trang nhà trang sách l bản tin l thiền học l tiểu sử trang thơ l h́nh ảnh l bài vở 

 

 

PHÁP  MÔN  BHAKTI  YOGA.[5]  

   

trích trong
Ba Con Đường Hợp Nhất Dẫn Đến Sự Hợp Nhất

 

ĐỊNH NGHĨA

 

Đức Giáo Chủ  Shri Krishna nói: Những ai hướng tâm trí về ta và tôn sùng ta với một tấm lòng hòa hợp, với một tín ngưỡng nhiệt thành, những kẻ ấy rất vững bước trên đường đạo.” Ngài nói thêm : “Hướng tâm trí vào Đấng Vô Hiện (Non manifeste) là một việc vô cùng khó khăn cho những người còn mang nặng xác phàm. Quả thật, ớ Partha, những ai đã xả ly vì ta, đã quyến luyến ta và cầu nguyện ta một cách chân thành, ta sẽ đưa họ qua sông mê, biển khổ, vì tâm trí họ đã đặt trọn ở ta.” Đó là những lời mà Thánh Sư  Krishna đã dạy đệ tử yêu dấu của Ngài. Những ai hướng tâm vào Đấng Ishvara một cách chân thành và thờ phượng, tin tưởng Ngài, những kẻ ấy sẽ được Ngài cứu vớt ra khỏi cảnh trầm luân khổ hải, nơi đây, biết bao linh hồn đã chìm đắm từ kiếp nầy sang kiếp nọ và ước nguyện được giải thoát ra. Lòng mộ đạo ấy, sự chiêm ngưỡng ấy, sự tôn sùng ấy được chứa đựng trong chữ Bhakti hay tình thương mến, và con đường tu bằng tình thương được gọi là Bhakti Yoga mà chúng ta tìm hiểu trong buổi nói chuyện hôm nay.
 

TẠI  SAO  NGƯỜI  BHAKTA TÔN THỜ ĐẤNG BIỂU HIỆN

 

Con đường Minh Triết và con đường Tình Thương khác biệt nhiều từ đầu đến cuối. Đến mục tiêu cũng có vẻ không giống nhau, nhưng kỳ thật chúng nó là một. Trên con đường Minh Triết, hành giả tìm sự sống duy nhất, tìm Đấng Vô Biên, Đấng Trường Cửu, Đấng Vô Hiện ẩn ở vạn vật và thấm nhuần muôn loài, và tìm sự phân biện, sự minh triết. Nhờ vậy người lần lần ý thức được Chơn Ngã, tiến đến ý niệm Ta là Ngài và đồng hóa hoàn toàn với Đấng Tối Cao, độc nhất vô nhị. Khi ta tìm hiểu mục tiêu của người tu theo con đường tình thương, ta thấy Đấng mà họ thành thật mến yêu, thờ phượng và tin tưởng, Đấng ấy cũng chẳng qua là Đấng Ishvara, Đấng Tối Cao được nhân cách hóa, Đức Thượng Đế biểu hiện trong một hình thể để dễ được mến yêu, sùng bái.

 

Trên thực tế, lòng yêu mến, tôn sùng chỉ có thể phát triển, khi nào nó được hướng về một Đấng được biểu hiện trong giới hạn của một cá thể. Dù chúng ta quan niệm cá thể một cách rộng rãi thế nào đi nữa, dù chúng ta có hủy diệt tất cả những gì có thể giới hạn nó, nhưng khi chúng ta còn nghĩ đến một cá thể nhân cách hóa, thì quan niệm ấy vẫn đưa đến ý niệm giới hạn. Và sự giới hạn nầy là đặc tính của Đấng Ishvara tối cao, của Đấng Tạo Hóa. Ngài phải tự giới hạn để biểu hiện, để vũ trụ có thể tồn tại và chính Đấng Hóa Công biểu hiện ấy mà vạn vật đều khao khát, tôn sùng.

Chúng ta còn để ý rằng Đức Ishvara tối cao mà người Tây phương gọi là Thượng Đế cá nhân thỉnh thoảng còn biểu hiện bằng những hóa thân (Avatars) để hiến cho nhân loại một cá nhân cụ thể hầu tiện khai mở lòng tôn sùng và kêu gọi sự kính mến, hiến dâng. Theo tín ngưỡng của người Ấn Độ cũng như theo nhiều tín ngưỡng khác, Đấng Tối Cao biểu hiện không những như là Đấng Chúa Tể của vũ trụ mà c̣n dưới hình thức con người thanh cao, khả kính để hấp dẫn lòng người. Có thế nhân loại mới tiện tôn thờ. Vì lòng hạ cố đối với sự yếu đuối, ươn hèn, vì sự thương xót trí hóa thấp kém của chúng ta, mà vẫn giữ một vài nét tận thiện, tận mỹ của Ngài.

 

Khi chúng ta tìm hiểu các tín ngưỡng và các tôn giáo trên hoàn cầu, chúng ta nhận thấy điều nầy được phổ biến khắp nơi và một hình thể nửa người, nửa thánh được tôn kính ở bàn thờ. Và tuy chúng ta biết rằng trên hình thể nầy còn có một Đấng Tối Cao, và trên Đấng Ishvara còn có Đấng Chí Tôn độc nhất vô nhị, chúng ta không thể rời chân Đấng Biểu Hiện vì tâm tư chỉ có thể an nghỉ và trú ẩn nơi Ngài. Dù dưới danh hiệu Kamachadra hay Sri Krishna hay dưới danh hiệu Đức Ky Tô hay Đức Phật, chúng ta vẫn nhận thấy nhân loại ước nguyện được tôn thờ một Nhân vật và tìm ở các cảm xúc tôn giáo một sự thỏa mãn mà một quan niệm trừu tượng không thể mang lại được. Đối với ai tu theo con đường Tình Thương, nhân vật tôn thờ phải là mục tiêu của con đường. Là vì làm sao nhân loại có thể mến thương sự sống vô biên hay không gian vô tận và làm sao con người có thể an nghỉ trong lòng Thượng Đế nếu không có các giới hạn biến mọi vật thành sự thật đối với chúng ta.
 

BHAKTI VÀ SỰ DỨT BỎ, HIẾN DÂNG

 

Trên con đường Tình Thương, hành giả tìm Đấng Chí Tôn của mình theo thể            thức đó. Nhưng thứ tình thương nào gợi hứng anh ? Thứ tôn sùng nào phấn khởi anh ? Thứ gì thấm nhuần con người anh và làm rung động mỗi sợi tơ của đời sống anh cho đến nỗi đối với anh cái chi cũng là hư  ảo ngoại trừ Đấng anh kính yêu, và cái chi cũng đều mờ ám trước hào quang của Ngài ? Vị hiền triết có thể xem là hiện thân của Tình Thương và lòng tôn kính là Narada có truyền lại cho chúng ta những giáo lý về Tình Thương, Ngài diễn tả Nó, nhấn mạnh các đặc điểm của Nó và dạy chúng ta những gì ta muốn đào dưỡng lòng mến yêu, tôn kính của chúng ta.

 

Narada khởi đầu nói về bản chất của Bhakti : Bhakti là sự tôn kính tột độ một Đấng Cao Cả [6]. Sau đó Ngài trình bày nhiều định nghĩa của chính Ngài. Theo Ngài, lòng tôn kính là nồng cốt của con đường Bhakti nhưng Bhakti còn vượt khỏi lòng tôn kính nữa. Narada giải thích Tình Thương theo quan niệm của Vyasa, Garga và Sandilya rồi Ngài nói: Tình thương mến là sự hiến dâng tất cả hành động cho Đức Thượng Đế và sự cảm thấy mình vô cùng đau khổ khi quên Ngài.” Lời nầy diễn tả chính xác thế nào là tình thương mến : trọn đời hiến dâng cho Đấng Chí Tôn và sự đau khổ khi vắng Ngài. Nếu lòng người bị che đậy bởi sự ham mê một vật nào đó, nếu có một sợi mây đến phân cách tâm anh và Đức Thượng Đế dù trong khoảnh khắc, sự quên lãng ấy sẽ tạo cho anh một đau khổ vô ngần. Đó là lời dạy của Narada mà những ai khao khát, ngưỡng mộ đều rõ biết. Tiếp đó, Ngài miêu tả con người đã đạt được tình thương đó như sau: “Khi con người đạt được tình thương mến rồi, anh trở nên chí thiện, trường tồn và tự thấy thỏa mãn; một khi đã được nó rồi, con người không còn ham muốn gì cả, không buồn phiền, không oán ghét, không ham dục lạc, không theo đuổi những mục tiêu  ích kỷ: ngay lúc biết được tình thương, lòng người ngây ngất, an lạc.”  Ngài thêm một đoạn sau: “Người ta không thể quyến rủ anh chạy theo dục vọng vì bản chất của anh là sự xả ly.”
 

THẾ NÀO LÀ TÌNH MẾN YÊU THƯỢNG ĐẾ ?

 

Sự thương mến, tôn sùng là như thế, theo lời của một vị có thể xem là hiện thân của nó. Làm sao ta có thể có sự thương mến và tôn sùng đó ? Các giai đoạn của con đường thương mến như thế nào ? Khi lòng người chỉ có những tình thương thấp kém làm sao ta có thể hướng lên Tình Thương tuyệt đối ? Khi tâm trí con người còn đeo đuổi các dục vọng của giác quan, làm sao ta có thể ý thức Đấng Duy Nhất toàn tri ? Khi chúng ta còn sống trong ảo ảnh, còn bận bịu với những mối tình hèn hạ, còn dẫm sâu dưới bùn nhơ, làm sao ta có thể tiến đến tình thương cao thượng của Narada ?

 

Chúng ta cần phải vạch rõ các giai đoạn của pháp môn tình thương nầy. Chúng ta hãy khởi đầu bằng chỗ bất toàn để cố gắng tiến đến chỗ hoàn toàn. Chúng ta có thể đang ngây ngất vì lòng tôn sùng cao đẹp, có thể bị chóa mắt bởi tình thương huy hoàng, nhưng chúng ta cần tìm hiểu tình thương nảy nở trong lòng ta như thế nào, và với thứ nhiên liệu nào, ta phải dinh dưỡng ngọn lửa tôn sùng như thế nào để ta có thể trở thành ngọn lửa thiêng ấy.

 

Tình thương phàm tục có thể gợi cho chúng ta một ý niệm về tình thương thiêng liêng. Quan sát nó, chúng ta có thể hiểu qua một vài đặc điểm của người Bhakta. Đối tượng tôn thờ có thể khác nhưng đặc điểm vẫn hệt nhau. Quí vị hãy nghĩ trong chốc lát về một thứ tình thương nồng nhiệt nhất, thuần khiết nhất, thanh cao nhất mà quí vị có thể có đối với một kẻ thân yêu. Rồi quí vị hãy phân tích kỹ càng đời sống của quí vị và xem nó được biến đổi như thế nào. Quí vị sẽ thấy tất cả sự vật đều trở nên lạnh nhạt trước sự cao đẹp của mối tình đó. Quí vị có thể đang chạy theo giàu sang, đang đam mê văn chương, đang thích thú học hỏi rồi bỗng nhiên ở chân trời xa của đời sống, một hình ảnh kiều diễm hiện ra khiến bạn yêu mến với tất cả sự nồng nàn của phần hồn. Trước sự vinh quang và mỹ lệ của hình ảnh đó, tâm trí của bạn biến chuyển hẳn. Trước lòng từ ái và phong phú của vị ấy, tài sản mất hết giá trị; trước lời lẽ hoa mỹ của Ngài, văn chương tỏ ra thô kệch, kiến thức giống như những chiếc lá khô. Sự vui sướng nhất của bạn là được gần gũi Ngài, là để trọn bản thể thấm nhuần tình thương mến Ngài. Tất cả dục lạc đều mất tính cách hấp dẫn, tất cả màu sắc đều trở nên âm u. Đối với quí vị, Ngài không những là một người bạn mà còn là một người hướng đạo, một ông thầy, một tình quân với tất cả những hạnh cao, đức tốt.

 

Lòng yêu thương Ngài biến đổi trọn vẹn đời sống bạn. Dưới ánh sáng tỏa ra từ Kim thân Ngài, tất cả đều nhuộm màu sắc mới. Bạn hãy tưởng tượng một tình thương như thế cao vút tận trời xanh, thâm sâu như lòng biển, một tình thương một ngày trở nên cao cả nhờ sự hoàn thiện của Đấng bạn yêu mến, mỗi lúc càng trở nên nồng nàn bởi các đức hạnh của Ngài, một tình thương như thế không bao giờ gây sự mỏi mệt, nhàm chán. Khi bạn tưởng tượng như thế thì bạn sẽ có một ý niệm sơ lược về tình yêu của kẻ chí nguyện đối với Đấng họ tôn thờ.

 

Trong một buổi giảng đạo ở Mỹ, Đại Sư Vivekananda thuật một chuyện khá thú vị để dẫn chứng rằng phần đông người đời ít yêu mến Đức Thượng Đế. Ngài nói một hôm một cậu thanh niên thưa với một tu sĩ rằng cậu muốn tìm Thượng Đế. Vị tu sĩ mỉm cười và lặng thinh. Cậu thanh niên thưa lại nhiều lần và nhiều lần bày tỏ khát vọng tìm Thượng Đế của cậu. Sau nhiều ngày, vị tu sĩ mới dẫn cậu ra con sông nơi ông tắm mỗi buổi mai. Khi hai người xuống tắm, ông mới nhận cậu thanh niên dưới nước và giữ cậu ở đó. Cậu thanh niên vùng vẫy để trồi lên. Một lúc lâu, vị tu sĩ đỡ cậu ra khỏi nước và hỏi: “Con ạ, khi con ngộp nước như thế, con ao ước điều gì ?” Cậu nói: “Một ít không khí.” “Nếu người học đạo khao khát Thượng Đế như vậy, người sẽ tìm được Ngài. Nếu con tìm Ngài như thế ấy, Ngài sẽ thương yêu con.”

 

Nhưng có bao nhiêu người khao khát như vậy ? Có bao nhiêu người thành thật muốn tìm Thượng Đế như vậy ? Khi họ gặp một khó khăn, họ quên mất Ngài và khát vọng tìm Ngài cũng tiêu tan. Khi cậu thanh niên ngộp nước, vùng vẫy nhô lên, chớ người chí nguyện ngay lúc ngộp thở cũng chỉ nhớ đến Thượng Đế và tự nhủ nếu phải chết dưới sông, anh sẽ chết để có thể tìm Ngài nhanh chóng. Trên đường đời, chúng ta ham muốn đủ thứ : chúng ta ao ước phú quí, công danh, ham muốn vui chơi, chiếm hữu. Một tấm lòng đã tham như vậy làm sao còn có chỗ dành cho Thượng Đế mến yêu ? Sách Thiên Chúa Giáo dạy không có chỗ cho Đấng Ky Tô trong quán trọ, và thật sự, tâm ta cũng như một quán trọ dẫy đầy lữ khách. Như  vậy, làm sao ta có thể đón tiếp Ngài ?
 

NGƯỜI  BHAKTA  NUÔI  DƯỠNG  XÁC THÂN  NHƯ THẾ  NÀO ? 

 

Tuy nhiên, chúng ta không nên thất vọng, và hãy tìm xem có lối nào dẫn vào pháp môn tình thương. Đến đây, giáo lý của Đại Sư Ramanaja sẽ giúp chúng ta nhiều vì Ngài thường giảng dạy về những bước đầu của sự phát triển lòng sùng tín và tình thương chân thật.

 

Khi giảng dạy những giai đoạn sơ cấp ấy, Đại Sư khởi sự bằng những bước đầu ngay lúc con người còn sống trong thể xác ở cõi trần. Trước hết Ngài nghĩ đến xác thân và chỉ bảo cách thức trông nom nó, đồng thời Ngài nêu các đức hạnh cần cho thể xác để mở lòng từ ái thiêng liêng. Cái hạnh đầu tiên là viveka (tánh phân biện) mà Ngài giảng dạy theo một ý nghĩa đơn giản nhất, khi Ngài áp dụng nó vào sự chọn lựa thức ăn. Muốn xác thân trở thành môi vật cho một linh hồn thấm nhuần tình thương thiêng liêng, con người phải giữ gìn nó thanh khiết, phải tỏ ra sáng suốt trong sự chọn lựa thức ăn. Anh không nên dùng một thức ăn nào có thể gây đau đớn cho sinh vật. Người tu theo con đường thương mến không thể là nguyên nhân đau đớn, là nguồn thống khổ cho những sinh vật đàn em còn ở những nấc thấp trên chiếc thang tiến hóa. Anh không nên ăn một thứ gì phát xuất từ một sinh vật biết đau. Không một tu sĩ Bhakta nào chịu mó đến một thức ăn như vậy. Là vì nếu dùng một thức ăn như thế, chẳng những anh sẽ làm ô uế thân anh mà còn hạ thấp linh hồn : anh tỏ ra thù ghét thay vì nhân từ, ích kỷ thay vì vị tha; anh gây đau đớn cho những con vật hiền lành thay vì bảo vệ nó, anh từ bỏ một lối sống hiền hòa để tìm những món ăn khoái khẩu. Thế là anh chà đạp tình thương. Trong sự lựa chọn rất cần thiết nầy, sự tinh khiết cần được tôn trọng vì các thể thanh của chúng ta rất dễ bị ô uế do ảnh hưởng bên ngoài, và chúng ta phải giữ gìn cẩn thận để không cảm nhiễm những điều dơ bẩn, từ bên ngoài lẫn bên trong. Sự thanh khiết còn cần được giữ gìn để cho xác thân trở nên một linh miếu mà tu sĩ Bhakta sẽ sử dụng thường trên con đường sùng tín. Đại Sư dạy thêm:thức ăn thanh khiết, tâm trí thanh khiết, luôn luôn nhớ tưởng Thượng Đế: đó là nếp sống của người Bhakta.
 

DIỆT  TRỪ  MỌI HAM  MUỐN

NGOẠI  TRỪ  NGUYỆN  VỌNG NGƯỠNG  MỘ  ĐỨC THƯỢNG  ĐẾ. 

 

Đó là những biện pháp đầu tiên dành cho những ai muốn tìm Thượng Đế, muốn vun quén ở lòng cái hạnh thiêng liêng là tình thương. Sau đó, Đại Sư dạy thêm rằng hành giả còn phải diệt trừ mọi dục vọng, ngoại trừ nguyện vọng duy nhất là tập trung tâm trí vào Đức Thượng Đế, là ngưỡng mộ Ngài. Trong lòng anh không còn một ham muốn nào khác. Nguyện vọng ấy phải lan khắp châu thân anh và thấm nhuần các phần tử con người anh. Tất cả ham muốn đều phải nhường chỗ cho nguyện vọng tha thiết ấy. Điều nầy phải được thực hiện từ giây từ phút. Khi anh cố gắng tập trung như vậy, anh mới ý thức rằng trí anh lau chau, tản mác, lúc nào cũng nhớ đến việc nầy, chuyện nọ, chớ không thể trụ vào sự chiêm ngưỡng Đấng Tối Cao. Nhưng khi Arjuna than phiền tâm trí anh xao xuyến như gió và rất khó chủ trị, Đại Sư há không đáp: Nó có thể kềm chế được bằng sự kiên tâm thực hành ?” Vậy hành giả phải cố gắng trụ tâm vào Thượng Đế. Mỗi lần nó quay sang việc khác, anh phải kéo lại và hướng nó vào Đấng Tối Cao. Anh phải chọn những thời khắc nhất định để trầm tư, chiêm ngưỡng, để đặt hết tâm trí vào Ngài.

 

Đó chỉ là những bước đầu. Ở giai đoạn nầy hành giả sùng bái vào giờ khắc nhất định, nhưng về sau sẽ sùng bái suốt ngày. Anh chiêm ngưỡng thường để rồi sự chiêm ngưỡng sẽ trở nên liên tục. Nhưng như thế cũng chưa đủ. Sự thực hành nầy sẽ đưa đến một lối sống không còn có đặc tính ban đầu của lòng sùng đạo. Bây giờ hành giả có thể thích thú trong sự trầm tư chiêm ngưỡng. Trong sự liên hoan đó, anh có thể quên tất cả. Bây giờ, anh thích sùng bái vì được sung sướng trong những giờ phút nầy.
 

HÃY  BỐ THÍ, BAN  CHO.

Tuy nhiên, người Bhakta không tìm lợi lạc riêng. Anh tìm cách bố thí, ban cho mãi mãi cốt để diệt trừ lòng ích kỷ và tính tham của con người. Bước tiến trong giai đoạn nầy là giúp đời. Anh không nên chiêm ngưỡng mãi mà phải ban rải tình thương cho kẻ khác và cố gắng giúp đỡ những kẻ cô thế nghèo nàn. Anh không thể trừ tánh chiếm hữu nếu anh không tập từ bỏ để nhường kẻ khác. Hãy cho, cho mãi, cho hoài vì cho là đặc tính của tình thương. Tình thương không đòi chi cả ngoài sự ban cho; tình thương không hỏi gì cả ngoại trừ quyền tiêu pha cho kẻ khác; tình thương không buộc ai trả ơn, đáp nghĩa. Tình thương không cầu xin vui sướng cho riêng mình. Nó chỉ xin được lan tràn khắp nơi được tạo hạnh phúc cho kẻ khác. Vì lẽ lòng chúng ta khắc nghiệt và ích kỷ, nên chúng ta thấy ngay trong các tôn giáo lòng ích kỷ của con người dưới những hình thức tế nhị. Vàng ròng của tôn giáo bị ô uế là thế. Thường khi tôn giáo - một cái chi thanh cao, trong sạch hơn tất cả –  trở nên suy bại và con người mang lòng ích kỷ vào những nơi tế tự và biến chuyển Thánh Điện thành một chỗ bán buôn. Nơi nào không có sự ban cho, nơi ấy không có chỗ cho Thượng Đế.

 

Vì vậy, hành thiện là một điều mà hành giả phải tập luyện. Trong nhân loại, tình thương rất ít oi. Khi chúng ta yêu thương, chúng ta mãi đòi được đền đáp: bản ngã của chúng ta thấp kém thế nào ! Yêu thương như thế đâu phải là yêu thương mà là tính toán. Đó là một hình thức tế nhị của lòng vị kỷ. Tình thương cao cả chỉ biết tuôn ra tự nhiên. Nó chỉ cầu xin một điều là được thương mến. Người giàu lòng thương chỉ ước nguyện được ban rải tình thương của mình.
 

MỘT VÀI  ĐỨC HẠNH CẦN TẬP

 

Các sự luyện tập nầy giúp hành giả cảm thấy tình thương chân thật và lòng yêu mến Đức Chí Tôn. Kế đó, hành giả phải luyện các đức tánh: thanh khiết, ngay thẳng, thành thật, từ ái, rất cần để đạt tình thương thiêng liêng. Chúng ta hãy tìm hiểu các đức tánh nầy và quan sát lòng mình xem có những đức tánh đó không. Khi chúng ta bắt đầu rèn luyện những đức tánh thiếu là chúng ta tiến trên con đường Bhakti.
 

CHỌN BẠN HIỀN

 

Sự giao du với những người hiền đức là một điều tốt. Thay vì kết bạn với những kẻ chơi bời, nông nổi, chúng ta nên cầu thân, giao hữu với những ai tiến hóa cao, biết dành nhiều thì giờ thảo luận các vấn đề tâm linh hay chiêm ngưỡng các Chơn Sư, Đại Đức. Tác động của hoàn cảnh rất đáng lưu ý: tư tưởng của những kẻ ta giao du ảnh hưởng chúng ta rất nhiều; tâm trí chúng ta lần lần nhuộm màu sắc của tánh tình họ. Nếu chúng ta kết bạn với những người ăn chơi, chểnh mảng, nếu chúng ta tiếp xúc mãi với những c̣n nhiều vô minh, làm sao ta có thể tập trung hết tâm tư vào Đại Ngã thiêng liêng, làm sao ta có thể tìm được Đức Thượng Đế ? Hãy cố sống một cuộc đời an tĩnh mà không quên phận sự thay vì hoạt động để cầu vui. Ta hãy tìm kiếm các bậc thánh nhân, hiền triết để nhận những tư tưởng thanh cao của các ngài vì sự sống chung với những người mến yêu Thượng Đế có khả năng khuyến khích chúng ta trên đường Đạo.
 

ĐỌC SÁCH HAY.

 

Chúng ta hãy đọc những sách hay, những sách có khả năng mở mang lòng tôn sùng và nêu trước mắt ta những gương cao quí của các thánh nhân. Chúng ta đừng phí thì giờ với những sách nhảm nhí, hãy bỏ thói quen đụng đâu đọc đó. Chúng ta không có thì giờ để mất. Khi bạn đọc, bạn hãy chọn những sách hữu ích cho bạn. Ví dụ bạn học luật, bạn đâu có thích đọc chuyện đời xưa mà đọc sách luật, đọc lịch sử luật các nước và tìm hiểu phong tục các dân tộc. Bạn gạt một bên những sách không giúp ích bạn. Chúng ta cũng phải hành động như thế khi chúng ta tập yêu mến Đức Thượng Đế. Cho đến chừng nào chúng ta mới hoạt động vì Thượng Đế như chúng ta hoạt động cho thanh danh ? Cho đến chừng nào chúng ta hăng say tìm Thượng Đế như chúng ta măi mê theo đuổi những chuyện tầm phào ? Chơn Sư không thiếu, đường đạo không ẩn. Có thiếu chăng là tấm lòng, là tình thương, là nguyện vọng. Chính các khuyết điểm nầy làm cho chúng ta bê trễ chứ không phải dốt nát cách thức tu hành. Vì vậy Narada khuyên tránh các sách nhảm nhí, các cuộc cãi cọ vô bổ và suy niệm các kinh sách thánh hiền.
 

MỘT KHÚC QUANH

 

   Sau cùng khi chúng ta tiến từ bước một để trải qua giai đoạn đầu, một ngày kia, Đức Thượng Đế mà chúng ta tìm kiếm hết lòng, chân thành ngưỡng mộ, theo dõi không ngừng, Đức Thượng Đế sẽ hiện ra cho người chí nguyện. Đến lúc ấy, một biến chuyển xảy ra, đánh dấu một khúc quanh của đời người. Một yếu tố mới bộc lộ ở lòng, một luồng cảm xúc lạ tràn vào tâm khảm: từ nay, con người đổi mới hoàn toàn. Khi Thượng Đế hiện ra như thế, dù ta chỉ thấy thoáng qua vẻ đẹp của Ngài, dù chỉ một tia hào quang của Ngài chiếu vào tâm ta, con người bên trong của ta sẽ thức tỉnh, tâm trí của ta sẽ chấn động, chúng ta sẽ đương nhiên quay lưng lại ngoại cảnh để hướng mắt nhìn Ngài. Bạn có nhớ chăng một câu rất ý nghĩa và sâu sắc trong kinh Bhagavad Gita, câu nói rằng khi chúng ta thấy được Đấng Tối Cao thì các dục vọng của giác quan, các mùi vị, các ham muốn, các chiếm hữu, các xu hướng đều tan biến hết ?

 

Bây giờ thật sự, con đường đạo mới chiếu diệu huy hoàng và sự an lạc mới rung chuyển trọn bản thể con người. Đã biết bao lần rồi, hành giả kêu gọi Đức Thươïng Đế ? Đã biết bao lâu rồi, lòng anh chỉ ao ước được thấy Ngài ? Đã biết bao lần, anh nói: “Làm sao trong lúc trầm tư, con biết được Ngài, dưới trạng thái nào hỡi Thượng Đế, con phải tưởng nhớ Ngài ?” Khi Thượng Đế hiện ra trong hào quang rực rỡ, vạn vật đều úa tàn, phai lạt. Quả đất đổi khác từ khi ánh sáng đó rọi vào. Mây mù còn có thể nổi lên; lỗi lầm, nhu nhược còn có thể ngăn đường, nhưng hành giả đã thấy, đã hiểu, đã nhớ, và các điều nầy đã khuyến khích anh, an ủi anh trong mọi cố gắng. Chừng đó, Thượng Đế mới nói với con người ấy: “Vì con đã dứt bỏ tánh ích kỷ, sự bạo động, tính kiêu căng, dục vọng, lòng tham, tánh nóng, vì con đã diệt ngã và ôn hòa, con xứng đáng trở thành một tu sĩ Bà La Môn.” Anh cũng trở nên xứng đáng được nhìn Đức Thượng Đế. Vô ngã và bình an, anh trở thành tấm gương của Linh Hồn cao cả, anh tan hòa trong Đại Ngã, và trở thành một với vạn vật; anh nhập vào Đức Thượng Đế. Đó là lời của Đức Krishna và lời hứa của Đức Chí Tôn.

 

HÒA HỢP

 

 Những ai đã tập luyện được như thế, đã thanh lọc phàm ngã thấp hèn, đã chân thành sùng bái, đã trở nên bình tĩnh, thản nhiên; những ai không gây ác, những kẻ bao trùm tất cả trong tình thương mà không trừ loại một ai, những ai thương mến vạn vật như bà mẹ thương mến đứa con đầu lòng, những người ấy xứng đáng đứng trước sự hiện diện của Đấng Tối Cao ! Họ vươn lên gần Đức Thượng Đế ! Họ đã được chuẩn bị cho sự an lạc đời đời. Quả thế, vì tình thương là Đức Thượng Đế. Những ai mà toàn thân đều thấm đượm tình thương, những người ấy là hình ảnh của Thượng Đế. Là vì tình thương của Thượng Đế, Thượng Đế là Tình Thương. Đâu có cái chi có thể tách riêng họ và thực thể của họ ? Đâu còn có hàng rào cách biệt Linh Hồn và Thượng Đế ? Linh hồn tràn đầy tình thương mến Đấng Tối Cao, Tình Thương vô biên. Cũng như dòng sông họp với các rạch khác để chảy ra biển cả, linh hồn tràn đầy tình thương cũng bay về nguồn thương yêu vô tận, về Đấng Tối Cao. Nước của dòng sông hòa với nước của đại dương và trở nên đồng nhất về bản thể cũng như về tính chất. Đâu còn có cái chi phân tách chúng nó ? Đâu còn cái chi phân tách linh hồn với Thượng Đế ? Linh hồn đã biết Đấng Tối Cao của mình, nó lễ bái, kính yêu và sống trong Ngài, hòa hợp với Ngài vĩnh viễn cũng như Ngài là nó. Bây giờ, Linh hồn đã được sự minh triết và Thượng Đế hết bảo: Linh hồn hãy đến Ta, hãy tiến đến cõi tối cao của Ta mà nói: “Linh hồn là Ta.” Linh hồn là Ngài. Đó là mức chót của con đường, là kết quả của tình thương. Tình thương là Thượng Đế và tình thương càng thanh cao, nồng thắm, nó càng cao quí thiêng liêng. Tình thương yêu phàm tục giữa con người cũng san bằng mọi trở ngại, cũng kết hợp những kẻ thương yêu đến đỗi không còn có cái ta riêng rẽ, không còn cái của anh, của tôi. Trong tình yêu thường tình của con người, kẻ thương mến cảm thấy mình là một với kẻ mình mến yêu, không một phút giây cách biệt. Phải chăng ta có cảm giác những gì thuộc chúng ta đều là của người chúng ta yêu quí và không có một cái chi cách biệt giữa ta và người ? Đối với Linh Hồn và Thượng Đế, cũng thế: tuy phải phân chia để có thể tôn thờ, lễ bái hầu đánh thức các quyền năng tiềm tàng, những Linh Hồn toàn thiện hợp làm một với Thượng Đế để phụng sự, để giúp đời, để cứu vớt nhân loại cũng như Ngài đã giúp họ, đã cứu vớt họ. Trong sự hòa hợp hoàn toàn nầy, hoạt động của Ngài cũng là hoạt động của Linh Hồn, Người Bhakta trở thành Đấng Cứu Thế. Người quả thật là Thượng Đế và những chi Thượng Đế làm, Người đều làm được, cả công việc tạo thành và hủy diệt vũ trụ, vì Người đã hòa hợp với Ngài.

 

QUYỀN NĂNG

 

Đâu có điều gì mà xứ Ấn nầy không thể làm nếu nó có một vài vị Bhakta, không phải bhakta ở đầu môi, mà chân thành tận đáy lòng và trọn đời. Nếu một hay hai vị như vậy sinh trưởng trên xứ Ấn, với một lòng yêu thương hùng dũng bao gồm tất cả thì nước nầy có thể được cứu vớt trong khoảnh khắc. Khả năng của tình thương là vô biên. Quí vị nhớ chăng gương sùng tín của chàng thanh niên Prahlada ?  Không có chi hại cậu được, thuốc độc không thể giết cậu, lửa không thể đốt cậu, núi không thể đè cậu. Vì sao ? Vì lòng sùng tín của cậu hoàn toàn, vì cậu tôn thờ Thượng Đế với tất cả sự nhiệt thành của lòng cậu ngay trong những lúc khó khăn, nguy hiểm. Không ai có thể hại người sùng tín chân thành: khí giới không thể giết hại người, nước không thể nhận chết người. Là vì Người là Đấng Vĩnh Cửu, là Sự Sống Trường Tồn. Vì vậy Narada nói: “Bản thể của người là sự yêu mến, tôn sùng. Tình Thương là trường cửu.”

 

Tiếc thay ! Làm sao ta có được một người như vậy để giúp đỡ chúng ta ? Chừng nào ta có được một người như vậy để dạy dỗ ta ? Chúng ta chưa có thể được như người, tình thương ở ta chưa có thể đưa chúng ta đến quả vị tiên thánh, nhưng với tình thương hiện có của chúng ta, chúng ta há không thể giúp đỡ kẻ khác tốt hơn, thúc giục kẻ khác tiến mau hơn sao ? Chúng ta hãy nhớ : khi nhiều dòng nước nhỏ bé hiệp lại, chúng sẽ tạo một dòng sông hùng dũng. Chúng ta hãy hướng dòng suối yêu thương và tôn kính của chúng ta đến chân Thượng Đế. Chúng ta hãy hiến tình thương của lòng chúng ta dù nó còn lợt lạt, chúng ta hãy hiến nguyện vọng của chúng ta, dù nó còn thô hèn, chúng ta hãy hiến lòng tôn kính của chúng ta dù nó còn mong manh, chúng ta hãy hiến dâng tất cả dưới chân Ngài, hiện thân của tình thương, của sự toàn thiện. Ước mong thay những tia thương mến của chúng sẽ tạo thành một ngọn lửa vĩ đại để tinh luyện xứ ta, để giúp đỡ nhân dân ta ! Khi nguyện vọng đã có thì kết quả cũng sẽ có. Ước mong sao chúng ta có thể góp sức vào công trình vĩ đại đó !

 

[5] Pháp môn tu bằng cách phát triển tình thương. Khi tình thương hướng về nhân loại, đó là lòng từ ái, khi nó hướng về một Đấng Thiêng Liêng, ấy là sự kính mến, tôn sùng. Người tu theo pháp môn nầy là Bhakta (LDG).

[6] Kinh Narada Soutra, dịch giả E.T.Sturdy, trang 19.


 


 trang nhà trang sách l bản tin l thiền học l tiểu sử trang thơ l h́nh ảnh l bài vở