trang nhà trang sách l bản tin l thiền học l tiểu sử trang thơ l h́nh ảnh l bài vở

Ba Con  Đường Dẫn  Đến
Sự Hợp  Nhất  Thiêng  Liêng

 tác giả  :  ANNIE BESANT


lan


karma yoga l jnana yoga l bhakti yoga l đầu trang l cuối trang

  LỜI  TỰA

Nhân dịp Hội nghị thường niên lần thứ sáu của Xứ Bộ Thông Thiên Học Ấn, người ta yêu cầu tôi tham gia ba buổi diễn thuyết và lấy chủ đề nơi Bhagavad Gita.

Tôi cảm thấy không khả năng để viết những bài diễn văn tham khảo từ quyển sách thiêng liêng ấy; tôi đã chọn đề mục tầm thường nhất là Ba Con Đường: Hành Động, Trí Tuệ và Sùng Tín như đã được mô tả trong quyển Bhagavad Gita, và những bài diễn văn mà tôi đã thực hiện lúc ấy thì bây giờ được kết hợp lại thành một quyển sách.

Bản tường trình chính xác một cách kỳ diệu về những bài diễn thuyết này là do nhã ý của ông Babou Sirish Chandra Bose Mounsif ở Bénarès. Có nhiều lần những bài tường thuật về các cuộc diễn thuyết của tôi đã được những người tài giỏi nhất ở Luân Đôn soạn thảo, nhưng tôi chưa bao giờ thấy một bản tường trình nào có ít lỗi hơn là bản tường trình do công của người bạn mà tôi rất biết ơn, đã soạn ra nó một cách không chuyên nghiệp.                                             

                                                                               Annie Besant  

                                                                      Bénarès, ngày 1- 2- 1897.
 


 

 PHÁP MÔN KARMA  YOGA
 

                BA CON ĐƯỜNG MỘT MỤC ĐÍCH
 

Các bậc hiền triết đã miêu tả ba con đường giải thoát để chúng ta chọn con đường nào hạp với mình. Đường thì có ba nhưng trên một phương diện nào đó, chúng chỉ là một. Là vì tuy điều kiện bên ngoài và phương pháp có khác chớ chúng cùng nhằm một mục đích là dẫn đến Bản Ngã duy nhứt. Ba con đường đó –  mà triết lý Ấn Độ gọi là ba Margas –  là con đường Karma hay là con đường Hành Động, con đường Jnana hay con đường Minh Triết và con đường Bhakti hay là con đường Sùng Tín. Khởi đầu ba con đường đó khác nhau nhưng cuối cùng, chúng hợp làm một, vì rằng con đường nầy sẽ tan hòa trong con đường kia và cùng có những đặc tính hệt nhau. Khi bạn đi đến mức cuối dù là của Karma Yoga, hay của Bhakti Yoga, kết quả vẫn là một: sự hợp nhất với Thượng Đế. Các đức tánh cần thiết vẫn hệt nhau và người nào đạt được sự toàn thiện trong một con đường đó sẽ có đầy đủ những đức tánh được rèn luyện trên hai con đường kia.

Với những phương pháp khác nhau và mục đích giống nhau ba con đường đó được trình bày trong phần đẹp nhất và phổ biến nhiều nhất của kinh sách Ấn Độ, trong Thánh Ca Đức Thượng Đế, trong bài thuyết pháp của Đức Krishna –  trong kinh Bhagavad Gita. Trong kinh nầy, ba con đường được diễn tả rõ ràng với mục đích của chính nó. Chính ở kinh nầy, chúng ta học hỏi sự minh triết phát sanh thế nào ở lòng hành giả, làm thế nào hành động có thể thực hiện với một tấm lòng xả ly, không tha thiết nên không trói buộc con người vào bánh xe sanh tử, luân hồi; và cũng trong kinh nầy, chúng ta cũng sẽ học thế nào Thượng Đế sẽ gặp hành giả trên một của ba con đường và giáng phúc cho người. Dù người hành hương chọn con đường nầy hay con đường nọ, anh đều tiến đến Bản Ngã thiêng liêng; dù anh tìm Bản Ngã nầy bằng hành động, bằng minh triết hay bằng lòng sùng tín, anh sẽ gặp Ngài chắc chắn vì Chơn Ngã là duy nhất cũng là mục tiêu của ba con đường.
 

    VẠN VẬT ĐỀU TÌM THƯỢNG ĐẾ
 

Nếu chúng ta quay mắt nhìn vạn vật hay toàn thể thế giới bao la, chúng ta sẽ thấy tất cả đều tìm Đức Thượng Đế thiêng liêng. Khắp mọi nơi, trong mọi chiều hướng, dù dưới danh từ nầy hay sắc tướng nọ, dù hữu ý hay vô tâm, vạn vật đều cố gắng tiến đến Chơn Thần tối cao. Thái Dương tìm Thượng Đế khi nó phóng tia sáng xuyên qua không gian; biển cả tìm Thượng Đế khi nó cuộn lên những ngọn sóng chập chùng; giông gió tìm Thượng Đế khi nó thổi rào rào trên mặt đất. Cũng để tìm Thượng Đế mà cây cối trong rừng giương nhánh, mà động vật lần mò từ bước một; nhân loại cũng đang tìm Ngài với những phương pháp đôi khi thanh cao nhưng lắm khi lại điên cuồng, sai lạc. Cái khuynh hướng ấy của vạn vật, cái sự kiện ấy của mỗi sắc tướng, ngày xưa, được gọi là sự tìm kiếm Đấng Thiêng Liêng. Khoa học hiện đại cũng nhận thấy khuynh hướng đó và gọi nó với danh từ Tiến Hóa. Như vậy, dù chúng ta quay về người xưa hay người nay, chúng ta đều nhận thấy lòng hoài bão hướng thượng và sự quán xét nội tâm.

Tại sao muôn loài vạn vật đều tìm kiếm Thượng Đế như vậy ? Tại sao Thượng Đế là mục tiêu cuối cùng của tất cả cố gắng ?  Là vì Thượng Đế ngự sẵn ở lòng vạn vật: dù trong đại dương, trong kim thạch, trong thảo mộc, trong thú cầm hay trong con người. Thượng Đế vẫn hiện diện nhưng ẩn dưới màn hư ảo bên ngoài. Linh hồn tối cao ngự trị ở Thái Dương cũng như trong quả tim, và khi sinh vật tìm hạnh phúc thì thật sự là tìm Ngài. Quả thế, sự tìm hạnh phúc dù có lầm lạc đi nữa, vẫn là sự lần mò của một sinh vật để tiến đến Ngài, nghĩa là tiến đến sự Bình An. Vâng. Linh Hồn tối cao là sự Bình An muôn thuở, vô biên và bất diệt, và cái mà chúng ta gọi là sự sung sướng chẳng qua là một phản ảnh biến dạng của nó xuyên qua ngoại cảnh bao quanh. Biết thế, chúng ta đừng để mình lạc bước trong ảo tưởng bên ngoài mà phải cố tìm sự sống bên trong xuyên qua sắc tướng hữu hình. Khi tìm hạnh phúc, tất cả đều tiến đến sự sống ấy, và Đức Krishna, hóa thân của Thượng Đế nói: “Kẻ nào thấy được Thượng Đế ngự đồng đều trong vạn vật, kẻ ấy thấy “(Thánh Ca Bhagavad Gita, XIII, 27).
 

Những con đường mà chúng tôi trình bày sau đây là ba con đường chánh, theo đó người ta tìm Thượng Đế một cách ý thức. Trong những giai đoạn đầu, sự tìm kiếm có tánh cách vô ý thức, ấy là một sự hoài bão mù quáng hướng về sự sung sướng, sự thỏa mãn, sự vui vầy. Sau đó, sự tìm kiếm trở nên ý thức: người ta nhận thấy rõ điều người ta tìm và phương cách áp dụng. Dù ý thức hay không, sự tìm kiếm vẫn tiếp tục, còn phương pháp và mục đích được nhận định rõ hay không là tùy vào trình độ tiến hóa của mỗi linh hồn. Khi lần bước trên các con đường ấy, con người vươn lên khỏi các  ảo ảnh gây ra do đặc tính của thiên nhiên, các đặc tính được gọi là gounas [1]. Chính ba gounas nầy bịt mắt mọi người, che lấp Chơn Ngã, tạo nên ảo ảnh khiến con người rất khó nhận định sự thật. Khi tiến trên ba con đường, con người vừa vượt qua khỏi ba gounas, vừa sử dụng nó, đồng thời cũng tập vận dụng những phương pháp hoạt động, minh triết và sùng tín cốt để phân biệt giữa Bản Ngã và giác quan, Bản Ngã và trí tuệ. Chừng nào con người vượt qua khỏi ba gounus, con người tìm được Linh Hồn tối thượng.

 

   CON ĐƯỜNG KARMA YOGA

Con đường mà chúng ta học hôm nay là Con Đường Hành Động (Karma Marga hay Karma Yoga). Phần đông nhân loại đều đi trên con đường đó, nhưng đi một cách mù quáng, vô ý thức, không nhận thức mục tiêu cùng không biết rõ phương pháp. Khi tìm hiểu lịch sử của dân tộc chúng ta, chúng ta thấy pháp môn Karma thúc giục con người hành động đủ cách, đeo đuổi đủ thứ mục đích và không ngớt truy tầm các dục lạc bên ngoài; trong các hoạt động nầy, họ cố thu thập nhiều, nhờ tập trung tư tưởng nhiều, họ càng tiến lên Thượng Đế. Khi miệt mài hành động, con người nói: “Tôi hành động, tôi cảm xúc, tôi kinh nghiệm, tôi vui, tôi buồn .” Y không biết rằng tất cả các hành động, các cảm xúc, các nỗi vui buồn đó thuộc về khí lực của Tạo Hóa, còn Linh Hồn tối thượng thì không làm gì cả, không cảm xúc gì cả, và khí lực ấy chu du theo một cuộc tuần hoàn vô tận.

 

DỤC VỌNG THẤP HÈN VÀ TÍNH BẤT ĐỘNG (Tamas)

Ở bước đầu, y hành động vì kết quả: y muốn hưởng lạc. Nếu y ăn không ngồi rồi, không làm gì cả, y không có một lạc thú gì và lúc nào cũng khổ. Nếu y ở không mãi như vậy, y sẽ gầy mòn, sẽ chết. Thế nên con người phải chiến thắng tính bất động Tamas của thiên nhiên, nó biểu lộ trong sự tối tăm, lười biếng, thẩn thờ. Các bạn hãy nhìn nhân loại và sẽ lưu ý thấy rằng những người có thể đáp ứng với những động cơ cao hơn rất ít. Kêu gọi họ học hỏi không ích gì, vì họ không thích học. Họ chưa thưởng thức được thú vui trí thức và cũng không hiểu gì về ước vọng tâm linh. Họ đang trầm mình trong sự bất động, âm u, trong sự ngu dốt mịt mờ và thích yên thân trong cảnh đó. Làm sao thúc giục họ hành động ? Thà hoạt động cách nào cũng được hơn là không hoạt động gì cả. Tốt hơn là có một khí lực dùng sai hơn là không có một khí lực gì, không có một hành động nào. Ta phải thúc giục họ hoạt động. Lúc đầu, thiên nhiên dùng các ham muốn tục tằn, thô lỗ như là mũi nhọn, roi vóc để buộc con người hành động, vì các ham muốn ấy hạp với bản chất họ. Nhưng về sau, các dục vọng ấy bị xem là hèn hạ, làm con người mất phẩm giá, thoái hóa và ngu đần, nhưng lúc đầu chúng nó rất cần cho sự phát triển con người để xé tan tấm màn bất động nặng nề. Tuy xấu xa, chúng nó còn quí hơn là sự chết, sự bất động. Như vậy các hoạt động bắt nguồn từ sự tham dục là lời dạy đầu tiên để thiên nhiên nhằm khuyến khích con người hoạt động để tiến hóa. Tuy bị bài xích, các điều xấu xa có cái vị trí, cái chức vụ của chúng đối với những cá nhân lười biếng, đê hèn. Vì vậy, Thượng Đế nói Ngài hiện diện trong các tật xấu của những kẻ xấu xa, trong những gì thúc đẩy chúng hoạt động để phát sinh hành động.
 

DỤC VỌNG THANH CAO THAY DỤC VỌNG THẤP HÈN (Rajas)

Trên con đường hoạt động, lần lần con người được kích thích bằng sự ham muốn hưởng kết quả thanh cao; nhờ vậy, tánh Rajas (động) phát triển ở y. Bây giờ y lại hoạt động quá độ trong mọi chiều hướng. Ở y, khí lực trở nên dồi dào, hùng dũng hung hăng và hiếu chiến. Y lao mình vào ngoại giới để thỏa mãn những đòi hỏi của giác quan và trí thức. Trong mục đích nầy, y hoạt động không ngừng.

Những kết quả nầy có thể xếp vào hai loại: một loại để hưởng ngay ở cõi nầy, loại kia để hưởng ở cõi trên. Nếu chúng ta quay mắt nhìn lại các thời kỳ ít vật chất hơn, trong đó nhờ ảnh hưởng hùng hậu của tôn giáo, con người nhìn nhận linh hồn bất tử không phải ở đầu môi nhưng là một ý niệm chính yếu của đời sống và cảm biết mình là trường tồn, bất diệt; vào các thời kỳ đó, mọi hành động đều phát sinh từ lòng ham muốn hưởng lạc thú ở cõi Svarga (cõi Cực lạc). Hoạt động con người tuy chưa mấy thanh cao và còn nhằm mục đích hưởng quả, nhưng y có thể từ bỏ nhiều điều, hy sinh nhiều việc như tài sản chẳng hạn với mục đích được phong phú ở bên kia cửa tử, được hạnh phúc ở cõi siêu hình. Như thế, vào các thời kỳ đó, con người muốn hưởng kết quả của hành động ở cõi trên chớ không phải ở cõi trần vật chất nầy.

Trái lại, nếu chúng ta xem xét lối hoạt động của nhân loại bây giờ, nếu chúng ta nghiên cứu con đường mà người Âu Mỹ đã dấn thân vào và người Đông Phương càng ngày càng hướng theo, chúng ta sẽ nhận thấy rằng cái kết quả mà con người chờ đợi là hành động, cái lợi thế khiến y hoạt động và tiến đến mục tiêu, phải được hưởng ở cõi trần. Cái kết quả đó, cái lợi đó là sự tăng gia của cải, sự thu thập và giữ gìn tài sản vật chất. Chúng ta hãy tìm hiểu các nước Âu Châu. Các nước nầy làm việc luôn tay để gia tăng sự sung sướng. Tôi có thể gọi cái đó là một lối hoạt động bệnh hoạn. Con người chỉ được xem là có hoạt động khi nào hoạt động của y mang lại những kết quả vật chất. Hoạt động có thể xem là hoạt động khi nào nó tạo ra những kết quả trong cõi hữu hình, ở ngoại cảnh hay trong cõi vật chất ô trược. Chắc bạn có gặp nhiều người mê say khoa học. Trong khi nhà bác học làm việc chỉ vì yêu khoa học thuần túy, công chúng chỉ thiết tha đến những điều phát minh, hăng say với các kết quả gặt hái được. Vì sao thế ? Là vì khoa học tiến bộ giúp nhân loại thỏa mãn các ham muốn vật chất và gia tăng tài sản vật chất. Trước mắt ta, sự vật gia tăng một cách nhanh chóng. Giữa những phương tiện thỏa mãn dục vọng và sự đào tạo dục vọng mới mà sự thỏa mãn đòi hỏi những phương cách mới, dường như có một sự chiến đấu không ngừng. Chúng ta cũng chứng kiến một sự chiến đấu liên tục giữa những tay sành chơi, ham mê tiền tài, dục lạc, thích cảm xúc mới, ưa hoạt động lạ và những nhà bác học cố gắng thỏa mãn các ham muốn đó đồng thời cặm cụi phát minh những điều mới lạ để kích thích những dục vọng mới và cũng để tạo công việc cho mình. Như vậy, nhân loại ước mong gia tăng tổng số dục lạc thuộc loại đang hưởng. Họ đã chuyển mau lẹ: các cuộc du hành thuở trước đòi hỏi cả năm bây giờ có thể thực hiện trong một vài tháng, và các cuộc du lịch lúc trước phải kéo dài cả tháng nay chỉ còn thu ngắn trong vài tuần hay vài ngày. Nhưng con người có được hạnh phúc hơn không, các ham muốn của anh có được thỏa mãn không ? Không ! Họ gọi mãi nhà bác học : “Các ông hãy tìm cho tôi một động lực mới, một cái gì hơn hơi nước, một cái chi như điện để giúp chúng tôi chu du thế giới trong hai ngày, để bay trên trái đất nhanh chóng hơn. Chúng tôi chán hơi nước rồi và muốn một cái chi khác  di chuyển chúng tôi mau hơn .”

 

Sự di chuyển nhanh chóng đó có làm cho con người sung sướng hơn không ? Con người có thực hiện được một bước tiến tinh thần nào không khi anh có thể làm trong một ngày một công việc xưa kia đòi hỏi cả năm ? Di chuyển mau, đóng tàu lớn, đó là các cố gắng quan trọng của nhân loại. Vừa rồi, các báo nói một con người mới có thể phát hiện ở cõi trần phục sinh vì nhờ khoa học sáng chế các thức ăn hóa học, con người không cần trồng tỉa và hoạt động như ngày nay. Sự quả quyết này sai lạc hoàn toàn vì sự theo đuổi dục lạc không bờ bến. Người ta có thể thu thập nhiều hơn, chứa chấp đủ thứ mà vẫn chán nản, bất bình, bởi vì trong các điều đó, người ta không tìm được Linh Hồn tối thượng, và linh hồn con người sẽ luôn luôn đau khổ bao giờ nó không được ẩn trú trong Linh Hồn tối thượng ấy. Bởi vậy, khi con người lao mình vào lối hoạt động nầy, y không bao giờ được thỏa mãn. Con người có thể chiến đấu trọn một đời để được sang giàu, nhưng họ vẫn bất mãn, và giữa các tài sản to lớn của y, y vẫn ước mong một cái gì nữa. Vì vậy, Đức Bàn Cổ nói lấy bơ rưới vào lửa để dập tắt lửa còn dễ hơn là dập tắt dục vọng bằng cách cung cấp cho nó những điều mà chúng nó đòi hỏi. Lý do là khi một dục vọng được thỏa mãn, Chơn Ngã (nó ngự trên cao các dục vọng) thúc giục linh hồn tiến bước để tìm một thứ thỏa mãn thâm diệu hơn.

 

      XẢ LY, DỨT BỎ

Sau một thời gian, người tu theo pháp môn hành động ý thức được điều nầy. Anh nhận thấy lúc nào cũng bất mãn, phật ý, các nguyên nhân bất mãn càng nảy sinh và sự chán chê càng cay đắng và sâu đậm. Chừng đó anh mới phản ứng và ý thức rằng ở cõi trần không ai được thỏa mãn và hài lòng. Chừng ấy anh mới thốt lên: “Tôi muốn thoát ly cõi trần, tôi muốn dứt bỏ thất tình lục dục, vì nếu ta quyến luyến cõi nầy, dù ta có hành động nhiều đi nữa, ta không thể tìm được sự bình an hay sự thỏa mãn .” Thế rồi, vì chán chê, anh tạm thời bịt tai trước những kêu gọi của giác quan và tìm sự bình an trong một đời sống tịch mịch, u nhàn. Tuy nhiên, anh cũng buồn rầu mà nhận thấy một cách chua cay rằng không phải xa lánh lục trần kích thích mà anh có thể dập tắt lửa lòng. Anh nhận thấy sự ham muốn hưởng thụ theo đuổi anh đến tận rừng sâu. Hình ảnh các điều ham muốn không buông tha anh dễ dàng và trí não anh vẫn còn hướng vào các hình ảnh ấy. Xác thân anh được trú ẩn là một điều, nhưng anh vẫn là những con mồi của dục vọng, anh vẫn còn bị xâu xé bởi các tình dục của bản ngã thấp hèn vì dục vọng không thể dập tắt bằng sự trừ bỏ các điều phát sinh ra nó, vì gốc rễ của nó đã ăn sâu vào bản chất của con người. Thế là muốn diệt trừ nó, con người phải tiến sâu hơn trên con đường hành động.

 

Chừng đó, trong sự vắng vẻ, tiếng nói của Đức Thượng Đế mới vọng đến anh. Giữa sự im lặng, tiếng của sự Minh Triết trường cửu mới nổi lên: “Bằng sự bất động, con người không thể thoát ly hành động và cũng không thể nào đạt sự toàn thiện” (Bhagavad Gita, III, 4). Không phải bởi sự bất động bên ngoài mà nhờ sự thoát ly ách dục vọng bên trong con người tiến đến con đường hành động. Người ta không thể đoạt được sự giải thoát bằng cách ép buộc thân thể đừng hoạt động. Trước khi linh hồn được giải thoát, chúng ta phải hành động. Chính hành động đem lại sự giải thoát, sự tự do và dạy con người một bài học quý báu hơn là sự di chuyển xác thân từ thành thị đến rừng sâu. Con người thường rút được bài học khác từ nguồn thiêng liêng đó. Bài học ấy là con người sống ở cõi trần mà phải thoát trần, nghĩa là phải xả ly, dứt bỏ mọi sự thiết tha, ràng buộc. Anh biết anh phải hành động nhưng phải thay đổi động cơ hành động. Anh phải tiếp tục đi trên con đường hành động nhưng lý do khiến hành động phải đổi mới và có một tính cách thiêng liêng. Cũng Tiếng Nói ấy, cũng vị Chưởng Giáo ấy dạy thêm cho linh hồn chán nản, mệt nhọc nhưng tìm sự giải thoát:Hỡi con, người vô minh hành động với lòng tham dục, còn các bậc thánh nhân hành động với mục đích bảo tồn nhân loại và không tham luyến điều gì.” (Bhagavad Gita, III, 25).

 

Đến đây, xảy ra một sự thay đổi thật sự. Con người không cúi đầu lao mình vào các hoạt động bên ngoài và trốn cái địa vị mà Luật Nhân Quả đã định cho anh. Anh không bỏ bê phận sự đối với gia đình, đối với quê hương, nhưng anh hành động với một tinh thần mới, một linh hứng mới. Nếu địa vị của anh là thu nhập tài sản, anh cứ thu nhập. Nhưng khi kẻ vô minh thu nhập để hưởng lạc, anh không chút thiết tha. Tài sản đến với anh, anh giữ gìn với tư cách là người quản lý chớ không phải như một chủ nhân. Anh hành động cho nhân loại chớ không phải cho mình. Anh dùng tài sản ấy để tạo công ăn việc làm cho nhân dân nghèo khổ. Anh sẽ lập những kế hoạch vĩ đại, anh sẽ suy tư và hành động cực nhọc cho nhân loại. Khi mọi người làm việc cho mình, cho bà con mình, anh làm việc cho kẻ khác và dùng khả năng của mình để giúp đời.
 

    TỪ BỎ KẾT QUẢ

Chừng ấy, một khuynh hướng tế nhị hiện ra. Công tác bảo tồn nhân loại có thể ẩn một mục đích riêng tư, có thể bắt nguồn từ những động cơ vi tế, có thể nhằm những kết quả thuộc một loại khác. Thật vậy, người có những kế hoạch vĩ đại lo âu công việc bất thành. Anh muốn thành công và động cơ thúc giục anh hoạt động do một phần ở sự ham muốn ấy, ở sự vui sướng thấy công việc thành tựu. Có thể anh còn ước mong được kẻ khác thương mến, biết ơn hay thán phục. Như thế, anh ham muốn một lợi ích cho riêng mình. Anh không nên hoài bão như thế. Khi một yếu tố cá nhân xen vào, anh bị ràng buộc bởi hành động, anh bị trói buộc bởi kết quả.

 

Vì thế, Đức Chưởng Giáo đã dạy anh rằng sự từ bỏ hành động không giải thoát khỏi ách hành động, rằng các bậc thánh nhân chỉ hành động giúp đời, Đấng ấy nay dạy anh một bài học khác thâm thúy hơn để giúp anh tiến một bước khác trên con đường hành động: Ngài dạy anh phải từ bỏ mọi kết quả của hành động hãy dứt khoát với các động cơ ích kỷ, trong tình thương và hoan lạc. Bài học được tóm tắt trong lời nầy : “Con chỉ lo hành động mà thôi, đừng khi nào nghĩ đến kết quả”, dù kết quả ấy là sự cảm mến và tri ân. Đừng bao giờ nghĩ đến kết quả, đừng khi nào liên hiệp kết quả và nguyên nhân. Ngài thêm: “Con đừng để kích thích bởi kết quả và cũng đừng buông trôi trong sự ăn không, ngồi rồi .” (Bhagavad Gita, II, 47).

 

Sự dứt bỏ nay đã hoàn toàn. Không còn hoạt động vì muốn sung sướng ở cõi thế; không còn hoạt động vì ham lạc thú ở Thiên Đàng; không còn hoạt động vì muốn được cảm mến hay tri ân, mà từ bỏ các ham muốn và không màng kết quả. Thành công đến ? Cũng được. Thất bại ? Cũng không sao. “Phải bình thản ở thất bại cũng như trong thành công : đó là sự quân bình ở yoga” (Bhagavad Gita, II, 48). Bình thản trong thành công cũng như trong thất bại, trong cơn vui cũng như trong lúc buồn, trong khi vinh quang cũng như trong lúc tủi nhục, trong tình thương cũng như trong sự oán ghét. Cái chi thuộc phàm ngã đê hèn không được dính líu đến hoạt động. Hành động là công tác của Thượng Đế, dù kết quả như thế nào, nó cũng phát xuất từ Ngài. Bạn thiết lập một kế hoạch giúp đời nhưng kế hoạch thất bại. Đó là một điều tốt. Bạn thiết lập một kế hoạch giúp đời và kế hoạch ấy thành công. Cũng tốt. Mục đích của anh không phải là sự thành công, mục đích của anh không phải là sự thất bại. Anh chỉ nhằm một mục đích : làm tròn phận sự. Kết quả của hành động dù tốt, dù xấu, anh phải thản nhiên và bình tĩnh. Chỉ có hành động là phận sự. Bí quyết của con đường hành động là : “Không tìm kiếm hành động khi nó không đến; đừng từ chối nó khi xảy ra, vui vẻ hành động khi bổn phận bắt buộc; sẵn sàng ngồi không khi không có điều gì thuộc bổn phận mình. Hãy tuyệt nhiên bình thản đối với mọi kết quả.” Trên con đường hành động, nếu con người có được thái độ ấy, anh có thể ở trong điện ngọc, đền vàng, ăn những cao lương mỹ vị, sống giữa gấm vóc ngọc ngà, mà vẫn bình thản, an nhiên. Tất cả các món đó còn cũng tốt, mất cũng tốt, vì chỉ có giác quan cảm xúc chúng nó (Bhagavad Gita, V, 9), còn anh thì bình thản, an tĩnh. Các vật bên ngoài không khiến anh vui thích hay chán chê. Khi chúng nó đến, anh không xua đuổi, khi chúng nó đi, anh không buồn phiền. Khi anh phải từ bỏ đền đài đến ở nhà tranh vách lá; khi anh phải rời bỏ gấm vóc, lụa là để mặc quần vải áo bô, nếu thay vì món ngon vật lạ, anh phải đỡ lòng với cơm hẩm canh rau, sự thay đổi đó không can hệ gì. Anh không mến tiếc của cải đã mất, không xua đuổi nếu chúng đến tay. Anh sung sướng trong chòi tranh cũng như trong điện ngọc, anh sung sướng trong điện ngọc cũng như trong chòi tranh. Không cái nào khiến anh ham mê, không cái nào khiến anh khổ sở. Đó chỉ là khí lực bên ngoài của Tạo Vật, ảo ảnh nhất thời của vật chất. Các vật đó có nghĩa gì đối với anh vì anh không màng kết quả và chỉ cố gắng làm tròn bổn phận mình. Sống ở cõi trần mà lòng lúc nào cũng tuyệt đối thản nhiên trong sự giàu sang cũng như trong sự bần cùng, trong cảnh vui cũng như trong cảnh buồn, trong lúc vinh cũng như trong khi nhục, lúc nào cũng thỏa mãn, cũng an vui, cũng bình thản, một đời sống như thế mới tuyệt diệu, mới thanh cao, mới khó khăn. Ai sống được như vậy mới chứng tỏ rằng mình đã đi gần trọn con đường hành động để hòa hợp với Thượng Đế. Anh đã tiến đến giai đoạn mà mọi Pháp Môn đều hòa với nhau làm một, mà Thiên Ý biểu lộ cho ai đã vén được màn ảo ảnh của vật chất.

 

Từ đời sống đó –  cái đời sống không xin xỏ chi cả, không kiếm tìm chi cả, từ đời sống đó, nảy sinh sự minh triết. Là vì làm sao người ta có thể sai lạc khi mắt đã quen phân biệt giữa hoạt động bên ngoài với Bản Ngã duy nhất, đã biết từ bỏ kết quả trong khi hành động ? Con người ấy trở nên thánh thiện bằng hành động, cũng như nhiều kẻ khác đã thánh thiện bằng sự suy tư, bằng sự thiền định hay bằng lòng sùng tín, các pháp môn khác nhau nhưng hòa hợp với nhau khi cuộc hành hương đi đến giai đoạn cuối cùng.
 

                                                 HIẾN DÂNG
 

Đến lúc ấy, hành giả được xem như xứng đáng để gặp Đấng Tối Cao. Khi đôi mắt được tinh luyện sạch dục vọng, chúng nó sẽ thấy Ngài xuyên qua tấm màn vật chất. Khi lòng người tinh luyện sạch dục vọng, nó sẽ thấy ở đáy sâu, linh hồn duy nhất và đại đồng. Khi mắt trông thấy Đấng Tối Cao, hiện thân của sự Mỹ Lệ muôn đời, hành giả bước một bước chót nữa trên con đường hành động : bước chót ấy là bài học hiến dâng.

 

Bài học nầy cũng do vị Chưởng Giáo khuyến dạy, cũng phát xuất từ một nguồn thiêng liêng. Một khi linh hồn đã tinh luyện và học qua thế nào là hoạt động nghĩa vụ, thế nào là sự từ khước các kết quả của hoạt động để sống hợp với Thiên Ý, linh hồn học bài học tối thượng: “Nhân loại bị trói buộc bởi các hành động ngoại trừ các hành động hiến dâng” (Bhagavad Gita, III, 42). Bây giờ tất cả hành động được thực hiện không phải để đạt ước mong nào đó mà trong mục đích cung hiến cho Đấng Tối Cao. Con người phải trở thành một cộng sự viên với Thượng Đế, một bầu bạn với Đấng Hóa Công. Lúc đầu, anh hành động vì kết quả; đoạn anh hành động để giúp đời; kế đó, anh hành động để làm tròn bổn phận với một tâm bình an không màng kết quả; sau cùng, anh tập hành thiện trong mục đích hiến dâng; từ nay các hành động của anh đều là những hành động tôn sùng, cung hiến Đấng Chí Tôn. Đến giai đoạn nầy của con đường hành động, anh hưởng được sự hân hoan của Thượng Đế. Sự an lạc thiêng liêng sẽ tràn ngập lòng anh. Vì anh tập từ bỏ phàm ngã thấp hèn nên Chơn Ngã sẽ hiện ở lòng anh, thấm nhuần lòng anh. Anh thấy anh là một với Đấng Tối Cao. Từ nay, những phận sự anh thi hành là những hoạt động hiến dâng và anh hưởng được sự an lạc của kẻ hiến dâng. Từ nay, anh dự phần vào đời sống của Đấng Thượng Đế, anh là vận hà truyền đạt khí lực của Ngài. Dưới mắt anh, các hành động đều là những sự hiến dâng cho Ngài, Đấng Hóa Công duy nhất, Đấng Hy Sinh duy nhất, Đấng Ban Rải cho muôn loài, Đấng Thu Nhận mọi kết quả và hưởng lấy vì tất cả đều tập trung về Ngài. Khi sự hiến dâng ấy hoàn toàn rồi, khi đời sống chỉ biết ban cho mà không bao giờ thu nhận, khi nó phát huy ánh sáng mà không đòi hỏi chi cho mình, khi Thái Dương chói sáng đến khắp chân trời để cung phụng Đấng Tối Cao mà không chút tự hào, chừng đó trên con đường hành động, con người bước vào giai đoạn An Lạc Tuyệt Vời. Anh đã đạt được mục đích, anh đã hòa hợp với Thượng Đế.

 

Như vậy, để kết luận, chúng ta có thể nhắc lại giáo lý và lời hứa của Đức Chưởng Giáo mà chúng ta đã cố gắng tìm hiểu để sống một cuộc sống thanh cao, an lạc. Giáo lý ấy, lời hứa ấy nằm trong lời hùng dũng sau đây :

 

Một khi bản ngã được tinh luyện để giác quan có thể không thiết tha, không ghét bỏ giữa vạn vật hữu tình, khi nó được chủ trị bởi Chơn Ngã, thì con người sẽ tiến hành trong Sự Bình An .”

Đó là tâm trạng của Đức Thượng Đế, hỡi con của Pritha. Không ai đã đi đến đó mà lầm lạc bao giờ. Đến giờ lâm chung, ai còn được tâm trạng đó, người ấy sẽ tiến lên cõi Niết Bàn(Bhagavad Gita).
 

  karma yoga l jnana yoga l bhakti yoga l đầu trang l cuối trang
 

 PHÁP  MÔN  JNANA   YOGA

 

PHÁP  MÔN  MINH  TRIẾT  RẤT  KHÓ  KHĂN

 

Hôm qua, chúng ta tìm hiểu cách thức tìm Chơn Ngã bằng hành động. Học pháp môn nầy, chúng ta đã thấy hành giả tiến như thế nào từ sự say đắm đến sự xả ly, thực hành sự xả ly như thế nào trong đời sống và phải hiến dâng như thế nào trong đời sống để tiến đến Đấng Tối Cao. Chiều hôm nay, chúng ta học một pháp môn khác mà người ta gọi là Jnana Yoga hay con đường Minh Triết. Con đường nầy chỉ dành cho một số ít người chứ không phải cho quảng đại quần chúng, vì nó có những nguy hiểm không thấy ở các pháp môn khác nhất là cho những kẻ sơ cơ. Ở pháp môn hành động” hay pháp môn tôn sùng không có sự hiểu lầm tai hại, sự lẫn lộn đáng tiếc; sự lạc lối hoàn toàn thường xảy ra ở các giai đoạn cuối cùng của con đường minh triết nếu hành giả không được chuẩn bị cẩn thận. Chúng ta sẽ lần lượt miêu tả con đường ấy từ giai đoạn đầu đến giai đoạn cuối. Chúng ta sẽ tìm xem nó dẫn dắt chúng ta như thế nào từ cuộc đời thế tục đến Đấng Tối Cao. Chúng ta đi từ bước như vậy để hiểu nó kỹ càng, để đừng sa vào những cạm bẫy đang đợi chờ những kẻ tu hành bất cẩn.
 

   PHÁP MÔN MINH TRIẾT LÀ CON ĐƯỜNG TRÍ TUỆ

Tôi đã nói con đường nầy không phải dành cho đa số. Nó khởi đầu từ trí tuệ thuần túy (mà nó sẽ vượt xa ở giai đoạn cuối cùng) và bắt buộc hành giả phải có một trí tuệ tế nhị, quảng bác và sâu sắc. Giác quan cần được chế ngự, trí tuệ cần được trau dồi. Sự tinh luyện nầy không nhằm mưu cầu lợi lộc mà để hưởng sự an lạc của trí tuệ thuần túy về sau. Trí tuệ không được ô nhiễm bởi những ham muốn phát sinh do sự hiểu biết và nhằm thỏa mãn các dục vọng đê hèn. Cũng như tôi đã nói một hôm, hiện nay trí tuệ thường được sử dụng để tìm các thú vui vật chất; khoa học cũng chỉ được khai thác để gia tăng tài nguyên và tiện nghi vật chất. Những ai chuẩn bị theo con đường Minh Triết, phải vươn lên khỏi các dục vọng, phải lánh xa các cám dỗ của giác quan và phải tìm trong sự hiểu biết và về sau, trong sự minh triết, một phần thưởng tự nó rất đầy đủ mà không cần sự lợi ích nào thêm. Sự lười biếng phải được diệt trừ, nếu không hành giả sẽ sa lầy và không sao tiến được. Khi bước sang giai đoạn hoạt động thì tất cả sinh lực phải tập trung vào sự thu thập kiến thức.
 

       THU  THẬP  KIẾN  THỨC  LÀ  MỘT  NGUỒN  VUI. 

Trong các giai đoạn đầu của con đường Minh Triết kiến thức được thu thập cho chính nó. Khuynh hướng của những người Jnani2 là thu thập kiến thức để hưởng sự sung sướng được tìm một ý mới, được đa văn quảng kiến, được tăng gia trí lực. Đó là hoài bão duy nhất của họ. Những người đó ít nhưng có rải rác khắp nơi, họ không màng danh lợi, không tìm sự khen tặng của bạn bè hay sự thỏa mãn của dục vọng. Họ quí mến kiến thức vì kiến thức là một nguồn vui. Họ tìm được phần thưởng ngay trong sự sưu tầm. Cho đến lúc chết, họ say mê kiến thức. Họ muốn biết bản chất của vũ trụ và con người, muốn hiểu tận gốc lẫn ngọn đời sống của nhân sinh, muốn tiến sâu vào các bí ẩn của tạo vật, muốn đồng hóa tất cả các kiến thức thu nhập được ở ngoại hình.
 

THẾ NÀO LÀ KIẾN  THỨC ?

Nhưng kiến thức không phải là minh triết, như tôi nói. Kiến thức phát sinh từ sự quan sát các hiện tượng, sự tập trung và sắp xếp các điều quan sát, tự tìm kiếm một qui tắc nhằm tập hợp, sắp xếp và liên kết các hiện tượng riêng rẽ rồi rút ra một giả thuyết chung có thể áp dụng cho tất cả. Đoạn, sinh viên mới áp dụng giả thuyết đó cho các hiện tượng khác, và thí nghiệm nó đủ cách để xem nó có đúng không. Sau đó anh mới nói: “Tôi đã thí nghiệm nhiều lần và kết quả vẫn đúng theo giả thuyết của tôi.” Chừng đó kết quả mới được xem là một luật thiên nhiên có thể đem ra áp dụng một cách chắc chắn. Một nhà bác học luôn luôn làm việc như thế: ông dò xét cẩn thận, quan sát tỉ mỉ với một sự kiên nhẫn vô biên, dọ hỏi tạo vật từ tháng nầy đến tháng kia, từ năm nầy sang năm nọ cho đến khi nào câu trả lời luôn luôn giống nhau và trở thành một sự thật vững chắc như tảng đá. Chừng ấy khoa học mới căn cứ trên đó để tiến đến những sự phát minh mới. Nếu quí vị muốn hiểu rõ phương cách thu thập kiến thức, quí vị hãy xem gương nhà bác vật Anh trứ danh Darwin mà người đồng thời ông và các thế hệ sau đều thán phục. Ông cẩn thận vô cùng; khi thí nghiệm về một thứ thảo mộc, ông đổi chất đất, điều chỉnh ánh sáng, xem xét các điều kiện xung quanh, cho cây nầy nhiều hơn, cây kia ít hơn, thay đổi đủ cách và mỗi lần ông ghi rành mạch kết quả. Và ông thí nghiệm như thế cả trăm lần, để đừng kết luận vội vàng, để đừng xem một lần là toàn thể, để đừng lẫn lộn các nguyên nhân hay đừng xem hiện tượng xảy ra ngẫu nhiên như là một trật tự bất di, bất dịch. Sự tận tụy tìm chân lý và sự chân thành của nhà bác học thật là đáng kính vì nó đòi hỏi biết bao khổ nhọc. Đó là sự tôn kính Thần Chơn Lý biểu lộ trong các luật thiên nhiên.
 

TÌM  HIỂU CÁI  LỚN CẢ CÁI  NHỎ

Đối với một người tìm tòi như thế, không có cái gì là lớn hay nhỏ trong tạo hóa. Tất cả hiện tượng đều được quan sát một cách chính xác như nhau, dù là quỹ đạo của Thái dương hay sinh vật trong giọt nước. Có ai biết được chân lý ẩn nơi nào, có ai đoán được phải hướng về đâu để đi đến một phát minh ? Rất có thể sự lưu chuyển của một nguyên tử quan sát trong kính hiển vi còn giúp chúng ta hiểu công trình của Hóa Công hơn là sự vận chuyển của ngôi sao chổi hiện ra trong một lúc rồi biến hút trong không gian vô tận. Không có chi là lớn, không có chi là nhỏ, tất cả chỉ đều là biểu lộ của Hóa Công và có thể che giấu bí quyết của Tạo Vật. Khi một người nghiên cứu như thế, anh sẽ thấy Đấng Hóa Công hành động tỉ mỉ, khéo léo, chính xác, tuyệt diệu trong việc sáng tạo một nguyên tử cũng như trong sự thiết lập một Hệ thái dương. Anh đinh ninh tất cả những cái trong Thái dương đều đáng học hỏi và không bỏ qua một kẹt xó tối tăm nào. Đó là đường lối của các nhà bác học quyết chí học hỏi, tìm tòi. Tôi kể quí vị nghe một ngụ ngôn nêu rõ đặc điểm nầy mà quí vị sẽ gặp ở các giai đoạn đầu của con đường Minh Triết. Một văn sĩ trứ danh Nga tác giả nhiều truyện ngắn mà chắc quí vị có đọc, tôi muốn nói ông Tourgueieff, có viết một truyện chỉ rõ Tạo Hóa rất tỉ mỉ trong công việc nhỏ mọn, ti tiện cũng như trong công trình vĩ đại, nguy nga. Ông thuật lại rằng ông có đến một cái miếu đặt trong một động đá. Miếu rất trang nghiêm và lớn đến đỗi không ai thấy ranh giới nơi nào mà chỉ thấy bóng tối mênh mông. Tất cả bằng đá: nóc, nền, cột, vách. Đi sâu vào miếu, ông thấy một bà tiên vóc vạc to lớn, hình dáng đẹp đẽ, gương mặt uy nghiêm. Bà quả là hiện thân của quyền năng, tình thương và trí tuệ. Trong động đá bao la, bà ngồi yên, chú hết tâm trí vào công việc của bà, trong lúc mấy ngón tay của bà nắn nót không ngừng. Chung quanh bà, một sự yên lặng hoàn toàn. Ông nghĩ chắc bà đang tạo khối óc của một vị anh hùng hay một vị triết gia, một công việc khó khăn đòi hỏi một cố gắng lớn lao. Ông tiến đến vừa run sợ vừa kính cẩn và hỏi bà đang làm gì. Bà ngước đầu lên và trả lời với giọng dịu dàng nhưng sang sảng trong sự im lặng: “Ta đang nặn chân sau của con bò chét .”

Đó là bài ngụ ngôn. Ý nghĩa của nó khá rõ. Nó nói lên cách thức làm việc của bà tiên mà những đệ tử của sự hiểu biết cần nhận định rõ : theo bà, mọi việc đều phải được làm cho hoàn hảo. Việc nhỏ cũng như việc lớn, việc yếu hèn cũng như việc dũng mãnh đều chứa đựng tinh hoa của Tạo Vật và hành giả phải nghiên cứu tất cả chúng nó một cách kiên trì và kính cẩn để soi sáng các bí ẩn thiên nhiên. Có thế,  kiến thức mới phát triển, khoa học mới xương minh.
 

                                         KIẾN THỨC VÔ BIÊN 

Kính hiển vi phát minh thế giới mênh mông của các vật vô cùng nhỏ bé, còn kính viễn vọng thám hiểm thế giới vô biên của các vật vô cùng lớn. Ở trên, ở dưới, khắp sáu phương, chúng ta có thể khảo cứu trong một cõi bao la hứa hẹn biết bao phát minh mới lạ. Tiếng nói của sự hiểu biết trổi lên khắp nơi. Thế giới nầy đến thế giới của Thái Dương Hệ cần được nghiên cứu và chinh phục. Và đến một ngày kia, con người thoát khỏi các giới hạn do thể xác tạo ra để sang các cõi khác của Hệ Thái Dương. Từ cõi hữu hình, anh tiến sang cõi Trung Giới mà mắt phàm không nhìn thấy. Ở đó, anh phải thu thập những kiến thức thuộc các sự vật mới. Trí tuệ anh càng mở rộng, những sự kiện chưa biết, những bí ẩn lạ lùng sẽ lần lượt hiện ra trước đôi mắt say mê. Khi anh chinh phục được cõi Trung Giới, thì cõi Trung Giới sẽ lộ dạng với vô số sự vật cần quan sát, vô số kinh nghiệm cần thu hoạch. Giả sử anh chinh phục xong ba cõi Hồng trần, Trung giới và Thượng giới, anh cũng chỉ biết được ba cõi nhỏ mà thôi trong khi phần vũ trụ vô biên chưa khám phá lan rộng tít mù xa. Ví dụ anh chinh phục hành tinh nầy xong đến hành tinh khác cho đến khi anh quen thuộc với tất cả như chúng ta quen thuộc với thành phố chúng ta đang ở bây giờ. Sau đó, anh sẽ tiến đến các Thái dương hệ khác trong vũ trụ mênh mông. Như thế, chừng nào anh mới đạt được ranh giới của sự hiểu biết ? Chừng nào trí thức con người tự nhận là kiệt sức để dừng chân ? Kiến thức nầy thêm vào kiến thức nọ, thế giới nầy chồng vào thế giới kia, hệ thống nầy chất lên hệ thống khác, nhưng cõi chưa hiểu biết vẫn còn mênh mông, giới chưa khám phá vẫn còn bát ngát và sự khao khát hiểu biết vẫn còn thúc giục tâm hồn. Người ta thuật xưa kia có một cây trụ lửa cao ngất, trong đó Thần Mahadeva 3 hiện diện khắp nơi. Thần Brahma bay lên ngọn trụ lửa vẫn còn lan rộng tít mù sâu phía dưới. Chuyện nầy có thể xem là một bức tranh miêu tả Thượng Đế vô biên, Ngài biểu lộ trong tất cả thế giới, ở mỗi thế giới một ít với một phần quyền năng của Ngài. Sự hiểu biết không có giới hạn, sự khảo sát cũng thế. Linh hồn chơi vơi trong vực thẳm vô biên và sau cùng, cái trí mệt mỏi, chán nản phải ngưng đôi cánh tìm tòi.

 

       ĐẠI  NGà TRONG  VẠN  VẬT 

Tuy nhiên, trong lúc tìm hiểu ấy, trong lúc thu nhập kiến thức ấy, tâm con người lắng nghe được tiếng nói của Linh Hồn. Linh Hồn ẩn dưới màn hư ảo (maya) nói rằng các hình hài không có thật, rằng vĩnh cửu và vô biên là một, và con người không cần hoạch đắc sự hiểu biết toàn vẹn mà phải nhận thức được cái Đại Ngã thiêng liêng dưới màn hư ảo. Có thế, anh mới có thể đạt được sự minh triết, vì anh có thể bước từ sự hiểu biết sang sự minh triết bất cứ lúc nào trên con đường tìm học, lý do là Đại Ngã ẩn ở khắp nơi “Không có cái chi dù lay động hay đứng yên mà có thể ở ngoài Đại Ngã.” Con người hiện nay chưa hiểu rõ câu nhất thể tán vạn thù, chưa ý thức được rõ ràng sự hiện diện của Đại Ngã thiêng liêng trong vạn vật. Trong sự tìm tòi diệu vợi vì sự vật nhiều vô số, trên con đường tìm học mênh mông vì sự khảo sát rộng bao la, đến một lúc nào con người không sao không chán nản. Anh cảm thấy tuy không rõ ràng nhưng chắc chắn rằng anh phải ngưng tìm hiểu sự vật, thôi quan sát ngoại cảnh để quay mắt vào nội tâm. Anh cần ngắm trung tâm bên trong thay vì nhìn vòng tròn bên ngoài, vì ở bên ngoài, dù anh lục soát khắp vũ trụ, anh cũng không tìm ra Đại Ngã. Nhưng nếu anh hướng mắt vào trong, Đại Ngã hiện ra cùng khắp.
 

    SỰ PHÂN BIỆN VÀ XẢ LY 

Chừng đó, ở lòng anh, một tia sáng rọi vào từ từ nhưng mỗi lúc một thêm sáng tỏ : ấy là viveka hay là sự phân biện. Ánh sáng đó giúp anh phân biệt sự trường tồn trong các điều tạm bợ, cái Đại Ngã trong sự vật, Đấng Duy Nhất trong vạn thù, và mục đích của mọi sự tìm tòi là Đấng vô thủy vô chung, trường tồn bất diệt. Anh bắt đầu phân biệt dáng ngoài và bản thể, điều chơn với lẽ giả, đó là bước đầu của anh từ sự hiểu biết đơn giản đến sự hiểu biết toàn chân. Đến khi anh ý thức rõ ràng Đấng trường tồn trong sự vật vô thường, anh mới bước chân vào giai đoạn cao của con đường Đạo. Kết quả của sự phân biện nầy là Vairagya: anh sợ bóng dáng bên ngoài, muốn lánh xa và ẩn trốn vào nơi nào cách biệt người đời để sống yên lặng, cô liêu, xa gia đình trong sự an tĩnh của thiên nhiên. Tuy nhiên, đến mức tiến nầy, ảo ảnh vẫn chưa tan, vẫn còn che lấp Chơn Ngã. Hiện tượng hào nháng của phỉnh lừa và như trẻ con, chúng ta tưởng các đồ chơi của chúng ta đang nói, đang cười và con búp bê của chúng ta biết trò chuyện, biết vui buồn. Ngoại cảnh tiếp tục trói buộc chúng ta bằng những sợi dây chắc dường như dây sắt, nhưng kỳ thật các sợi dây ấy mong manh như tơ nhện vì nó chỉ là hư ảo.
 

               SÁU  HẠNH

Tuy nhiên, nhờ biết phân biện, con người lần lần xả ly ảo ảnh và tin chắc rằng con người có thể tiến lên. Anh còn nhận thức rằng có sáu đức tánh cần tập luyện ít nhiều trước khi tiến đến Đại Ngã. Nên biết rằng trên con đường tiến hóa khó khăn, kẻ thù độc hại nhất của chúng ta chính là con người mình, nghĩa là bản thể thấp hèn của xác và vía nó ghìm chúng ta vào ô trược. Thế nên con người phải chiến đấu không ngừng để đạt sự bình thản hầu khai mở những quyền năng rất cần trong các đoạn  chót của con Đường.

 

Trong sáu đức tánh nói trên, hai đức tánh đầu là sự kiểm soát cái trí và sự kiểm soát xác thân để chúng nó không còn có thể quấy rầy anh và không khi nào hoạt động để đáp ứng với các kích thích bên ngoài. Anh phải có một thái độ cởi mở để thông cảm với vạn vật, và khoan dung đối với mọi người để nhận thấy chỉ có một mục đích duy nhất dưới mọi phương pháp khác nhau, và biết rõ các con đường đều dẫn đến một mục tiêu duy nhất. Anh phải tập bền chí, nếu không thể tìm Đại Ngã vì có bền lòng, linh hồn mới trở nên mạnh mẽ. Một linh hồn yếu đuối không sao tiến đến Đại Ngã thiêng liêng bằng con đường Minh Triết. Hạnh thứ năm là lòng tin; anh phải ý thức nguồn gốc thiêng liêng của anh và tin rằng không có gì mà anh không thể thực hiện. Sau cùng anh phải đạt được sự quân bình khiến lòng anh không bao giờ bị dao động. Vì khi lòng dao động, con người không sáng suốt và Đại Ngã không thể hiện ra.

 

Khi con người đạt được các hạnh nầy, người ta nói anh đã được chuẩn bị để tiến đến sự giải thoát và sẵn sàng trình diện để bước vào con đường Minh Triết nhờ các kinh nghiệm đã thu thập, nhờ trí tuệ sắc bén, nhờ lý luận tinh vi cũng như các đức tánh quí báu khác. Tiến đến mức nầy, anh được gọi là adhikari, nghĩa là người đã được chuẩn bị hoàn toàn để nhận giáo lý tối hậu : sự minh triết của Đại Ngã.
 

                                          SỰ MINH TRIẾT

 

Thế nào là Minh Triết ? Minh Triết là hiểu biết trực tiếp Đại Ngã, là sự nhận thức Duy Nhất Vô Biên và Trường Tồn, là quan năng thấy Đại Ngã khắp nơi và phận biệt nó dưới các màn ảo ảnh, Đức Krishna đã giải thích nó trong câu sau đây: “Hỡi Goudaresha, Ta là linh hồn ngự trong vạn vật. Ta là bước đầu, quãng giữa và đoạn chót của vạn vật.” Kế đó, Ngài giải thích thêm: “Khiêm tốn, tự hạ, hiền lành, khoan dung, ngay thật, phụng sự Chơn Sư, thanh khiết, kiên gan, tự chủ, bình thản trước các cám dỗ của giác quan, vị tha, hiểu biết tường tận các nỗi đau khổ của sự sinh tử, của già nua, bệnh tật; xả ly đối với gia đình, nhà cửa, giữ tâm trí quân bình trước các biến cố xảy ra, một lòng tôn sùng Ta và không hợp nhất với kẻ khác; tới lui những nơi vắng vẻ, lạnh nhạt trước đám đông; vững lòng trong minh triết Adhyama; nhận thức mục đích của minh triết. Những điều trái với các hạnh trên là vô minh. Đó là Ánh Sáng của các ánh sáng. Minh Triết, mục tiêu của Minh Triết, bước cùng của Minh Triết ngự ở lòng mọi người” (Bhagavad Gita, XIII).

Theo lời giải thích của chính Đức Krishna thì Minh Triết là thế. Khi Ngài đề cập sự quyết tâm của người chí nguyện trên con Đường Minh Triết, Ngài nhớ đến Adhikari và giải thích sự Minh Triết như là sự hiểu biết Bản Chất của Đấng Tối Cao. Ngoài điều nầy, tất cả là vô minh. Kiến thức là vô minh nếu nó hạn chế ở ngoại cảnh. Khoa học là vô minh nếu nó chỉ nghiên cứu hiện tượng hư ảo. Minh triết chỉ có trong sự tìm hiểu Đại Ngã, trong bản chất Nó và trong sự hiện diện của nó ở khắp nơi
      

                         ĐẠI NGÃ DUY NHẤT VÀ BẤT ĐỘNG

 

Chúng ta hãy tìm hiểu phần nào sự Minh Triết đó. Đại Ngã là duy nhất. Sự dị đồng thuộc ngoại cảnh, đó là màn hư ảo che giấu sự Duy Nhất trong đời sống duy nhất, sự sống duy nhất, Thượng Đế duy nhất. Ngoài sự duy nhất ấy, không có gì nữa cả. Đại Ngã vô vi. Hoạt động thuộc Prakriti. Cái màn bao giấu Đại Ngã là sự diễn tiến của các gounas. Sự dị đồng và các hoạt động của Tạo Hóa chỉ liên hệ đến hình dáng bên ngoài, hình dáng hữu hình của sự Duy Nhất. Sự biến chuyển vật nầy thành vật khác, sự sinh tử, già nua, sự thay đổi thường xuyên trong các sinh vật, đó chẳng qua là bánh xe hoạt động của các gounas, còn Đại Ngã thì bất động. Toàn thể là Đấng Tối Cao bị bao phủ trong hư ảo, là Vishnou và trò chơi của Người, là cuộc diễn tiến thông thường của Vũ Trụ. Đó là tưởng tượng của Đấng Tối Cao. Các sắc tướng thay đổi theo người và do đó mà hư ảo. Sự sống chính là Ngài và Ngài là tất cả. “Kẻ nào biết được chính Prakriti hoạt động, còn Đại Ngã vốn bất động, người ấy biết đúng” (Bhagavad Gita, XIII). Đó là kết quả của sự phân biện, của cái thấy sáng suốt giữa Đại Ngã và các màn hư ảo của Tạo Vật nó bao bọc và che giấu. Đại Ngã vốn vô vi. Những hoạt động gán cho Nó chỉ thuộc Tạo Vật bên ngoài. Chơn Ngã ở khắp nơi, ẩn trong tất cả, vượt qua vạn vật. Một lần nữa, lời của Minh Triết đến với chúng ta: “Thật sự, Ishvara ngự đồng đều khắp nơi .” (Bhagavad Gita,XIII).
 

         ĐẠI NGÃ NGỰ ĐỀU TRONG VẠN VẬT

 

Bài học khó khăn làm sao ? Đồng ngự khắp nơi trong các vật thấp kém, xấu xa cũng như trong các thể huy hoàng, cao cả, trong nguyên tử của hạt bụi cũng như ở Thái Dương của Vũ Trụ; thế là cái Ngã của kẻ trụy lạc cũng là cái Ngã của bậc thánh nhân. Bài học nầy cao quí làm sao ! Ý nghĩa nầy tốt đẹp làm sao ? Ý nghĩa đó là Đấng Tối Cao vẫn hệt nhau trong vạn vật vì toàn thể Vũ Trụ là biểu hiện của Ngài. Ngài há không nói: “Ta là sự gian lận của con bạc và là sự huy hoàng của những vật nguy nga !” Bạn hiểu bài học đó không ? Bạn hiểu ý nghĩa của nó đối với Vũ Trụ không ? Nó nói lên rằng muốn được minh triết hoàn toàn,  con người phải trải qua tất cả kinh nghiệm. Bạn đã thấy Đại Ngã trong các điều đẹp đẽ, cao sang, quyền quí nhưng bạn có thấy nó ở các việc xấu xa, ti tiện, hèn hạ không ? Nếu bạn thấy được như vậy, thì không cái gì tốt, cái gì xấu vì tất cả đều là thành phần của Ngài, vì tất cả đều cần thiết cho sự tiến hóa. Mỗi món đều có một chỗ trong cơ trời, mỗi vật đều có một vị trí trong toàn thể. Vì các bạn lưu ý thấy các sự dị đồng nên các bạn thấy sự bất toàn. Bạn chỉ thấy một phần chứ không phải toàn thể. Ấy cũng như bạn xem một tấm thảm phía bề trái, với những đầu dây, gút chỉ nên không thấy mẫu hình dệt trên thảm. Bạn hãy xem bề mặt, trên đó màu đen cũng gần như những màu rực rỡ khác, mỗi màu có một vai trò riêng. Đại Ngã thiêng liêng ấy là một trong vạn vật và không có vật nào ở ngoài Nó. Không có vật nào ở ngoài toàn thể. Mắt phàm của chúng ta chỉ thấy sự bất toàn mà không thấy cái Ngã đang tinh luyện để đến chỗ hoàn toàn. Toàn thể đều tiến đến sự hoàn toàn: cái xấu hướng về cái đẹp, cái dại khờ hướng về cái thông minh. Vì vậy, bạn hãy cố thấy Đại Ngã ở khắp nơi, ẩn đều trong vạn vật rồi sự phân biện sáng suốt sẽ đến với bạn và Đại Ngã sẽ hiện ra huy hoàng.
 

    ĐẠI  NGà HẤP DẪN :  TA  LÀ  NGÀI

 

Sau đây là một bài học khác : tất cả những gì hiện có và quyến rủ, tất cả những chi đẹp đẽ và hấp dẫn đều nhờ Đại Ngã bên trong mới được thế. Nếu yếu tố thiêng liêng nầy vắng bóng thì sự hấp dẫn không còn. Bạn có nhớ chăng khi bà Maitreyi cầu xin chồng dạy mình bài học về sự trường tồn thì ông nói: “Hãy xem kỹ: người chồng đáng yêu không phải chính vì ông mà nhờ Đại Ngã ông mới đáng yêu. Hãy xem, người vợ đáng yêu không phải chính vì bà, mà nhờ Đại Ngã bà mới đáng yêu. Hãy xem: đứa con đáng yêu không phải vì nó mà nhờ Đại Ngã nó mới đáng yêu. Hãy xem, tài sản đáng yêu không phải chính ví nó, mà nhờ Đại Ngã nó mới đáng yêu. Phải, cho đến thần thánh đáng yêu không phải vì thần thánh, mà nhờ Đại Ngã thần thánh mới đáng yêu.” Vị thánh giải thích như vậy cho người vợ ngồi nghe chăm chỉ thế nào là Đại Ngã huyền bí, thế nào là tình thương nhiệm mầu nó phát xuất từ mỗi sinh vật riêng rẽ đến các sinh vật khác. Tình yêu là sự Đại Ngã tìm chính mình trong kẻ khác. Ngài còn kể nhiều ví dụ khác để chứng tỏ rằng sự vật đáng mến vì Chơn Ngã bên trong chứ không phải do ảo ảnh bao bọc nó “Ta phải thấy, phải nghe Đại Ngã và suy ngẫm Nó.” Đó là bí quyết của sự trường tồn. Đó là lời dạy của vị Thánh cho vợ yêu thương của Ngài; đó là lời của vị Chưởng  Giáo dạy môn đệ về minh triết thâm diệu. Khi bài học nầy học xong thì “Bạn là cái Đó.” Khi bài học nầy được hiểu rõ thì “Ta là Ngài” và sự dị đồng sẽ không còn. Đó là tâm trạng của người Jnani[2]. Tâm trạng ấy vươn trên mọi biến chuyển của các gounas và thoát hẳn khỏi bánh xe luân chuyển của Tạo Vật. Chỉ có một Đấng Duy Nhất, ngoài ra, không còn chi nữa. Bài học nầy, cắt dứt các dây liên hệ và giải thoát con người. Ở con người ấy, mọi dục vọng đều tiêu tan, mọi hoạt động tri thức đều lắng dịu. Người không làm gì cả vì các gounas vận chuyển xuyên qua anh. Thật ra, phàm ngã hoạt động với xác thân và trí óc, còn anh thì thản nhiên bất động. Đó là thuyết vô vi. Đó là bí quyết của sự Minh Triết.

 

                             MINH TRIẾT VÀ HIỆN TƯỢNG

 

Như vậy, ta phải sống như thế nào ? Trước khi giải đáp, tôi xin quí bạn nghe một chuyện lạ để giúp quí bạn phân biệt thế nào là Minh triết thật, thế nào là Minh triết giả. Một quyển kinh có thuật chuyện Đức Krishna, các Gopis [3] và vị Thánh Durvasa. Vị Thánh nầy một năm chỉ ăn có một lần và mỗi lần ăn, ông ăn rất nhiều. Các nàng Gopis có phận sự đem thức ăn cho Ngài. Họ mua sắm thức ăn ngon, đựng trong một chồng dĩa rồi mang dâng lên Ngài. Khi họ đến gần động Ngài thì gặp một dòng sông chảy ngang qua rất mạnh. Họ không qua được mới quay về bạch với Đức Krishna : Chúng tôi phải làm sao ? Nếu chúng tôi không vượt qua được dòng nước ồ ạt, Đức Durvasa sẽ giận và khi Ngài giận thì vũ trụ sẽ cháy tan tành. Đức Krishna mỉm cười bảo : Hãy trở lại con sông và nói nhân danh Ta: “Hỡi sông ! Nếu Krishna là Bramachari[4], ngươi hãy quay dòng lại .” Các nàng Gopis nói với nhau : chung quanh Ngài toàn là Gopis mà sao lại nói Ngài độc thân ? Nhưng họ tin ở sự minh triết của Ngài nên trở lại dòng sông và nói lên lời Ngài. Khi nghe xong lời nầy, con sông quay dòng và các nàng Gopis đi ngang qua bên một vách nước. Khi các nàng dâng thức ăn lên, vị Đại Hiền ăn dĩa nầy qua dĩa nọ và ăn hết thức ăn. Khi đến giờ về, họ cũng không qua được sông. Họ nói “Làm sao mình qua sông ?” Họ bèn nhờ Ngài giúp đỡ. Ngài nói: Các con hãy đến con sông và nói : “ Hỡi sông ! Nếu Đại Đức Durvasa chỉ ăn không khí thôi, thì sông hãy quay dòng để chúng tôi qua.” Các nàng Gopis tự nhủ : “Coi, Ngài ăn hết đồ ăn mình mang lại không còn một miếng thừa, vậy mà nói Ngài chỉ sống với không khí !” Nhưng họ không biết làm gì khác hơn  nên họ tiến đến con sông và nói : “Hỡi sông, Nếu Đại Đức Durvasa chỉ ăn không khí mà thôi thì sông hãy quay dòng để chúng tôi qua .” Một lần nữa, khi nghe lời nầy thì con sông quay dòng để cho các nàng qua. Các nàng mới thuật chuyện lại cho Đức Krishna và cầu xin Ngài giải thích. Ngài mới dạy rằng một khi con người đã được sự minh triết, thì lòng không còn liên hệ đến hành động, không còn vương vấn với sự vật xung quanh. Người Jnani chân chính vượt cao khỏi hành động và không xúc động với hiện tượng bên ngoài.
  

           MINH  TRIẾT  THẬT,  MINH  TRIẾT  GIẢ

 

Đến đây, hành giả còn gặp một lầm lạc khác. Nhiều người nói là minh triết nhưng chỉ minh triết ở đầu môi chớ thật sự không phát triển được nội tâm; họ nói : “Tôi là Đấng Tối Cao” nhưng lòng dao động với mọi sự vật : ở người dục vọng còn nhiều, kỷ luật chưa có, ngày ngày chạy theo sở thích của giác quan nhưng nói: “chỉ có thể xác tôi cảm xúc còn tôi thì bất động”; người ấy lầm đường và không thành thật. Là vì người Jnani chân chính sử dụng các gounas chứ không bị gounas sử dụng. Người dùng chúng nó để đạt mục đích đặt để cho vũ trụ chúng ta nhưng không để tâm xao xuyến vì chúng. Những ai không chống nổi với các cám dỗ của thể xác mà nói : “chỉ thể xác tôi hành động, còn tôi là Đấng Tối Cao”, người ấy nói để mà nói chứ không minh triết chút nào, y sẽ trở nên hư hỏng và sa đọa. Người minh triết có thể đảm trách bất kỳ hoạt động nào để tiến lên Đấng Tối Cao, nhưng lúc nào anh cũng chỉ là một vận hà bảo trì thế giới. Anh nhận cảm hứng từ bên trong chứ không phải từ bên ngoài. Anh dùng các dụng cụ của anh như một chủ nhân chứ không dấn thân vào việc như một kẻ tôi đòi. Anh được tự do chứ không bị trói buộc. Trên con đường đạo, khi con người chỉ thỏa mãn xác thân mà miệng thì thốt những lời minh triết, anh sẽ là miếng mồi của ảo vọng và ngăn trở bước tiến của linh hồn. Vì lẽ đó, công việc của các Chưởng Giáo bị xoay chiều theo các dục vọng riêng tư và kinh Vệ Đà được dùng để chữa lỗi cho những tâm hồn hèn hạ. Người ta nói đã giữ được lòng bình thản nhưng thật sự thì không. Để tránh nguy hại nầy, ngày xưa bài học nói trên chỉ dạy cho những ai có những đức hạnh cần thiết. Người nào mà ham muốn không c̣n, dục vọng đã tắt, người nào đã chán chê thế cuộc, người ấy mới đáng trở thành đệ tử, mới được Chơn Sư ban truyền bí giáo.

Con đường Minh Triết là thế; những khó khăn của nó là thế. Ai theo nó một cách sáng suốt sẽ thoát trần và sống một đời sống tự do.
 

                                  MINH TRIẾT VÀ TÔN SÙNG 

 

Tuy nhiên, bạn đừng quên rằng sự giải thoát nầy chỉ nhằm mục đích cá nhân chứ không phải để phụng sự Thiên cơ. Dù sự giải thoát ấy có dài đến cả triệu năm thì bạn cũng cần bước thêm một bước nữa mới tiến đến sự toàn thiện. Kinh Upanishad dạy rằng Chơn Ngã không thể tìm bằng sự hiểu biết suông mà bằng sự hiểu biết hợp với sự tôn sùng. Người ta có thể đạt được sự giải thoát bằng minh triết và tiến lên Janaloka dành cho các vị thánh để thoát khỏi bánh xe luân hồi sinh tử. Nhưng một đời toàn thiện là một đời sống không đòi hỏi chi cả và luôn luôn an lạc ngay trong cảnh tôi đòi bao giờ Đấng Chí Tôn còn biểu hiện, bao giờ Đức Ishvara còn hoạt động. Đời sống toàn thiện ấy là kết quả của sự kết hợp của Minh Triết và Tôn Sùng. 

                

karma yoga l jnana yoga l bhakti yoga l đầu trang l cuối trang

               

P H Á P   M ÔN   B H A K T I   Y O G A.[5]  

   

ĐỊNH NGHĨA

 

Đức Giáo Chủ  Shri Krishna nói: Những ai hướng tâm trí về ta và tôn sùng ta với một tấm lòng hòa hợp, với một tín ngưỡng nhiệt thành, những kẻ ấy rất vững bước trên đường đạo.” Ngài nói thêm : “Hướng tâm trí vào Đấng Vô Hiện (Non manifeste) là một việc vô cùng khó khăn cho những người còn mang nặng xác phàm. Quả thật, ớ Partha, những ai đã xả ly vì ta, đã quyến luyến ta và cầu nguyện ta một cách chân thành, ta sẽ đưa họ qua sông mê, biển khổ, vì tâm trí họ đã đặt trọn ở ta.” Đó là những lời mà Thánh Sư  Krishna đã dạy đệ tử yêu dấu của Ngài. Những ai hướng tâm vào Đấng Ishvara một cách chân thành và thờ phượng, tin tưởng Ngài, những kẻ ấy sẽ được Ngài cứu vớt ra khỏi cảnh trầm luân khổ hải, nơi đây, biết bao linh hồn đã chìm đắm từ kiếp nầy sang kiếp nọ và ước nguyện được giải thoát ra. Lòng mộ đạo ấy, sự chiêm ngưỡng ấy, sự tôn sùng ấy được chứa đựng trong chữ Bhakti hay tình thương mến, và con đường tu bằng tình thương được gọi là Bhakti Yoga mà chúng ta tìm hiểu trong buổi nói chuyện hôm nay.
 

    TẠI  SAO  NGƯỜI  BHAKTA TÔN THỜ ĐẤNG BIỂU HIỆN

 

Con đường Minh Triết và con đường Tình Thương khác biệt nhiều từ đầu đến cuối. Đến mục tiêu cũng có vẻ không giống nhau, nhưng kỳ thật chúng nó là một. Trên con đường Minh Triết, hành giả tìm sự sống duy nhất, tìm Đấng Vô Biên, Đấng Trường Cửu, Đấng Vô Hiện ẩn ở vạn vật và thấm nhuần muôn loài, và tìm sự phân biện, sự minh triết. Nhờ vậy người lần lần ý thức được Chơn Ngã, tiến đến ý niệm Ta là Ngài và đồng hóa hoàn toàn với Đấng Tối Cao, độc nhất vô nhị. Khi ta tìm hiểu mục tiêu của người tu theo con đường tình thương, ta thấy Đấng mà họ thành thật mến yêu, thờ phượng và tin tưởng, Đấng ấy cũng chẳng qua là Đấng Ishvara, Đấng Tối Cao được nhân cách hóa, Đức Thượng Đế biểu hiện trong một hình thể để dễ được mến yêu, sùng bái.

 

Trên thực tế, lòng yêu mến, tôn sùng chỉ có thể phát triển, khi nào nó được hướng về một Đấng được biểu hiện trong giới hạn của một cá thể. Dù chúng ta quan niệm cá thể một cách rộng rãi thế nào đi nữa, dù chúng ta có hủy diệt tất cả những gì có thể giới hạn nó, nhưng khi chúng ta còn nghĩ đến một cá thể nhân cách hóa, thì quan niệm ấy vẫn đưa đến ý niệm giới hạn. Và sự giới hạn nầy là đặc tính của Đấng Ishvara tối cao, của Đấng Tạo Hóa. Ngài phải tự giới hạn để biểu hiện, để vũ trụ có thể tồn tại và chính Đấng Hóa Công biểu hiện ấy mà vạn vật đều khao khát, tôn sùng.

Chúng ta còn để ý rằng Đức Ishvara tối cao mà người Tây phương gọi là Thượng Đế cá nhân thỉnh thoảng còn biểu hiện bằng những hóa thân (Avatars) để hiến cho nhân loại một cá nhân cụ thể hầu tiện khai mở lòng tôn sùng và kêu gọi sự kính mến, hiến dâng. Theo tín ngưỡng của người Ấn Độ cũng như theo nhiều tín ngưỡng khác, Đấng Tối Cao biểu hiện không những như là Đấng Chúa Tể của vũ trụ mà c̣n dưới hình thức con người thanh cao, khả kính để hấp dẫn lòng người. Có thế nhân loại mới tiện tôn thờ. Vì lòng hạ cố đối với sự yếu đuối, ươn hèn, vì sự thương xót trí hóa thấp kém của chúng ta, mà vẫn giữ một vài nét tận thiện, tận mỹ của Ngài.

 

Khi chúng ta tìm hiểu các tín ngưỡng và các tôn giáo trên hoàn cầu, chúng ta nhận thấy điều nầy được phổ biến khắp nơi và một hình thể nửa người, nửa thánh được tôn kính ở bàn thờ. Và tuy chúng ta biết rằng trên hình thể nầy còn có một Đấng Tối Cao, và trên Đấng Ishvara còn có Đấng Chí Tôn độc nhất vô nhị, chúng ta không thể rời chân Đấng Biểu Hiện vì tâm tư chỉ có thể an nghỉ và trú ẩn nơi Ngài. Dù dưới danh hiệu Kamachadra hay Sri Krishna hay dưới danh hiệu Đức Ky Tô hay Đức Phật, chúng ta vẫn nhận thấy nhân loại ước nguyện được tôn thờ một Nhân vật và tìm ở các cảm xúc tôn giáo một sự thỏa mãn mà một quan niệm trừu tượng không thể mang lại được. Đối với ai tu theo con đường Tình Thương, nhân vật tôn thờ phải là mục tiêu của con đường. Là vì làm sao nhân loại có thể mến thương sự sống vô biên hay không gian vô tận và làm sao con người có thể an nghỉ trong lòng Thượng Đế nếu không có các giới hạn biến mọi vật thành sự thật đối với chúng ta.
 

          BHAKTI VÀ SỰ DỨT BỎ, HIẾN DÂNG

 

Trên con đường Tình Thương, hành giả tìm Đấng Chí Tôn của mình theo thể            thức đó. Nhưng thứ tình thương nào gợi hứng anh ? Thứ tôn sùng nào phấn khởi anh ? Thứ gì thấm nhuần con người anh và làm rung động mỗi sợi tơ của đời sống anh cho đến nỗi đối với anh cái chi cũng là hư  ảo ngoại trừ Đấng anh kính yêu, và cái chi cũng đều mờ ám trước hào quang của Ngài ? Vị hiền triết có thể xem là hiện thân của Tình Thương và lòng tôn kính là Narada có truyền lại cho chúng ta những giáo lý về Tình Thương, Ngài diễn tả Nó, nhấn mạnh các đặc điểm của Nó và dạy chúng ta những gì ta muốn đào dưỡng lòng mến yêu, tôn kính của chúng ta.

 

Narada khởi đầu nói về bản chất của Bhakti : Bhakti là sự tôn kính tột độ một Đấng Cao Cả [6]. Sau đó Ngài trình bày nhiều định nghĩa của chính Ngài. Theo Ngài, lòng tôn kính là nồng cốt của con đường Bhakti nhưng Bhakti còn vượt khỏi lòng tôn kính nữa. Narada giải thích Tình Thương theo quan niệm của Vyasa, Garga và Sandilya rồi Ngài nói: Tình thương mến là sự hiến dâng tất cả hành động cho Đức Thượng Đế và sự cảm thấy mình vô cùng đau khổ khi quên Ngài.” Lời nầy diễn tả chính xác thế nào là tình thương mến : trọn đời hiến dâng cho Đấng Chí Tôn và sự đau khổ khi vắng Ngài. Nếu lòng người bị che đậy bởi sự ham mê một vật nào đó, nếu có một sợi mây đến phân cách tâm anh và Đức Thượng Đế dù trong khoảnh khắc, sự quên lãng ấy sẽ tạo cho anh một đau khổ vô ngần. Đó là lời dạy của Narada mà những ai khao khát, ngưỡng mộ đều rõ biết. Tiếp đó, Ngài miêu tả con người đã đạt được tình thương đó như sau: “Khi con người đạt được tình thương mến rồi, anh trở nên chí thiện, trường tồn và tự thấy thỏa mãn; một khi đã được nó rồi, con người không còn ham muốn gì cả, không buồn phiền, không oán ghét, không ham dục lạc, không theo đuổi những mục tiêu  ích kỷ: ngay lúc biết được tình thương, lòng người ngây ngất, an lạc.”  Ngài thêm một đoạn sau: “Người ta không thể quyến rủ anh chạy theo dục vọng vì bản chất của anh là sự xả ly.”
 

         THẾ NÀO LÀ TÌNH MẾN YÊU THƯỢNG ĐẾ ?

 

Sự thương mến, tôn sùng là như thế, theo lời của một vị có thể xem là hiện thân của nó. Làm sao ta có thể có sự thương mến và tôn sùng đó ? Các giai đoạn của con đường thương mến như thế nào ? Khi lòng người chỉ có những tình thương thấp kém làm sao ta có thể hướng lên Tình Thương tuyệt đối ? Khi tâm trí con người còn đeo đuổi các dục vọng của giác quan, làm sao ta có thể ý thức Đấng Duy Nhất toàn tri ? Khi chúng ta còn sống trong ảo ảnh, còn bận bịu với những mối tình hèn hạ, còn dẫm sâu dưới bùn nhơ, làm sao ta có thể tiến đến tình thương cao thượng của Narada ?

 

Chúng ta cần phải vạch rõ các giai đoạn của pháp môn tình thương nầy. Chúng ta hãy khởi đầu bằng chỗ bất toàn để cố gắng tiến đến chỗ hoàn toàn. Chúng ta có thể đang ngây ngất vì lòng tôn sùng cao đẹp, có thể bị chóa mắt bởi tình thương huy hoàng, nhưng chúng ta cần tìm hiểu tình thương nảy nở trong lòng ta như thế nào, và với thứ nhiên liệu nào, ta phải dinh dưỡng ngọn lửa tôn sùng như thế nào để ta có thể trở thành ngọn lửa thiêng ấy.

 

Tình thương phàm tục có thể gợi cho chúng ta một ý niệm về tình thương thiêng liêng. Quan sát nó, chúng ta có thể hiểu qua một vài đặc điểm của người Bhakta. Đối tượng tôn thờ có thể khác nhưng đặc điểm vẫn hệt nhau. Quí vị hãy nghĩ trong chốc lát về một thứ tình thương nồng nhiệt nhất, thuần khiết nhất, thanh cao nhất mà quí vị có thể có đối với một kẻ thân yêu. Rồi quí vị hãy phân tích kỹ càng đời sống của quí vị và xem nó được biến đổi như thế nào. Quí vị sẽ thấy tất cả sự vật đều trở nên lạnh nhạt trước sự cao đẹp của mối tình đó. Quí vị có thể đang chạy theo giàu sang, đang đam mê văn chương, đang thích thú học hỏi rồi bỗng nhiên ở chân trời xa của đời sống, một hình ảnh kiều diễm hiện ra khiến bạn yêu mến với tất cả sự nồng nàn của phần hồn. Trước sự vinh quang và mỹ lệ của hình ảnh đó, tâm trí của bạn biến chuyển hẳn. Trước lòng từ ái và phong phú của vị ấy, tài sản mất hết giá trị; trước lời lẽ hoa mỹ của Ngài, văn chương tỏ ra thô kệch, kiến thức giống như những chiếc lá khô. Sự vui sướng nhất của bạn là được gần gũi Ngài, là để trọn bản thể thấm nhuần tình thương mến Ngài. Tất cả dục lạc đều mất tính cách hấp dẫn, tất cả màu sắc đều trở nên âm u. Đối với quí vị, Ngài không những là một người bạn mà còn là một người hướng đạo, một ông thầy, một tình quân với tất cả những hạnh cao, đức tốt.

 

Lòng yêu thương Ngài biến đổi trọn vẹn đời sống bạn. Dưới ánh sáng tỏa ra từ Kim thân Ngài, tất cả đều nhuộm màu sắc mới. Bạn hãy tưởng tượng một tình thương như thế cao vút tận trời xanh, thâm sâu như lòng biển, một tình thương một ngày trở nên cao cả nhờ sự hoàn thiện của Đấng bạn yêu mến, mỗi lúc càng trở nên nồng nàn bởi các đức hạnh của Ngài, một tình thương như thế không bao giờ gây sự mỏi mệt, nhàm chán. Khi bạn tưởng tượng như thế thì bạn sẽ có một ý niệm sơ lược về tình yêu của kẻ chí nguyện đối với Đấng họ tôn thờ.

 

Trong một buổi giảng đạo ở Mỹ, Đại Sư Vivekananda thuật một chuyện khá thú vị để dẫn chứng rằng phần đông người đời ít yêu mến Đức Thượng Đế. Ngài nói một hôm một cậu thanh niên thưa với một tu sĩ rằng cậu muốn tìm Thượng Đế. Vị tu sĩ mỉm cười và lặng thinh. Cậu thanh niên thưa lại nhiều lần và nhiều lần bày tỏ khát vọng tìm Thượng Đế của cậu. Sau nhiều ngày, vị tu sĩ mới dẫn cậu ra con sông nơi ông tắm mỗi buổi mai. Khi hai người xuống tắm, ông mới nhận cậu thanh niên dưới nước và giữ cậu ở đó. Cậu thanh niên vùng vẫy để trồi lên. Một lúc lâu, vị tu sĩ đỡ cậu ra khỏi nước và hỏi: “Con ạ, khi con ngộp nước như thế, con ao ước điều gì ?” Cậu nói: “Một ít không khí.” “Nếu người học đạo khao khát Thượng Đế như vậy, người sẽ tìm được Ngài. Nếu con tìm Ngài như thế ấy, Ngài sẽ thương yêu con.”

 

Nhưng có bao nhiêu người khao khát như vậy ? Có bao nhiêu người thành thật muốn tìm Thượng Đế như vậy ? Khi họ gặp một khó khăn, họ quên mất Ngài và khát vọng tìm Ngài cũng tiêu tan. Khi cậu thanh niên ngộp nước, vùng vẫy nhô lên, chớ người chí nguyện ngay lúc ngộp thở cũng chỉ nhớ đến Thượng Đế và tự nhủ nếu phải chết dưới sông, anh sẽ chết để có thể tìm Ngài nhanh chóng. Trên đường đời, chúng ta ham muốn đủ thứ : chúng ta ao ước phú quí, công danh, ham muốn vui chơi, chiếm hữu. Một tấm lòng đã tham như vậy làm sao còn có chỗ dành cho Thượng Đế mến yêu ? Sách Thiên Chúa Giáo dạy không có chỗ cho Đấng Ky Tô trong quán trọ, và thật sự, tâm ta cũng như một quán trọ dẫy đầy lữ khách. Như  vậy, làm sao ta có thể đón tiếp Ngài ?
 

NGƯỜI  BHAKTA  NUÔI  DƯỠNG  XÁC THÂN  NHƯ THẾ  NÀO ? 

 

Tuy nhiên, chúng ta không nên thất vọng, và hãy tìm xem có lối nào dẫn vào pháp môn tình thương. Đến đây, giáo lý của Đại Sư Ramanaja sẽ giúp chúng ta nhiều vì Ngài thường giảng dạy về những bước đầu của sự phát triển lòng sùng tín và tình thương chân thật.

 

Khi giảng dạy những giai đoạn sơ cấp ấy, Đại Sư khởi sự bằng những bước đầu ngay lúc con người còn sống trong thể xác ở cõi trần. Trước hết Ngài nghĩ đến xác thân và chỉ bảo cách thức trông nom nó, đồng thời Ngài nêu các đức hạnh cần cho thể xác để mở lòng từ ái thiêng liêng. Cái hạnh đầu tiên là viveka (tánh phân biện) mà Ngài giảng dạy theo một ý nghĩa đơn giản nhất, khi Ngài áp dụng nó vào sự chọn lựa thức ăn. Muốn xác thân trở thành môi vật cho một linh hồn thấm nhuần tình thương thiêng liêng, con người phải giữ gìn nó thanh khiết, phải tỏ ra sáng suốt trong sự chọn lựa thức ăn. Anh không nên dùng một thức ăn nào có thể gây đau đớn cho sinh vật. Người tu theo con đường thương mến không thể là nguyên nhân đau đớn, là nguồn thống khổ cho những sinh vật đàn em còn ở những nấc thấp trên chiếc thang tiến hóa. Anh không nên ăn một thứ gì phát xuất từ một sinh vật biết đau. Không một tu sĩ Bhakta nào chịu mó đến một thức ăn như vậy. Là vì nếu dùng một thức ăn như thế, chẳng những anh sẽ làm ô uế thân anh mà còn hạ thấp linh hồn : anh tỏ ra thù ghét thay vì nhân từ, ích kỷ thay vì vị tha; anh gây đau đớn cho những con vật hiền lành thay vì bảo vệ nó, anh từ bỏ một lối sống hiền hòa để tìm những món ăn khoái khẩu. Thế là anh chà đạp tình thương. Trong sự lựa chọn rất cần thiết nầy, sự tinh khiết cần được tôn trọng vì các thể thanh của chúng ta rất dễ bị ô uế do ảnh hưởng bên ngoài, và chúng ta phải giữ gìn cẩn thận để không cảm nhiễm những điều dơ bẩn, từ bên ngoài lẫn bên trong. Sự thanh khiết còn cần được giữ gìn để cho xác thân trở nên một linh miếu mà tu sĩ Bhakta sẽ sử dụng thường trên con đường sùng tín. Đại Sư dạy thêm:thức ăn thanh khiết, tâm trí thanh khiết, luôn luôn nhớ tưởng Thượng Đế: đó là nếp sống của người Bhakta.
 

DIỆT  TRỪ  MỌI HAM  MUỐN

NGOẠI  TRỪ  NGUYỆN  VỌNG NGƯỠNG  MỘ  ĐỨC THƯỢNG  ĐẾ. 

 

Đó là những biện pháp đầu tiên dành cho những ai muốn tìm Thượng Đế, muốn vun quén ở lòng cái hạnh thiêng liêng là tình thương. Sau đó, Đại Sư dạy thêm rằng hành giả còn phải diệt trừ mọi dục vọng, ngoại trừ nguyện vọng duy nhất là tập trung tâm trí vào Đức Thượng Đế, là ngưỡng mộ Ngài. Trong lòng anh không còn một ham muốn nào khác. Nguyện vọng ấy phải lan khắp châu thân anh và thấm nhuần các phần tử con người anh. Tất cả ham muốn đều phải nhường chỗ cho nguyện vọng tha thiết ấy. Điều nầy phải được thực hiện từ giây từ phút. Khi anh cố gắng tập trung như vậy, anh mới ý thức rằng trí anh lau chau, tản mác, lúc nào cũng nhớ đến việc nầy, chuyện nọ, chớ không thể trụ vào sự chiêm ngưỡng Đấng Tối Cao. Nhưng khi Arjuna than phiền tâm trí anh xao xuyến như gió và rất khó chủ trị, Đại Sư há không đáp: Nó có thể kềm chế được bằng sự kiên tâm thực hành ?” Vậy hành giả phải cố gắng trụ tâm vào Thượng Đế. Mỗi lần nó quay sang việc khác, anh phải kéo lại và hướng nó vào Đấng Tối Cao. Anh phải chọn những thời khắc nhất định để trầm tư, chiêm ngưỡng, để đặt hết tâm trí vào Ngài.

 

Đó chỉ là những bước đầu. Ở giai đoạn nầy hành giả sùng bái vào giờ khắc nhất định, nhưng về sau sẽ sùng bái suốt ngày. Anh chiêm ngưỡng thường để rồi sự chiêm ngưỡng sẽ trở nên liên tục. Nhưng như thế cũng chưa đủ. Sự thực hành nầy sẽ đưa đến một lối sống không còn có đặc tính ban đầu của lòng sùng đạo. Bây giờ hành giả có thể thích thú trong sự trầm tư chiêm ngưỡng. Trong sự liên hoan đó, anh có thể quên tất cả. Bây giờ, anh thích sùng bái vì được sung sướng trong những giờ phút nầy.
 

              HÃY  BỐ  THÍ,  BAN  CHO.

Tuy nhiên, người Bhakta không tìm lợi lạc riêng. Anh tìm cách bố thí, ban cho mãi mãi cốt để diệt trừ lòng ích kỷ và tính tham của con người. Bước tiến trong giai đoạn nầy là giúp đời. Anh không nên chiêm ngưỡng mãi mà phải ban rải tình thương cho kẻ khác và cố gắng giúp đỡ những kẻ cô thế nghèo nàn. Anh không thể trừ tánh chiếm hữu nếu anh không tập từ bỏ để nhường kẻ khác. Hãy cho, cho mãi, cho hoài vì cho là đặc tính của tình thương. Tình thương không đòi chi cả ngoài sự ban cho; tình thương không hỏi gì cả ngoại trừ quyền tiêu pha cho kẻ khác; tình thương không buộc ai trả ơn, đáp nghĩa. Tình thương không cầu xin vui sướng cho riêng mình. Nó chỉ xin được lan tràn khắp nơi được tạo hạnh phúc cho kẻ khác. Vì lẽ lòng chúng ta khắc nghiệt và ích kỷ, nên chúng ta thấy ngay trong các tôn giáo lòng ích kỷ của con người dưới những hình thức tế nhị. Vàng ròng của tôn giáo bị ô uế là thế. Thường khi tôn giáo - một cái chi thanh cao, trong sạch hơn tất cả –  trở nên suy bại và con người mang lòng ích kỷ vào những nơi tế tự và biến chuyển Thánh Điện thành một chỗ bán buôn. Nơi nào không có sự ban cho, nơi ấy không có chỗ cho Thượng Đế.

 

Vì vậy, hành thiện là một điều mà hành giả phải tập luyện. Trong nhân loại, tình thương rất ít oi. Khi chúng ta yêu thương, chúng ta mãi đòi được đền đáp: bản ngã của chúng ta thấp kém thế nào ! Yêu thương như thế đâu phải là yêu thương mà là tính toán. Đó là một hình thức tế nhị của lòng vị kỷ. Tình thương cao cả chỉ biết tuôn ra tự nhiên. Nó chỉ cầu xin một điều là được thương mến. Người giàu lòng thương chỉ ước nguyện được ban rải tình thương của mình.
 

                            MỘT VÀI  ĐỨC HẠNH CẦN TẬP

 

Các sự luyện tập nầy giúp hành giả cảm thấy tình thương chân thật và lòng yêu mến Đức Chí Tôn. Kế đó, hành giả phải luyện các đức tánh: thanh khiết, ngay thẳng, thành thật, từ ái, rất cần để đạt tình thương thiêng liêng. Chúng ta hãy tìm hiểu các đức tánh nầy và quan sát lòng mình xem có những đức tánh đó không. Khi chúng ta bắt đầu rèn luyện những đức tánh thiếu là chúng ta tiến trên con đường Bhakti.
 

                                        CHỌN BẠN HIỀN

 

Sự giao du với những người hiền đức là một điều tốt. Thay vì kết bạn với những kẻ chơi bời, nông nổi, chúng ta nên cầu thân, giao hữu với những ai tiến hóa cao, biết dành nhiều thì giờ thảo luận các vấn đề tâm linh hay chiêm ngưỡng các Chơn Sư, Đại Đức. Tác động của hoàn cảnh rất đáng lưu ý: tư tưởng của những kẻ ta giao du ảnh hưởng chúng ta rất nhiều; tâm trí chúng ta lần lần nhuộm màu sắc của tánh tình họ. Nếu chúng ta kết bạn với những người ăn chơi, chểnh mảng, nếu chúng ta tiếp xúc mãi với những c̣n nhiều vô minh, làm sao ta có thể tập trung hết tâm tư vào Đại Ngã thiêng liêng, làm sao ta có thể tìm được Đức Thượng Đế ? Hãy cố sống một cuộc đời an tĩnh mà không quên phận sự thay vì hoạt động để cầu vui. Ta hãy tìm kiếm các bậc thánh nhân, hiền triết để nhận những tư tưởng thanh cao của các ngài vì sự sống chung với những người mến yêu Thượng Đế có khả năng khuyến khích chúng ta trên đường Đạo.
 

       ĐỌC SÁCH HAY.

 

Chúng ta hãy đọc những sách hay, những sách có khả năng mở mang lòng tôn sùng và nêu trước mắt ta những gương cao quí của các thánh nhân. Chúng ta đừng phí thì giờ với những sách nhảm nhí, hãy bỏ thói quen đụng đâu đọc đó. Chúng ta không có thì giờ để mất. Khi bạn đọc, bạn hãy chọn những sách hữu ích cho bạn. Ví dụ bạn học luật, bạn đâu có thích đọc chuyện đời xưa mà đọc sách luật, đọc lịch sử luật các nước và tìm hiểu phong tục các dân tộc. Bạn gạt một bên những sách không giúp ích bạn. Chúng ta cũng phải hành động như thế khi chúng ta tập yêu mến Đức Thượng Đế. Cho đến chừng nào chúng ta mới hoạt động vì Thượng Đế như chúng ta hoạt động cho thanh danh ? Cho đến chừng nào chúng ta hăng say tìm Thượng Đế như chúng ta măi mê theo đuổi những chuyện tầm phào ? Chơn Sư không thiếu, đường đạo không ẩn. Có thiếu chăng là tấm lòng, là tình thương, là nguyện vọng. Chính các khuyết điểm nầy làm cho chúng ta bê trễ chứ không phải dốt nát cách thức tu hành. Vì vậy Narada khuyên tránh các sách nhảm nhí, các cuộc cãi cọ vô bổ và suy niệm các kinh sách thánh hiền.
 

                                    MỘT KHÚC QUANH

 

   Sau cùng khi chúng ta tiến từ bước một để trải qua giai đoạn đầu, một ngày kia, Đức Thượng Đế mà chúng ta tìm kiếm hết lòng, chân thành ngưỡng mộ, theo dõi không ngừng, Đức Thượng Đế sẽ hiện ra cho người chí nguyện. Đến lúc ấy, một biến chuyển xảy ra, đánh dấu một khúc quanh của đời người. Một yếu tố mới bộc lộ ở lòng, một luồng cảm xúc lạ tràn vào tâm khảm: từ nay, con người đổi mới hoàn toàn. Khi Thượng Đế hiện ra như thế, dù ta chỉ thấy thoáng qua vẻ đẹp của Ngài, dù chỉ một tia hào quang của Ngài chiếu vào tâm ta, con người bên trong của ta sẽ thức tỉnh, tâm trí của ta sẽ chấn động, chúng ta sẽ đương nhiên quay lưng lại ngoại cảnh để hướng mắt nhìn Ngài. Bạn có nhớ chăng một câu rất ý nghĩa và sâu sắc trong kinh Bhagavad Gita, câu nói rằng khi chúng ta thấy được Đấng Tối Cao thì các dục vọng của giác quan, các mùi vị, các ham muốn, các chiếm hữu, các xu hướng đều tan biến hết ?

 

Bây giờ thật sự, con đường đạo mới chiếu diệu huy hoàng và sự an lạc mới rung chuyển trọn bản thể con người. Đã biết bao lần rồi, hành giả kêu gọi Đức Thươïng Đế ? Đã biết bao lâu rồi, lòng anh chỉ ao ước được thấy Ngài ? Đã biết bao lần, anh nói: “Làm sao trong lúc trầm tư, con biết được Ngài, dưới trạng thái nào hỡi Thượng Đế, con phải tưởng nhớ Ngài ?” Khi Thượng Đế hiện ra trong hào quang rực rỡ, vạn vật đều úa tàn, phai lạt. Quả đất đổi khác từ khi ánh sáng đó rọi vào. Mây mù còn có thể nổi lên; lỗi lầm, nhu nhược còn có thể ngăn đường, nhưng hành giả đã thấy, đã hiểu, đã nhớ, và các điều nầy đã khuyến khích anh, an ủi anh trong mọi cố gắng. Chừng đó, Thượng Đế mới nói với con người ấy: “Vì con đã dứt bỏ tánh ích kỷ, sự bạo động, tính kiêu căng, dục vọng, lòng tham, tánh nóng, vì con đã diệt ngã và ôn hòa, con xứng đáng trở thành một tu sĩ Bà La Môn.” Anh cũng trở nên xứng đáng được nhìn Đức Thượng Đế. Vô ngã và bình an, anh trở thành tấm gương của Linh Hồn cao cả, anh tan hòa trong Đại Ngã, và trở thành một với vạn vật; anh nhập vào Đức Thượng Đế. Đó là lời của Đức Krishna và lời hứa của Đức Chí Tôn.

 

                                    HÒA HỢP

 

 Những ai đã tập luyện được như thế, đã thanh lọc phàm ngã thấp hèn, đã chân thành sùng bái, đã trở nên bình tĩnh, thản nhiên; những ai không gây ác, những kẻ bao trùm tất cả trong tình thương mà không trừ loại một ai, những ai thương mến vạn vật như bà mẹ thương mến đứa con đầu lòng, những người ấy xứng đáng đứng trước sự hiện diện của Đấng Tối Cao ! Họ vươn lên gần Đức Thượng Đế ! Họ đã được chuẩn bị cho sự an lạc đời đời. Quả thế, vì tình thương là Đức Thượng Đế. Những ai mà toàn thân đều thấm đượm tình thương, những người ấy là hình ảnh của Thượng Đế. Là vì tình thương của Thượng Đế, Thượng Đế là Tình Thương. Đâu có cái chi có thể tách riêng họ và thực thể của họ ? Đâu còn có hàng rào cách biệt Linh Hồn và Thượng Đế ? Linh hồn tràn đầy tình thương mến Đấng Tối Cao, Tình Thương vô biên. Cũng như dòng sông họp với các rạch khác để chảy ra biển cả, linh hồn tràn đầy tình thương cũng bay về nguồn thương yêu vô tận, về Đấng Tối Cao. Nước của dòng sông hòa với nước của đại dương và trở nên đồng nhất về bản thể cũng như về tính chất. Đâu còn có cái chi phân tách chúng nó ? Đâu còn cái chi phân tách linh hồn với Thượng Đế ? Linh hồn đã biết Đấng Tối Cao của mình, nó lễ bái, kính yêu và sống trong Ngài, hòa hợp với Ngài vĩnh viễn cũng như Ngài là nó. Bây giờ, Linh hồn đã được sự minh triết và Thượng Đế hết bảo: Linh hồn hãy đến Ta, hãy tiến đến cõi tối cao của Ta mà nói: “Linh hồn là Ta.” Linh hồn là Ngài. Đó là mức chót của con đường, là kết quả của tình thương. Tình thương là Thượng Đế và tình thương càng thanh cao, nồng thắm, nó càng cao quí thiêng liêng. Tình thương yêu phàm tục giữa con người cũng san bằng mọi trở ngại, cũng kết hợp những kẻ thương yêu đến đỗi không còn có cái ta riêng rẽ, không còn cái của anh, của tôi. Trong tình yêu thường tình của con người, kẻ thương mến cảm thấy mình là một với kẻ mình mến yêu, không một phút giây cách biệt. Phải chăng ta có cảm giác những gì thuộc chúng ta đều là của người chúng ta yêu quí và không có một cái chi cách biệt giữa ta và người ? Đối với Linh Hồn và Thượng Đế, cũng thế: tuy phải phân chia để có thể tôn thờ, lễ bái hầu đánh thức các quyền năng tiềm tàng, những Linh Hồn toàn thiện hợp làm một với Thượng Đế để phụng sự, để giúp đời, để cứu vớt nhân loại cũng như Ngài đã giúp họ, đã cứu vớt họ. Trong sự hòa hợp hoàn toàn nầy, hoạt động của Ngài cũng là hoạt động của Linh Hồn, Người Bhakta trở thành Đấng Cứu Thế. Người quả thật là Thượng Đế và những chi Thượng Đế làm, Người đều làm được, cả công việc tạo thành và hủy diệt vũ trụ, vì Người đã hòa hợp với Ngài.

 

              QUYỀN NĂNG

 

Đâu có điều gì mà xứ Ấn nầy không thể làm nếu nó có một vài vị Bhakta, không phải bhakta ở đầu môi, mà chân thành tận đáy lòng và trọn đời. Nếu một hay hai vị như vậy sinh trưởng trên xứ Ấn, với một lòng yêu thương hùng dũng bao gồm tất cả thì nước nầy có thể được cứu vớt trong khoảnh khắc. Khả năng của tình thương là vô biên. Quí vị nhớ chăng gương sùng tín của chàng thanh niên Prahlada ?  Không có chi hại cậu được, thuốc độc không thể giết cậu, lửa không thể đốt cậu, núi không thể đè cậu. Vì sao ? Vì lòng sùng tín của cậu hoàn toàn, vì cậu tôn thờ Thượng Đế với tất cả sự nhiệt thành của lòng cậu ngay trong những lúc khó khăn, nguy hiểm. Không ai có thể hại người sùng tín chân thành: khí giới không thể giết hại người, nước không thể nhận chết người. Là vì Người là Đấng Vĩnh Cửu, là Sự Sống Trường Tồn. Vì vậy Narada nói: “Bản thể của người là sự yêu mến, tôn sùng. Tình Thương là trường cửu.”

 

Tiếc thay ! Làm sao ta có được một người như vậy để giúp đỡ chúng ta ? Chừng nào ta có được một người như vậy để dạy dỗ ta ? Chúng ta chưa có thể được như người, tình thương ở ta chưa có thể đưa chúng ta đến quả vị tiên thánh, nhưng với tình thương hiện có của chúng ta, chúng ta há không thể giúp đỡ kẻ khác tốt hơn, thúc giục kẻ khác tiến mau hơn sao ? Chúng ta hãy nhớ : khi nhiều dòng nước nhỏ bé hiệp lại, chúng sẽ tạo một dòng sông hùng dũng. Chúng ta hãy hướng dòng suối yêu thương và tôn kính của chúng ta đến chân Thượng Đế. Chúng ta hãy hiến tình thương của lòng chúng ta dù nó còn lợt lạt, chúng ta hãy hiến nguyện vọng của chúng ta, dù nó còn thô hèn, chúng ta hãy hiến lòng tôn kính của chúng ta dù nó còn mong manh, chúng ta hãy hiến dâng tất cả dưới chân Ngài, hiện thân của tình thương, của sự toàn thiện. Ước mong thay những tia thương mến của chúng sẽ tạo thành một ngọn lửa vĩ đại để tinh luyện xứ ta, để giúp đỡ nhân dân ta ! Khi nguyện vọng đã có thì kết quả cũng sẽ có. Ước mong sao chúng ta có thể góp sức vào công trình vĩ đại đó !
 

                                  

người dịch :    NGUYỄN VĂN MINH

 


 

  

Chú Thích

1 Ba thứ khí lực đào tạo vạn vật của Tạo Hóa (Sattva, Rajas, Tamas)

3 hay Shiva. Shiva, Vishnou và Brahma là 3 Ngôi trong tôn giáo Ấn Độ.

[3] Các cô chăn cừu, bạn đồng chơi với Krishna.

[4] Người độc thân tạm.

[5] Pháp môn tu bằng cách phát triển tình thương. Khi tình thương hướng về nhân loại, đó là lòng từ ái, khi nó hướng về một Đấng Thiêng Liêng, ấy là sự kính mến, tôn sùng. Người tu theo pháp môn nầy là Bhakta (LDG).

[6] Kinh Narada Soutra, dịch giả E.T.Sturdy, trang 19.

 

karma yoga l jnana yoga l bhakti yoga l đầu trang l cuối trang


trang nhà l trang sách l bản tin l thiền học l tiểu sử l trang thơ l h́nh ảnh l bài vở

Bản quyền    Copyright  @ www.thongthienhoc.com  2001-2004
 Mọi bản sao hay trích dẫn kính xin quí vị đề rơ nơi xuất xứ chân thành cám ơn.
 Xin giữ nguyên bản. Mọi sự liên hệ xin  liên lạc e-mail sau:  nhusee@yahoo.com