng giống như vậy cốt yếu phải bao gồm vật chất trí tuệ và trong nhiều trường hợp, nó sẽ thu hút lại xung quanh mình một lượng vật chất thể vía đáng kể. Khi khoác lấy hình tướng của thể vía, tinh hoa ngũ hành trí tuệ đã mất đi nhiều tính chói sáng của mình mặc dù màu sắc rực rỡ của nó có thể nhìn thấy rõ bên trong lớp vỏ bằng vật chất thấp kém mà nó khoác lấy. Cũng giống như hình tư tưởng nguyên thủy làm linh hoạt tinh hoa ngũ hành cõi trí tuệ, cũng vậy hình tư tưởng đó cùng với hình tướng của nó là tinh hoa ngũ hành trí tuệ đóng vai trò phần hồn của tinh hoa ngũ hành trung giới.

Không một ý thức nào của chủ thể suy tư được bao gồm trong một hình tư tưởng giống như loại vừa được mô tả. Một khi đã được chủ thể suy tư phóng ra thì thông thường nó là một thực thể hoàn toàn riêng biệt – thật ra cũng không hoàn toàn dính dáng gì tới người sáng tạo, nhưng thực tế xét về khả năng nhận được bất kỳ ấn tượng nào thông qua nó thì cũng có liên quan.

Tuy nhiên có một loại thần nhãn khá tiên tiến hơn thần nhãn bình thường vốn cần một mức độ nào đó kiểm soát được trên cõi trí tuệ. Ta cần phải kiểm soát chặt chẻ một hình tư tưởng mới được tạo ra thì mới khiến cho nó có thể nhận được những ấn tượng thông qua nó. Những ấn tượng tác động lên hình tư tưởng sẽ được truyền tới cho chủ thể tư duy bằng rung động đồng cảm. Trong trường hợp hoàn chỉnh thuộc loại này thì hầu như nhà thấu thị phóng chiếu một phần tâm thức của mình vào hình tư tưởng, sử dụng nó làm một loại tiền đồn để có thể quan sát từ đó. Nhà thấu thị có thể nhìn thấy cũng rõ ràng gần giống như bản thân mình đứng ở chỗ có hình tư tưởng. Hình ảnh mà y nhìn thấy xuất hiện ra với y có kích thước giống như thật và gần kề trong tầm tay, y ắt thấy mình có thể dời điểm quan sát của mình nếu y muốn như thế.

Bất cứ ai có thể nghĩ tới mọi việc vận dụng quyền năng đều tạo ra được hình tư tưởng. Hình tư tưởng là một sự vật và là sự vật có quyền lực rất mạnh, mọi người trong chúng ta đều không ngừng ngày đêm tạo ra các hình tư tưởng. Như nhiều người có thể giả định, hình tư tưởng của ta không độc quyền thuộc công việc của ta. Thật vậy, những tư tưởng gian tà đi xa hơn nhiều so với lời nói gian tà và có thể ảnh hưởng tới bất cứ người nào khác đã có sẵn mầm mống gian tà nơi bản thân.

Một Chơn sư có dạy như sau: “Con người liên tục phóng ra dòng tư tưởng trong không gan tạo thành thế giới của riêng mình, lúc nhúc đám con cháu của những điều hoang tưởng, ham muốn, xung đột và đam mê của mình”.

Một Chơn sư cũng viết rằng bậc Cao đồ có thể: “Phóng chiếu và làm hiện hình trong thế giới hữu hình những hình tướng mà óc tưởng tượng của ngài đã kiến tạo nên từ vật chất vũ trụ trơ trong thế giới vô hình. Bậc Cao dồ không sáng tạo ra điều gì mới mẻ mà chỉ sử dụng và vận dụng những vật liệu do Thiên nhiên cung cấp xung quanh mình, những vật liệu trong suốt chu kỳ vĩnh hằng đã xuyên qua mọi hình tướng. Ngài phải chọn lựa điều mà mình muốn rồi khiến cho nó được triệu thỉnh xuất hiện trong cõi ngoại giới khách quan”.

Những sự khác nhau giữa một người chậm tiến và một người tiên tiến là ở chỗ người tiên tiến sử dụng quyền năng của hình tư tưởng một cách hữu thức. Khi một người như thế có thể sáng tạo một cách hữu thức và điều động một hình tư tưởng thì quyền năng hữu dụng của y rõ rệt là gia tăng rất nhiều, đó là vì y có thể sử dụng hình tư tưởng để làm việc ở những nơi mà nhất thời y không thể viếng thăm thuận tiện bằng thể trí của mình. Thế là y có thể giám sát và hướng dẫn hình tư tưởng của mình, biến chúng thành những tác nhân của ý chí mình.

Có lẽ ví dụ tột đỉnh của một hình tư tưởng chính là điều mà Giáo hội Ki Tô gọi là Thiên thần Hiện diện. Đây không phải là thành viên của giới Thiên thần mà là hình tư tưởng của đấng Ki Tô trông giống như ngài và là mở rộng tâm thức của chính đấng Ki Tô. Chính nhờ có Thiên thần Hiện diện thì mới có việc biến đổi các “yếu tố” mà ta gọi là sự biến thể.

Một hiện tượng tương tự cũng xảy ra (mặc dù ở mức thấp hơn) trong các Chi bộ Tam Điểm khi người ta sử dụng chân dung của Đấng Tối Cao H.O.A.T.F. Hình tư tưởng này là một bộ phận trọn vẹn của ngài đến nỗi Chi bộ có được lợi ích do sự hiện diện và ban phước của ngài chẳng khác nào ngài đang đứng ở đó bằng xương bằng thịt.

Bằng cách vận dụng quyền năng ý chí, ta có thể ngay tức khắc xua tan một tinh linh nhân tạo tức hình tư tưởng, cũng giống như trên cõi trần ta có thể giết chết một con rắn độc để cho nó không làm hại thêm nữa. Tuy nhiên huyền bí gia không tán thành bất cứ đường lối hành động nào nêu trên, ngoại trừ trong trường hợp rất bất bình thường. Để hiểu rõ lý do của điều này, ta cần giải thích thêm một chút nữa về tinh hoa ngũ hành (elemental essence),

Như ta thấy, tinh hoa ngũ hành được dùng để kiến tạo hình tư tưởng vốn tiến hóa tự thân mình, nghĩa là nó học cách rung rẩy ở mọi mức có thể được. Vì vậy, khi một tư tưởng giữ nó lại rung động ở một nhịp độ nào đó trong một thời gian thì nó được trợ giúp trong chừng mực ấy, sao cho lần tới khi có một rung động tương tự tác động lên nó thì nó sẽ đáp ứng dễ dàng hơn trước.

Đối với tinh hoa ngũ hành thì tư tưởng làm nó linh hoạt là tốt hay xấu cũng chẳng có gì quan trọng, mọi điều mà nó cần để phát triển là được một loại tư tưởng nào đó sử dụng mình. Sự khác nhau giữa tốt và xấu ắt biểu hiện qua chất lượng của tinh hoa ngũ hành chịu ảnh hưởng tư tưởng hoặc ham muốn gian tà cần biểu hiện bằng vật chất thô, còn tư tưởng hoặc ham muốn cao thượng cần vật chất tinh vi.

Vậy là tinh hoa ngũ hành trí tuệ từng bước phát triển do chịu tác động của tư tưởng thuộc loài người, tinh linh thiên nhiên, thiên thần và thậm chí cả loài thú nữa (trong chừng mực chúng biết suy nghĩ).

Chính vì thế, huyền bí gia tuyệt nhiên không muốn ngăn cản sự tiến hóa của nó cho nên nếu có thể được ắt tránh phá hủy một tinh linh nhân tạo mà thay vào đó chọn cách bảo vệ bản thân hoặc bảo vệ người khác chống lại tinh linh nhân tạo bằng cách dùng một lớp vỏ bảo vệ.

Dĩ nhiên, học viên không nên tưởng tượng rằng mình có bổn phận phải suy nghĩ những tư tưởng thô để trợ giúp cho sự tiến hóa của các loại tinh hoa ngũ hành thô. Có nhiều người chậm phát triển luôn luôn nghĩ tới những tư tưởng thấp hèn, thô trược; huyền bí gia nên phấn đấu lúc nào cũng nghĩ tới những tư tưởng cao thượng và thanh khiết, như vậy giúp cho sự tiến hóa của vật liệu tinh hoa ngũ hành thanh bai hoạt động trong một môi trường, cho đến nay có ít người tham gia công tác.

Trước khi rời bỏ đề tài hình tư tưởng này, chúng ta nên lưu ý rằng mọi âm thanh đều gây ấn tượng lên vật chất trung giới và vật chất trí tuệ - chẳng những cái ta gọi là âm nhạc mà còn là mọi loại âm thanh với một số được mô tả ở Chương VII của quyển Thể Vía.

Công trình kiến tạo hình tư tưởng được xây dựng trên cõi cao trong khi cử hành lễ Thánh Thể của Ki Tô giáo hơi khác với những hình tư tưởng bình thường, mặc dù nó có chung nhiều hình tướng do âm nhạc tạo ra. Nó bao gồm một cấu trúc thuộc cõi cao với vật liệu do vị linh mục và hội đoàn cung cấp trong phần ban sơ của lễ phụng tự trên các cảnh dĩ thái, trung giới và trí tuệ; vật chất thuộc các cảnh còn cao hơn nữa thì được du nhập trong phần sau này của lễ phụng tự chủ yếu do đội quân các Thiên thần.

Ta có thể so sánh kiến tạo hình tư tưởng ấy với bình ngưng hơi trong một nhà máy chưng cất nước. Hơi nước được làm nguội và ngưng tụ lại thành nước trong buồng làm nguội. Tương tự như vậy, kiến tạo trong lễ Thánh Thể cung ứng một phương tiện để thu thập và làm ngưng tụ vật liệu mà những người phụng tự cung cấp để cho một luồng thần lực đặc biệt từ các cảnh cao nhất có thể giáng xuống đó khiến cho vị Thiên thần trợ giúp sử dụng thần lực ấy vì một vài mục đích nhất định trên cõi trần.

Nghi thức của mọi tôn giáo lớn đều nhắm việc tạo ra những kết quả như thế nhờ một loại tác động chung nào đó. Nghi thức Tam Điểm đạt tới một mục tiêu tương tự mặc dù theo đường lối khác. Hình tư tưởng do nghi thức Tam Điểm kiến tạo là “cái lọng trời” thật sự vốn cũng có thể được coi là hào quang của một người nằm ngữa. Biểu tượng này xuất hiện ở đâu đó chẳng hạn như trong chiếc áo khoác nhiều màu của thánh Joseph, trong chiếc “Áo dài Vinh quang” mà điểm đạo đồ khoác lấy cũng như trong thể hào quang (Augoeides) [xem trang 237] của các triết gia Hi Lạp tức thể huy hoàng mà linh hồn con người ngự trong đó nơi thế giới tinh vi vô hình.

 

-----------------------------

 

 HOME TÌM HIỂU  NHẬP MÔN  sách  TIỂU SỬ   BẢN TIN   HÌNH ẢNH   thIỀN  BÀI VỞ  THƠ   gifts  TẾT 2006  NỮ THẦN ISIS