trang nhà l trang sách l bản tin l thiền học l tiểu sử l trang thơ l h́nh ảnh l bài vở

 

Tác giả : annie besant
 

vài điều khó khăn

CỦA đời sống nội tâm

( quelques difficultés de la vie intérieure )

hoa đào

Dịch giả : bạch liên
 


 

MỤC LỤC

chú thích

Vài lời nói đầu của dịch giả

1)  Lý do viết bài nầy.

 2) Sự cải thiện con người là điều rất cần thiết.

3)  Hai câu hỏi rất quan trọng.

4)  Tại sao Tâm Thức vẫn đơn nhứt mà lại biểu lộ ra dường như vô số.

5) Trung tâm điểm của Tâm Thức bình thường ở trong cái Vía.

6)  Sự chiến đấu trong nội tâm bắt đầu.

7)  Làm sao vượt qua sự khó khăn nầy hay là dùng  phương tiện nào để thúc giục sự tiến bộ của chúng ta.

      Phương tiện thứ nhứt -  Phương tiện thứ nhì -  Phương tiện thứ ba -  Phương tiện thứ  tư.

8)  Sự tiến thối vô chừng của tình cảm.

9)  Bước đầu tiên tiến đến sự thăng bằng
10)  Những sự biểu hiện của định luật chu kỳ hay là định luật Tiết Điệu.

11)  Phương pháp giữ vững thăng bằng.

12)  Những mầm nhỏ nhặt của tánh ích kỷ còn lưu lại rất lâu trong đời sống của người đệ tử

13) 
Một điều khó khăn làm cho kẻ chí nguyện bối rối và ngã lòng.

14) Trong trường hợp nào mà những hình tư tưởng hấp hối, gần tan rã, trở lại hoạt động mạnh mẽ như trước.

              Sự khuấy rối của mấy anh Bàn Môn Tả Đạo.

15)  Thời gian là một nhà Đại Phù Thủy.

16)  Chớ nên chán nản dầu rằng gặp Chơn lý rất trễ trong lúc tuổi già.

17)  Kết luận - phải tín nhiệm định luật. Một ý chí cương quyết sẽ chiến thắng tất cả.
 


 

Vài lời nói đầu của dịch giả

Mới mở đầu, Bà A. Besant đã nói; bà viết cuốn nầy cốt để giúp những kẻ chí nguyện, những ai muốn sống một đời sống nội tâm, vượt qua khỏi những sự khó khăn sẽ gặp trên con đường nhập môn.

          Thế thì cuốn nầy rất khó cho những người mới học Đạo hay sao ?

          - Đúng vậy, Nó khó thật, nhưng không phải là không hiểu được hay là không thể thực hành được những lời dạy trong đó. Trái lại, tôi tưởng các bạn tu hành, nhất là các bạn nào đã đọc qua những sách Thông Thiên Học như :

                   1) Dưới Chơn Thầy,

                    2) Đời Sống Huyền Bí của Con Người,

                   3) Trước Thềm Thánh Điện,

                   4) Con Đường của Người Đệ Tử,

                   5) Người Phụng Sự,

thì nên xem đi xem lại quyển nhỏ "Vài Điều khó Khăn của Đời Sống Nội Tâm" nầy nhiều lần đặng tìm ra một phương pháp để chiến thắng bản ngã thấp thỏi của mình, bởi vì cuốn nầy giải thích rất rành rẽ lý do thất bại của con người trong lúc tu tâm luyện tánh.

          Để tiện bề học hỏi quyển nầy, tôi chia nó ra 17 đoạn. Mỗi đoạn tôi cho một tên đặng dễ nhớ bởi vì phương pháp của Bà A. Besant dùng khác hẳn cách trình bày của Đức Leadbeater. Tôi xin mạn phép đem chúng nó vào bản dịch nầy, mong rằng chúng nó giúp ích được quí bạn phần nào trong việc san bằng những nỗi khó khăn.

  17 đoạn nầy là :

1)  Lý do viết bài nầy.

2) Sự cải thiện con người là điều rất cần thiết.

3)  Hai câu hỏi rất quan trọng.

4)  Tại sao Tâm Thức vẫn đơn nhứt mà lại biểu lộ ra dường như vô số.

5)  Trung tâm điểm của Tâm Thức bình thường ở trong cái Vía.

6)  Sự chiến đấu trong nội tâm bắt đầu.

7)  Làm sao vượt qua sự khó khăn nầy hay là dùng  phương tiện nào để thúc giục sự tiến bộ của chúng ta.

               Phương tiện thứ nhứt -  Phương tiện thứ nhì -  Phương tiện thứ ba -               Phương tiện thứ  tư.

8)  Sự tiến thối vô chừng của tình cảm.

9)  Bước đầu tiên tiến đến sự thăng bằng

10)  Những sự biểu hiện của định luật chu kỳ hay là định luật Tiết Điệu.

11)  Phương pháp giữ vững thăng bằng.

12)  Những mầm nhỏ nhặt của tánh ích kỷ còn lưu lại rất lâu trong đời sống của người đệ tử.

13)  Một điều khó khăn làm cho kẻ chí nguyện bối rối và ngã lòng.

14) Trong trường hợp nào mà những hình tư tưởng hấp hối, gần tan rã, trở lại hoạt động mạnh mẽ như trước.

Sự khuấy rối của mấy anh Bàn Môn Tả Đạo.

15)  Thời gian là một nhà Đại Phù Thủy.

16)  Chớ nên chán nản dầu rằng gặp Chơn lý rất trễ trong lúc tuổi già.

17)  Kết luận - phải tín nhiệm định luật. Một ý chí cương quyết sẽ chiến thắng tất cả.

 

Nhưng thiết tưởng có hai điều cũng rất quan trọng mà quí bạn nên cần biết :

          Một là : Bài nầy giải về Tâm Thức theo Huyền bí học và dùng nhiều danh từ của Triết học Ấn, mà Triết học Ấn khác hẳn Triết học Trung Hoa về cách trình bày Tâm thức học. Nhiều danh từ của Triết học Ấn dùng không có trong Triết học Trung Hoa. Bởi chưng chúng ta đã quen với Triết học Trung Hoa cho nên lần đầu tiên xem qua Triết học Ấn thì bỡ ngỡ, vì nó rất khó hiểu và cũng dường như là kỳ dị nữa. Nhưng sau khi chịu khó suy nghĩ một ít lâu thì thấy Triết học Ấn giải Tâm Thức một cách tỉ mỉ. Điều nầy quí bạn chớ lấy làm lạ bởi vì người Ấn da trắng thuộc về giống dân thứ năm là giống A-Ri-Den (Aryen) có phận sự mở  mang trí thức, mà cái trí có năng lực phân tách và tổng hợp, còn trái lại giống da vàng, da đỏ ngày nay là dòng dõi của giống dân thứ Tư, giống dân Ắt-Lan (Atlantes) thiên về tình cảm rất nhiều. Họ thường tổng hợp nhiều ý niệm trong vài câu thôi; không màng những chi tiết.

          Ấy tại mỗi giống dân đều có cách trình bày Chơn Lý theo trình độ tiến hóa và tánh tình phong tục của mình. Chúng ta chớ nên câu nệ về hình thức bên ngoài mà nên tìm hiểu ý chánh bên trong.         

          Hai là :

                   Chắc chắn quí huynh đều biết:

                   Đọc là một việc

                   Hiểu là một việc khác nữa, còn

                  Thực Hành là điều tối quan trọng và tối cần thiết hơn hai việc: Đọc và Hiểu.

          Đọc sách luân lý đạo đức mà không thực hành thì không khác nào một người kia đang đói, thấy trước mặt một mâm cơm đang dọn ra, y không cầm đũa gắp ăn mà cứ nói: "Đồ ăn ngon quá" thì rốt cuộc y vẫn đói chứ không "Thật no lòng".

          Phải học hỏi, phải thực hành, phải kinh nghiệm, mới trở nên khôn ngoan, sau mới đủ khả năng giúp đời. Ba việc nầy liên quan mật thiết với nhau, thiếu một không được. Nhược bằng thuyết quá nhiều mà hành quá ít thì vẫn còn xa cửa Đạo và chưa có thể gặp được Thánh Sư, dù cho đi qua Tây Tạng hay là lên đến đỉnh Hy-mã-lạp-sơn thì cũng hoài công, vô ích. 

                                                       Bạch Liên PHẠM NGỌC ĐA

                                                                     11 Nguyễn Đình Chiểu

                                                                                          Châu Đốc


 

vài điều khó khăn
của đời sống nội tâm

 


thủy trúc

 

 1. Lý do viết bài nầy

          Người nào quyết lòng sống một đời sống nội tâm thì gặp vài sự trở ngại ở ngay chỗ khởi điểm của con đường phải dắt y đến đó, những sự trở ngại nầy tái diễn mãi trong sự kinh nghiệm của mỗi cá nhân, bởi vì chúng nó bắt nguồn từ trong bản tánh chung của loài người. Đối với mỗi người khách lữ hành thì dường như chúng nó vốn mới mẻ và riêng biệt cho chính mình y thôi, như thế chúng nó gây ra một sự chán nản làm cho con người không còn đủ sức lực cần thiết để vượt qua chúng nó.

          Nếu người ta hiểu rằng những trở ngại nầy thuộc về sự kinh nghiệm chung của những người chí nguyện làm đệ tử và luôn luôn người ta gặp chúng nó và cũng luôn luôn chúng nó vẫn bị phá tan thì việc hiểu biết sự kiện nầy đem lại một phần yên ủi cho người tân tín đồ thất vọng.

          Một cái xiết chặt tay trong bóng tối, một giọng thân ái nói lên: "Bạn ơi ! Tôi đã đi qua chỗ bạn đang đi bây giờ đây và do con đường nầy người ta có thể đến nơi đến chốn". Đó là cái gì có thể dìu dắt trong đêm tăm tối và vì lẽ đó, nghĩa là để phụng sự nhân loại, chúng tôi mới viết ra bài nầy.
 

2. sự cải thiện con người là điều rất cần thiết

          Cách đây ít lâu, một vị bằng hữu cũng là một người bạn đồng hành có bày tỏ cho tôi nghe một trong những trở ngại nầy liên quan đến những lời chỉ bảo cho anh để tinh luyện thể xác. Anh không giải bày trọn vẹn vấn đề nhưng anh xác nhận với nhiều minh chứng và trực giác rằng: "Đối với phần đông chúng ta, điều khó khăn ở nơi con người trong nội tâm hơn là ở nơi phương tiện hoạt động của nó ". Những thể xác của phần đông chúng ta đều khá tốt đẹp rồi, chúng nó thiếu chăng là một chút đỉnh sự Điều Ḥa, nhưng mà chính là con người rất cần phải tiến bộ. Khi mà không đạt được ḥa điệu thì nhạc sĩ đáng khiển trách hơn là những nhạc khí của y, nếu nhạc sĩ tự cải thiện thì nhạc khí có thể dùng được và đủ sức làm vang lên đúng điệu bởi vì sự ḥa điệu nầy phát sinh do những ngón tay bấm vào những sợi dây của nó.

          Bạn tôi nói một cách hùng hồn và có hơi khoa trương một chút: "Đối với thể xác của tôi, tôi có thể làm bất cứ cái gì mà tôi muốn, nhưng mà điều khó khăn chính là tại tôi, tôi không muốn đó thôi ".

          Đó là điều khó khăn mà người chí nguyện làm đệ tử chính chắn nào cũng cảm biết cả. Sự cải thiện con người là việc cần thiết hơn hết; và sự nhu nhược, sự thiếu ý chí và thiếu quyết định cứng rắn của con người là những chướng ngại thật đáng kinh sợ hơn tất cả những chướng ngại mà thể xác có thể đặt để trên con đường của chúng ta đi.

          Có nhiều phương pháp hay, nhờ đó chúng ta có thể tạo ra những thể xác thuộc về loại thượng đẳng; nếu chúng ta muốn; song chính là cái "muốn" của chúng ta còn yếu đuối. Chúng ta hiểu biết, chúng ta thừa nhận rằng nếu đem sự hiểu biết thực thi, thì chúng ta rất được nhiều lợi ích; song chúng ta thiếu sức thúc giục cần thiết để làm việc đó.

          Điều khó cốt yếu vốn ở trong bản tánh thấp thỏi của chúng ta; nó bất động, nó không có ý chí hoạt động; chẳng phải những chướng ngại ở ngoại giới không thể vượt qua được, nhưng chính là con người vẫn trơ trơ, không có ý muốn vượt qua chúng nó. Luôn luôn chúng ta lập đi lập lại măi sự kinh nghiệm nầy; dường như lý tưởng của chúng ta không thú vị, nó không đủ sức hấp dẫn chúng ta; chúng ta không cố tâm thực hiện nó mặc dầu chúng ta đã quyết định rất có lý rằng: "Đáng thực hiện điều đó lắm". Nó ở trước mặt chúng ta như đồ ăn ở trước mặt một người chưa biết đói: chắc chắn đó là món ăn rất ngon lành và có lẽ y sẽ thích nó ngày mai chăng ? chớ hiện giờ y không đòi hỏi nó, y chỉ ưa sưởi ấm, nằm duỗi chân dưới bóng mặt trời hơn là chỗi dậy cầm đũa gắp ăn.
 

3. hai câu hỏi rất quan trọng

          Như vậy chung qui vấn đề thâu hẹp lại vào hai câu hỏi:

          1) Đã là một nhân vật duy lý thì tại sao tôi không muốn cái điều mà tôi biết là đáng ước ao cho hạnh phúc của tôi.

          2) Tôi có thể làm gì bắt buộc tôi phải muốn cái điều mà tôi biết là hữu ích cho chính tôi và cho kẻ khác nữa.

          Vị Đạo sư nào giải đáp hai câu nầy một cách hữu hiệu thì đem lại một sự hữu ích rất lớn lao cho nhiều người hơn là một vị kia không ngớt lập đi lập lại  - nhưng không bao giờ thực hành - những điều mà tất cả chúng ta vẫn biết và công nhận như: lý tưởng rất cần thiết, những nghĩa vụ phải đem ra thực thi cấp bách.

          Bộ máy được chế tạo khá tốt nhưng ai làm cho cái máy chạy bây giờ ?

          Đối với câu hỏi thứ nhất, người ta phải trả lời bằng sự phân tách "Bản ngã tự tri"( hoặc Bản ngã tự giác: soi-conscience ). Chỉ nó mới có đủ năng lực giải thích cho vấn đề nhị nguyên nầy: “ấy là việc chúng ta không muốn cái điều mà chúng ta thấy đáng ước ao”. Chúng ta có thói quen xem Tâm Thức của mình như là một đơn vị thuần nhứt, nhưng mà khi chúng ta quay mặt nhìn vào trong thì thấy "vô số Bản ngã" không giải thích được và những tiếng ồn ào, tương phản dường như phát ra từ trong tâm chúng ta, làm cho chúng ta phải điên đầu.
 

4. Tại sao cái tâm thức vốn đơn nhất mà lại

biểu lộ ra dường như vô số ?

          Mà Tâm Thức, cái Tâm Thức của chúng ta là cái Tâm Thức bị thu hút vào một trung tâm nhứt định và trung tâm nầy cũng thu nhận mà cũng tống ra nữa. Tâm Thức vốn đơn nhất mà nó biểu lộ ra ngoài dường như là vô số thì ấy là không phải nó đã mất bản tánh đơn nhất của nó mà chỉ tại nó biểu lộ dưới những hình thức khác nhau.

          Chúng ta thường nói những vận cụ của Tâm Thức và luôn luôn có lẽ chúng ta không hiểu được ý nghĩa của danh từ nầy.

          Nếu một luồng điện của một điện trì bình lưu thông qua nhiều chất khác nhau thì sự phát hiện của nó ra ngoại giới cũng sẽ thay đổi tùy theo mỗi sợi dây liên lạc. Trong một sợi dây bằng bạch kim thì nó thành ra ánh sáng, trong một sợi dây sắt nó làm ra hơi nóng, ở chung quanh một thanh sắt mỏng thì nó đổi ra từ lực và nếu đi qua một dung dịch đặc biệt thì nó thành ra một mãnh lực có thể  phân tách và tổng hợp lại được. Đây chỉ có một năng lực duy nhất thôi, nhưng nó xuất hiện ra với nhiều cách khác nhau bởi vì biểu hiện của sự sống luôn luôn bị những hình thể của nó hạn chế và tùy theo tâm thức hoạt động trong Thượng Trí, trong Hạ Trí, trong cái Vía hay là trong Xác Thân, bản ngã do đó sinh ra và sẽ phô bày những đặc tính khác nhau. Cái "Bản ngã hiểu biết" sẽ in như vận cụ mà nó làm cho hoạt động trong lúc ấy.

          Nếu nó xúc động trong Thể Vía, nó sẽ là bản ngã của giác quan; nếu nó ở trong Thể Trí thì nó sẽ là bản ngã của Trí tuệ. Trong ảo ảnh nó bị vật chất bao bọc nó, án mắt nó, nó tự đồng hóa với nhu cầu khẩn thiết của những giác quan hay sự suy luận của Trí tuệ, nó bèn kêu lên: "Tôi muốn - Tôi tưởng". Cái bẩm  chất phát triển những mầm hạnh phúc và minh triết là "Con người bất tử"; nó là nguồn gốc của những cảm giác và những tư tưởng; nhưng mà những cảm giác và những tư tưởng là những sự hoạt động tạm thời trong những thể xác bao bọc nó do sự sống của nó tiếp xúc với đời sống ngoại giới của Bản ngã với "Phi-Ngã”  ( non-­soi ) tạo thành. Nó làm ra những trung tâm điểm tạm thời cho đời sống của nó trong thể nầy hay thể kia. Nó bị những sự va chạm của ngoại giới hấp dẫn và làm cho nó hoạt động. Khi nó hoạt động trong những thể nầy thì nó tự đồng hóa với chúng nó. Nhưng mà nó tiến hóa, nó tự phát triển, lần lần nó khám phá ra được rằng những trung tâm ở trong cái xác, ở trong cái Vía và ở trong cái Trí là những dụng cụ của nó chớ không phải thật là nó. Nó xem những trung tâm nầy như những phần tử của "Phi Ngã" : " Non-soi " mà nó cho  liên kết tạm thời với nó. Cũng như nó có thể lấy một ngòi viết hay là một cái đục, nó tách ra khỏi những phần tử nầy và sử dụng chúng nó, thứ nào theo thứ nấy. Nó tự biết rằng nó là Sự Sống chớ không phải là hình dạng, nó là chí phúc chớ không phải là dục vọng, nó là sự Minh Triết chớ không phải là tư tưởng và đây là lần đầu tiên nó nhận thức được cái Đơn nhất và nó tìm được sự yên tịnh.

          Trong khi tâm thức đồng hóa với những hình thể thì hình như nó là Hằng hà sa số, còn khi nó đồng hóa với Sự Sống thì nó trở thành Đơn nhất.
 

5. trung tâm điểm của tâm thức bình thường

vốn ở trong cái vía

Sự kiện đầu tiên rất quan trọng đối với chúng ta – như Bà Blavatsky đã chứng tỏ – là việc hiểu biết rằng trong giai đoạn tiến hóa hiện thời của chúng ta thì trung tâm điểm của Tâm Thức bình thường vốn ở trong cái Vía. Tâm Thức học hỏi điều hiểu biết nhờ năng lực cảm biết của nó và sự cảm xúc thuộc về cái Vía. Chúng ta cảm giác nghĩa là chúng ta nhận biết rằng chúng ta tiếp xúc với cái gì không phải là chúng ta, cái gì mà nó khêu gợi nơi chúng ta sự vui, sự buồn hay là không vui không buồn, điểm trung ḥa ở chính giữa cả hai.

Đời sống cảm giác làm ra một phần lớn đời sống của phần đông chúng ta.

Đối với ai ở dưới mức trung bình thì đời sống của họ là đời sống của cảm giác.

Đối với một thiểu số đã tiến hóa thì thời kỳ sống cảm giác đã qua lâu lắm rồi.

Nhưng đại đa số nhân loại thì còn đang ở trong những giai đoạn khác nhau thuộc về chính giữa hai cực đoan, như sau đây:

a) Đời sống cảm giác.

b) Đời sống cảm giác–cảm xúc và tư tưởng với những tỷ lệ khác nhau.

Đời sống hoàn toàn cảm giác thì không có nhiều Bản ngã, cho nên không có sự xung đột. Trong đời sống đã vượt qua khỏi sự cảm giác thì có một vị Chủ tể trường tồn bất diệt ngự trị trong nội tâm, bởi thế cũng không có sự xung đột.

Nhưng mà ở vào những giai đoạn thuộc về chính giữa hai cực đoan thì có vô số Bản ngã và chúng xung đột với nhau luôn luôn.

Chúng ta hãy xem xét đời sống cảm giác của người còn dã man, ít tiến hóa. Y có một bản ngã đắm mê, ngạo mạn, hung bạo, khát vọng khi y bị kích thích để hành động; nhưng mà không có sự xung đột trong lòng y, trừ ra đối với thế tục, ở ngoài xác thân của y. Y có thể chiến đấu với một người kia, mà y không biết sự chiến đấu trong nội tâm. Y làm cái gì y muốn, không do dự trước, mà cũng không hối hận sau. Những hành động của xác thịt tuân theo những khêu gợi của sự ham muốn và cái Trí không khiêu khích, không phê bình, không lên án, nó chỉ ghi nhận, gom góp những vật liệu để cho sự tinh luyện sau nầy. Cái Trí tiến hóa nhờ nó nổ lực đặng làm thỏa mãn lời yêu cầu của Bản ngã của những cảm giác, tánh rất ngạo nghễ. Những lời khuyến dụ của dục vọng thúc đẩy nó hoạt động. Nó bắt đầu làm việc với những sự quan sát của nó đã có sẵn và những ký ức của nó. Nó mở mang một chút năng lực suy luận và phác họa trước một chương trình có ích lợi cho chủ nó. Như thế nó mở mang khiếu thông minh, nhưng khiếu thông minh lại hoàn toàn lệ thuộc dục vọng, chỉ hành động theo mạng lệnh của dục vọng và thành ra kẻ nô lệ của dục tình. Nó không biểu lộ một cá tính nào cả, nó chỉ là kẻ tình nguyện làm tôi cho "Bản ngã độc đoán" chuyên chế của dục vọng [1]

6. Sự chiến đấu trong nội tâm bắt đầu   

Sau khi trải qua những sự kinh nghiệm liên tục dài đăng đẳng "con người bất tử" đã mở mang kha khá cái Trí để ôn lại và so sánh những kết quả của những hoạt động hồng trần của nó và thời gian nó lưu lại cõi Thiên Đàng tức là khoảng giữa hai kiếp, kiếp quá khứ và kiếp vị lai. Cuộc tranh đấu chỉ bắt đầu từ đây.

          Nó xem xét vài thứ kinh nghiệm và thấy rằng chúng đem lại những sự đau khổ nhiều hơn là những sự vui vẻ. Nó bèn kết luận rằng: nên tránh đi đừng tái lập những sự kinh nghiệm đó nữa. Nó ghê tởm những kinh nghiệm đó và ghi chúng trên tấm bản của cái Trí; đồng thời nó cũng ghi sự hấp dẫn của vài thứ kinh nghiệm khác đã từng đem lại cho nó nhiều sự vui thích.

Khi trở xuống thế gian đầu thai lại, nó đem theo ký ức nầy như là một khuynh hướng ở trong cái Trí và khi "Bản ngã của sự ham muốn" xông tới một vật quyến rủ cốt làm lại những sự kinh nghiệm đã từng đem lại những sự đau khổ thì nó đưa ra một phản kháng yếu ớt.

Một bản ngã khác tức là "Tâm Thức hoạt động như cái Trí" lên tiếng rằng:  nó đã ghê tởm sự kinh nghiệm đó rồi và chống lại việc bị dẫn dụ sa vào đó một lần nữa.

Sự phản kháng nầy hết sức yếu ớt còn dục vọng thì hết sức mạnh mẽ, cho đến đỗi chúng ta không thể nào nói rằng có sự Chiến Đấu thật sự. Bản ngã của dục vọng bị đè nén lâu ngày, vật ngã tức khắc kẻ nghịch là "Bản ngã của Trí tuệ" đang phản kháng yếu ớt. Nhưng mà khi cuộc vui đã tàn và những hậu quả đau khổ hiện đến thì "Bản ngã của Trí tuệ" lại lên tiếng một lần nữa với những giọng ai oán não nùng: "Đó, thấy  chưa. Ta đã nói trước với ngươi rồi mà". Đây là lần đầu tiên nảy ra sự hối hận hay là bị lương tâm cắn rứt.

Rồi từ đời nầy qua đời kia, cái Trí càng ngày càng mạnh mẽ thêm và sự chiến đấu giữa "Bản ngã của dục vọng" và "Bản ngã của tư tưởng" càng trở nên quyết liệt. Trong sự kinh nghiệm của người tiến hóa, ta nghe lập lại câu nầy rất đau thương của một nhà Thần bí học Cơ đốc: "Tôi biết trong mình tôi có một định luật đang chống đối với định luật của Tinh Thần tôi ".

 

Sự tranh đấu càng thêm dữ dội, khi những quyết định của con người hồi còn ở Thiên Đàng [2] càng in sâu vào cái Trí và lúc con người tái sinh ở cõi Trần, chúng nó biến thành những quan niệm thiên phú và thêm sức cho bản ngã của tư tưởng. Bản ngã nầy lìa ra khỏi những dục tình và những mối cảm xúc, xem chúng như ở ngoài nó và gạt bỏ ý muốn của chúng toan kiểm soát lại nó. Nhưng mà di sản của dĩ vãng [3]  đem cái lợi về cho bản ngã của dục vọng hiện giờ đang ngự trị trong mình con người như một vị Hoàng đế; cuộc chiến đấu vì thế mà kéo dài và may rủi vô chừng.

Trong những lúc hoạt động rộn ràng, Tâm Thức trở lại dễ dàng với những thói xấu đã sống trong vô số kiếp. Một mặt khác nó tùng phục con người đã ra công kiểm soát nó và nó bị bắt buộc phải đi theo con đường mà những sự quyết định của con người đã vạch sẵn cho nó.

Chính ý chí của con người quyết định chiều hướng những lực của Tâm Thức đang hoạt động trong những thể cao, còn trái lại thói quen quyết định một phần lớn chiều hướng những lực đang hoạt động trong cái thể của những sự ham muốn (tức là cái Vía). Ý chí, nhờ trí tuệ minh mẫn và tinh vi dắt dẫn nên cho biết lý tưởng cao siêu nhất, đáng cho con người theo đuổi mãi, còn bản  tánh thấp thỏi không muốn đạt được lý tưởng nầy: đứng trước lý tưởng nầy nó mơ mơ màng màng, không thấy cái vẻ đẹp nào đáng mơ ước và thường nó phật ý vì lý tưởng có vẻ nghiêm khắc và phẩm chất rất thanh cao.

" Điều khó khăn quả thật là tôi không muốn ". 

Chúng ta không làm cái gì mà trong lúc cảm hứng, hân hoan, chúng ta nhất định làm. Bản ngã thấp thỏi chịu ảnh hưởng của những sự quyến rủ nhất thời nhiều hơn là những kết quả có ghi chép của dĩ vãng, nhưng kết quả nầy có ảnh hưởng với bản ngã cao siêu và điều khó khăn thật sự ấy là làm sao cho chúng ta cảm biết rằng cái "bản ngã bất động" hoặc là cái bản ngã chuyên chế của bẩm tánh thấp thỏi không phải "Thật là Ta".

 

7. Làm sao vượt qua sự khó khăn nầy hay là dùng

phương tiện nào để thúc giục sự tiến hóa của chúng ta

 

Làm sao vượt qua sự khó khăn nầy ? Làm sao chúng ta có thể thực hiện được cái mà chúng ta cho là Cao Thượng, là Bản ngã Tự Tri.

Vậy thì không ai nên ngã lòng nếu chúng ta nói rằng sự thay đổi nầy là vấn đề phát triển và không thể thành tựu trong chốc lát được. Bản ngã con người không có thể nhờ một sự cố gắng duy nhất mà nhảy lên từ ấu niên đến tuổi trưởng thành ngay, cũng như một xác thân không thể biến đổi từ con nít ra người lớn chỉ trong một đêm thôi. Nếu sự trình bày luật phát triển đem đến cho chúng ta sự ngã lòng bởi vì chúng ta xem nó như là một sự trở ngại trong ý muốn được trở nên hoàn thiện tức khắc, thì chúng ta hãy nhờ đến phương diện khác của vấn đề; sự tiến bộ vẫn chắc chắn, chung qui nó không bị ngăn cản, và nếu định luật này không đem đến cho chúng ta một sự huyền diệu phi thường nào thì ít ra nó cũng cho chúng ta một sự an ninh.

Hơn nữa, chúng ta có thể thúc giục sự tiến hóa, chúng ta có quyền đưa cho nó những điều kiện tốt nhất, rồi về cái kết quả, chúng ta cứ tin cậy nơi định luật. Vậy thì chúng ta hãy xem xét coi chúng ta có thể dùng những phương tiện nào để thúc giục sự tiến bộ mà chúng ta cảm thấy sự cần thiết để chuyển di sự hoạt động của Tâm Thức từ thấp lên cao.

Có hai việc mà chúng ta nên biết:

          Một là: bản tánh dục vọng không phải là Chơn Ngã của chúng ta. Nó là khí cụ của Chơn Ngã tạo ra để sử dụng cho công việc riêng của mình.    

          Hai là: ấy là một khí cụ rất quí báu, nhưng bị sử dụng một cách sai lầm.

Sự ham muốn hay tình cảm là nguyên động lực ở trong mình chúng ta, luôn luôn nó ở chính giữa tư tưởng và sự hành động. Trí tuệ thấy nhưng không chuyển động và một người nào mà không có sự cảm xúc thì chỉ là một khán giả trong cuộc đời thôi.

Chơn Ngã phải mở mang vài quyền năng siêu việt trước khi nó không cần đến những sự  ham muốn và những sự cảm xúc.

Đối với những người chí nguyện, thì vấn đề là: Phải biết sử dụng những sự ham muốn nầy cách nào để cho khỏi bị chúng nó sai  khiến lại mình. Phải huấn luyện chúng nó cách nào chớ không phải tiêu diệt chúng nó.

Cần phải "quyết ý" đạt cho được cái Cao Cả nhứt bởi vì nếu không có cái quyết ý nầy chúng ta không tiến bộ chút nào cả. Chúng ta bị cầm giữ lại vì muốn hợp nhất với những vật phù du, ty tiện và có giới hạn. Chúng ta há không thể tiến bộ với ý muốn hợp nhất với cái gì vĩnh cửu, trường tồn cao thượng và vĩ đại hay sao ?

Suy nghĩ cho chính chắn rồi chúng ta thấy rằng phải đào luyện những mối cảm xúc và hướng dẫn chúng cách nào đặng chúng tinh luyện và tăng cao phẩm giá tánh nết của chúng ta. Về phương diện tiến bộ thì căn bản của tất cả những mối cảm xúc là lòng thương yêu và đó là quyền năng mà chúng ta phải rèn tập.

 

phương tiện thứ nhứt 

tỏ lòng thương yêu và tôn kính 

George Eliot nói rất đúng là: điều kiện thứ nhứt của tánh Nhân Từ là lòng yêu thương, điều kiện thứ nhì là tôn kính. Bây giờ lòng tôn kính chỉ là tình thương hướng về một  người trưởng thượng và kẻ chí nguyện làm đệ tử nên tìm một người tiến hóa hơn đặng y tỏ bày lòng thương yêu và cung kính. Hữu phước thay cho ai gặp người Trưởng Thượng nầy mà y đã tìm kiếm. Đó là điều kiện quan trọng hơn hết để biến đổi mối cảm xúc thành ra một mãnh lực thúc giục sự tiến bộ thay vì một mãnh lực cản trở bước đường và như vậy để có năng lực cần thiết đặng "Quyết định muốn cái" mà y biết là hết sức tốt đẹp.

Khi chúng ta thương yêu thì chúng ta tìm cách làm cho vui lòng và khi chúng ta tôn kính thì chúng ta thấy niềm hân hoan trong sự tán thành của người mà chúng ta tôn kính.

Do đó có một sự kích thích liên tục để cải thiện chúng ta, để tập rèn tánh nết của chúng ta, để tinh luyện bản tánh chúng ta, để thắng phục tất cả những gì xấu xa ở nơi chúng ta và để giúp chúng ta theo đuổi tất cả những gì cao thượng.

Chúng ta thấy tự nhiên Quyết ý muốn đạt cho được lý tưởng cao cả và cái động lực lớn lao đã đi theo con đường của cái Trí vạch sẵn cho nó. Không có phương tiện nào có hiệu quả hơn hết để sử dụng bản tánh của sự ham muốn bằng cách "kết một dây liên lạc như thế". Sợi dây liên lạc nầy chỉ là phản ảnh ở dưới trần thế của một sợi dây liên lạc giữa Chơn Sư và Đệ Tử ở mấy cõi trên.

 

Phương tiện thứ nhì

kết thân với những người tiến hoá hơn chúng ta

về đời sống đạo đức tinh thần 

Một phương tiện tuyệt diệu khác để kích thích bản tánh của sự ham muốn hầu sử dụng nó như là một mãnh lực để thúc giục sự tiến bộ là tìm cách kết thân với những người tiến hóa hơn chúng ta về Đời Sống Đạo Đức Tinh Thần.

Không cần thiết rằng họ khẩu truyền những sự hiểu biết của họ cho chúng ta, hay là họ trò chuyện với chúng ta. Sự hiện diện của họ cũng đủ là một ân huệ vừa làm cho điều ḥa, vừa nâng cao và vừa linh cảm một lượt. Được thở bầu không khí của họ, được bao bọc trong từ điện của họ, nhờ ảnh hưởng của những tư tưởng của họ, đó là những điều làm cho chúng ta trở nên cao thượng mà chúng ta không hay biết chút nào. Chúng ta quá ân cần chú trọng tới những lời nói và chúng ta phạm lỗi đánh giá rất thấp những sự vi diệu của Chơn Ngã, những lực nầy chỉnh đốn mọi việc một cách vừa êm ái dịu dàng vừa đầy uy lực. Nó sáng tạo trong cảnh hỗn độn và thích loạn của Phàm Tánh chúng ta những căn cứ vững chắc của chơn lý và sự yên tịnh.

 

phương tiện thứ ba

đọc sách và noi theo gương MẪU

của một đời sống thanh cao

          Có một phương tiện khác tuy kém hiệu  lực hơn song cũng chắc chắn vậy. Ấy là sự giúp đỡ mà người ta có thể tìm được trong một quyển sách trình bày gương mẫu của một đời sống thanh cao, hay là hiến cho chúng ta một lý tưởng tốt đẹp hoặc là khảo  cứu một tâm tánh cao thượng. Những quyển:

          1. Thánh Ca ( Bhagavad-Gita )

          2. Tiếng Nói Vô Thinh ( La Voix du Silence )

          3. Ánh Sáng trên Đường Đạo ( La Lumière sur le Sentier )

          4. Gương Chúa Giê-Su ( Imitation de J. Christ ),

là những sách thuộc về loại trợ tá có hiệu năng hơn hết. Chúng ta có tánh ưa đọc cho nhiều để biết và chúng ta bỏ mất quyền năng sáng tạo của tư tưởng đã được xây dựng trên những lý tưởng cao siêu. Quyền năng nầy có ảnh hưởng tới những mối cảm xúc của chúng ta.

Thật là một thói quen rất hữu ích khi mà mỗi buổi sớm mai chúng ta đều đọc vài câu trong những sách kể ra trên đây rồi trọn ngày nhớ đến chúng nó mãi. Như thế chúng ta tạo ra một bầu không khí để bảo vệ chúng ta và đem hạnh phúc lại cho những người tiếp xúc với chúng ta.

phương tiện thứ tư

tham thiền

Một chuyện khác nữa cần thiết triệt để là sự Tham Thiền hằng ngày, nửa giờ yên tịnh buổi sớm mai trước khi sự bận rộn trong ngày khai diễn. Trong thời gian nầy chúng ta cương quyết lìa khỏi bản tánh thấp thỏi của chúng ta, chúng ta nhận xét nó là một khí cụ của chúng ta dùng, nó ở ngoài chúng ta. Chúng ta tập trung tư tưởng vào Tâm Thức cao siêu hơn hết mà chúng ta có thể đạt được, nó là Chơn Ngã duy nhất của chúng ta. Rồi chúng ta nói "Cái chi là sự Sanh Tồn,  cái chi là Chí Phúc, cái chi là Minh Triết, cái đó là Tôi đây. Tôi là Sự Sống, Tôi là Tình Thương, Tôi là Ánh Sáng".

Bởi vì Bản Tánh của chúng ta vốn thiêng liêng và sự cố gắng để thực hiện nó giúp cho nó phát triển và biểu lộ ra. Ngôi sao chiếu sáng ở trong Tâm chúng ta là Chơn Ngã của chúng ta. Nó vẫn Tinh Khiết, Thanh Tịnh. Chúng ta không thể ở mãi với nó, nhưng bởi mỗi ngày chúng ta đều cố gắng đi lên tới nó thì vài tia sáng của nó soi tỏ bản ngã Hão Huyền của chúng ta do nhiều hình bóng làm ra và ta đang sống giữa chúng nó đây.

Sự chiêm ngưỡng bản tánh thiêng liêng của chúng ta đem lại cho chúng ta sự Toàn Thiện và sự yên tịnh. Chúng ta có thể chiêm ngưỡng nó bằng cách hết lòng sùng bái Đức Thượng Đế, Cha lành của Vũ Trụ và Đấng Thiêng Liêng mà chúng ta tôn kính như là Sư Phụ của chúng ta. Chúng ta tin cậy Đấng Thiêng Liêng nầy như là Vị Phù Trì và Thân hữu của tất cả những người ham muốn tiến lên cao, mặc dầu người ta gọi Ngài là Shri Krishna, là Phật, là Christ hay là Chơn Sư, sao cũng được.

Chúng ta hãy bạo gan nhìn lên Đấng Duy Nhất, chúng ta do Ngài đến rồi chúng ta sẽ trở về với Ngài; và tin chắc rằng chúng ta là con của Ngài, chúng ta hãy thốt lên: "Tôi và Đức Từ Phụ, chỉ là  Một". "Tôi là Cái Đó".

 

8. sự tiến thối vô chừng của tình cảm 

Một trong những khó khăn làm ngã lòng mà kẻ chí nguyện làm đệ tử phải đương đầu là sự tiến thối vô chừng của tình cảm, như nước thủy triều ròng lớn. Ấy là sự thay đổi trong bầu không khí tình cảm và xuyên qua đó y thấy ngoại giới cũng như y thấy tánh tình của y với những quyền năng và những nhược điểm của nó. Y thấy rằng đời sống của y là những trạng thái tâm thức luôn luôn thay đổi, những tình trạng tư tưởng và tình cảm xảy ra luân phiên với nhau. Lúc thì y rất hăng hái, khi thì y dã dượi cũng như chết. Nay y vui vẻ, mà mai y lại cú rũ; y mới nói năng liền miệng kế đó lại lặng thinh, không hở môi; y vừa tỏ ra nghiêm trang, bỗng chốc lại lãnh đạm; mới thấy y tận tâm, kế gặp lại y lạnh lùng; mới sốt sắng đó, lại uể oải đó. Y vẫn khư khư trong bản tánh vô chừng đổi của y. Cái điều khó chịu hơn hết là y không tri ra được nguyên nhân xác định của ấn tượng đó. Chúng nó lui tới không thường xuyên và cũng khó mà đoán trước như ngọn gió mùa hạ.

Tại sao hôm qua tham thiền dễ dàng, êm ái và có hiệu quả ? Mà tại sao bữa nay nó lại khó khăn, gián đoạn và khô khan ? Tại sao mới tuần trước đây quan niệm cao thượng nầy đem lại cho y một niềm cảm hứng nhiệt liệt mà hiện giờ nó lại để y lạnh lùng ? Tại sao cách đây vài ngày y chứa chan tình thương và hết lòng tín ngưỡng mà bây giờ đầu óc y trống rổng, y lặng nhìn lý tưởng với cặp mắt lạnh lùng, không tươi sáng chút nào ?

Sự kiện thật hiển nhiên nhưng y không hiểu, dường như y ở dưới quyền sai khiến của sự may rủi, và thoát khỏi vòng định luật. Chính sự không chừng đổi nầy làm cho y buồn rầu áo não. Luôn luôn người ta là chủ tể của cái gì mà người ta hiểu và nếu chúng ta tri ra được từ một kết quả cho đến nguyên nhân của nó thì việc chúng ta kiểm soát được nó sẽ không còn lâu đâu. Phải chăng tánh không chừng đổi của chúng ta sinh ra những sự đau khổ ghê gớm của chúng ta. Chúng ta vô phương bởi vì chúng ta dốt nát. Chính là sự không chừng đổi của những mối cảm xúc của chúng ta làm cho chúng ta sợ hãi bởi vì chúng ta không thể nào đề phòng đặng chống lại những điều mà chúng ta không thể tiên đoán được. Làm sao chúng ta đi đến một chỗ nào mà những tánh khí nầy không c̣n khuấy rối chúng ta được nữa; chỗ đó là một thạch bàn để chúng ta đứng vững chân trong khi chung quanh chúng ta ba đào sóng dậy.

 

9. Bước đầu tiên tiến đến điểm thăng bằng

Bước đầu tiên của chúng ta tiến đến điểm thăng bằng nầy là khi chúng ta nhận biết rằng tánh khí chúng ta không quan trọng, mặc dầu nói như vậy có hơi thô lỗ một chút. Không có sự liên quan bền bĩ giữa sự tiến bộ với những tình cảm của chúng ta: chúng ta không tiến bộ khi tình cảm giống như nước lớn, làm cho chúng ta vui vẻ; chúng ta không thối bước khi tình cảm giống như nước ròng làm cho chúng ta buồn bực.

Những bản tánh bất thường nầy được liệt vào trong những bài học của đời sống đem đến cho chúng ta để chúng ta tập phân biệt "Chơn Ngã" với "Phi Ngã" và tập thực hiện Chơn Ngã. Chơn Ngã không đổi dời, cái chi đổi dời không phải là Chơn Ngã, nó là thành phần của những vật tạm thời bao bọc Chơn Ngã và Chơn Ngã di chuyển trong những vật đó. Lượn sóng tình cảm nầy đi ngang qua chúng ta, nó không phải là Chơn Ngã, nó là sự biểu lộ nhất thời của Phi Ngã. Chúng ta hãy nói: "Dầu cho những vật nầy xao động, nổi bọt bèo vẫy vùng, lặn hụp, chúng  nó cũng không phải là của tôi".

Mong rằng Tâm thức thực hiện được điều nầy trong chốc lát thôi, thì sức mãnh liệt của lượn sóng đã tiêu tan và tảng đá vững chắc ở dưới chân chúng ta hiện ra.

Lìa khỏi sự cảm xúc rồi, chúng ta biết nó không còn là thành phần của chúng ta, chúng ta không chia sớt sự sống của chúng ta cho nó như là sự biểu hiện của Chơn Ngã nữa. Chúng ta chặt đứt dây liên lạc giúp nó trở thành con đường đưa đến sự đau khổ . . .

Việc đem Tâm thức ra khỏi sự cảm xúc thực hiện được dễ dàng nếu trong những giờ nhàn rỗi, chúng ta cố gắng tìm hiểu và chỉ định cho thật đúng những nguyên nhân gây ra sự luân chuyển của tình cảm làm cho chúng ta phải đau khổ. Như thế và ít ra chúng ta cũng giải trừ được một phần nào sự bất lực và sự do dự phân vân và cũng như chúng ta đã thấy, chúng nó do sự vô minh mà sinh ra.

 

1O. NHỮNG BIỂU HIỆN CỦA ĐỊNH LUẬT CHU KỲ HAY LÀ

ĐỊNH LUẬT CỦA TIẾT ĐIỆU         

Hạnh phúc và sự thất vọng xảy ra luân phiên với nhau; trước tiên chúng là những sự biểu hiện của Định Luật Chu Kỳ hay Định Luật Tiết Điệu; Định Luật này thống trị Vũ Trụ. Trong đời sống hồng trần của con người thì ngày và đêm thay phiên nhau hiện đến cũng như hạnh phúc và sự thất vọng xảy ra trong đời sống tình cảm. Thủy triều của đại dương lên xuống thế nào thì thủy triều của tình cảm của con người cũng lên xuống như thế ấy. Có những thủy triều ở trong tâm của con người cũng như có những thủy triều ở trong những công việc của con người và ở ngoài biển cả. Sự vui theo sau sự buồn, sự buồn theo sau sự vui cũng chắc chắn như sự tử nối gót sự sinh và sự sinh nối gót sự tử. Sự thật nầy không phải chỉ là một lý thuyết của Định Luật mà thôi, nó còn là một sự kiện đích xác mà tất cả những ai đã có kinh nghiệm trong đời sống tinh thần đều chứng nhận.

Trong quyển sách trứ danh "Gương Chúa Giê-Su" người ta nói rằng: sự yên tịnh và sự ưu sầu luân phiên như thế và điều nầy không có chi là mới mẻ, không có chi là lạ lùng đối với những ai đã có kinh nghiệm trong những con đường dắt đến Đức Thượng Đế. Những vị Đại Thánh, những nhà Tiên Tri thuở xưa đều phải trải qua những lúc thăng trầm nầy. Nếu Đức Thượng Đế đã đối xử với những bậc vĩ nhân như thế đó, thì chúng ta đây là những người tàn tật, chúng ta chớ nên ngã lòng nếu đôi khi chúng ta có lòng nhiệt thành, mà đôi khi chúng ta lại hóa ra hững hờ. Trong quyển II - IX, 4 - 5 - 7, có câu nầy: "Tôi  không bao giờ gặp một người hết lòng mộ Đạo và thật là hoàn toàn mà lại không đôi khi mất hẳn ân điển nầy và giảm bớt lòng nhiệt thành". Sự luân phiên của những trạng thái nầy được thừa nhận như là kết quả của một định luật chung, hay là sự biểu hiện đặc biệt của một nguyên lý đại đồng; chúng ta có thể lợi dụng sự Hiểu Biết nầy như một lời khuyến cáo và một sự khích lệ. Có thể chúng ta trải qua một thời kỳ đại giác ngộ khi mà đối với chúng ta dường như tất cả  đều dễ thực hành, khi mà ngọn lửa sùng tín soi sáng cuộc đời của chúng ta và khi mà sự trầm lặng của ánh sáng thật sự ngự trong lòng của chúng ta.

 

11. phương pháp giữ vững thăng bẰng

Một trường hợp như thế thường bao hàm một sự nguy hiểm lớn lao. Chính sự Chí Phúc của nó ru ngủ chúng ta trong một trạng thái an toàn, uể oải và để nẩy nở tất cả những mầm mống của bản tánh thấp thỏi còn sót lại. Trong những cơ hội như thế, thật ra rất hữu ích mà nhớ lại những lúc buồn bực trước kia đặng cho cái Chí Phúc không sinh ra sự kiêu hãnh ở trong lòng, nỗi vui thích không đưa đến điều ham mê hoan lạc; như thế đem sự hồi tưởng nỗi đau khổ đã qua và sự dự liệu một cách điềm tĩnh nỗi đau khổ sẽ đến để bù qua sự vui thích hiện thời thì chúng ta đạt được sự quân bình và chúng ta gặp ở ngay chính giữa nó một chỗ yên tịnh. Như vậy chúng ta thu được tất cả những thắng lợi xảy đến khi người ta nắm lấy cơ hội thuận tiện cho sự tiến bộ mà không phải lùi bước vì sự chiến thắng quá sớm xảy ra.

Khi mà đêm tối đến, tất cả sự sống đều rút đi hết, khi mà chúng ta cảm thấy lạnh lùng và lãnh đạm, không còn thiết tha đến những vật xưa kia quyến rủ chúng ta nữa, thì ngay lúc đó, biết đặng định luật, chúng ta có thể nói một cách thản nhiên: "Cái nầy đây, tới phiên chúng nó, nó cũng sẽ qua; ánh sáng và sự sống phải trở lại, tình yêu thương ngày xưa sẽ chói sáng lại như ngày trước với tất cả những sự huy hoàng của nó".

Chúng ta không chịu để thất vọng một cách phi lý trong bóng tối cũng như chúng ta không để bị phấn khởi một cách quá đáng trong ánh sáng; chúng ta đem hai sự kinh nghiệm bù qua sớt lại với nhau đặng cho chúng nó cân phân. Chúng ta lánh xa những nỗi phiền nhiễu của sự đau khổ bằng cách hồi tưởng lại những sự vui thú đã qua và nếm được trước mùi vị của những sự vui thú sẽ đến. Trong sự vui, chúng ta tập nhớ đến nỗi buồn và trong nỗi buồn chúng ta lại nhớ đến sự vui và làm như vậy cho tới khi nào không còn sự vui hay sự buồn nào làm lay chuyển được lòng cương quyết vững bền của chúng ta. Như vậy chúng ta bắt đầu tự lên cao, vượt qua khỏi những giai đoạn thấp thỏi của Tâm Thức mà trong đó chúng ta bị ném từ cực điểm nầy qua cực điểm kia và chúng ta đạt được quân bình gọi là Yoga.

Vậy sự hiện hữu của định luật đối với chúng ta, không phải là một lý thuyết suông, mà nó vẫn là một sự tin chắc, một sự hiển nhiên, một tín nhiệm và lần lần chúng ta học tập được vài điều của sự yên tịnh của Chơn Ngã.

Đó là sự hữu ích rất lớn đối với chúng ta để biết rằng cách chúng ta xét nghĩ về bóng tối và cách chúng ta vượt qua nó và tình trạng tê liệt của nội tâm là một trong những thử thách chắc chắn của sự Tiến Hóa Tinh Thần: "Có người nào của thời đại mà không sẵn lòng nhận lấy những nỗi vui vẻ và những sự an uỷ tinh thần nếu y có thể hưởng thụ chúng nó luôn luôn chăng ?" Bởi vì những sự an uỷ tinh thần vượt qua tất cả những sự khoái lạc của thế gian và những sự  vui sướng của xác thịt. Nhưng không một ai có thể hưởng thụ mãi mãi theo ý muốn của mình những sự an uỷ thiêng liêng bởi vì những sự cám dỗ không dứt lâu đâu. Mà những kẻ tìm kiếm mãi những sự an uỷ phải chăng là những kẻ vụ lợi ? – Người ta tìm được ở đâu một người muốn Phụng Sự Chúa, chỉ vì Chúa mà thôi ? Thật là khó gặp một người khá tiến bộ về đường tinh thần mà đã cổi bỏ hết tất cả. ( Quyển II, X, I, XI, 3 - 4 )

12. những mầm nhỏ nhặt của tánh ích kỷ còn lưu lại

rất lâu trong đời sống của người đệ tử

Những mầm nhỏ nhặt nầy của tánh ích kỷ còn lưu lại rất lâu trong đời sống của người đệ tử, mặc dù trong lúc chúng nó phát triển chúng nó mang mặt nạ đạo đức và giấu kín con rắn độc của dục vọng dưới cánh hoa đẹp đẽ của tánh từ thiện hay là lòng sùng tín. Quả nhiên rất hiếm có những người phụng sự chỉ vì để phụng sự mà thôi, không một mảy may vụ lợi; rất hiếm có những người đã bứng hết gốc rễ của dục vọng, chớ không phải chỉ chặt những nhánh gie ra trên mặt đất mà thôi. Ai mà từ khước những cuộc vui thô bỉ thì gặp sự ban thưởng bù đắp lại trong lúc nếm mùi vị những lạc thú của sự kinh nghiệm tinh thần. Khi sự thử thách cay đắng của lúc Tăm Tối Tinh Thần tới chận đường y thì y vào trong bóng tối, dường như một mình, cô đơn, không bè bạn, rồi y nhờ bài học cay đắng và tủi nhục của sự Giác Ngộ mà hiểu rằng bấy lâu nay trong thời gian y phụng sự lý tưởng, y chỉ muốn được ban thưởng công lao chớ không phải vì lòng từ ái. Càng hay cho chúng ta nếu chúng ta hưởng được hạnh phúc trong bóng tối cũng như ngoài ánh sáng vì nhờ khăng khăng tin tưởng nơi ngọn lửa trường tồn bất diệt đang cháy ở trong lòng chúng ta – đây là tin tưởng chớ chưa phải là thấy đâu – ngọn lửa nầy là "Cái Đó" và chúng ta không thể lìa khỏi ánh sáng của nó bởi vì thực ra nó thật là Chơn Ngã.

Chúng ta phải mất hết những của cải phù du để cho những tài sản thiêng liêng vĩnh cửu mới có thể thuộc về chúng ta và chỉ khi nào sinh khí lìa khỏi chúng ta thì chúng ta mới thấy được Sự Sống. 

 

13. một điều khó khăn làm cho kẻ chí nguyện

bối rối và ngã lòng 

Một điều khó khăn làm cho kẻ chí nguyện bối rối và ngã lòng là sự hiện diện của những tư tưởng và những sự ham muốn trái nghịch với đời sống và nguyện vọng của y: y không khẩn cầu mà chúng nó ào tới. Khi y muốn chiêm ngưỡng cái chi thuộc về thánh đức thì những ý niệm tục tằn tới phủ vây y; khi y muốn thấy gương mặt sáng chói của Đấng Thiêng Liêng thì mặt nạ Dâm Thần nhìn trộm y.

Vậy thử hỏi: một đám hình thù quái gở nầy đang bao quanh y, từ đâu đến ? Những tiếng thì thầm, những tiếng xì xào ở bên tai y giống như ma quỉ, ở đâu lại ? Mấy việc đó làm cho y gớm ghiếc, ghê tởm, tuy nhiên, dường như chúng nó vốn của y. Có thể nào thật là y đã sinh ra một bầy con đê tiện nầy sao? Xin lập lại một lần nữa sự hiểu biết nguyên nhân hữu hiệu có thể làm cho hậu quả khỏi bị đầu độc và giải thoát chúng ta ra khỏi sự bất lực vì vô minh sinh ra. Theo luận chứng Thông Thiên Học thì Sự Sống nhập vào những hình dạng và Sinh lực từ trạng thái Minh Triết của Chơn Ngã tuôn ra và un đúc chất khí của cõi Thượng Giới thành ra những hình tư tưởng. Những sự rung động cảm đến cái Trí và qui định bản tánh những chất Thượng Thanh Khí được tuyển chọn vào thành phần của cái Trí; và những chất khí nầy thay đổi lần lần ăn nhịp với sự thay đổi của những sự rung động phát ra. Nếu Tâm Thức thôi hoạt động một cách nào đó thì chất khí đã ứng đáp với công việc trước đây của Tâm Thức mất lần lần sức hoạt động của nó, cuối cùng nó thành ra chất tê liệt và cái Trí thảy nó ra ngoài. Tuy nhiên, có nhiều giai đoạn xảy ra ở chính giữa lúc chất khí hoạt động mạnh mẽ để ứng đáp không ngớt với những sự kích thích của cái Trí và lúc nó bị tê liệt và sắp sửa bị đuổi ra ngoài. 

 

14. trong những trường hợp nào mà những hình tư tưởng hấp hối, gần tan  rã, trở lại hoạt động mạnh mẽ như trước

 

          Trước khi đi đến giai đoạn chót nầy, chất khí có thể hoạt động trở lại do những sự kích thích của cái Trí từ trong nội tâm hay là từ ngoại giới đưa đến; bởi vì một thời gian khá lâu, sau khi con người không còn cho nó sinh lực nữa, bởi chưng đã qua khỏi giai đoạn của nó tiêu biểu rồi, nó có thể bị ảnh hưởng ở ngoài bắt buộc rung động mạnh mẽ trở lại và thành ra một tư tưởng sống hẳn hòi.

          Thí dụ một người kia đã tinh luyện tư tưởng, không còn đắm mê nhục dục nữa; trí y không sinh sản những tư tưởng ô trược; y không thích xem những hình ảnh khiêu dâm. Chất khí nặng nề của cái Vía và cái Trí của y trước kia đã rung động ứng đáp với những sự kiện như thế, bây giờ đây, y không thêm sức cho chúng nữa, những hình tư tưởng sinh ra khi xưa đã chết hay là đang hấp hối. Nhưng mà y lại gặp một người kia tình dục rất sôi nổi, những sự rung động của người nầy phát ra, thêm sinh lực cho những hình tư tưởng đang chết mòn của y, làm cho chúng nó bỗng dưng sống lại – sự sống nầy vốn giả tạo, nhất thời. Những hình tư tưởng nầy lại xuất hiện như là những tư tưởng cố hữu của y, do trí của y sản xuất. Kẻ chí nguyện không biết đó là những xác chết của quá khứ của chính y, nay mà sống lại là nhờ tà thuật của sự ô trược ở gần một bên. Bản tính của chúng trái ngược với cái Trí tinh luyện của y làm cho y đau khổ thêm bởi vì sự hiện diện của chúng khuấy rối y không khác nào thây ma cột dính vô mình người [4].

          Nhưng mà khi y hiểu biết bản tánh thật của chúng rồi thì chúng không còn quấy rầy y được nữa. Y có thể bình tĩnh xét nghĩ chúng như là những phần tử còn lại của cái quá khứ của y và như thế ấy, chúng không còn là những vật đầu độc được cái hiện tại của y đâu. Y biết rằng sự sống ở nơi chúng vốn ngoại lai, sự sống nầy không phải do y truyền cho chúng và y có thể "chờ đợi với lòng Kiên Nhẫn và Tín Nhiệm, thời giờ mà chúng không còn cảm nhiễm y nữa"

 

14 bis .  SỰ KHUẤY RỐI CỦA MẤY ANH BÀN MÔN TẢ ĐẠO

Đôi khi, trong trường hợp mà sự tiến bộ của một người kia hết sức mau lẹ, những vị kiếm thế làm cản trở sự tiến hóa, những vị chống đối với luật Trời, cố ý tạo ra "Sự Tái Sinh Nhất Thời" nầy đặng phá y . . . Họ có thể gởi một hình tư tưởng mà họ đã tính toán kỹ lưỡng trước cách nào, đặng cho hình nầy thêm sức hoạt động phi thường cho những hình bóng đang hấp hối của người chí nguyện nầy với mục đích nhất định là cản trở bước đường của y, mặc dầu trước đây sự cám dỗ nầy không còn ảnh hưởng gì đối với y .

Một lần nữa sự khó khăn sẽ chấm dứt khi người ta biết rằng những tư tưởng nầy nhờ sức ở bên ngoài truyền vào, chớ không phải sức ở bên trong và con người có thể nói một cách thản nhiên với bọn chúng như vầy: "Các ngươi không phải thuộc về của ta đâu, các ngươi không phải là những thành phần của ta, sự sống của các ngươi không phải do tư tưởng của ta cung cấp. Chẳng bao lâu đây các ngươi sẽ chết mất và không còn phương thế nào tái sinh nữa được và trong khi chờ đợi, các ngươi chỉ là ma quái, những hình bóng, xưa kia là những kẻ thù nghịch với ta".

 

15.  THỜI GIAN LÀ MỘT NHÀ ĐẠI PHÙ TH ỦY

Một nguồn cội khác sản xuất không biết  bao nhiêu sự ưu tư phiền muộn, ấy là Thời Gian, một nhà Đại Phù Thủy, một nhà có biệt tài sinh ra ảo tưởng.

Nó bắt buộc chúng ta có cái cảm giác vội vàng và lo âu bằng cách cải trang sự sống duy nhất của chúng ta với những lớp màn gọi là những Kiếp Sinh và Kiếp Tử.

Kẻ chí nguyện kêu lên một tiếng não lòng: "Tôi có thể đi đến đâu bây giờ? Tôi có thể thực hiện được sự tiến bộ nào trong đời sống hiện tại ?". Đây là câu trả lời: "Không có kiếp sống hiện tại đâu. Chỉ có một Kiếp Sống Duy Nhất mà thôi, nó gồm kiếp quá khứ và kiếp vị lai với những lúc luôn luôn thay đổi làm ra chỗ gặp gỡ của chúng nó. Tương lai là sự dự tính trước, là tưởng tượng; dĩ vãng hay là quá khứ, là ký ức. Theo nghĩa đó, chúng ta không bao giờ nhìn thấy dĩ vãng và tương lai; chúng nó vô hình và nó bé như khoảng đất của chúng ta đang đứng đây [5].

Chỉ có một Kiếp Sống Duy Nhất mà thôi: vô thủy, vô chung, vô niên kỷ, vô thời hạn và những phân chia độc đoán mà chúng ta đặt để cho nó tùy theo những việc xảy ra bất ngờ của sự Sinh, Tử, Tồn, Vong luôn luôn tái diễn mãi, vốn gạt gẫm chúng ta và làm cho chúng ta thất vọng.

Đó là vài cạm bẩy mà Bản ngã thấp thỏi làm ra để gài Chơn Ngã bởi vì nó muốn dùng bạo lực để cầm giữ Chơn Ngã trường tồn bất diệt đang kiếm thế cất cánh bay đi đặng tránh xa những con đường bùn lầy của nó.

Con chim Phong Điểu nầy (cũng gọi là chim Thụy Hồng: oiseau de paradis), khi lông cánh của nó bắt đầu mọc ra thì đẹp lắm, đẹp cho đến nỗi những quyền lực của Thiên Nhiên đều kính yêu nó và gài bẩy để đặng bắt nhốt nó; mà trong những cạm bẩy đó chỉ có thời gian là tinh tế hơn tất cả.

 

16. CHỚ NÊN CHÁN NẢN DẦU RẰNG GẶP CHƠN LÝ RẤT TRỂ

TRONG LÚC TUỔI GIÀ

  Chỉ khi nào thấy Chơn Lý đến rất muộn trong lúc tuổi cao tác lớn thì con người mới đâm ra vô cùng chán nản về Thời Gian. Người ta nói: "Tôi đã già quá rồi để bắt đầu học tập, phải chi tôi biết điều đó khi tôi còn thơ". Nhưng mà con đường vẫn duy nhất cũng như Sự Sống vẫn duy nhất, ấy cũng chỉ là con đường phải đi theo trong đời sống và con người phải tiến bước trên con đường đó. Mà dầu con người đã trải qua một khoảng nào của con đường nầy hay là chưa đi đến đó, trong một giai đoạn đặc biệt của đời sống, thiết tưởng điều nầy cũng không quan hệ. Ví như A và B, phải xem xét lần thứ nhất thực tại của những sự vật trong vòng hai năm, thì cũng không hề chi nếu trong lúc đó A là một ông già 70 tuổi còn B là một thanh niên mới có 20 xuân. A sẽ tái sinh và sẽ bắt đầu làm việc lại, còn B thì càng ngày càng già. Cả hai đều phải trải qua nhiều lần nữa trong những thời kỳ: ấu xuân, thanh niên và già nua của xác thân, trong lúc họ đi hành hương trên những giai đoạn cao siêu của con đường đời.

Như chúng ta đã nói, nếu một vị lão thành khởi sự trễ trong đời của mình để học hỏi những chơn lý của Minh Triết cổ truyền thì ông nên thốt ra những lời sau nầy: "Nhờ những sự hiểu biết Chơn Lý mà tôi có thể xây dựng kiếp sau của tôi trên một nền tảng vững chắc nào ? Chớ không phải than thở về tuổi tác và lập đi lập lại mãi câu: "Trong thời gian ngắn ngủi còn lại cho tôi cái điều tôi sẽ  làm được thật  là ít quá".

Chúng ta không phải là nô lệ của thời gian chỉ trừ khi nào chúng ta chịu khuất phục dưới bạo quyền độc đoán của nó và khi chúng ta để nó bịt mắt chúng ta với những tấm vải băng của sự Sinh và sự Tử.

Chúng ta luôn luôn là chúng ta và chúng ta có thể đi tới trước, xuyên qua những ánh sáng và những bóng tối do ngọn đèn thần của nó làm ra trên kiếp sống, nhưng mà không khi nào nó làm cho Sự Sống già đi được.

Tại sao người ta họa hình các vị Thiên Đế luôn luôn tươi trẻ mãi nếu chẳng phải là để nhắc nhở chúng ta rằng: Đời Sống thật sự không bao giờ bị ảnh hưởng của Thời gian. Chúng ta mượn một chút khí lực và sự yên tĩnh của Vô Thủy Vô Chung khi chúng ta tìm phương kế sống ở trong cảnh đó và thoát khỏi lưới rập của vị Đại Phù Thủy là thời gian.

 

17.  KẾT LUẬN –  PHẢI TÍN NHIỆM ĐỊNH LUẬT,

 MỘT Ý CHÍ CƯƠNG QUYẾT SẼ CHIẾN THẮNG TẤT CẢ

Khi kẻ chí nguyện cố gắng lên cao thì sẽ có những sự khó khăn khác xuất hiện trên con đường của y vượt qua. Nhưng mà ý chí cương quyết, một tấm lòng tận tụy nhờ Đức Minh Triết soi sáng, sẽ chiến thắng tất cả và sẽ giúp kẻ chí nguyện đạt được mục đích tối cao. Tín nhiệm Định luật là một trong những bí quyết của sự yên tịnh; phải trông cậy vào Định luật bất cứ lúc nào, nhất là khi tăm tối hiện đến. Một linh hồn đang hy vọng không hề mất cơ hội để tiến lên; một linh hồn yêu thương không bao giờ bị bỏ rơi. Những sự khó khăn chỉ có, là để cho chúng ta vượt qua và để tăng sức mạnh của chúng ta và chỉ những kẻ ấy mới có thể cứu độ thế gian, những kẻ đã đau khổ và đang yêu thương.
 

HẾT


 CHÚ THÍCH

[1] Nếu có thể, quí bạn nên đọc quyển “Etude sur la conscience” (Khảo cứu về Tâm thức) của bà A. Besant nhất là từ chương thứ VI. La monade à l’œuvre (Chơn thần hoạt động) tới chót th́ hiểu được bài nầy dễ dàng.

[2] Sau khi con người bỏ xác, con người sẽ về cõi Trung Giới một ít lâu rồi lên cõi Thiên Đàng để đồng hóa những sự học hỏi và những sự kinh nghiệm của mình. Thời gian ở tại cõi Thiên Đàng lâu hay mau tùy theo cái Trí mở mang và hoạt động nhiều hay ít.

[3] Về câu nầy, một vị Đại Sư Huynh có giải nghĩa cho tôi nghe như vầy: "Câu tiếng Anh đề cập đến sự xung đột giữa Cái Ta đầy dục vọng và Cái Trí giác ngộ do Chơn Ngã cao cà tức là Con Người Trường Tồn.

          Chúng ta có những xu hướng di truyền từ một dĩ vãng xa xăm. Đó là những thú tánh nơi con người và chúng cứ bênh vực phàm ngã, mà phàm ngã nầy được xem như là một ông vua (vì nó mạnh quá). Đó là Phàm ngã thấp hèn. Câu Anh văn nguyên bản như vầy: “The long inheritance of the past is on the side of the monarch, it would discrown”. "Sự di truyền lâu dài đứng về phía ông vua (bạo chúa). Đại danh từ "it", phải làm cho vị chúa đó mất ngôi báu. IT = CÁI KIA đây là CÁI TRÍ ĐÃ ĐƯỢC GIÁC NGỘ, cái Trí nầy muốn đánh đổ ông vua, nghĩa là làm cho ông mất ngôi, mất địa vị, nhưng mà những di truyền của dĩ vãng cứ bênh vực ông Vua. Sự chiến đấu nầy cứ tiếp tục không biết bao nhiêu kiếp . . . "

[4] Vì những lẽ nầy mà Bà Blavatsky thường nói: "Hãy coi chừng: Sẽ có những thây ma sống dậy".

[5] Tôi dịch câu nầy theo lời giải thích của một vị Sư Huynh. Tôi lấy nghĩa của nó chớ không dịch theo nguyên văn.

 


trang nhà l trang sách l bản tin l thiền học l tiểu sử l trang thơ l h́nh ảnh l bài vở