trang nhà l trang sách l bản tin l thiền học l tiểu sử l trang thơ l h́nh ảnh l bài vở

 bài  1  2  3  4  5  6
 

CÚM NĂM NAY SẼ DỮ (2003)

Bác sĩ Nguyễn Văn Đức
Mon, 1 Dec 2003 08:38:48 -0800c

Nhiều người chúng ta nghĩ, ha, cúm th́ có ǵ đâu, nặng hơn cảm chút đỉnh ấy mà, hai năm qua tôi chả chích ngừa, cũng chẳng sao!

Thế mà, theo một bài trong tạp chí “Patient Care” dành cho các bác sĩ số tháng 11 này, các chuyên gia y tế hàng đầu của ba cơ quan National Foundation for Infectious Diseases, National Coalition for Adult Immunization, và Centers for Disease Control and Prevention (CDC) đều khẩn thiết khuyên các bác sĩ năm nay cố thuyết phục những vị bệnh nhân cần chích ngừa cúm song đến giờ vẫn chưa, nên thực hiện việc này ngay đi.

Cúm năm nay có lẽ sẽ dữ

Hai mùa Đông qua, cúm đến rồi đi nhẹ nhàng thôi nên nhiều vị trong chúng ta coi thường. Nhưng năm nay có lẽ nó sẽ rất dữ.

Úc châu đang trải qua một mùa cúm nặng nhất trong ṿng 5 năm rồi. Và từ trước giờ, khi nào cúm ở Úc hoành hành mạnh, th́ y như rằng ở Mỹ, nó cũng hung hăng ghê lắm. V́ thế, các chuyên gia y tế mới lo ngại mùa Đông tháng giá sắp tới chúng ta sẽ khó yên lành với cúm.

“Nếu ở Mỹ ta, mà có nhiều người sẽ đau khổ và chết v́ cúm, th́ thực không thể chấp nhận được,” Bác sĩ Julie Gerberding, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Pḥng ngừa Bệnh tật (CDC) phát biểu, tại Hiệp hội Báo chí Quốc gia (National Press Club) vào tháng 9 vừa qua.

Đúng, thuốc ngừa cúm năm nay rất nhiều, không khan hiếm đến giành giật như mấy năm trước, nên để đau khổ hoặc tử vong v́ cúm th́ thật uổng. 85 triệu lượng thuốc chích ngừa cúm đă được chế sẵn sàng cho năm nay, thêm vào đó, 4 triệu lượng thuốc ngừa qua đường xịt vào mũi (FluMist), cho những người khỏe mạnh trong hạn tuổi 5 đến 49 muốn ngừa, nhưng không thích bị chích.

Năm nay, các chuyên gia y tế đặc biệt lưu ư những người bệnh suyễn nên chích ngừa cúm. Nhiễm cúm, sẽ khiến suyễn quay lại, hoặc trở nặng, và người lớn cũng như trẻ em mang bệnh suyễn rất dễ có biến chứng gây do cúm, như sưng phổi, nhiễm trùng hô hấp cấp tính, và chết. Theo Chương tŕnh Giáo dục và Pḥng ngừa Suyễn (National Asthma Education and Prevention Program), chích ngừa cúm là “một trong những mặt chữa trị thiết yếu giúp người bệnh suyễn vui sống”.

Tuy vậy, một khảo cứu gần đây cho biết, số người bệnh suyễn không ít (đến 5-10% dân số), song điều đáng ngạc nhiên là đa số những người bệnh suyễn lại không được chích ngừa cúm hàng năm. Những vị làm khảo cứu thấy, theo những dữ kiện ghi nhận trong các năm 1999-2001, chỉ có 1/3 (một phần ba) người lớn có bệnh suyễn, và 1/5 (một phần năm) người lớn có bệnh suyễn dưới 50 tuổi được chích ngừa cúm. Khảo cứu đưa ra một số lư do có thể v́ đó, số người bệnh suyễn chích ngừa cúm không nhiều, nhưng đồng thời cũng nhấn mạnh việc các bác sĩ nên cố vượt qua những trở ngại này, và tích cực chích ngừa cúm cho người bệnh suyễn.

Các chuyên gia y tế cũng khuyên những vị cần chích cúm, cùng lúc, nên chích ngừa luôn bệnh sưng phổi gây do vi trùng Pneumococcus (loại vi trùng gây bệnh sưng phổi nhiều nhất). Ngừa cúm th́ hàng năm, trước và trong mùa cúm (tốt nhất vào tháng 10 đến giữa tháng 11 trước khi cúm đến), c̣n chích ngừa bệnh sưng phổi do vi trùng Pneumococcus, thường chỉ cần một mũi trong đời. Chương tŕnh Medicare trả cho cả chích ngừa cúm lẫn chích ngừa bệnh sưng phổi do vi trùng Pneumococcus.

Những ai cần chích ngừa cúm?

Cơ quan Y tế Công cộng Hoa Kỳ (US Public Health Service) đề nghị chích ngừa cúm cho các trẻ em (từ 6 tháng trở lên) và những người lớn bị nguy hiểm nếu nhiễm cúm:

    - Người lớn 50 tuổi trở lên, dù không có bệnh ǵ quan trọng.

    - Trẻ em trong khoảng tuổi 6-23 tháng.

    - Phụ nữ mang thai, thai kỳ sẽ vào tháng thứ 4 trở đi khi mùa cúm đến.

    - Trẻ em tuy ngoài khoảng tuổi 6-23 tháng và người lớn tuy dưới 50, tuy không mang thai, nhưng đang mang các bệnh kinh niên như bệnh tim, bệnh phổi (kể cả suyễn như chúng ta đă đọc ở đoạn trên), bệnh thận, bệnh tiểu đường, thiếu máu nặng, bệnh AIDS, v.v., hoặc người đang dùng những loại thuốc khiến sức kháng cự của cơ thể suy giảm (như thuốc Prednisone), thuốc chống ung thư.

    - Người trong các viện chăm sóc đặc biệt (nursing homes).

    - Người dưới 19 tuổi đang phải uống Aspirin lâu dài (v́ họ có thể bị hội chứng Reye nếu nhiễm cúm).

    - Các bác sĩ, y tá và nhân viên y tế, có nhiệm vụ trực tiếp săn sóc những người thuộc các thành phần kể trên, cả người nhà (household contacts) nữa, cũng nên chích ngừa để tránh nhiễm cúm rồi lây lại cho người thuộc các thành phần cần được chích ngừa cúm kể trên.

Ngoài ra, tuy không thuộc các thành phần trên, song sợ cúm dữ, ai trong chúng ta cũng có thể chích ngừa (trừ người nào bị nhạy ứng với trứng).

Năm nay có thêm thuốc ngừa FluMist xịt vào mũi, nhưng FluMist chứa các siêu vi c̣n hoạt tính, chỉ yếu đi thôi, vẫn có thể gây bệnh, nên chỉ dùng ngừa cho người khỏe trong khoảng tuổi 5 đến 49, và không ở chung nhà với những vị thuộc các thành phần cần chích ngừa cúm kể trên. Các nhân viên y tế cũng không được dùng FluMist.

Các chuyên gia y tế bấm quẻ, mùa Đông năm nay coi bộ dữ nhiều lành ít, chúng ta chẳng nên dỡn mặt với cúm làm ǵ, vị nào cần chích ngừa cúm song vẫn c̣n chưa nên chích ngay đi thôi. Nhiều nơi bắt đầu có cúm hoành hành rồi.

LEVITRA, THUỐC CƯỜNG DƯƠNG MỚI

Bác sĩ Nguyễn Văn Đức
Tue, 25 Nov 2003 07:32:55 -0800
 bài  1  2  3  4  5  6
 

Thuốc cường dương Levitra vừa ngoài thị trường, nhiều vị mày râu đă nóng ḷng muốn thử, xem nó có hơn Viagra?

Ôi, thân phận đàn ông long đong! Trẻ, chải chuốt, quần quần áo áo, xe hơi le lói, chạy theo t́nh để kiếm t́nh. Có tuổi, lại lo giữ t́nh, mệt bở hơi tai!

“Bác sĩ bảo, tôi tuổi này c̣n ham muốn ǵ, chỉ nghĩ chuyện tu hành. Khổ nỗi, ... nhà tôi c̣n trẻ quá... Bác sĩ biên toa cho tôi chục viên... Viagra; nghe nói bà Bob Dole khen tốt!”.

5 năm trước, ngay từ ngày mới ra đời hành hiệp, thuốc cường dương Viagra được giới “liền ông” khắp cơi nhân gian chào đón nồng nhiệt. Thậm chí, nhiều bác sĩ dụ cho toa qua Internet, không cần thăm khám. Hăng thuốc Pfizer, cha đẻ Viagra, nhờ cả Ông Thượng Bob Dole quảng cáo. (Ông Thượng trước mắt bàn dân thiên hạ, bẻn lẻn nói về Viagra, bà Thượng đứng cạnh mặt mũi tươi rói, như ngầm bảo: “Thuốc tốt, thuốc tốt”.) Sự xuất hiện của thuốc Viagra quả là một hiện tượng, toàn thế giới xôn xao. Trong các buổi họp mặt, mọi người cười rộ trước những câu chuyện diễu về Viagra kể đi kể lại.

Hăng thuốc Pfizer xoa tay nhặt tiền. 9 Mỹ-kim một viên đâu ít, thế nhưng thiên hạ vẫn mua ào ào. Họ quảng cáo, trong 5 năm qua, đă có 20.000.000 (20 triệu) quí vị đàn ông xài thuốc, có 600.000 bác sĩ biên toa Viagra cho người bệnh, và 130 khảo cứu về Viagra được thực hiện. (Ủa lạ, không thấy họ đề cập đến một ít cái chết gây do Viagra!)

Đời là trường đấu trí, cạnh tranh. (Mà vậy cũng tốt, thế chúng ta mới có những thứ ngày càng khá hơn.) Thấy Pfizer hốt bạc về vụ này đă quá, hăng thuốc Bayer vừa tung chưởng Levitra, quảng cáo Levitra có tác dụng nhanh hơn Viagra, khỏi phải... nằm chờ cả tiếng như Viagra. Thuốc cũng 9 Mỹ-kim một viên. Đàn anh Pfizer ăn bào ngư suốt 5 năm, nay cho đàn em Bayer ăn cháo với!

Tác dụng

Khi có sự giao hợp, dương vật người đàn ông cứng lên nhờ một cơ chế thần kinh, hóa học phức tạp.

Cũng giống Viagra, Levitra ngăn chặn diếu tố phosphodiasterase type 5 (PDE5), việc này khiến các cơ trơn nơi dương vật thư dăn hơn, giúp dương vật giữ được máu và cứng lên.

Thời gian kể từ lúc uống vào cho đến khi nồng độ Levitra lên cao nhất trong máu, Levitra có tác dụng mạnh nhất, khoảng 1 tiếng, bằng thời gian với Viagra. Và rồi, thuốc cũng chỉ hữu hiệu trong ṿng 4-5 giờ đồng hồ như Viagra. Cùng lượng thuốc, nồng độ Levitra trong máu lên cao hơn ở người trên 65 tuổi.

Thuốc được biến dưỡng ở gan, nên khi dùng chung với những thuốc cũng biến dưỡng ở gan (như erythromycin, Nizoral, Sporanox, Crixivan, Norvir), lượng thuốc Levitra cần giảm đi, kẻo v́ sự tranh thủ biến dưỡng, nồng độ những thuốc này sẽ tăng cao quá mức trong máu.

Rối loạn cương cứng khi giao hợp (erectile dysfunction, xin gọi “liệt dương” cho dễ hiểu với chúng ta) do nhiều nguyên nhân. Tùy nguyên nhân gây liệt dương, thuốc Levitra giúp trong 50-80% các trường hợp (đời nào có chuyện ǵ 100%!). Nó có 4 lượng: 2.5 mg, 5 mg, 10 mg và 20 mg; thường ta bắt đầu với lượng 10 mg, uống 1 tiếng trước khi giao hợp, ngày không được quá 1 lần. Ở các vị trên 65 tuổi, hoặc có bệnh gan, ta nên thận trọng thử với các lượng thấp trước.

Phản ứng bất lợi

Giống Viagra, một số người uống Levitra thấy nhức đầu, hừng nóng mặt, nghẹt mũi, ăn vào đầy hơi, khó tiêu. Các phản ứng này giảm dần với thời gian.

Những bất thường về thị giác (abnormal vision), có thể gây do Viagra, không thấy với Levitra.

Levitra không nên dùng chung với các thuốc chữa tim thất nhịp quinidine, procainamide, amiodarone, sotalol. Như đă đề cập ở trên, v́ sự tranh thủ biến dưỡng ở gan, nên cho người đang uống những thuốc erythromycin, Nizoral, Sporanox, Crixivan, Norvir, lượng Levitra cần được giảm đi.

Tương tự Viagra, Levitra làm tăng tác dụng hạ thấp áp huyết của chất nitrates (dùng chữa chứng đau ngực do bệnh hẹp tắc động mạch tim), nên người dùng thuốc nitrates dưới bất cứ dạng nào (ngậm dưới lưỡi như thuốc Nitroglycerin, uống như thuốc Isordil, Imdur, dán ngoài da như thuốc Transderm-NTG, Nitrodisc, ...), đều không dùng được Levitra (và Viagra).

Cũng vậy, Levitra làm tăng tác dụng hạ áp huyết của các thuốc Cardura, Hytrin (để chữa bệnh to nhiếp hộ tuyến, bệnh cao áp huyết), những vị đang uống Cardura, Hytrin không thể thử Levitra. (Viagra vẫn có thể dùng chung với Cardura, Hytrin, song cẩn tắc, ta nhớ giảm lượng Viagra.)

Cả Levitra lẫn Viagra đều có thể làm tăng tác dụng hạ áp huyết của các thuốc chữa cao áp huyết khác nữa, nên dùng với sự thận trọng ở những vị đang uống thuốc cao áp huyết.

So với Vigra

Bác sĩ lẫn người bệnh, bao giờ chúng ta cũng đặt nhiều kỳ vọng nơi những thuốc mới. Nhưng một thuốc mới không nhất thiết tốt hơn thuốc cũ, và cũng cần một thời gian để thẩm định các phản ứng bất lợi của thuốc mới. (Nhiều thuốc bị thu hồi chỉ sau vài năm, đành chết yểu.)

So với Viagra, ra đời 5 năm trước, được xem tương đối an toàn, thuốc Levitra cùng giá, cùng tác dụng, thời gian bắt đầu tác dụng mạnh không nhanh hơn (mất 1 tiếng kể từ lúc uống), sức công hiệu cũng không lâu hơn. Đặc biệt, Levitra không thể dùng chung với các thuốc Cardura, Hytrin, rất hay được sử dụng để chữa bệnh to nhiếp hộ tuyến ở các vị trên 50 tuổi, như vậy trong nhiều trường hợp thực bất tiện. (Từ nay, các bác sĩ, trước khi sử dụng Cardura, Hytrin cho vị nào, lại phải ngập ngừng hỏi trước: “Cụ có đang dùng... Levitra?”)

Chúng ta chào đón Levitra như một người bạn mới, song thận trọng dùng nó đúng với sự hướng dẫn của bác sĩ. Đặc biệt không nên đi khám bác sĩ xin toa mua thuốc hộ cho người khác, tốt bụng kiểu này có lúc hại người. Điểm khác, nhiều vị muốn có toa mua Viagra hay Levitra viên mạnh nhất, bảo sẽ bẻ đôi xài cho... đỡ tốn. Viagra và Levitra không được chế để bẻ đôi, lượng nhỏ hay lớn đă có những viên khác nhau, bẻ đôi sẽ hỏng thuốc. Bác sĩ cũng chẳng nên chiều người bệnh, biên toa ngay cho họ lượng cao nhất, lỡ xảy ra chuyện ǵ không vui, luật sư họ hỏi, ta khó trả lời.

Ôi, ngày nào trên cơi thế c̣n đàn ông và đàn bà, những thuốc cường dương vẫn có chỗ đứng vững vàng của chúng (ngoài thị trường lẫn trong... tủ thuốc gia đ́nh!). Ngàn xưa, người ta đă cất công đi t́m các vị thuốc cường dương, mong trở lại thuở “đêm bảy ngày ba vào ra chưa kể”. Viagra, nay thêm Levitra, đem trả niềm vui sống, tưởng mất tiêu rồi, cho bao người. Mai này, nếu thuốc thứ ba Cialis, thời gian tác dụng lâu hơn Viagra và Levitra, cũng được Cơ quan Quản trị Thực và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận cho ra giang hồ hành hiệp, đời lắm vị vui thêm biết mấy.  

NHỮNG LẠM DỤNG ĐÁNG PHÀN NÀN

Bác sĩ Nguyễn Văn Đức
Mon, 8 Dec 2003 22:37:17 -0800
bài  1  2  3  4  5  6

Ngày 13 tháng 11/2003 vừa qua, tờ The Mercury News trên San Jose đăng một bài phóng sự điều tra đáng chú ư: một hệ thống các bác sĩ và pḥng thử nghiệm ở Los Angeles đă cùng nhau dùng những vị cao niên người Việt để lột tiền Medicare.

Họ cho xe đón các vị cao niên người Việt trên tận miền Bắc Cali (San Jose, Milpitas), đưa xuống Los Angeles để họ... khám bệnh. Có người rỉ tai những vị cao niên người Việt: hăy xuống chơi miền Nam Cali một ngày, tiền xe không mất, được khám bệnh miễn phí, hưởng bữa trưa “free”, lại c̣n được quà cáp, như sữa dinh dưỡng, mang theo về. (Đúng luật, Medicare cấm bác sĩ biếu quà để dụ người bệnh đến khám ḿnh). Nên theo bài báo, bùi tai trước những lời rủ rê đường mật này, hàng trăm vị cao niên người Việt đă xiêu ḷng. 

Hậu quả, mỗi vị cao niên mỗi lần “xuống thăm” Nam Cali như vậy, Medicare lại nhận giấy đ̣i tiền nhiều ngàn đô-la từ bác sĩ. Cộng lại: theo các nhân viên liên bang đang theo dơi sự việc, chỉ trong 3 tháng vừa qua, Medicare đă phải trả ít nhất cũng 1.4 triệu đô-la cho một số bác sĩ tại Nam Cali (cũng may, không ai người Việt), để chữa cho khoảng 200 người bệnh... măi tận quận Santa Clara ở miền Bắc xa xôi diệu vợi. Cộng đồng người Việt chúng ta lại lên báo Mỹ, nhưng tiếc thay, lần này không mấy ǵ vẻ vang.

Việc lạm dụng hệ thống chữa trị miễn phí của MediCal (cho người có lợi tức thấp ở California, tại các tiểu bang khác chương tŕnh gọi là Medicaid) và Medicare (cho người già) xảy ra rất nhiều, và điều đáng buồn, không ít người Việt chúng ta vô t́nh hay cố ư góp phần vào.

Ở trong chăn nên biết chăn nhiều rận, việc gian lận y tế kể không xiết, từ việc kư giấy chứng nhận cho người đi nhanh thoăn thoắt nhưng vẫn muốn đậu xe chỗ người tàn tật, đến việc chứng nhận cho vị này điên, vị kia bệnh, để họ, dù c̣n trẻ măng, ngồi chơi sơi nước ăn tiền trợ cấp đến măn đời (năm về Việt Nam du hí vài tháng), v.v., ở đây, chỉ xin nêu ra vài việc xảy ra nhiều nhất, để chúng ta biết, hầu tránh tiếp tay với những kẻ không ngay thẳng.

Thuốc cho nhiều, không đúng chỉ định 

Có lẽ sự lạm dụng kín đáo nhất và xảy ra cũng nhiều nhất, là sự lạm dụng về thuốc dùng.

Thuốc dùng phải đúng chỉ định, có nghĩa phải phù hợp với định bệnh trong hồ sơ người bệnh. Mỗi định bệnh, tức nhận định của bác sĩ trước vấn đề của người bệnh, lại dựa vào sự hỏi bệnh và thăm khám. Nói rơ hơn, mỗi vấn đề của người bệnh nêu ra cần được hỏi kỹ lưỡng, khám cẩn thận, để đưa đến định bệnh rơ ràng, và thuốc, nếu dùng, phải phù hợp với định bệnh; mọi sự phải được ghi chép đầy đủ trong hồ sơ. Bác sĩ biên toa, dù 1 viên Tylenol, cũng buộc có luận lư dẫn chứng tại sao người bệnh cần viên Tylenol này. Những luận lư như cho sẵn để ở nhà có việc th́ dùng, hoặc... người bệnh xin v́ ḷng tốt muốn giúp biếu người bạn không có MediCal đang bị cảm, đều không được MediCal chấp nhận. Trên nguyên tắc, 1 viên Tylenol cũng là tiền của chính phủ (đúng ra, tiền của những người đi làm đóng thuế). 

Thế nên, đi khám bệnh, chỉ là v́ vài bữa nay, mùa lạnh, cái mũi nó làm phiền cứ chảy nước hoài, mà khi ra nhà thuốc gần đấy lấy thuốc, lại thấy được trao một bọc đầy chứa 5-6 món thuốc, chữa đủ bệnh, toàn những thuốc xem ra rất đắt tiền, ta nên nghi ngờ thiện ư của bác sĩ. Đừng nghĩ vị này, chà, tốt quá, tiên đoán ḿnh hoặc gia đ́nh ḿnh, bạn bè ḿnh sẽ cần đến những thuốc này trong tương lai, nên cho sẵn. (Thuốc cho nhiều, nhà thuốc thích lắm, quà cáp bác sĩ.) 

Chị dược sĩ tôi quen vẫn kể, thỉnh thoảng lại có người đến gạ bán cho chị cả trăm viên thuốc loại mắc tiền, c̣n nguyên trong chai, với giá rẻ. Hỏi thuốc đâu ra, trả lời: bác sĩ cho quá nhiều, tôi dùng không hết. 

Trắc nghiệm bừa băi

Lạm dụng thứ nh́ sau thuốc dùng là các trắc nghiệm. Thôi th́, vài tháng một lần, chẳng có chuyện ǵ, cũng thử máu lại, và thử đủ thứ y chang lần trước, kết quả chi chít đầy hai trang giấy, tiền tính tốn đến mấy trăm bạc. Năm vài lần, thấy bác sĩ cứ làm siêu âm, rồi có lúc “Cat scan”, “MRI”, cũng chẳng thấy bác sĩ giải thích tại sao.

Trong bài phóng sự điều tra của báo The Mercury News, kể trường hợp một vị 65 tuổi ở San José, nhận được giấy báo của Medicare, cho biết Medicare đă trả một số tiền $6,673 cho ba bác sĩ và hai pḥng thí nghiệm, trang trải chi phí khám bệnh và làm các trắc nghiệm cho vị này. Trong số tiền này, có $3,515 trả cho riêng một nữ bác sĩ người Phi-luật-tân ở vùng Los Angeles, tiền làm hai trắc nghiệm đắt tiền một lúc, làm đi làm lại vào 8 ngày khác nhau trong ṿng hai tháng, và đ̣i chính phủ trả $439 cho mỗi ngày làm trắc nghiệm. Vị bệnh nhân này kêu trời, nói ông có xuống vùng Nam Cali khám bệnh ǵ đâu vào những ngày giấy báo của Medicare cho biết. 

Có lần, một vị bệnh nhân đem kết quả thử máu đến cho tôi xem, tôi liếc mắt thấy phía trên tờ giấy kết quả thử máu đề tên của người khác. Tôi hỏi, vị bệnh nhân trả lời: “Đây là tên cháu. V́ tôi không có MediCal, nên bác sĩ lấy MediCal của cháu để thử máu cho tôi” (?!) 

Cũng như thuốc dùng, các thử máu, trắc nghiệm khi làm, phải có chỉ định rơ rệt, v́ sự “cần thiết y khoa” (medical necessity), không thể chiều người bệnh làm chơi cho biết (c̣n tiền th́ chính phủ è cổ trả), hoặc dùng MediCal, Medicare, bảo hiểm của người này để thử cho người khác. Và mỗi lần thực sự cần thử lại, chỉ thử lại những ǵ bất thường, những ǵ b́nh thường c̣n lâu mới đến hạn kỳ thử lại, th́ thử nữa làm ǵ. Đồng tiền là núm ruột, dù núm ruột của chính phủ (đúng hơn, của những người đi làm đóng thuế).

Sữa nuôi, trợ cụ y khoa

Một thời, nhiều vị bệnh nhân cho tôi biết: “Chính phủ dạo này giàu lắm bác sĩ ạ, ai có MediCal cũng được cho giày đi, miễn là có giấy của bác sĩ. Mấy ông bà bạn tôi mỗi người đều có một đôi cả rồi”.

Ngạc nhiên, hỏi ḍ quanh tôi mới biết, một chỗ cung cấp giày ở Los Angeles, cho những người thụ hưởng MediCal có vấn đề với bàn chân cần đi giày đặc biệt, tung tin sao đó với các bác sĩ. Bác sĩ chỉ cần chứng nhận bừa là bàn chân người bệnh có vấn đề cần đi giày đặc biệt, thế là người bệnh có thể chạy (dù bàn chân đang có vấn đề) ngay đến tiệm giày của họ, chọn trong tủ kính trưng bày giày, muốn lấy đôi nào th́ lấy (loại giày thường, giá đáng độ 20-30 đô-la). C̣n họ sẽ dùng giấy chứng nhận của bác sĩ, chẹn của MediCal nhiều trăm, tiền chi phí làm giầy đặc biệt cho người bệnh. (Chả biết bác sĩ được chia chác thế nào trong vụ này, hay chỉ cần lấy tiếng biết thông cảm, có ḷng thương người bệnh MediCal của ḿnh, sợ họ nghèo đến không có giày đi.)

Gần đây, lại bao thứ quyến rũ khác, nào sữa bổ dưỡng Ensure, xe lăn, xe lăn có động cơ lái chạy bóp c̣i tin tin, giường nhà thương thoải mái, v.v.. Ông nhạc tôi kể, một lần ông tha thẩn đứng chơi trong khu Phước Lộc Thọ, có người đến gần gạ gẫm, nếu bác cho biết số thẻ Medicare, bác sẽ có sữa Ensure đưa đến tận nhà tha hồ uống, giường nhà thương chở đến tận nhà tha hồ mà nằm, v.v., mà chẳng phải bỏ xu teng tiền túi nào cả.

Một chị bệnh nhân tôi kể, đọc trên báo thấy có dịch vụ đưa sữa bổ dưỡng đến tận nhà nếu có Medicare. Mẹ chị có Medicare, chắc cần sữa uống cho bổ. Chị gọi số điện thoại trong báo, thế là có sữa Ensure mang đến nhà ngay trong ngày. Người đưa sữa đến chỉ xin $10-20 ǵ đó tiền công đưa sữa. Sau đó, mỗi tháng, người đưa sữa lại vui vẻ đem cả trăm hộp Ensure đến, vẫn vui vẻ đ̣i tiền công như thường. Được vài lần, bà mẹ chị không muốn uống sữa nữa. Chị gọi số trên báo, muốn cho họ biết thôi đừng đưa sữa. Lần này rắc rối hơn nhiều, người ta cho chị một số khác để gọi, chị gọi số này, lại được cho một số khác nữa. Gọi số mới, rồi phải chờ, năm lần bảy lượt vẫn không xong, tức ḿnh, chị gọi lại số điện thoại trên báo, nhưng than ôi, gọi măi, không ai buồn nhấc điện thoại trả lời chị.

Một bác người quen tôi tố ông chồng: “Ông nhà tôi thiệt kỳ, tay chân lành lặn, đi đứng lanh lẹ như vậy, tham làm chi cái xe lăn mà xin, đem về để chật nhà. Mà lạ thiệt, người đưa xe lăn tới c̣n dặn kỹ, cứ để xe lăn nguyên vậy trong bao nylon, đừng xài, tháng sau họ sẽ tới mua lại”.

Sữa dinh dưỡng Ensure, xe lăn, xe lăn có động cơ, giường nhà thương, v.v., không phải cứ cao tuổi, có Medicare là được. Muốn xin sữa Ensure, phải có giấy bác sĩ kư, chứng nhận người xin sữa đang mang một bệnh khiến không nuốt được thức ăn đặc, hoặc đang phải nuôi bằng ống đặt thẳng vào dạ dày; muốn xin xe lăn, bác sĩ phải kư giấy chứng người bệnh không thể đi đứng, chẳng hạn v́ tai biến mạch máu năo; xin xe có động cơ năm sáu ngàn đô-la cho người bệnh, bác sĩ phải chứng nhận, người bệnh không đi đứng được, nhưng đầu óc vẫn sáng suốt, hai tay c̣n khả năng điều khiển xe có động cơ, v.v.. (Có vị đ̣i xin cho bằng được xe có động cơ để lái đi đây đó, khỏi phụ thuộc người khác, nhưng đem về nhà lại vất xó đâu dùng, bảo xe không dễ xài như họ tưởng, rơ thật phí tiền chính phủ.) Người bệnh không đủ điều kiện, bác sĩ đàng hoàng chả dám đặt bút kư giấy chứng nhận, nhưng những ông bác sĩ gian th́ họ có “care” ǵ. 

 Ngoài Việt Nam, đất Mỹ nay là quê hương thân yêu của chúng ta. Nơi đây cung ứng cho chúng ta nơi ăn, chốn ở, tự do, no ấm, cung cấp chúng ta một nền y khoa hàng đầu thế giới. Mỗi năm, đau ḷng thay, gian lận y tế làm nước Mỹ rỉ máu nhiều triệu triệu mỹ-kim, tiền của những người đi làm đóng thuế (nghĩ cũng ức chứ!).

Cố t́nh góp phần vào những gian lận này là một cái tội, nghe lời đường mật không suy xét để vô t́nh tiếp tay với những kẻ gian, thiển nghĩ, cũng là cái lỗi. (Nhưng ơ ḱa, theo như bài đăng trên báo The Mercury News, ít nhất đă 200 vị cao niên người Việt dính dáng đến vụ gian lận y tế họ kể, thế th́ chả nhẽ vị nào cũng “vô t́nh” cả?)

Cũng tại nước Mỹ, ưu đăi, trọng vọng các bác sĩ, dành cho nhiều đặc quyền quá, kư giấy này, chứng giấy nọ, và nhiều người đă để đồng tiền làm mờ tịt hai con mắt.
 

NĂM MỚI, BÀN CHUYỆN TÊN VIỆT, TÊN MỸ 

Bác sĩ Nguyễn Văn Đức
Thu, 22 Jan 2004 08:20:54 -0800
 
 bài  1  2  3  4  5  6

Thoắt cái, chúng ta sang năm mới Tây, và cũng đă sang năm mới Giáp Thân Ta. Thời gian đúng như vó câu qua cửa sổ...

Năm mới Tây, gặp nhau, tay bắt mặt mừng: “Happy New Year!” (ai cũng chúc “Happy New Year!” cả, chẳng lẽ ḿnh nói “Chúc Mừng Năm Mới”, dù giữa người Việt ta với nhau, nghe lạc lơng quá, nên cũng “Happy New Year!” luôn cho ḥa đồng, vui vẻ cả làng). Nhưng sang năm mới Ta, lại chúc nhau: “Chúc Mừng Năm Mới” (các cánh thiệp Xuân gửi nhau có phần văn vẻ hơn: “Cung Chúc Tân Xuân”).

Ở Mỹ, tiếng Anh tiếng Việt đề huề, chúng ta dùng tùy thời, tùy cảnh, tùy người. 

Trẻ học tiếng Việt

Các cháu bé ngày nào tẻo teo, đến pḥng mạch thập tḥ đứng ôm chân mẹ, nay đă lớn vượt, cao hơn cả bác sĩ. Cháu này Alex, cháu kia Michael, Jessica, ... Thế cũng phải, để các cháu đi học thày giáo, chúng bạn c̣n dễ gọi tên. (Nhưng ở nhà có thêm tên Việt cũng tốt.) Nhiều người lớn chúng ta, khi nhập tịch, v́ công việc làm ăn, cũng lấy thêm tên Mỹ. Bác Peter Nguyên, chị Janice Tuyết, ..., nh́n hồ sơ nhiều lúc thuận tên nào tôi chào hỏi tên nấy.

Khám bệnh cho các cháu, tôi hay quen miệng hỏi:

-          Cháu có nói tiếng Việt không chị nhỉ? Chà, nhanh thật, ngày nào đến đây nó nhỏ xíu, nay đă 16 tuổi rồi.

-          Cháu nó nghe được tiếng Việt, nhưng không nói được bác sĩ ạ. Bảo chúng nó tập nói tiếng Việt ở nhà, chúng nó lười, cứ tụm lại là nói tiếng Mỹ với nhau cả ngày.

Nghe thế, tôi lại thường khuyên cháu: 

-          Cháu ạ, cháu phải tập nói tiếng Việt ở nhà chứ. Ai cũng cần biết rành ít nhất hai ngôn ngữ. Cháu xem ḱa, mấy cô làm việc cho bác sĩ, nói được ba thứ tiếng: Anh, Việt, và Tàu. Không th́ bác sĩ không mướn. Cháu lớn lên, chỉ biết mỗi tiếng Anh thôi, đâu có hơn ǵ ai, ở Mỹ đây ai cũng nói tiếng Anh cả. Cháu thấy, bác sĩ dùng tiếng Anh với cháu, dùng tiếng Việt với mẹ cháu.

Thế mà nhiều cháu chúng nghe, lần sau đến đă thấy nói tiếng Việt. Có lẽ người bác sĩ ở một vị thế dễ khuyên bảo. “Bác sĩ khuyên cháu hộ, tôi nói nó cứng đầu chẳng ngấm lời tôi”, câu này bác sĩ nào cũng đă từng nghe.

Học một ngôn ngữ không dễ, giúp các cháu thông hiểu, nói được tiếng Việt, vừa giữ lấy cội nguồn Việt, c̣n để cảm thông với bố mẹ, và sau ra đời thêm dễ dàng trong cuộc sống. Tôi vừa gặp trường hợp một cậu con, bất ḥa với bố mẹ, v́ cậu ta chỉ nói tiếng Anh, bố mẹ nói tiếng Việt, cha mẹ con cái không hiểu và thông cảm nhau. 

Xem bệnh xong, nếu có ít phút rảnh rỗi, tôi cũng thường chuyện tṛ thêm vài câu bằng tiếng Việt với các cháu, để các cháu thấy tiếng Việt thân thuộc.

Người lớn học tiếng Anh

Tôi c̣n nhớ ngày ở trại tỵ nạn bên Phi, có bà giáo người Mỹ dạy Anh văn thiện nguyện. Bà giáo chăm, ngày nào cũng đến dạy. Trại đông người, nhưng lớp học Anh văn thưa thớt, c̣n ngoài sân đánh volley ṿng trong ṿng ngoài, chẳng mấy lúc vắng. Nhiều người chặc lưỡi: “Lo ǵ, sang Mỹ, ở với Mỹ, chỉ sáu tháng là nói tiếng Mỹ như gió”. 

Tôi có người bạn thời trung học nay làm kỹ sư, từ nước ngoài sang định cư ở Mỹ đă hơn sáu tháng. Câu chuyện giữa hai người bạn sau mấy chục năm chưa gặp lại:

-          Thế giờ ông đang làm ǵ?

-          Tôi đang học trường câm điếc?

-          Xin lỗi ông?

-          Th́ trường câm điếc Anh ngữ “English as a second language” (Anh văn, sinh ngữ thứ nh́) ấy mà.
    Tội nghiệp bạn tôi, đă đến “ở với Mỹ” hơn sáu tháng, vẫn xem ḿnh c̣n câm điếc, chưa nói tiếng Mỹ như gió.

Tất nhiên, lớp Anh ngữ “English as a second language”, nhiều người chúng ta đă theo học, dạy chúng ta loại Anh ngữ thực dụng, cần để dùng trong đời sống hàng ngày.

Tại pḥng mạch, các bác sĩ cũng có thể chỉ dẫn các vị bệnh nhân của ḿnh học loại Anh ngữ thực dụng cần thiết này.

-          Mấy ngày nay tôi đau cổ, lấy đại “Ampi” có sẵn ở nhà xài thử. Sao bữa nay người tôi nổi đầy mẩn đỏ, ngứa ngáy quá.

-          Bác có đem chai thuốc theo không, bác cho xem.

-          May quá, tôi có đem theo đây.

-          Thuốc trong chai này là “Septra DS”, đâu phải “Ampi” bác.

-          Tôi có biết đâu, tưởng thuốc trụ sinh nào cũng là “Ampi”.

-          Thuốc cũng như người vậy bác à, chúng có tên riêng của chúng. Không phải trụ sinh nào cũng là “Ampi”. Từ nay trở đi, bác đừng dùng loại trụ sinh “Septra” nữa nhé. Bác nhớ lấy tên thuốc này, để cho các bác sĩ khác cùng biết. 

Tôi gặp không ít những người bệnh trụ sinh nào cũng gọi là “Ampi” như vậy. Rất nhiều khi, biên toa thuốc trụ sinh cho người bệnh, bác sĩ chúng ta cứ lẳng lặng trao toa, không giải thích thuốc tên ǵ, dùng làm ǵ. Lỡ có phản ứng phụ do thuốc gây ra, người bệnh đi khám rủi quên đem chai thuốc theo, sẽ rất khó cho việc định bệnh.

Nhiều lần, trong lúc thăm khám, tôi thấy vết sẹo mổ cũ trên bụng vị bệnh nhân, hỏi: 

-          Trước bác mổ ǵ vậy?

-          Tôi mổ bướu trong bụng.

-          Bác có biết bướu cơ quan nào, lành hay độc?

-          Tôi không biết nữa. Ông bác sĩ trước xem tôi bảo tôi mổ th́ tôi mổ.

Việc xin hồ sơ cũ để t́m hiểu và tiếp tục theo dơi vấn đề không phải lúc nào cũng dễ (vị bác sĩ ấy đă dọn đi chỗ khác rồi, đă về hưu, ...). Lỡ ung thư th́ sao! H́nh như tinh thần “thuốc Bắc” làm hại người bệnh nhân Việt Nam ta khá nhiều. Trước thày thuốc Bắc bảo, đem bọc thuốc này về sắc mà uống, thận yếu đấy, người bệnh cứ thế đem thuốc về sắc uống, không buồn hỏi tên thuốc là ǵ, trong thuốc có những chất ǵ, tác dụng ra sao, th́ nay, bác sĩ Tây y bảo mổ bướu trong bụng, cũng vui vẻ đi mổ, không thắc mắc đây là bướu cơ quan nào, lành hay độc, sau mổ theo dơi ra sao, ...  

Mỗi lần có dịp nói chuyện với các bác sĩ đàn em, ra trường ở đây, họ lại kêu trời: “Khám, chữa bệnh cho các bác bệnh nhân Việt Nam ḿnh khó quá anh ạ. Tên bệnh các bác không biết, tên thuốc các bác không nhớ, kể bệnh không phân thành từng vấn đề rơ rệt, việc nọ cứ xọ việc kia. Rồi bệnh cường giáp trạng hyperthyroidism hay bệnh suy giáp trạng hypothyroidism đều gọi là bệnh ‘bướu cổ’, mà khám thấy cổ có bướu đâu; phim vú mammogram th́ gọi ‘phim ngực’, phim ngực ‘chest X-ray’ lại gọi ‘phim phổi’. Nhiều lúc nghe các bác ấy kể bệnh, đầu óc em nó cứ quay ṃng ṃng, không biết đâu mà lần”. 

Họ học ở đây, thực tập với những bệnh nhân người Mỹ kể bệnh rành rẽ, thuốc men thuộc tên, nay đột nhiên tiếp xúc với những người bệnh Việt Nam, họ cảm thấy khổ sở là phải. Nhưng, tre già măng mọc, đây là những người bác sĩ trong tương lai sẽ lần lượt thay thế các thế hệ bác sĩ đàn anh, chăm sóc người bệnh của cộng đồng Việt Nam. Các bác sĩ đàn anh có lẽ cũng nên sửa soạn dần người bệnh nhân Việt Nam giúp họ. 

Thế nên, gần đây, khi giảng giải vấn đề bệnh tật cho các vị bệnh nhân, tôi thường mở đầu với câu nói nhật tụng: “Chị Nancy M. này, bệnh tật nó cũng như ḿnh ấy mà, mỗi đứa nó có một cái tên, vừa tên Việt vừa tên Mỹ, chị cố nhớ cả tên Mỹ của nó nhé, lỡ có lúc phải vào pḥng cấp cứu c̣n biết cách kể bệnh. Không phải pḥng cấp cứu nào cũng có sẵn bác sĩ Việt Nam ḿnh”. Rồi tùy trường hợp bệnh, tôi tiếp: 

-          Chị bị cảm thường, “cold” thôi, 1 tuần 10 ngày nó sẽ hết.

-          Anh bị cúm rồi, mùa này “flu” đầy, có nhà bị “flu” sắp lượt.

-          Tôi nghĩ cháu nó bị sưng phổi, “pneumonia”, để ḿnh làm cái phim ngực “chest X-ray” xem có đúng không.

-          Năm ngoái, bác chụp phim vú mammogram tháng nào nhỉ? Ung thư vú, “breast cancer”, nhiều ở người trên 50, bác nhớ đi chụp phim vú mammogram hàng năm.

-          Siêu âm ultrasound cho thấy chị bị sạn túi mật, nếu đau dữ nữa, chị vào pḥng cấp cứu, nói bị “gallstone”, bác sĩ pḥng cấp cứu sẽ hiểu ngay.

-          Chị có bướu lành tử cung “fibroid” khá lớn, lại hay ra máu, chắc bác sĩ phụ khoa thế nào cũng khuyên chị mổ. Bướu này không phải ung thư, “cancer”, mổ xong thường th́ thôi, không cần theo dơi hay làm ǵ thêm.

-          Phim chụp “Cat scan” đầu của anh b́nh thường, không có bướu óc, “brain tumor” đâu mà sợ. Tôi nghĩ anh bị chứng nhức đầu căng thẳng, “tension headache” thôi.

-          Cháu bé trước có bị suyễn, “asthma”, không?

-          Thử máu cho thấy chị có bệnh cường tuyến giáp trạng, “hyperthyroidism”, tuyến giáp trạng chị làm việc mạnh bất thường, nên chị xuống cân, hay mệt mỏi, hồi hộp. Đừng gọi bệnh “bướu cổ”, ở đây bác sĩ Mỹ họ không hiểu.

-          À, cám ơn bác đă đem thuốc lại tôi xem. Bác đang uống thuốc Synthroid, để chữa bệnh suy tuyến giáp trạng, “hypothyroidism”. Lần trước, bác không đem thuốc theo, nói bị bệnh “bướu cổ”, tôi không đoán được bác có bệnh ǵ. Đây, xin chỉ bác xem cái h́nh tuyến giáp trạng, Mỹ họ gọi là “thyroid gland”. Bác nhớ lấy tên bệnh nhé: suy tuyến giáp trạng, “hypothyroidism”. Tôi biên tên bệnh xuống cho bác giữ bỏ vào ví, cả tên Việt lẫn tên Mỹ.-          ...

Mùa Xuân là mùa các cây non nảy vươn mầm sống, trong ngôn ngữ chúng ta hăy sửa soạn cho các thế hệ tương lai.

NHIỄM TRÙNG HÔ HẤP CẤP TÍNH

Bác sĩ Nguyễn Văn Đức
Mon, 2 Feb 2004 08:24:06 -0800

 bài  1  2  3  4  5  6
 

“Chết, cổ họng tôi có bị nhiễm trùng không bác sĩ? Bác sĩ cho tôi uống trụ sinh cho chóng hết đau nhé.”

Hai tiếng “nhiễm trùng” khiến nhiều người chúng ta rùng ḿnh lo sợ. Nhưng nhiễm trùng, dịch chữ “infection”, có nhiều loại, chẳng hạn nhiễm vi trùng (bacterial infection), nhiễm siêu vi trùng (viral infection), ... Bệnh vi trùng cần trụ sinh, bệnh siêu vi th́ không. 

Nhiều tài liệu y học than phiền các bác sĩ hay dùng trụ sinh không đúng chỉ định, khiến ngày càng nhiều vi trùng đâm kháng trụ sinh. Người ta lo ngại, sẽ có những bệnh nhiễm vi trùng nguy hiểm không c̣n trụ sinh nào hiệu nghiệm để trị.

Trụ sinh là loại thuốc quí, cứu mạng bao người. Song, trụ sinh chỉ diệt được các vi trùng (bacteria), chẳng ăn thua ǵ với siêu vi trùng (virus). Đem trụ sinh ra đe siêu vi, siêu vi chúng cười. Chúng “siêu” hơn vi trùng.

Người trông xinh xắn, nơn nà nhất, cũng đầy những vi trùng, trên da, trong mũi, miệng, cổ họng, trong dạ dày, ruột, ... Chúng sống chung ḥa b́nh với ta, và ta cứ để chúng đấy. Chỉ khi nào chúng làm loạn, gây chuyện, ta mới dùng trụ sinh bắt chúng phải lui. Song khi dùng trụ sinh để “trị” bệnh siêu vi trùng (virus), ta đă phô vũ khí, các vi trùng (bacteria) đứng ngoài vỗ tay xem cuộc chiến “dùng trụ sinh để đánh siêu vi”, đă học và biết hết các chiêu thức của ta, t́m cách chống đỡ trước, đến khi chúng gây loạn, ta lại dùng trụ sinh, chúng đă biết tỏng, và kháng lại. T́nh trạng vi trùng kháng thuốc này, hại cho ta, hại cả những người chung quanh: nhiều khảo cứu cho thấy, trong một cộng đồng ít người lạm dụng trụ sinh, hiện tượng vi trùng kháng thuốc trong cả cộng đồng ít xảy ra hơn.

Mùa lạnh, chúng ta hắt x́, sụt sịt, đau họng, ho hắng, kḥ khe... Chẳng biết bị ǵ đây nhỉ, cảm hay cúm, viêm xoang quanh mũi, viêm họng, viêm ống phổi, hay sưng phổi? Chà, dùng trụ sinh hay không dùng trụ sinh? 

Cảm hoặc cúm

Cảm (cold) và cúm (flu) thường được gọi là các bệnh nhiễm đường hô hấp trên (upper respiratory infections, viết tắt URI), tấn công ta từ cổ họng trở lên.

Chảy mũi (nước mũi đôi khi có màu), nghẹt mũi, hắt hơi, rát cổ họng, ho hắng, khan tiếng, ớn lạnh, ..., cảm rồi. Bị cúm, thêm vào đấy, c̣n sốt cao đột ngột, đầu nhức như búa bổ, người đau như dần, rũ ra.

Cảm và cúm gây do siêu vi trùng, dùng trụ sinh không ăn thua, nhưng theo những tài liệu than phiền nhiều bác sĩ sử dụng trụ sinh không đúng, đến 36% các bác sĩ c̣n chữa cảm hoặc cúm với trụ sinh.

Phân tích ra, người ta thấy rằng có lẽ ḷng mong mỏi được chữa bằng trụ sinh của người bệnh là yếu tố quan trọng khiến bác sĩ biên toa trụ sinh để “chữa” cảm, cúm. Mặc những nỗ lực luôn được thực hiện để hướng dẫn cho mọi người hiểu, trụ sinh không trị được các bệnh gây do siêu vi, dùng trụ sinh sớm cũng chẳng ngừa được các biến chứng của cảm, cúm, nhiều vị vẫn tin rằng khi nhiễm cảm, cúm, phải dùng trụ sinh, cảm, cúm mới mau hết. Bác sĩ chiều ḷng. Biên nhanh một toa thuốc trụ sinh, rồi mau cho người bệnh đi ra, để c̣n xem người khác, có lẽ đỡ tốn th́ giờ hơn việc đem khoa học ra giải thích lôi thôi, có khi thêm mất t́nh. Lỡ cho trụ sinh một lần để “chữa” cảm, cúm, lần sau người bệnh đến v́ cảm, cúm, không cho trụ sinh nữa, đâm khó ăn khó nói. Thôi, phóng lao đành theo lao, lại biên trụ sinh. Một năm mỗi người lớn chúng ta bị cảm, cúm khoảng 3-4 lần, lần nào cũng dùng trụ sinh để “chữa”, tính ra tốn kém biết bao, không cần thiết, c̣n tạo cơ hội cho nhiều vi trùng kháng thuốc.

Thực ra, khi nhiễm cảm ta chỉ cần chữa các triệu chứng, trong lúc chờ cơn cảm từ từ ra đi trong ṿng 7 đến 10 ngày. Thuốc Tylenol tốt, lại lành, giúp làm giảm các triệu chứng nóng sốt, ớn lạnh, đau nhức. Chảy mũi và nghẹt mũi ư, ta dùng thuốc uống Sudafed cũng được, hoặc các thuốc xịt mũi Afrin, Atrovent, ... Nước mũi hơi có màu chút chẳng sao, không nhằm nḥ ǵ. Rát cổ họng chút, đă có thuốc xịt hay ngậm như Vicks Chloraseptic. C̣n ho, các thuốc ho như Delsym, Robitussin-DM, ... dùng được. Dù có lúc khạc ra đàm có màu, bạn cũng chớ vội lo (ống phổi viêm cấp tính ấy mà, xin bạn đọc tiếp hồi sau, sẽ rơ hơn về vụ này). Rủi bị cúm (với nóng sốt cao, đầu nhức dữ dội, thân mỏi ơi là mỏi), thêm vào các cách chữa trên, nếu triệu chứng mới xảy ra trong ṿng 48 tiếng, các thuốc Amantadine, Rimantadine, Tamiflu, Relenza sẽ giúp ta sớm hết đau khổ v́ cúm. 

Như vậy, cảm (cold) nhẹ thôi, bạn có thể tự chữa lấy ở nhà, với những thuốc kể trên nếu cần. Sau 3 đến 5 ngày, chưa thuyên giảm, hoặc có thêm triệu chứng mới, bạn đi khám bác sĩ vẫn c̣n kịp. C̣n nhiễm cúm (flu), với sốt cao, đầu nhức dữ, thân mỏi nhừ, bạn đến sớm trong ṿng 48 tiếng (2 ngày), bác sĩ biên toa cho bạn dùng Amantadine, Rimantadine, Tamiflu, hoặc Relenza, cúm sẽ ra đi nhanh hơn. Trụ sinh ư, như “Ampi”, không cần đâu bạn ạ.

Viêm ống phổi cấp tính                                          

Viêm ống phổi cấp tính (acute bronchitis) khác với viêm ống phổi kinh niên (chronic bronchitis) những người hút thuốc lá hay bị. Viêm ống phổi kinh niên khiến người hút thuốc lá quanh năm ho hắng, khạc nhổ. C̣n chúng ta, không hút thuốc, thỉnh thoảng có thể viêm ống phổi cấp tính, ho khạc ra đàm có màu, nhất là khi ta nhiễm cảm hoặc cúm. Nếu viêm ống phổi có dạng suyễn (asthmatic bronchitis), ta c̣n kḥ khè, khó thở như người hen suyễn.

Viêm ống phổi cấp tính khiến ta ho khạc ra đàm có màu, vàng hoặc xanh, song thường không nóng sốt, và khám phổi không thấy có dấu chứng sưng phổi. Đa số (90%) các trường hợp viêm ống phổi cấp tính gây bởi siêu vi.

Các siêu vi có thể gây viêm ống phổi cấp tính: siêu vi trùng cúm (influenza virus), hai siêu vi trùng hay gây cảm (coronavirusrhinovirus), các siêu vi trùng khác như parainfluenza virus, adenovirus. Ít nhất 7 khảo cứu cho thấy, dùng trụ sinh để chữa viêm ống phổi cấp tính, ở người có hai buồng phổi khỏe mạnh, bệnh chẳng mau hết hơn tí nào, so với không dùng trụ sinh. 

Thường, viêm ống phổi cấp tính sẽ ra đi trong ṿng 10-14 ngày, tuy một vài người ho lâu đến 6-8 tuần. Ta không cần trụ sinh, chỉ cần thuốc ho và chút kiên nhẫn. Nhiều bác sĩ dùng thêm thuốc làm dăn ống phổi (bronchodilators). Ampicillin, Amoxil không giúp ǵ.

Rủi ho có đàm do viêm ống phổi cấp tính kéo dài quá 10-14 ngày, chưa có ṃi thuyên giảm, bạn nóng ḷng, lúc đó ta có thể thử dùng trụ sinh xem sao, tuy chưa có khảo cứu nào cho biết những trường hợp như vậy, trụ sinh có thực sự giúp hay không, hay ho nó bớt dần, chỉ v́ đă đến lúc nó bớt. Dùng thử trụ sinh lần này v́ ho lỡ kéo dài, xin bạn cũng đừng nghĩ từ nay, mỗi khi bị cảm, cúm, phải có trụ sinh mới mau hết.                                                                                         

Viêm xoang quanh mũi 

Chung quanh mũi có nhiều xoang (sinuses), ăn thông với mũi qua những ống dẫn. Cảm, cúm có thể đưa đến biến chứng viêm xoang quanh mũi (paranasal sinusitis) do màng mũi sưng lên khi ta bị cảm, cúm, làm tắc những ống dẫn từ các xoang.

Viêm xoang quanh mũi gây các triệu chứng sau: cảm, cúm đă quá 7-10 ngày, mà mũi vẫn c̣n nghẹt nhiều, dùng thuốc chữa nghẹt mũi như Sudafed không thấy bớt; nước mũi một bên ra vàng hoặc xanh như mủ; đau mặt, nhất là khi cúi thấp đầu; ấn thấy đau ở một vùng xoang quanh mũi; nóng sốt trên 102 độ F (38.8 độ C); đau răng phía hàm trên (viêm xoang hay tạo cảm giác đau răng).

Viêm xoang hay xảy ra ở người trước đă từng viêm xoang, hoặc có những bất thường trong mũi.

Nếu có 2 (hay hơn) các triệu chứng kể trên, bạn bị viêm xoang do vi trùng rồi, cần chữa bằng trụ sinh trong 10-14 ngày. Bác sĩ đă quyết định dùng trụ sinh để chữa bạn, bạn nhớ uống cho đủ thời gian theo chỉ dẫn, chớ nên bỏ thuốc sớm.

Đau cổ họng 

Có lẽ, đau cổ họng (sore throat) là nguyên nhân khiến nhiều người chúng ta dùng trụ sinh lung tung nhất. Hơi rát cổ họng chút, vội đem “Ampi” trữ sẵn trong nhà, bỏ nhanh vào miệng. Thêm viên Tylenol.

Hầu hết những trường hợp đau cổ họng gây bởi siêu vi, nên không cần dùng đến trụ sinh. Như lúc nhiễm cảm, cúm, ta đau rát cổ họng vài ngày. Nói chung, nếu đau cổ họng mà không nóng sốt, nhất là lại kèm đỏ mắt, chảy mũi, ho, tiêu chảy, ta không lo, bệnh thường do siêu vi, không dùng trụ sinh nó cũng tự hết, vả, dùng trụ sinh cũng chẳng ăn thua.

Chỉ khi bạn đau họng song không ho, nhưng nóng sốt, nổi hạch ở cổ, và khám thấy hạch hầu của bạn sưng đỏ, có mủ, nghi gây do vi trùng Streptococcus (Mỹ họ hay gọi “strep throat”), ta mới cần đến trụ sinh để chữa. Penicillin là thuốc tốt để chữa sưng hạch hầu do vi trùng Streptococcus, v́ rất hữu hiệu, lại rẻ. Trường hợp bạn nhạy ứng với Penicillin, không thể dùng nó, ta dùng Erythromycin thay cho Penicillin.

Sưng phổi

Sưng phổi (pneumonia) khiến bạn ho dữ lắm, khạc đàm, rồi nóng sốt, đau một bên ngực, có khi khó thở, ngực như thắt chặt (chest tightness). Phim ngực (chest X-Ray, ta hay quen miệng gọi “phim phổi”) sẽ xác định bạn quả bị sưng phổi hay không. Việc thử đàm có thể giúp t́m xem vi trùng nào đang làm loạn. 

Sưng phổi, thường do vi trùng, cần dùng trụ sinh để chữa. Trụ sinh nào cần thiết, tùy vào tuổi của bạn, bạn có thêm bệnh ǵ khác không (như bệnh phổi), mức độ nặng nhẹ của sưng phổi, và sưng phổi xảy ra ở nhà hay lúc bạn đang phải nằm nhà thương v́ một vấn đề khác.

Các thuốc trụ sinh dùng chữa sưng phổi rất nhiều, chỉ xin kể ra đây một ít, để bạn quen thuộc với tên của những thuốc trụ sinh thông dụng trong thế giới y học Mỹ. Cho người dưới 60 tuổi, Erythromycin, Biaxin, hay Zithromax là những thuốc tốt. Với người trên 60 tuổi: Biaxin, Zithromax, Augmentin, Ceftin, levofloxacin, sparfloxacin, ... (có khi phải dùng đến hai trụ sinh phối hợp với nhau để chữa). Với những vị sưng phổi nặng, phải vào nhà thương, sự chữa trị c̣n phức tạp hơn nữa, kể ra sợ làm bạn rối trí. Xin nhớ, Ampicillin, Amoxil, những thuốc chúng ta hay nghĩ là thần dược trị bá bệnh, không chữa được sưng phổi.

Các bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính nhiều, nhất trong mùa lạnh này. Nghe tiếng “nhiễm trùng hô hấp”, chúng ta chớ vội sợ. Đa số chúng gây do siêu vi, sẽ mau chóng hết (trừ những bệnh siêu vi hô hấp rất nặng như SARS, cúm gà, may trên đất Mỹ, mùa Đông này không có), chẳng cần đến trụ sinh, dùng thêm thừa, phí. Thỉnh thoảng có những trường hợp bệnh gây do vi trùng, cần trụ sinh, bác sĩ sẽ chỉ dẫn bạn cách dùng trụ sinh sao cho đúng. Bạn chớ tự dùng trụ sinh ở nhà, cũng xin đừng tỏ ư o ép, muốn trụ sinh, khi bạn chỉ bị cảm, cúm, tội cho bác sĩ.

 bài  1  2  3  4  5  6
QUYẾT TÂM CHO NĂM MỚI

Bác sĩ Nguyễn Văn Đức
Thu, 1 Jan 2004 14:21:10 -0800

Ồ, hôm nay là ngày đầu năm 2004 rồi, thoắt cái, chúng ta đă sang năm mới. Năm mới với những ước vọng và quyết tâm mới.

Năm 2003 đang trôi dần vào dĩ văng, mang theo niềm ân hận của nhiều người chúng ta, đă quên để tâm đến sức khoẻ, đă không thường xuyên vận động.

Lợi ích của vận động

Vận động thường xuyên giúp chúng ta sống đời khoẻ mạnh: giúp tránh nhiều bệnh ung thư, giúp ngừa các bệnh tiểu đường, xốp xương, tim mạch, đồng thời có ảnh hưởng tốt trên bệnh thấp khớp.

Mỗi năm ở Mỹ, trên 500.000 người chết v́ ung thư. Trong số đó, 1/3 những cái chết liên quan đến việc ăn uống và thiếu vận động. Năm 2001, dựa vào kết quả của nhiều khảo cứu, Hiệp Hội Ung Thư Hoa Kỳ (American Cancer Society) lần đầu tiên đưa ra những hướng dẫn về dinh dưỡng và vận động hầu ngừa ung thư. Vận động làm giảm nguy cơ ung thư qua nhiều cơ chế. Chẳng hạn, với ung thư ruột già, vận động làm tăng nhu động của ruột, khiến thức ăn qua các đoạn ruột nhanh hơn, thời gian ruột phải tiếp xúc với các chất có thể gây ung thư trong thức ăn nhờ vậy ngắn đi, ruột đỡ bị ung thư. Với ung thư vú, vận động khiến các mô vú bớt tiếp xúc với chất kích thích tố nữ estrogen trong máu, giúp vú ít bị ung thư. Các hoạt động thể xác c̣n ảnh hưởng đến các loại ung thư ruột già, vú, và nhiều ung thư khác bằng cách tăng cường sự biến dưỡng năng lượng, giảm thiểu lượng insulin và các chất tăng trưởng liên hệ (related growth factors) lưu thông trong máu, những yếu tố có thể đưa dẫn đến ung thư.

Tiểu đường, một căn bệnh mau chóng tàn phá cơ thể ta, thường xuất hiện khi ta có tuổi, hoặc béo mập, mang những yếu tố di truyền, thiếu vận động. Các khảo cứu cho thấy, tiểu đường xảy ra ít hơn ở người năng vận động. Thường xuyên vận động giúp ta duy tŕ sức nặng cơ thể trong mức b́nh thường, cân bằng số năng lượng ta hấp thụ vào qua việc ăn uống, với số năng lượng ta mất đi khi vận động, tránh được béo mập. Với người mang bệnh tiểu đường, sự co thắt của các bắp thịt trong lúc vận động giúp lượng đường trong máu hạ xuống, sự chữa trị dễ dàng hơn. (Song việc vận động cần đều đặn, v́ tác dụng này của một lần vận động chỉ kéo dài 24-48 tiếng).

Cứ 1 trong 2 phụ nữ quá tuổi 65, sau sẽ dễ găy xương v́ bị xốp xương. Tuy có yếu tố di truyền dự phần vào, song nhiều bằng chứng cho thấy sự vận động quả làm chậm đi tiến tŕnh mất xương (bone loss), bệnh xốp xương xảy ra muộn hơn. Quen vận động cũng khiến ta đi lại vững vàng, ứng phó nhanh nhẹn, ít té ngă. Hai yếu tố này ngăn ngừa găy xương, nhất là găy xương hông (hip fracture) v́ té ngă. Các vận động đặt sức nặng trên xương gân, bắp thịt (weight bearing exercises) có lợi hơn những hoạt động nhẹ nhàng thường ngày. Đi bộ, ta nhớ đi nhanh, v́ khi đi nhanh, các lực tác động trên xương gân, bắp thịt ta sẽ nhiều hơn, giúp xương cứng chắc dài lâu.

Bệnh khớp thoái hoá (degenerative joint disease) là bệnh thấp khớp xảy ra nhiều nhất khi ta có tuổi. Bệnh gây đau nhức, khiến các bắp thịt quanh khớp yếu đi, khớp cứng, khó chuyển động, việc đi lại khó khăn, và tất nhiên, nếu bệnh nặng, đưa đến tàn phế. Người béo mập dễ bị bệnh khớp thoái hoá hơn người b́nh thường gấp nhiều lần. Vận động thường xuyên giúp ta tránh béo mập. Với người mang bệnh khớp thoái hoá, tuy vận động không thể giúp chữa khỏi căn bệnh, song khiến đời sống ta vui hơn, có phẩm chất hơn. Một khảo cứu thực hiện trên những vị mang bệnh khớp thoái hoá cho thấy, thường xuyên vận động làm giảm nhẹ sự tàn phế, người bệnh chu toàn được nhiều công việc hàng ngày hơn, và cũng ít đau hơn.

Khi ta có tuổi, bệnh hẹp tắc các động mạch vành tim (coronary heart disease) gây tử vong nhiều nhất và cũng làm khổ ta nhất. Một trong các yếu tố đưa dắt ta đến với căn bệnh là sự thiếu vận động. Người lười vận động dễ mang bệnh gấp hai, so với người siêng vận động. Thường xuyên vận động giúp ta tránh các bệnh béo mập, cao áp huyết, tiểu đường, cao mỡ trong máu, những người bạn chí thiết của bệnh hẹp tắc các động mạch vành tim. (Rơ nhất là với bệnh cao áp huyết, rất nhiều trường hợp, nhờ vận động thường xuyên, người bệnh không cần dùng đến thuốc, hoặc có thể giảm lượng thuốc uống mỗi ngày). Thêm vào đấy, hoạt động thể xác đều đặn c̣n giúp ta ngừa bệnh hẹp tắc các động mạch vành tim qua nhiều cơ chế khác nữa.

Ngoài ra, vận động thường xuyên cũng giúp tinh thần ta thoải mái, minh mẫn, tự tín hơn, ta đi lại nhanh nhẹn hơn. Một khảo cứu rộng lớn, làm trong 7 năm trên những phụ nữ có tuổi, c̣n cho thấy những vị siêng năng vận động sống lâu hơn người thiếu vận động.

Vận động thế nào mới là tốt?

Vận động bằng cách quơ chân múa tay qua loa vài cái, kiểu ăn kỹ tập dối, mỗi sáng có đủ chăng? Chắc không đủ đâu bạn. Dù rằng c̣n rất nhiều câu hỏi cần được trả lời về vấn đề này, nhưng có lẽ ta nên vận động từ vừa đến mạnh bạo (moderate-to-vigorous exercises) ít nhất 30-45 phút, ít ra cũng 5 ngày mỗi tuần. Vận động từ vừa đến mạnh mới đủ để “lay động” chất mỡ lưu trữ trong người, và mới đủ để thay đổi được những hoạt động sinh lư trong cơ thể ảnh hưởng đến các chất insulin, estrogen, androgen, prostaglandin, cơ năng miễn nhiễm.

Với các vị trước giờ chỉ làm việc trong văn pḥng, không quen vận động, tập vận động từ vừa đến mạnh bạo, tăng dần lên tới 30 phút mỗi ngày, ít nhất 5 ngày mỗi tuần, sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho tim mạch, đồng thời giúp khỏi lên cân. Người từ lâu đă quen thể dục thể thao 30 phút mỗi ngày, chăm gần như suốt tuần, cố tăng lên 45 phút mỗi lần tập càng thêm tốt, ngừa luôn ung thư.

Vận động vừa (moderate exercises) là những hoạt động tương đương với đi bộ nhanh (brisk walking), chẳng hạn như khiêu vũ (dancing, chúng ta chẳng nên có thành kiến với khiêu vũ, v́ khiêu vũ cũng là vận động), đạp xe chậm chậm, yoga, v.v.. C̣n vận động mạnh bạo là những hoạt động cần huy động đến những nhóm bắp thịt lớn, và khiến nhịp tim ta tăng, hơi thở ta nhanh lẫn sâu, da ta đổ mồ hôi, chẳng hạn như jogging (chạy chậm chậm), running (chạy nhanh), đạp xe nhanh, aerobic dancing (nhảy theo nhịp điệu nhanh), đấu vơ, nhảy dây, bơi lội.

Ngoài việc thường xuyên vận động từ vừa đến mạnh bạo ít nhất 5 ngày mỗi tuần, trong công việc hàng ngày, ta thu xếp để có thêm dịp hoạt động, chẳng hạn đi bộ thay v́ ngồi xe, leo lầu thay v́ dùng thang máy (c̣n đi được, chớ nên xin bác sĩ giấy chứng nhận tàn tật để đậu xe gần cho tiện), v.v.. Nhiều công việc nhà và ngoài vườn có thể xem tương đương với vận động vừa hoặc mạnh bạo.

Các em nhỏ và người trẻ khỏe thường vận động không cần phải hỏi bác sĩ trước, song, đàn ông trên 40, phụ nữ trên 50, hoặc người có vấn đề với sức khỏe, nên hỏi ư kiến bác sĩ trước khi bắt đầu những chương tŕnh tập luyện mạnh bạo.

Năm mới, ḷng nhủ ḷng, chúng ta quyết tâm thực hành những điều tốt cho sức khoẻ. Cầu chúc mọi người chúng ta luôn giữ được lời hứa đầu năm, vận động thường xuyên để vui sống. Đến cuối năm, tính sổ, ta sẽ không ân hận, hối tiếc nữa như năm nay.

 bài  1  2  3  4  5  6

 trang nhà l trang sách l bản tin l thiền học l tiểu sử l trang thơ l h́nh ảnh l bài vở