trang nhà trang sách l bản tin l thiền học l tiểu sử trang thơ l h́nh ảnh l bài vở 

 

 

PHÁP MÔN KARMA  YOGA

 

trích trong
Ba Con Đường Hợp Nhất Dẫn Đến Sự Hợp Nhất

 

 

BA CON ĐƯỜNG MỘT MỤC ĐÍCH
 

Các bậc hiền triết đã miêu tả ba con đường giải thoát để chúng ta chọn con đường nào hạp với mình. Đường thì có ba nhưng trên một phương diện nào đó, chúng chỉ là một. Là vì tuy điều kiện bên ngoài và phương pháp có khác chớ chúng cùng nhằm một mục đích là dẫn đến Bản Ngã duy nhứt. Ba con đường đó –  mà triết lý Ấn Độ gọi là ba Margas –  là con đường Karma hay là con đường Hành Động, con đường Jnana hay con đường Minh Triết và con đường Bhakti hay là con đường Sùng Tín. Khởi đầu ba con đường đó khác nhau nhưng cuối cùng, chúng hợp làm một, vì rằng con đường nầy sẽ tan hòa trong con đường kia và cùng có những đặc tính hệt nhau. Khi bạn đi đến mức cuối dù là của Karma Yoga, hay của Bhakti Yoga, kết quả vẫn là một: sự hợp nhất với Thượng Đế. Các đức tánh cần thiết vẫn hệt nhau và người nào đạt được sự toàn thiện trong một con đường đó sẽ có đầy đủ những đức tánh được rèn luyện trên hai con đường kia.

Với những phương pháp khác nhau và mục đích giống nhau ba con đường đó được trình bày trong phần đẹp nhất và phổ biến nhiều nhất của kinh sách Ấn Độ, trong Thánh Ca Đức Thượng Đế, trong bài thuyết pháp của Đức Krishna –  trong kinh Bhagavad Gita. Trong kinh nầy, ba con đường được diễn tả rõ ràng với mục đích của chính nó. Chính ở kinh nầy, chúng ta học hỏi sự minh triết phát sanh thế nào ở lòng hành giả, làm thế nào hành động có thể thực hiện với một tấm lòng xả ly, không tha thiết nên không trói buộc con người vào bánh xe sanh tử, luân hồi; và cũng trong kinh nầy, chúng ta cũng sẽ học thế nào Thượng Đế sẽ gặp hành giả trên một của ba con đường và giáng phúc cho người. Dù người hành hương chọn con đường nầy hay con đường nọ, anh đều tiến đến Bản Ngã thiêng liêng; dù anh tìm Bản Ngã nầy bằng hành động, bằng minh triết hay bằng lòng sùng tín, anh sẽ gặp Ngài chắc chắn vì Chơn Ngã là duy nhất cũng là mục tiêu của ba con đường.
 

    VẠN VẬT ĐỀU TÌM THƯỢNG ĐẾ
 

Nếu chúng ta quay mắt nhìn vạn vật hay toàn thể thế giới bao la, chúng ta sẽ thấy tất cả đều tìm Đức Thượng Đế thiêng liêng. Khắp mọi nơi, trong mọi chiều hướng, dù dưới danh từ nầy hay sắc tướng nọ, dù hữu ý hay vô tâm, vạn vật đều cố gắng tiến đến Chơn Thần tối cao. Thái Dương tìm Thượng Đế khi nó phóng tia sáng xuyên qua không gian; biển cả tìm Thượng Đế khi nó cuộn lên những ngọn sóng chập chùng; giông gió tìm Thượng Đế khi nó thổi rào rào trên mặt đất. Cũng để tìm Thượng Đế mà cây cối trong rừng giương nhánh, mà động vật lần mò từ bước một; nhân loại cũng đang tìm Ngài với những phương pháp đôi khi thanh cao nhưng lắm khi lại điên cuồng, sai lạc. Cái khuynh hướng ấy của vạn vật, cái sự kiện ấy của mỗi sắc tướng, ngày xưa, được gọi là sự tìm kiếm Đấng Thiêng Liêng. Khoa học hiện đại cũng nhận thấy khuynh hướng đó và gọi nó với danh từ Tiến Hóa. Như vậy, dù chúng ta quay về người xưa hay người nay, chúng ta đều nhận thấy lòng hoài bão hướng thượng và sự quán xét nội tâm.

Tại sao muôn loài vạn vật đều tìm kiếm Thượng Đế như vậy ? Tại sao Thượng Đế là mục tiêu cuối cùng của tất cả cố gắng ?  Là vì Thượng Đế ngự sẵn ở lòng vạn vật: dù trong đại dương, trong kim thạch, trong thảo mộc, trong thú cầm hay trong con người. Thượng Đế vẫn hiện diện nhưng ẩn dưới màn hư ảo bên ngoài. Linh hồn tối cao ngự trị ở Thái Dương cũng như trong quả tim, và khi sinh vật tìm hạnh phúc thì thật sự là tìm Ngài. Quả thế, sự tìm hạnh phúc dù có lầm lạc đi nữa, vẫn là sự lần mò của một sinh vật để tiến đến Ngài, nghĩa là tiến đến sự Bình An. Vâng. Linh Hồn tối cao là sự Bình An muôn thuở, vô biên và bất diệt, và cái mà chúng ta gọi là sự sung sướng chẳng qua là một phản ảnh biến dạng của nó xuyên qua ngoại cảnh bao quanh. Biết thế, chúng ta đừng để mình lạc bước trong ảo tưởng bên ngoài mà phải cố tìm sự sống bên trong xuyên qua sắc tướng hữu hình. Khi tìm hạnh phúc, tất cả đều tiến đến sự sống ấy, và Đức Krishna, hóa thân của Thượng Đế nói: “Kẻ nào thấy được Thượng Đế ngự đồng đều trong vạn vật, kẻ ấy thấy “(Thánh Ca Bhagavad Gita, XIII, 27).
 

Những con đường mà chúng tôi trình bày sau đây là ba con đường chánh, theo đó người ta tìm Thượng Đế một cách ý thức. Trong những giai đoạn đầu, sự tìm kiếm có tánh cách vô ý thức, ấy là một sự hoài bão mù quáng hướng về sự sung sướng, sự thỏa mãn, sự vui vầy. Sau đó, sự tìm kiếm trở nên ý thức: người ta nhận thấy rõ điều người ta tìm và phương cách áp dụng. Dù ý thức hay không, sự tìm kiếm vẫn tiếp tục, còn phương pháp và mục đích được nhận định rõ hay không là tùy vào trình độ tiến hóa của mỗi linh hồn. Khi lần bước trên các con đường ấy, con người vươn lên khỏi các  ảo ảnh gây ra do đặc tính của thiên nhiên, các đặc tính được gọi là gounas [1]. Chính ba gounas nầy bịt mắt mọi người, che lấp Chơn Ngã, tạo nên ảo ảnh khiến con người rất khó nhận định sự thật. Khi tiến trên ba con đường, con người vừa vượt qua khỏi ba gounas, vừa sử dụng nó, đồng thời cũng tập vận dụng những phương pháp hoạt động, minh triết và sùng tín cốt để phân biệt giữa Bản Ngã và giác quan, Bản Ngã và trí tuệ. Chừng nào con người vượt qua khỏi ba gounus, con người tìm được Linh Hồn tối thượng.

 

   CON ĐƯỜNG KARMA YOGA

Con đường mà chúng ta học hôm nay là Con Đường Hành Động (Karma Marga hay Karma Yoga). Phần đông nhân loại đều đi trên con đường đó, nhưng đi một cách mù quáng, vô ý thức, không nhận thức mục tiêu cùng không biết rõ phương pháp. Khi tìm hiểu lịch sử của dân tộc chúng ta, chúng ta thấy pháp môn Karma thúc giục con người hành động đủ cách, đeo đuổi đủ thứ mục đích và không ngớt truy tầm các dục lạc bên ngoài; trong các hoạt động nầy, họ cố thu thập nhiều, nhờ tập trung tư tưởng nhiều, họ càng tiến lên Thượng Đế. Khi miệt mài hành động, con người nói: “Tôi hành động, tôi cảm xúc, tôi kinh nghiệm, tôi vui, tôi buồn .” Y không biết rằng tất cả các hành động, các cảm xúc, các nỗi vui buồn đó thuộc về khí lực của Tạo Hóa, còn Linh Hồn tối thượng thì không làm gì cả, không cảm xúc gì cả, và khí lực ấy chu du theo một cuộc tuần hoàn vô tận.

 

DỤC VỌNG THẤP HÈN VÀ TÍNH BẤT ĐỘNG (Tamas)

Ở bước đầu, y hành động vì kết quả: y muốn hưởng lạc. Nếu y ăn không ngồi rồi, không làm gì cả, y không có một lạc thú gì và lúc nào cũng khổ. Nếu y ở không mãi như vậy, y sẽ gầy mòn, sẽ chết. Thế nên con người phải chiến thắng tính bất động Tamas của thiên nhiên, nó biểu lộ trong sự tối tăm, lười biếng, thẩn thờ. Các bạn hãy nhìn nhân loại và sẽ lưu ý thấy rằng những người có thể đáp ứng với những động cơ cao hơn rất ít. Kêu gọi họ học hỏi không ích gì, vì họ không thích học. Họ chưa thưởng thức được thú vui trí thức và cũng không hiểu gì về ước vọng tâm linh. Họ đang trầm mình trong sự bất động, âm u, trong sự ngu dốt mịt mờ và thích yên thân trong cảnh đó. Làm sao thúc giục họ hành động ? Thà hoạt động cách nào cũng được hơn là không hoạt động gì cả. Tốt hơn là có một khí lực dùng sai hơn là không có một khí lực gì, không có một hành động nào. Ta phải thúc giục họ hoạt động. Lúc đầu, thiên nhiên dùng các ham muốn tục tằn, thô lỗ như là mũi nhọn, roi vóc để buộc con người hành động, vì các ham muốn ấy hạp với bản chất họ. Nhưng về sau, các dục vọng ấy bị xem là hèn hạ, làm con người mất phẩm giá, thoái hóa và ngu đần, nhưng lúc đầu chúng nó rất cần cho sự phát triển con người để xé tan tấm màn bất động nặng nề. Tuy xấu xa, chúng nó còn quí hơn là sự chết, sự bất động. Như vậy các hoạt động bắt nguồn từ sự tham dục là lời dạy đầu tiên để thiên nhiên nhằm khuyến khích con người hoạt động để tiến hóa. Tuy bị bài xích, các điều xấu xa có cái vị trí, cái chức vụ của chúng đối với những cá nhân lười biếng, đê hèn. Vì vậy, Thượng Đế nói Ngài hiện diện trong các tật xấu của những kẻ xấu xa, trong những gì thúc đẩy chúng hoạt động để phát sinh hành động.
 

DỤC VỌNG THANH CAO THAY DỤC VỌNG THẤP HÈN (Rajas)

Trên con đường hoạt động, lần lần con người được kích thích bằng sự ham muốn hưởng kết quả thanh cao; nhờ vậy, tánh Rajas (động) phát triển ở y. Bây giờ y lại hoạt động quá độ trong mọi chiều hướng. Ở y, khí lực trở nên dồi dào, hùng dũng hung hăng và hiếu chiến. Y lao mình vào ngoại giới để thỏa mãn những đòi hỏi của giác quan và trí thức. Trong mục đích nầy, y hoạt động không ngừng.

Những kết quả nầy có thể xếp vào hai loại: một loại để hưởng ngay ở cõi nầy, loại kia để hưởng ở cõi trên. Nếu chúng ta quay mắt nhìn lại các thời kỳ ít vật chất hơn, trong đó nhờ ảnh hưởng hùng hậu của tôn giáo, con người nhìn nhận linh hồn bất tử không phải ở đầu môi nhưng là một ý niệm chính yếu của đời sống và cảm biết mình là trường tồn, bất diệt; vào các thời kỳ đó, mọi hành động đều phát sinh từ lòng ham muốn hưởng lạc thú ở cõi Svarga (cõi Cực lạc). Hoạt động con người tuy chưa mấy thanh cao và còn nhằm mục đích hưởng quả, nhưng y có thể từ bỏ nhiều điều, hy sinh nhiều việc như tài sản chẳng hạn với mục đích được phong phú ở bên kia cửa tử, được hạnh phúc ở cõi siêu hình. Như thế, vào các thời kỳ đó, con người muốn hưởng kết quả của hành động ở cõi trên chớ không phải ở cõi trần vật chất nầy.

Trái lại, nếu chúng ta xem xét lối hoạt động của nhân loại bây giờ, nếu chúng ta nghiên cứu con đường mà người Âu Mỹ đã dấn thân vào và người Đông Phương càng ngày càng hướng theo, chúng ta sẽ nhận thấy rằng cái kết quả mà con người chờ đợi là hành động, cái lợi thế khiến y hoạt động và tiến đến mục tiêu, phải được hưởng ở cõi trần. Cái kết quả đó, cái lợi đó là sự tăng gia của cải, sự thu thập và giữ gìn tài sản vật chất. Chúng ta hãy tìm hiểu các nước Âu Châu. Các nước nầy làm việc luôn tay để gia tăng sự sung sướng. Tôi có thể gọi cái đó là một lối hoạt động bệnh hoạn. Con người chỉ được xem là có hoạt động khi nào hoạt động của y mang lại những kết quả vật chất. Hoạt động có thể xem là hoạt động khi nào nó tạo ra những kết quả trong cõi hữu hình, ở ngoại cảnh hay trong cõi vật chất ô trược. Chắc bạn có gặp nhiều người mê say khoa học. Trong khi nhà bác học làm việc chỉ vì yêu khoa học thuần túy, công chúng chỉ thiết tha đến những điều phát minh, hăng say với các kết quả gặt hái được. Vì sao thế ? Là vì khoa học tiến bộ giúp nhân loại thỏa mãn các ham muốn vật chất và gia tăng tài sản vật chất. Trước mắt ta, sự vật gia tăng một cách nhanh chóng. Giữa những phương tiện thỏa mãn dục vọng và sự đào tạo dục vọng mới mà sự thỏa mãn đòi hỏi những phương cách mới, dường như có một sự chiến đấu không ngừng. Chúng ta cũng chứng kiến một sự chiến đấu liên tục giữa những tay sành chơi, ham mê tiền tài, dục lạc, thích cảm xúc mới, ưa hoạt động lạ và những nhà bác học cố gắng thỏa mãn các ham muốn đó đồng thời cặm cụi phát minh những điều mới lạ để kích thích những dục vọng mới và cũng để tạo công việc cho mình. Như vậy, nhân loại ước mong gia tăng tổng số dục lạc thuộc loại đang hưởng. Họ đã chuyển mau lẹ: các cuộc du hành thuở trước đòi hỏi cả năm bây giờ có thể thực hiện trong một vài tháng, và các cuộc du lịch lúc trước phải kéo dài cả tháng nay chỉ còn thu ngắn trong vài tuần hay vài ngày. Nhưng con người có được hạnh phúc hơn không, các ham muốn của anh có được thỏa mãn không ? Không ! Họ gọi mãi nhà bác học : “Các ông hãy tìm cho tôi một động lực mới, một cái gì hơn hơi nước, một cái chi như điện để giúp chúng tôi chu du thế giới trong hai ngày, để bay trên trái đất nhanh chóng hơn. Chúng tôi chán hơi nước rồi và muốn một cái chi khác  di chuyển chúng tôi mau hơn .”

 

Sự di chuyển nhanh chóng đó có làm cho con người sung sướng hơn không ? Con người có thực hiện được một bước tiến tinh thần nào không khi anh có thể làm trong một ngày một công việc xưa kia đòi hỏi cả năm ? Di chuyển mau, đóng tàu lớn, đó là các cố gắng quan trọng của nhân loại. Vừa rồi, các báo nói một con người mới có thể phát hiện ở cõi trần phục sinh vì nhờ khoa học sáng chế các thức ăn hóa học, con người không cần trồng tỉa và hoạt động như ngày nay. Sự quả quyết này sai lạc hoàn toàn vì sự theo đuổi dục lạc không bờ bến. Người ta có thể thu thập nhiều hơn, chứa chấp đủ thứ mà vẫn chán nản, bất bình, bởi vì trong các điều đó, người ta không tìm được Linh Hồn tối thượng, và linh hồn con người sẽ luôn luôn đau khổ bao giờ nó không được ẩn trú trong Linh Hồn tối thượng ấy. Bởi vậy, khi con người lao mình vào lối hoạt động nầy, y không bao giờ được thỏa mãn. Con người có thể chiến đấu trọn một đời để được sang giàu, nhưng họ vẫn bất mãn, và giữa các tài sản to lớn của y, y vẫn ước mong một cái gì nữa. Vì vậy, Đức Bàn Cổ nói lấy bơ rưới vào lửa để dập tắt lửa còn dễ hơn là dập tắt dục vọng bằng cách cung cấp cho nó những điều mà chúng nó đòi hỏi. Lý do là khi một dục vọng được thỏa mãn, Chơn Ngã (nó ngự trên cao các dục vọng) thúc giục linh hồn tiến bước để tìm một thứ thỏa mãn thâm diệu hơn.

 

      XẢ LY, DỨT BỎ

Sau một thời gian, người tu theo pháp môn hành động ý thức được điều nầy. Anh nhận thấy lúc nào cũng bất mãn, phật ý, các nguyên nhân bất mãn càng nảy sinh và sự chán chê càng cay đắng và sâu đậm. Chừng đó anh mới phản ứng và ý thức rằng ở cõi trần không ai được thỏa mãn và hài lòng. Chừng ấy anh mới thốt lên: “Tôi muốn thoát ly cõi trần, tôi muốn dứt bỏ thất tình lục dục, vì nếu ta quyến luyến cõi nầy, dù ta có hành động nhiều đi nữa, ta không thể tìm được sự bình an hay sự thỏa mãn .” Thế rồi, vì chán chê, anh tạm thời bịt tai trước những kêu gọi của giác quan và tìm sự bình an trong một đời sống tịch mịch, u nhàn. Tuy nhiên, anh cũng buồn rầu mà nhận thấy một cách chua cay rằng không phải xa lánh lục trần kích thích mà anh có thể dập tắt lửa lòng. Anh nhận thấy sự ham muốn hưởng thụ theo đuổi anh đến tận rừng sâu. Hình ảnh các điều ham muốn không buông tha anh dễ dàng và trí não anh vẫn còn hướng vào các hình ảnh ấy. Xác thân anh được trú ẩn là một điều, nhưng anh vẫn là những con mồi của dục vọng, anh vẫn còn bị xâu xé bởi các tình dục của bản ngã thấp hèn vì dục vọng không thể dập tắt bằng sự trừ bỏ các điều phát sinh ra nó, vì gốc rễ của nó đã ăn sâu vào bản chất của con người. Thế là muốn diệt trừ nó, con người phải tiến sâu hơn trên con đường hành động.

 

Chừng đó, trong sự vắng vẻ, tiếng nói của Đức Thượng Đế mới vọng đến anh. Giữa sự im lặng, tiếng của sự Minh Triết trường cửu mới nổi lên: “Bằng sự bất động, con người không thể thoát ly hành động và cũng không thể nào đạt sự toàn thiện” (Bhagavad Gita, III, 4). Không phải bởi sự bất động bên ngoài mà nhờ sự thoát ly ách dục vọng bên trong con người tiến đến con đường hành động. Người ta không thể đoạt được sự giải thoát bằng cách ép buộc thân thể đừng hoạt động. Trước khi linh hồn được giải thoát, chúng ta phải hành động. Chính hành động đem lại sự giải thoát, sự tự do và dạy con người một bài học quý báu hơn là sự di chuyển xác thân từ thành thị đến rừng sâu. Con người thường rút được bài học khác từ nguồn thiêng liêng đó. Bài học ấy là con người sống ở cõi trần mà phải thoát trần, nghĩa là phải xả ly, dứt bỏ mọi sự thiết tha, ràng buộc. Anh biết anh phải hành động nhưng phải thay đổi động cơ hành động. Anh phải tiếp tục đi trên con đường hành động nhưng lý do khiến hành động phải đổi mới và có một tính cách thiêng liêng. Cũng Tiếng Nói ấy, cũng vị Chưởng Giáo ấy dạy thêm cho linh hồn chán nản, mệt nhọc nhưng tìm sự giải thoát:Hỡi con, người vô minh hành động với lòng tham dục, còn các bậc thánh nhân hành động với mục đích bảo tồn nhân loại và không tham luyến điều gì.” (Bhagavad Gita, III, 25).

 

Đến đây, xảy ra một sự thay đổi thật sự. Con người không cúi đầu lao mình vào các hoạt động bên ngoài và trốn cái địa vị mà Luật Nhân Quả đã định cho anh. Anh không bỏ bê phận sự đối với gia đình, đối với quê hương, nhưng anh hành động với một tinh thần mới, một linh hứng mới. Nếu địa vị của anh là thu nhập tài sản, anh cứ thu nhập. Nhưng khi kẻ vô minh thu nhập để hưởng lạc, anh không chút thiết tha. Tài sản đến với anh, anh giữ gìn với tư cách là người quản lý chớ không phải như một chủ nhân. Anh hành động cho nhân loại chớ không phải cho mình. Anh dùng tài sản ấy để tạo công ăn việc làm cho nhân dân nghèo khổ. Anh sẽ lập những kế hoạch vĩ đại, anh sẽ suy tư và hành động cực nhọc cho nhân loại. Khi mọi người làm việc cho mình, cho bà con mình, anh làm việc cho kẻ khác và dùng khả năng của mình để giúp đời.
 

    TỪ BỎ KẾT QUẢ

Chừng ấy, một khuynh hướng tế nhị hiện ra. Công tác bảo tồn nhân loại có thể ẩn một mục đích riêng tư, có thể bắt nguồn từ những động cơ vi tế, có thể nhằm những kết quả thuộc một loại khác. Thật vậy, người có những kế hoạch vĩ đại lo âu công việc bất thành. Anh muốn thành công và động cơ thúc giục anh hoạt động do một phần ở sự ham muốn ấy, ở sự vui sướng thấy công việc thành tựu. Có thể anh còn ước mong được kẻ khác thương mến, biết ơn hay thán phục. Như thế, anh ham muốn một lợi ích cho riêng mình. Anh không nên hoài bão như thế. Khi một yếu tố cá nhân xen vào, anh bị ràng buộc bởi hành động, anh bị trói buộc bởi kết quả.

 

Vì thế, Đức Chưởng Giáo đã dạy anh rằng sự từ bỏ hành động không giải thoát khỏi ách hành động, rằng các bậc thánh nhân chỉ hành động giúp đời, Đấng ấy nay dạy anh một bài học khác thâm thúy hơn để giúp anh tiến một bước khác trên con đường hành động: Ngài dạy anh phải từ bỏ mọi kết quả của hành động hãy dứt khoát với các động cơ ích kỷ, trong tình thương và hoan lạc. Bài học được tóm tắt trong lời nầy : “Con chỉ lo hành động mà thôi, đừng khi nào nghĩ đến kết quả”, dù kết quả ấy là sự cảm mến và tri ân. Đừng bao giờ nghĩ đến kết quả, đừng khi nào liên hiệp kết quả và nguyên nhân. Ngài thêm: “Con đừng để kích thích bởi kết quả và cũng đừng buông trôi trong sự ăn không, ngồi rồi .” (Bhagavad Gita, II, 47).

 

Sự dứt bỏ nay đã hoàn toàn. Không còn hoạt động vì muốn sung sướng ở cõi thế; không còn hoạt động vì ham lạc thú ở Thiên Đàng; không còn hoạt động vì muốn được cảm mến hay tri ân, mà từ bỏ các ham muốn và không màng kết quả. Thành công đến ? Cũng được. Thất bại ? Cũng không sao. “Phải bình thản ở thất bại cũng như trong thành công : đó là sự quân bình ở yoga” (Bhagavad Gita, II, 48). Bình thản trong thành công cũng như trong thất bại, trong cơn vui cũng như trong lúc buồn, trong khi vinh quang cũng như trong lúc tủi nhục, trong tình thương cũng như trong sự oán ghét. Cái chi thuộc phàm ngã đê hèn không được dính líu đến hoạt động. Hành động là công tác của Thượng Đế, dù kết quả như thế nào, nó cũng phát xuất từ Ngài. Bạn thiết lập một kế hoạch giúp đời nhưng kế hoạch thất bại. Đó là một điều tốt. Bạn thiết lập một kế hoạch giúp đời và kế hoạch ấy thành công. Cũng tốt. Mục đích của anh không phải là sự thành công, mục đích của anh không phải là sự thất bại. Anh chỉ nhằm một mục đích : làm tròn phận sự. Kết quả của hành động dù tốt, dù xấu, anh phải thản nhiên và bình tĩnh. Chỉ có hành động là phận sự. Bí quyết của con đường hành động là : “Không tìm kiếm hành động khi nó không đến; đừng từ chối nó khi xảy ra, vui vẻ hành động khi bổn phận bắt buộc; sẵn sàng ngồi không khi không có điều gì thuộc bổn phận mình. Hãy tuyệt nhiên bình thản đối với mọi kết quả.” Trên con đường hành động, nếu con người có được thái độ ấy, anh có thể ở trong điện ngọc, đền vàng, ăn những cao lương mỹ vị, sống giữa gấm vóc ngọc ngà, mà vẫn bình thản, an nhiên. Tất cả các món đó còn cũng tốt, mất cũng tốt, vì chỉ có giác quan cảm xúc chúng nó (Bhagavad Gita, V, 9), còn anh thì bình thản, an tĩnh. Các vật bên ngoài không khiến anh vui thích hay chán chê. Khi chúng nó đến, anh không xua đuổi, khi chúng nó đi, anh không buồn phiền. Khi anh phải từ bỏ đền đài đến ở nhà tranh vách lá; khi anh phải rời bỏ gấm vóc, lụa là để mặc quần vải áo bô, nếu thay vì món ngon vật lạ, anh phải đỡ lòng với cơm hẩm canh rau, sự thay đổi đó không can hệ gì. Anh không mến tiếc của cải đã mất, không xua đuổi nếu chúng đến tay. Anh sung sướng trong chòi tranh cũng như trong điện ngọc, anh sung sướng trong điện ngọc cũng như trong chòi tranh. Không cái nào khiến anh ham mê, không cái nào khiến anh khổ sở. Đó chỉ là khí lực bên ngoài của Tạo Vật, ảo ảnh nhất thời của vật chất. Các vật đó có nghĩa gì đối với anh vì anh không màng kết quả và chỉ cố gắng làm tròn bổn phận mình. Sống ở cõi trần mà lòng lúc nào cũng tuyệt đối thản nhiên trong sự giàu sang cũng như trong sự bần cùng, trong cảnh vui cũng như trong cảnh buồn, trong lúc vinh cũng như trong khi nhục, lúc nào cũng thỏa mãn, cũng an vui, cũng bình thản, một đời sống như thế mới tuyệt diệu, mới thanh cao, mới khó khăn. Ai sống được như vậy mới chứng tỏ rằng mình đã đi gần trọn con đường hành động để hòa hợp với Thượng Đế. Anh đã tiến đến giai đoạn mà mọi Pháp Môn đều hòa với nhau làm một, mà Thiên Ý biểu lộ cho ai đã vén được màn ảo ảnh của vật chất.

 

Từ đời sống đó –  cái đời sống không xin xỏ chi cả, không kiếm tìm chi cả, từ đời sống đó, nảy sinh sự minh triết. Là vì làm sao người ta có thể sai lạc khi mắt đã quen phân biệt giữa hoạt động bên ngoài với Bản Ngã duy nhất, đã biết từ bỏ kết quả trong khi hành động ? Con người ấy trở nên thánh thiện bằng hành động, cũng như nhiều kẻ khác đã thánh thiện bằng sự suy tư, bằng sự thiền định hay bằng lòng sùng tín, các pháp môn khác nhau nhưng hòa hợp với nhau khi cuộc hành hương đi đến giai đoạn cuối cùng.
 

                                                 HIẾN DÂNG
 

Đến lúc ấy, hành giả được xem như xứng đáng để gặp Đấng Tối Cao. Khi đôi mắt được tinh luyện sạch dục vọng, chúng nó sẽ thấy Ngài xuyên qua tấm màn vật chất. Khi lòng người tinh luyện sạch dục vọng, nó sẽ thấy ở đáy sâu, linh hồn duy nhất và đại đồng. Khi mắt trông thấy Đấng Tối Cao, hiện thân của sự Mỹ Lệ muôn đời, hành giả bước một bước chót nữa trên con đường hành động : bước chót ấy là bài học hiến dâng.

 

Bài học nầy cũng do vị Chưởng Giáo khuyến dạy, cũng phát xuất từ một nguồn thiêng liêng. Một khi linh hồn đã tinh luyện và học qua thế nào là hoạt động nghĩa vụ, thế nào là sự từ khước các kết quả của hoạt động để sống hợp với Thiên Ý, linh hồn học bài học tối thượng: “Nhân loại bị trói buộc bởi các hành động ngoại trừ các hành động hiến dâng” (Bhagavad Gita, III, 42). Bây giờ tất cả hành động được thực hiện không phải để đạt ước mong nào đó mà trong mục đích cung hiến cho Đấng Tối Cao. Con người phải trở thành một cộng sự viên với Thượng Đế, một bầu bạn với Đấng Hóa Công. Lúc đầu, anh hành động vì kết quả; đoạn anh hành động để giúp đời; kế đó, anh hành động để làm tròn bổn phận với một tâm bình an không màng kết quả; sau cùng, anh tập hành thiện trong mục đích hiến dâng; từ nay các hành động của anh đều là những hành động tôn sùng, cung hiến Đấng Chí Tôn. Đến giai đoạn nầy của con đường hành động, anh hưởng được sự hân hoan của Thượng Đế. Sự an lạc thiêng liêng sẽ tràn ngập lòng anh. Vì anh tập từ bỏ phàm ngã thấp hèn nên Chơn Ngã sẽ hiện ở lòng anh, thấm nhuần lòng anh. Anh thấy anh là một với Đấng Tối Cao. Từ nay, những phận sự anh thi hành là những hoạt động hiến dâng và anh hưởng được sự an lạc của kẻ hiến dâng. Từ nay, anh dự phần vào đời sống của Đấng Thượng Đế, anh là vận hà truyền đạt khí lực của Ngài. Dưới mắt anh, các hành động đều là những sự hiến dâng cho Ngài, Đấng Hóa Công duy nhất, Đấng Hy Sinh duy nhất, Đấng Ban Rải cho muôn loài, Đấng Thu Nhận mọi kết quả và hưởng lấy vì tất cả đều tập trung về Ngài. Khi sự hiến dâng ấy hoàn toàn rồi, khi đời sống chỉ biết ban cho mà không bao giờ thu nhận, khi nó phát huy ánh sáng mà không đòi hỏi chi cho mình, khi Thái Dương chói sáng đến khắp chân trời để cung phụng Đấng Tối Cao mà không chút tự hào, chừng đó trên con đường hành động, con người bước vào giai đoạn An Lạc Tuyệt Vời. Anh đã đạt được mục đích, anh đã hòa hợp với Thượng Đế.

 

Như vậy, để kết luận, chúng ta có thể nhắc lại giáo lý và lời hứa của Đức Chưởng Giáo mà chúng ta đã cố gắng tìm hiểu để sống một cuộc sống thanh cao, an lạc. Giáo lý ấy, lời hứa ấy nằm trong lời hùng dũng sau đây :

 

Một khi bản ngã được tinh luyện để giác quan có thể không thiết tha, không ghét bỏ giữa vạn vật hữu tình, khi nó được chủ trị bởi Chơn Ngã, thì con người sẽ tiến hành trong Sự Bình An .”

Đó là tâm trạng của Đức Thượng Đế, hỡi con của Pritha. Không ai đã đi đến đó mà lầm lạc bao giờ. Đến giờ lâm chung, ai còn được tâm trạng đó, người ấy sẽ tiến lên cõi Niết Bàn(Bhagavad Gita).

 

1 Ba thứ khí lực đào tạo vạn vật của Tạo Hóa (Sattva, Rajas, Tamas) hay  Shiva, Vishnou và Brahma là 3 Ngôi trong tôn giáo Ấn Độ.


 


 trang nhà trang sách l bản tin l thiền học l tiểu sử trang thơ l h́nh ảnh l bài vở