trang nhà l trang sách l bản tin l thiền học l tiểu sử l trang thơ l hình ảnh  l bài vở   

 

 

TÍNH ĐƠN NHẤT

LÀM NỀN TẢNG CHO MỌI TÔN GIÁO

 

Trích Chương Dẫn nhập của quyển MINH TRIẾT CỔ THỜI

 

Tác giả ANNIE BESANT

 


thủy trúc

 

TỰA  CỦA QUYỂN MINH TRIẾT CỔ THỜI

 

Quyển sách này có mục đích trao tặng cho độc giả thông thường một bản toát yếu giáo lý Thông Thiên Học, đơn giản đúng mức để phục vụ cho môn sinh sơ cấp, và đầy đủ đúng mức để đặt một nền tảng lành mạnh cho việc tìm hiểu thêm nữa. Hi vọng rằng nó có thể được dùng làm tài liệu dẫn nhập vào các tác phẩm thâm thúy hơn của H. P. Blavatsky và thuận tiện cho việc dọn đường nghiên cứu chúng.

Những ai đã học chút ít về Minh Triết Cổ Thời đều biết được sư giác ngô, sư yên bình, sư hoan hỉ, sư dũng mãnh, và là những bài học mà nó mang lại cho cuộc đời của họ.

Mong sao quyển sách này có thể thu phục một số người tâm đắc với  giáo huấn của nó và chứng minh cho họ giá trị của giáo lý đó. Ðây chính là lời cầu nguyện mà nó nhắn gởi cho thế giới.

 

Tháng Tám, 1897                                                                  Annie Besant

 

 


 

 

Muốn có cư xử đúng thì cần phải có tư tưởng đúng, muốn sống đúng thì cần phải có hiểu biết đúng đắn, và Minh triết Thiêng liêng - cho dù ta gọi nó bằng danh xưng Bắc Phạn cổ truyền Brahma Vidyà, hay danh xưng Hi Lạp hiện đại Theosophia, Theosophy - tức khắc xuất hiện ra trước thế gian với cương vị là một triết thuyết thỏa đáng, một nền luân lý và tôn giáo bao gồm tất cả. Trước kia một người sùng tín đã nhận định về các Thánh kinh Thiên Chúa giáo rằng chúng bao hàm những chỗ cạn mà một đứa trẻ có thể lội qua và những chỗ sâu mà một người khổng lồ ắt phải bơi qua. Người ta có thể phát biểu tương tự như vậy về Thông Thiên Học vì một số giáo lý của nó thật đơn giản và thực tế đến nỗi mà bất cứ người nào có trí thông minh trung bình đều có thể hiểu được và tuân theo chúng, trong khi một số giáo lý khác lại cao siêu và thâm thúy đến nỗi mà kẻ có tài nhất cũng phải căng trí óc ra mới dung nạp được chúng và rồi kiệt sức khi đắm chìm vào trong nỗ lực đó.

Trong quyển sách này, người ta thử ra sức trình bày Thông Thiên Học cho độc giả một cách đơn giản và rõ ràng, sao cho tác phẩm sẽ truyền đạt các nguyên lý và chân lý tổng quát của Thông Thiên Học vốn tạo thành một quan niệm mạch lạc về vũ trụ; tác phẩm này cũng sẽ trình bày tỉ mỉ vì cần thiết để hiểu được những mối quan hệ giữa các nguyên lý và chân lý này với nhau. Một sách giáo khoa sơ cấp không thể giả vờ trình bày trọn cả kiến thức mà người ta có thể thu đạt được từ các tác phẩm bí hiểm hơn, nhưng nó phải để lại cho môn sinh những ý tưởng cơ bản rõ ràng về đề tài của y. Quả thật còn nhiều điều phải thêm vào khi y nghiên cứu nữa trong tương lai, nhưng chẳng có bao nhiêu điều phải bị loại trừ khỏi tầm học thức của mình. Môn sinh có thể tô vẽ thêm những chi tiết của việc khảo cứu sâu xa hơn nữa để bổ sung cho bản phác họa mà một quyển sách như thế được trình bày.

Mọi phe phái đều công nhận rằng việc khảo sát các tôn giáo lớn trên thế giới cho thấy rằng các tôn giáo này có chung nhau nhiều ý niệm tôn giáo, luân lý và triết học. Nhưng trong khi mọi người đều công nhận sự kiện này, thì việc giải thích nó lại là một vấn đề còn phải tranh cãi. Một số người khẳng định rằng các tôn giáo đã lớn lên trên mảnh đất "sự ngu dốt của con người" mà óc tưởng tượng đã cày xới lên và chúng đã được dần dần trau chuốt từ các dạng thô thiển là thuyết duy linh và bái vật giáo. Việc chúng giống nhau được cho là do người ta quan sát các hiện tượng phổ quát trong tự nhiên một cách bất toàn và giải thích chúng một cách hoang đường; sự kính ngưỡng tinh tú và mặt trời là chìa khóa vạn năng đối với trường phái này, còn sự kính ngưỡng tượng dương vật lại cũng là chìa khóa vạn năng đối với trường phái khác. Sự sợ hãi, lòng ham muốn, sự ngu dốt và sự kinh ngạc khiến cho kẻ dã man nhân cách hóa các công năng của Tự Nhiên, thế là các giáo sĩ  bèn lợi dụng những nỗi khủng khiếp và niềm hi vọng, những điều hoang tưởng mù mờ và những thắc mắc hoang mang của họ. Các thần thoại trở thành các thánh kinh, các biểu tượng trở thành các sự kiện, và vì cơ sở của chúng vốn đại đồng cho nên tất yếu là các sản phẩm phải giống nhau.

Các tiến sĩ "Thần học Đối chiếu" nói như thế, và những người chất phác đành làm thinh nhưng chẳng hề bị thuyết phục bởi một tràng bằng chứng đó. Họ không thể chối bỏ sự giống nhau, nhưng họ lờ mờ cảm thấy rằng: Chẳng lẽ mọi hi vọng thân thương nhất và mọi điều tưởng tượng cao quí nhất của con người té ra chỉ là hậu quả của những điều hoang tưởng ngông cuồng và sự ngu dốt mò mẫm hay sao ? Chẳng lẽ các vị đại lãnh tụ của nhân loại, các vị thánh tử vì đạo và các bậc anh hùng của loài người, lại sống, làm việc, đau khổ và bị lừa gạt đến chết, chỉ vì các điều nhân cách hóa những sự kiện thiên văn học và những trò tục tĩu trá hình của bọn mọi rợ hay sao ?

Lời giải thích thứ nhì về việc "các tôn giáo trên thế giới đều có cùng một tính chất chung nhau" khẳng định rằng có tồn tại một giáo lý nguyên sơ dưới sự chưởng quản của một giáo đoàn các bậc Đại Đạo Sư. Các Ngài vốn là kết quả của các chu kỳ tiến hóa đã qua, các Ngài đóng vai trò giáo huấn và dẫn dắt nhân loại ấu trĩ trên hành tinh chúng ta, lần lượt ban cho các giống dân và quốc gia trên địa cầu những chân lý cơ bản về tôn giáo dưới dạng thích ứng nhất với các đặc tính không giống ai của kẻ tiếp thu. Theo quan điểm này, các vị sáng lập ra các tôn giáo lớn đều là thành viên của một giáo đoàn duy nhất; sứ mệnh của các Ngài có được sự trợ giúp của nhiều thành viên khác vốn là thuộc cấp của các Ngài, các Điểm Đạo đồ và đủ mọi cấp đệ tử lỗi lạc về mặt giác ngộ tâm linh, về tri thức triết học hoặc về mặt trong sạch của minh triết đạo đức. Các Ngài hướng dẫn những quốc gia non trẻ, khai hóa chúng, ban hành luật lệ cho chúng; cai trị chúng trên cương vị là các quốc vương; dạy dỗ chúng trên cương vị là các triết gia; dìu dắt chúng trên cương vị là các giáo sĩ. Mọi quốc gia thời xưa đều hoài niệm những con người dũng mãnh, bán thần linh và anh hùng như thế; các Ngài còn lưu lại di tích của mình trong văn chương, kiến trúc và việc lập pháp.

Việc có những người sống như thế dường như khó lòng chối bỏ được khi ta đứng trước truyền thống đại đồng thế giới, đứng trước các Thánh kinh vẫn còn tồn tại, và đứng trước các di tích thời tiền sử mà ngày nay phần lớn đã hoang tàn, chứ đừng nói tới những bằng chứng khác mà kẻ vô minh ắt bác bỏ. Các Thánh kinh Đông phương là bằng chứng hùng hồn nhất về tính vĩ đại của các tác giả; đó là vì thời sau này hoặc hiện đại cũng chẳng mấy ai thậm chí có thể tiếp cận được mức độ cao thượng tâm linh trong tư tưởng tôn giáo của các Ngài; mức độ rạng rỡ trí tuệ trong triết lý của các Ngài; mức độ rộng rãi và trong sạch trong đạo lý của các Ngài ? Và khi ta thấy rằng những tác phẩm này bao hàm các giáo lý về Thượng Đế, con người và vũ trụ, đồng nhất về bản chất mặc dù muôn màu muôn vẻ, thì dường như cũng chẳng có gì là phi lý khi ta qui chúng về một tập thể giáo lý trung ương sơ cấp. Ta gọi tập thể đó là Minh Triết Thiêng Liêng. Dưới dạng tiếng Hi Lạp là Theosophia, Theosophy - Thông Thiên Học.

Trên cương vị là cội nguồn và nền tảng của mọi tôn giáo thì nó không thể đối nghịch với bất kỳ tôn giáo nào, nó quả thật là tinh lọc chúng, tiết lộ ý nghĩa nội tại vô giá của nhiều điều vốn đã trở nên ác hại xét theo cách trình bày bên ngoài do sự bại hoại vô minh và những điều thêm thắt mê tín dị đoan. Nhưng nó tự nhận ra và bảo vệ minh triết ẩn tàng nơi mỗi tôn giáo và tìm tòi trong mỗi tôn giáo để phát hiện minh triết ẩn tàng trong đó. Khi đã trở thành một người Thông Thiên Học, người ta không cần từ bỏ địa vị là một tín đồ Thiên Chúa giáo, Phật giáo, Ấn Độ giáo, người ta đòi hỏi chỉ giác ngộ sâu sắc thêm nữa về đức tin của chính mình, nắm vững hơn nữa về các chân lý tâm linh và hiểu biết rộng rãi hơn nữa về các giáo lý linh thiêng của nó. Cũng như Thông Thiên học thời xưa đã khai sinh ra các tôn giáo; cũng vậy, Thông Thiên học thời nay lại biện minh và bảo vệ các tôn giáo. Thông Thiên học là tảng đá mà mọi tôn giáo đều được đẽo gọt ra từ đó, là đáy hố mà mọi tôn giáo đều được đào bới lên từ đó. Đứng trước phiên tòa chỉ trích của trí năng nó biện minh cho những ao ước và xúc cảm sâu kín nhất trong tâm hồn con người; nó nghiệm đúng những niềm hi vọng của chúng ta dành cho con người; nó trả lại cho chúng ta niềm tin cao quí về Thượng Đế.

Sự đúng đắn của phát biểu này trở nên càng ngày càng hiển nhiên khi ta nghiên cứu đủ thứ Thánh kinh trên thế giới, và chỉ cần một ít điều tuyển chọn từ kho tài liệu sẵn có cũng đủ xác lập sự kiện này và hướng dẫn môn sinh mưu tìm sự kiểm chứng thêm nữa. Các chân lý tâm linh chính yếu của tôn giáo có thể được tóm tắt như sau:

1) Có một Bản Thể Tồn Tại chân thật vĩnh hằng, vô hạn, không thể nhận biết được.

2) Từ Cái Đó nảy sinh ra Thượng Đế biểu lộ, triển khai từ nhất nguyên sang nhị nguyên, từ nhị nguyên sang tam nguyên.

3) Từ Tam nguyên biểu lộ sinh ra nhiều Đấng Thông Tuệ tâm linh, hướng dẫn trật tự vũ trụ.

4) Con người là một phản ánh của Thượng Đế biểu lộ, và do đó cơ bản nó là một tam nguyên. Chơn Ngã nội giới của y vốn vĩnh hằng và đồng nhất thể với Đại Ngã của vũ trụ.

5) Cuộc tiến hóa của y - bằng cách lâm phàm đi lâm phàm lại, y bị dục vọng lôi cuốn vào trong cuộc tiến hóa đó, và y được giải thoát khỏi cuộc tiến hóa đó nhờ vào kiến thức và sự hi sinh - trở nên thiêng liêng về mặt uy lực vì y bao giờ cũng thiêng liêng về mặt tiềm năng.

Thời xưa, Trung quốc - với nền văn minh hiện nay đã bị hóa thạch - là nơi cư ngụ của người Turan, phân chủng thứ tư của giống dân Chánh thứ tư, giống dân đã cư trú nơi lục địa bị mất tích (Châu Atlantis) và hậu duệ của giống dân này rải rác trên khắp thế giới. Sau này, người Mông Cổ, phân chủng cuối cùng của Giống Dân Chánh thứ tư, củng cố dân số của mình, sao cho ở Trung Quốc, chúng ta có các truyền thống từ thời xưa, trước khi Giống dân thứ năm (Giống dân Aryan) định cư ở Ấn Độ. Trong Thanh Tịnh kinh, chúng ta có một trích đoạn của một Thánh kinh cổ truyền tuyệt vời, toát ra tinh thần ung dung và bình dị vốn đặt trưng cho "giáo lý nguyên sơ". Ở nhận xét dẫn nhập cho bản dịch của mình [1], ông Legge nói rằng bộ khảo luận này:

 "Được gán cho là của Ko Yuan (hoặc Hsuan) một Đạo gia đời Wù (222-227 sau Công Nguyên), ông đã đi vào huyền thoại vì đã đạt tới trạng thái Bất Tử và thường được gọi là Đấng Bất Tử. Ông được tượng trưng như là một người làm ra phép lạ, một kẻ ham mê say sưa và có cung cách quái gở. Khi có dịp bị đắm tàu, ông ngoi lên từ dưới nước, quần áo khô queo và thung dung bước trên mặt nước. Cuối cùng ông thăng thiên giữa thanh thiên bạch nhật. Tất cả những điều tường thuật này chắc hẳn sẽ bị người đời sau này gán cho là chuyện tưởng tượng".

Những câu chuyện như thế được lập đi lập lại khi nói về các cấp Điểm Đạo đồ khác nhau, và tất nhiên không hề là "chuyện tưởng tượng", nhưng ta quan tâm hơn tới chính lời tường thuật của Ko Yuan về tác phầm này :

Khi Tôi đạt Chân Đạo thì tôi đã tụng kinh này 10.000 lần. Đây là Điều mà các Đấng Thánh linh trên Trời thực hành và đã không thông tri cho các học giả nơi hạ giới này. Tôi được Đấng Đông Hoa Đế Quân truyền lại cho kinh ấy, Ngài được Đấng "Kim Môn Thánh Vương" truyền lại nó; còn "Kim Môn Thánh Vương" được "Tây Vương Thánh Mẫu" truyền lại.

Thế mà "Kim Môn Thánh Vương" lại là tước vị của bậc Điểm Đạo đồ trị vì đế quốc Toltec ở châu Atlantis; việc dùng tước vị này gợi ý rằng Thanh Tịnh kinh được mang từ Trung quốc tới đó khi người Turan tách rời khỏi người Toltec. Ý tưởng này được củng cố qua nội dung của bộ khảo luận ngắn gọn vốn bàn về Đạo - nghĩa đen là "Con Đường" - danh xưng biểu thị Thực Tại Duy Nhất trong tôn giáo cổ truyền của người Turan và Mông Cổ. Chúng ta đọc thấy:

"Đại Đạo không có hình tướng, nhưng Nó tạo ra và nuôi dưỡng trời đất. Đại Đạo không có tham dục, nhưng Nó khiến cho mặt trời và mặt trăng xoay vòng. Đại Đạo không có tên gọi, nhưng Nó khiến cho vạn vật tăng trưởng và được duy trì (i,1)

 Đây chính là Thượng Đế biểu lộ trên cương vị là nhất nguyên, nhưng nhị nguyên chợt xảy ra:

"Thế thì Đạo (lại biểu hiện thành hai dạng) Thanh và Trược, và có (hai trạng huống) Động và Tịnh. Trời thanh, còn Đất trược; Trời động, còn Đất tịnh. Nam thanh, nữ trược; Nam động, Nữ tịnh. Gốc rễ (Thanh) giáng xuống, còn kết quả (Trược) chảy ra ngoài, và vạn vật được tạo ra như thế đó. (i, 2)."

Đoạn này đặc biệt thú vị vì ám chỉ các khía cạnh chủ động và tiếp nhận của Tự Nhiên, sự phân biệt giữa Tinh Thần (Đấng sinh thành) và vật chất, (Đấng bảo dưỡng), thật quen thuộc xiết bao trong các tác phẩm sau này.

Trong Đạo Đức Kinh, giáo lý về Đấng Vô hiện và Đấng Biểu hiện lộ ra rất rõ rệt.

"Đạo mà ta có thể bước trên đó không phải là Đạo bền vững và bất biến. Danh mà ta có thể gọi tên không phải là Danh bền vững và bất biến. Khi vô danh, nó là Đấng sanh hóa ra trời đất; khi hữu danh, nó là Mẹ của vạn vật . . .  Khi xét theo hai khía cạnh này thì nó thực sự là như nhau, nhưng khi sự phát triển diễn ra thì nó nhận được các tên gọi khác nhau. Chúng ta gọi chung hết thảy là Huyền (i, 1, 2, 4).

Điều này ắt nhắc nhở các môn sinh Kabalah nhớ tới một trong các Thánh danh, "Điều Huyền Nhiệm Ẩn khuất". Lại nữa :

 "Có một điều gì đó vô định và hoàn chỉnh, bước vào tồn tại trước khi khai thiên tịch địa. Thế mà nó vẫn còn tồn tại, vô hình, cô độc, bất di bất dịch, hiện diện khắp nơi và chẳng hề có nguy cơ (bị tuyệt diệt). Ta có thể coi nó là Mẹ của vạn vật. Tôi không biết tên nó, tôi bèn gọi nó là Đạo. Khi ra sức định danh nó, tôi gọi nó là Đại, vì là Đại cho nên nó qua đi (lưu chuyển không ngừng). Khi qua đi, nó trở nên xa xôi. Sau khi đã trở nên xa xôi, nó bèn trở lại (xxv, 1-3).

Thật là rất thú vị khi ta thấy ở đây ý tưởng Sự Sống Nhất Như ra đi và trở lại mà chúng ta quen thuộc xiết bao trong kho tài liệu Ấn Độ. Câu thơ sau đây cũng dường như là quen thuộc :

"Vạn vật dưới bầu trời phát sinh từ Nó với tư cách là điều tồn tại (và hữu danh); sự tồn tại đó phát sinh từ Nó với tư cách là điều không tồn tại (và vô danh) (xl, 2).

Một vũ trụ có thể trở thành Cái Đó, Đấng Vô hiện phải sinh ra Đấng Nhất Như vốn là cội nguồn của nhị nguyên và tam nguyên :

 "Đạo sinh Nhất, Nhất sinh Nhị, Nhị sinh Tam, Tam sinh vạn vật. Vạn vật lưu lại Bóng Tối (chúng đã xuất phát từ đó) và tiến tới ôm trọn Sự Sáng (chúng đã xuất lộ vào trong đó), trong khi mà chúng được Thần khí Hư không làm cho hài hòa (xlii, 1)".

"Thần khí Không gian" ắt là một từ dịch thuật sát hợp hơn. Vì tất cả đều được tạo ra từ Nó, cho nên Nó tồn tại trong tất cả.

"Đại Đạo thấm nhuần vạn vật. Ta có thể tìm thấy nó ở bên trái và bên phải. . . Nó phủ lên vạn vật một tấm áo khoác, và không tỏ vẻ là chúa tể của chúng; - Nó có thể được gọi tên nơi các sự vật nhỏ nhất. Vạn vật đều trở về (gốc rễ của mình và biến mất) và không biết rằng chính Nó chủ trì việc chúng làm như thế;  -  Nó có thể được gọi tên nơi các sự vật lớn nhất (xxxiv, 1, 2)".

Trang Tử (thế kỷ thứ tư trước công nguyên), khi trình bày về các giáo lý cổ truyền, có đề cập tới các Đấng Thông Tuệ tâm linh xuất phát từ Đạo:

"Nó có gốc rễ và cơ sở (tồn tại) nơi Bản Thân. Từ xa xưa, trước khi khai thiên tịch địa, Nó đã tồn tại vững chắc ở đó. Từ Nó phát sinh ra sự tồn tại huyền nhiệm của các chơn linh. Từ Nó phát sinh ra sự tồn tại huyền nhiệm của Thượng Đế (quyển vi, Phần i, tiết vi, 7)"

Tiếp theo đó là một số hồng danh của các Đấng Thông Tuệ này, nhưng người ta thừa biết những thực thể như thế đóng một vai trò quan trọng trong nền tôn giáo Trung quốc đến nỗi mà ta cũng chẳng cần tăng thêm gấp bội các điều trích dẫn về chúng.

Con người được coi là một tam nguyên. Ông Legge nói Đạo giáo thừa nhận nơi y có tinh thần, tâm trí và thể xác. Sự phân chia này lộ rõ ra trong Thanh Tịnh kinh qua giáo lý cho rằng con người phải diệt dục để đạt tới mức hợp nhứt với Đấng Nhất Như:

 "Thế mà tinh thần con người lại thích sự thanh tịnh, còn tâm trí y lại làm cho nó bị phiền nhiễu. Tâm trí con người thích sự tịch lặng, nhưng các ham muốn của y lại lôi kéo nó đi. Nếu y bao giờ cũng có thể tống khứ các ham muốn của mình, thì bản thân tâm trí y ắt trở nên tịch lặng. Mong sao tâm trí y trở nên trong sáng, và bản thân tinh thần y trở nên thanh tịnh. Sở dĩ con người không thể đạt được điều này là vì tâm trí họ chưa được tẩy trược và dục vọng họ chưa bị tống khứ đi. Nếu người ta có thể tống khứ các ham muốn đi thì bấy giờ khi y nhìn vào tâm trí mình, nó không còn của y nữa; khi y nhìn ra cơ thể mình, nó không còn của y nữa, và khi y nhìn ra xa hơn nữa nhắm vào các sự vật ngoại tại, thì đó là những sự vật mà y chẳng dính dáng gì tới". (i, 3, 4)"

Thế rồi, sau khi trình bày các giai đoạn rút về "tình trạng tịch lặng hoàn toàn", nó tự hỏi:

"Trong tình trạng yên tịnh một cách độc lập với nơi chốn ấy, làm sao mà bất cứ dục vọng nào lại có thể nảy sinh ra được ? Và khi không còn có sự ham muốn nào nữa thì mới có sự tịch lặng và yên nghỉ chân thực. Sự (tịch lặng) chân thực đó trở thành phẩm tính thường hằng, và đáp ứng với các sự việc bên ngoài (mà không sai lầm); thật vậy, phẩm tính chân thực và thường hằng đó chiếm hữu được bản chất tự nhiên. Trong sự đáp ứng thường hằng và tịch lặng thường hằng như thế mới có sự thanh tịnh và yên nghỉ thường hằng. Kẻ nào có được sự thanh tịnh tuyệt đối này dần dần nhập vào (sự linh ứng của) Chân Đạo (i, 5).

Các từ mà người ta tiếp thêm ("sự linh ứng của") chỉ làm cho ý nghĩa mơ hồ hơn là làm sáng tỏ ý nghĩa, vì việc nhập vào Đạo vốn phù hợp với toàn thể ý tưởng này và với các Thánh Kinh khác.

Đạo giáo cũng chú trọng tới việc diệt dục; một nhà bình luận về Thanh Tịnh kinh nhận xét rằng việc hiểu Đạo tùy thuộc vào sự thanh tịnh tuyệt đối, và :

"Việc đạt sự Thanh Tịnh Tuyệt Đối này hoàn toàn tùy thuộc vào việc Diệt Dục, vốn là bài học thực tế cấp bách của bộ khảo luận này".

Đạo Đức kinh nói:

"Ta phải luôn luôn tỏ ra là vô dục,

  Nếu ta phải dò tìm bí nhiệm thâm sâu của nó;

  Nhưng nếu dục vọng luôn luôn ở bên trong ta,

  Thì ngoại biên của nó ắt là tất cả những gì mà ta sẽ thấy (I, 3)"

Sự luân hồi dường như không được dạy rõ rệt (người ta có thể đã hi vọng như vậy), mặc dù ta tìm thấy một số đoạn văn hàm ý rằng ý tưởng chính yếu được coi là tất nhiên và thực thể được coi như luân hồi qua loài thú cũng như sinh ra làm người. Thế là ta thấy Trang Tử kể một câu chuyện kỳ quặc và minh triết về một người hấp hối mà bạn của người này nói với y:

"Đấng Tạo hóa quả thật là Vĩ Đại ! Thế mà Ngài sẽ khiến cho bạn trở thành gì ? Ngài sẽ đưa bạn đến đâu ? Liệu Ngài sẽ biến bạn thành gan con chuột hay tay chân con côn trùng ? Szelai trả lời : "Một người cha bảo đứa con trai đi bất cứ nơi đâu Đông, Tây, Nam, Bắc thì nó chỉ có việc tuân lệnh. . . Thế mà đây là một thợ đúc vĩ đại, đúc kim loại của mình. Nếu kim loại phải nhảy dựng lên (trong cái bình) và nói rằng: "Tôi phải được làm ra thành (một cây gươm giống như) Moysh", thì người thợ đúc vĩ đại ắt hẳn coi nó là quái gở. Như vậy, lại nữa, khi một hình tướng được tạo hình trong cái khuôn tử cung, thì nếu nó buộc phải nói rằng: "Tôi phải trở thành một con người, tôi phải trở thành một con người", thì Đấng Tạo Hóa ắt hẳn phải coi nó là quái gở. Khi chúng ta đã có lần hiểu ra rằng trời và đất là một lò luyện vĩ đại và Đấng Tạo Hóa là một thợ đúc vĩ đại, thì chúng ta có thể phải đi tới đâu mà chẳng được ? Chúng ta sinh ra như thế từ một giấc ngủ yên lặng và chúng ta chết đi để thức dậy yên bình (quyển VI, Phần I, Tiết VI).

Quay sang Giống dân thứ năm Aryan, chúng ta có cũng giáo lý ấy được thể hiện nơi tôn giáo Aryan lớn nhất và xưa nhất - Bà La Môn giáo. Trong Chhàndoygopanishad có tuyên bố một Tồn tại Vĩnh hằng là "Độc nhất vô nhị" và trong đó có viết rằng:

"Nó muốn rằng Tôi sẽ sinh sôi nảy nở vì ích lợi của vũ trụ"(VI, ii, l, 3).

Thượng Đế Tối Cao, Brahman, gồm có ba Ngôi (Bản thể, Tâm thức, Toàn Phúc) và nghe nói rằng:

"Từ Điều này phát sinh ra sự sống, tâm trí và đủ thứ giác quan, dĩ thái, gió, lửa, nước, đất, nâng đỡ vạn vật" (Mundakopanishad,ii, 3).

Ta chẳng thể nào tìm thấy sự mô tả lớn lao về Thượng Đế ở bất cứ nơi đâu khác hơn là nơi các Thánh kinh Ấn Độ, nhưng chúng đang trở nên quen thuộc đến nỗi mà chỉ cần những đoạn trích dẫn ngắn gọn cũng đủ rồi. Xin quí vị dùng đoạn sau đây làm những đoạn mẫu cho kho tàng châu báu đó.

"Biểu hiện, gần gũi, chuyển động ở chốn bí mật, chỗ trú vĩ đại, mọi vật chuyển động, hít thở và nhắm mắt lại, yên nghỉ nơi đây. Hãy biết Cái Đó phải được tôn thờ, tồn tại và không tồn tại, điều tốt nhất, vượt ngoài tầm tri thức của mọi tạo vật. Sáng chói, tinh vi hơn điều tinh vi, các thế giới và cư dân của các thế giới này được gắn chặt vào đó. Cái Đó là Brahman bất diệt này; Cái Đó cũng là sự sống, tiếng nói và tâm trí . . . Brahman vô nhiễm và bất khả phân ly ở trong lớp vỏ hoàng kim cao siêu nhất; Cái Đó là Ánh Sáng thuần túy của các ánh sáng, mà các thức giả Chơn Ngã biết tới. . . Brahman bất tử ở phía trước Cái Đó, Brahman ở đằng sau, Brahman ở bên phải và bên trái, Brahman ở bên dưới, bên trên và đang thấm nhuần Cái Đó, Brahman này quả thạt là tất cả. Đây là điều tốt nhất (Mundakopanishad, II, ii, 1, 2, 9, 11).

Vượt ngoài vòng vũ trụ Brahman, Đấng Tối Cao, Đấng vĩ đại, ẩn tàng nơi mọi thực thể tùy theo các cơ thể của chúng. Thần Khí nhất như của trọn cả vũ trụ, Đấng Chúa Tể mà người ta biết rằng Ngài là bất tử, Tôi biết Đấng Chơn linh dũng mãnh đó, mặt trời sáng chói vượt ra ngoài bóng tối. . . Tôi biết Ngài là Đấng Bất diệt, Đấng Cổ xưa, Linh hồn của vạn vật, có bản chất hiện diện ở khắp nơi, Đấng mà các thức giả Brahman gọi là bất sinh, là vĩnh hằng (Shvetàshvataropanishad, iii, 7, 8, 21).

Khi không có bóng tối thì không có ngày mà chẳng có đêm, chẳng có hữu thể, chẳng có phi hữu thể, ngay cả khi đó (vẫn có) một mình Shiva; Cái Đó là Đấng bất diệt, Cái Đó được Savitri tôn thờ, minh triết cổ truyền xuất phát từ Cái Đó. Người ta chẳng thể hiểu được Ngài ở trên, ở dưới hoặc ở giữa. Cũng chẳng có sự tương tự nào đối với Đấng mà hồng danh của Ngài là sự vinh quang vô hạn. Hình tướng của Ngài được xác lập chẳng hề nhờ vào thị giác, chẳng hề nhờ vào cặp mắt chiêm ngưỡng Ngài, những kẻ biết Ngài bằng tâm hồn và tâm trí, Ngài vốn ngự nơi tâm họ và họ trở nên bất tử (như trên, iv, 18-20).

Việc con người, xét về Chơn Ngã nội tại, đồng nhất với Chơn Ngã của vũ trụ - 'Tôi là Cái Đó' - là một ý niệm hoàn toàn thấm nhuần mọi tư tưởng Ấn Độ đến nỗi mà người ta thường gọi con người là 'đô thị thiêng liêng của Brahman' [2], 'đô thị chín cổng' [3] Thượng Đế ngự nơi khoang trống trong tim y.

 "Xét về một mặt nào đó ta thấy (Bản thể) vốn không thể chứng minh được, nó vĩnh hằng vô nhiễm, cao siêu hơn thanh khí, bất sinh, là Linh Hồn Vĩ Đại Vĩnh Hằng. . . Đại Hồn bất sinh này cũng giống như điều tồn tại với vai trò là (linh hồn) thông tuệ trong mọi sinh linh, cũng giống như điều tồn tại với vai trò là thanh khí trong tâm [4] : nó yên ngủ nơi y, nó là Đấng Chế ngự vạn vật, Đấng Cai trị vạn vật, Đấng Chúa tể trị vì muôn loài; nó không được các việc thiện làm cho lớn lên, cũng không bị các việc ác làm cho nhỏ đi. Nó là Đấng Cai trị vạn vật, Đấng trị vì muôn loài, Đấng Bảo dưỡng muôn loài, Nhịp Cầu Thông Thương, Đấng Hộ trì các thế giới, sao cho các thế giới này không bị sụp đổ tan tành" (Brihadàranyakopanishad, IV, 20, 22, bản dịch của Tiến sĩ E. Roer).

Khi Thượng Đế được coi là Đấng khai triển vũ trụ thì tính cách tam phân xuất lộ rất rõ ràng trên cương vị là Shiva, Vishnu và Brahmà, hoặc lại nữa trên cương vị là Vishnu ngủ dưới nước, Hoa sen mọc ra từ Ngài, và Brhamà trong Hoa sen. Con người cũng tam phân và trong Màndùkyopanishad có mô tả Chơn Ngã bị hạn chế bởi thể xác, thể tinh vi và thể trí, để rồi vượt lên trên tất cả nhập vào Đấng Nhất Như "bất nhị". Từ Tam vị Nhất thể phát sinh ra nhiều Thần linh có liên quan tới sự quản trị vũ trụ, trong Brihadàrànyakopanishad có nói về chư thần linh như sau:

"Hãy sùng bái Ngài, trời đất, năm tháng (với ngày lại qua ngày) hoàn tất theo Ngài, Ánh Sáng của các ánh sáng, trên cương vị là Sự Sống bất tử" (IV, iv, 16).  

Hầu như ta chẳng cần ngay cả đề cập tới việc Bà La Môn giáo có giảng dạy về sự luân hồi, vì toàn bộ triết lý sống của nó xoay quanh việc Linh hồn hành hương qua nhiều kiếp sinh tử, và ta chẳng thể chọn lấy một quyển sách nào mà chân lý này không được coi là tất nhiên trong đó. Con người bị ràng buọc vào vòng luân hồi vô thường ấy vì có dục vọng, do đó, con người phải giải thoát mình ra khỏi nó nhờ vào sự hiểu biết, lòng sùng tín và sự diệt dục. Khi Linh hồn biết Thượng Đế thì nó bèn được giải thoát [5].  Trí năng được sự hiểu biết tẩy trược bèn nhìn ngắm Ngài [6] .

Sự hiểu biết kết hợp với lòng sùng tín tìm thấy chỗ ngự của Brahman [7]. Bất cứ ai biết được Brahman bèn trở thành Brahman [8]. Khi dục vọng không còn nữa thì kẻ hữu tử trở thành kẻ bất tử và đạt được Brahman [9].

Phật giáo, khi tồn tại dưới dạng Bắc tông, hoàn toàn đồng nhất với các tín ngưỡng cổ xưa hơn, nhưng dưới dạng Nam tông, nó dường như đã bỏ sót ý niệm về Tam vị Nhất thể trên cương vị là Bản thể Nhất như, cội nguồn phát sinh ra chúng. Thượng Đế với biểu lộ tam phân chính là: Thượng Đế Ngôi Một, A Di Đà (Amitabha), Vô Lượng Quang; Thượng Đế Ngôi Hai, Quán thế Âm (Avalokiteshvara) tức Padmapàni (Chenresi); Thượng Đế Ngôi Ba, Văn Thù Sư Lợi (Manjusri), - "đại diện cho minh triết sáng tạo, tương ứng với Brahma" [10]. Xét bề ngoài, Phật giáo Trung hoa không bao hàm ý niệm về một Bản thể nguyên sơ, vượt ngoài tầm Thượng Đế, nhưng Phật giáo Nepal (nêu ra định đề về sự tồn tại của A Đề Phật (Adi-Buddha) vốn là cội nguồn phát sinh ra A Di Đà Phật (Amitabha). Eitel nói rằng Padmapàni là đại diện cho lòng Từ Bi phù hộ của Thượng Đế và tương ứng phần nào với Shiva, nhưng trên cương vị là một ngôi trong Tam vị Nhất thể Phật giáo vốn xạ ra các kiếp lâm phàm, Ngài dường như đúng hơn là tiêu biểu cho ý niệm giống như Vishnu, Ngài có liên kết với Vishnu qua việc cầm Hoa Sen (lửa và nước, tức Tinh thần và Vật chất với vai trò là các thành tố sơ cấp của vũ trụ). Luân hồi và Nhân Quả vốn là những điều cơ bản của Phật giáo đến nỗi mà hầu như cũng chẳng bỏ công khi nhấn mạnh tới chúng, ngoại trừ việc lưu ý tới con đường giải thoát và nhận xét rằng vì Đức Phật lấy xác phàm là một người Ấn Độ giảng đạo cho những người Ấn Độ, cho nên đương nhiên là các giáo lý Bà La Môn cứ được Ngài coi là luôn luôn dĩ nhiên trong khi Ngài dạy đạo. Ngài là người tẩy trược và cải cách tôn giáo chớ không đả phá ảnh tượng tôn giáo; Ngài đả phá những điều mà người ta thêm thắt vào do vô minh, chứ không đả phá những chân lý cơ bản thuộc về Minh triết Cổ thời:

"Những thực thể nào vốn bước trên con đường luật lệ đã được giảng dạy tỉ  mỉ, đều đạt tới bờ bên kia của đại dương sinh tử, vốn thật là khó mà vượt qua (Udànavarga, xxix, 37)"

Dục vọng ràng buộc con người và phải bị dẹp bỏ.

"Đấng Thánh Linh nói: kẻ nào bị dục vọng giam cầm xiềng xích thật là khó mà thoát khỏi chúng. Kẻ kiên cường, vốn không màng tới vui sướng cùa dục vọng, vứt bỏ chúng đi và chẳng bao lâu lên đường (đi tới Niết-Bàn). . . Loài người không hề có các dục vọng trường cửu; các dục vọng này vốn vô thường nơi những người kinh nghiệm chúng; thế thì các bạn hãy tự giải thoát mình khỏi điều không thể trường tồn, và đừng ở nơi chốn tạm trú của sự chết (như trên, ii, 6, 8)."

"Kẻ nào đã tiêu diệt những ham muốn về các sự vật thế tục, sự tội lỗi, những ràng buộc của mắt thịt, kẻ nào đã cắt đứt tận gốc rễ dục vọng, Tôi tuyên bố rằng kẻ đó là một người Bà La Môn (như trên, xxxiii, 68) "

Và một người Bà La Môn là một người "có cơ thể cuối cùng của mình" [11] và được định nghĩa là một người

"nhờ biết được các chỗ ngự (kiếp tồn tại) trước kia của mình, bèn nhận thức được thiên đường và địa ngục, Đấng Muni, người đã tìm ra con đường chấm dứt sinh tử luân hồi (như trên, xxxiii, 55)".

Trong các Thánh kinh Do Thái giáo công truyền, ý niệm về một Tam vị Nhất thể không xuất lộ rõ rệt, mặc dù lưỡng nguyên tính thật là rõ rệt hiển nhiên, và Đấng Thiêng Liêng mà người ta nói tới rõ ràng là Thượng Đế, chứ không phải là Đấng Nhất như Vô hiện:

"Ta là Đấng Chúa Tể và không còn điều gì khác nữa. Ta tạo lập ánh sáng và tạo ra bóng tối; Ta làm thành yên bình và tạo ra điều ác, Ta là Đấng Chúa Tể vốn làm hết thảy các điều này." (Isa, xlvii, 7).

Tuy nhiên, Philo biết được giáo lý về Thượng Đế rất rõ ràng, và chúng ta tìm thấy nó trong Phúc âm thứ tư :

"Thoạt đầu là Ngôi Lời [Thượng Đế], Ngôi Lời ở với Thượng Đế và Ngôi Lời chính là Thượng Đế. . . Vạn vật đều được Ngài tạo ra, và nếu không có Ngài thì chẳng có bất cứ điều gì được tạo ra " (Thánh John, i, l, 3).

Trong kinh Kabalah, giáo lý về Nhất nguyên, Tam nguyên, Thất nguyên, và rồi Vạn Thù, được dạy rành mạch :

"Đấng Cổ xưa trong các vị Cổ xưa,  Đấng Huyền vi trong các vị Huyền vi, có một hình tướng, song cũng không có bất kỳ hình tướng nào. Nó có một hình tướng mà vũ trụ được duy trì thông qua đó. Nó cũng không có bất kỳ hình tướng nào, vì ta không thể hiểu được Nó. Khi Nó khoác lấy hình tướng này trước hết [Kether, Vương Miện, Thượng Đế Ngôi Một] thì Nó để cho bản thân xạ ra chín Ánh Sáng chói lọi [Minh triết và Diệu Âm, cùng với Kether tạo thành Tam nguyên, thế rồi là bảy Sephiroth hạ đẳng]. Nó là Đấng Cổ xưa trong các vị Cổ xưa, Đấng Huyền nhiệm trong các vị Huyền nhiệm, Đấng Huyền vi trong các vị Huyền vi. Nó có một hình tướng vốn thuộc về Nó, vì Nó xuất hiện (thông qua hình tướng này) đến với chúng ta, trên cương vị  là Con người Cổ xưa Vượt trên Tất cả, là Đấng Cổ xưa trong các vị Cổ xưa, và là điều vốn có Đấng Huyền vi nhất trong các vị Huyền vi. Nhưng dù dưới dạng mà Nó biểu hiện ra, song le Nó vẫn còn là Đấng Huyền vi (Qabbalah của Isaac Myer, trích từ Zohar, trang 274, 275).

Myer nêu rõ rằng "hình tướng" không phải là "Đấng Cổ xưa trong Mọi vị Cổ xưa", Ngài chính là Ain Soph.

Lại nữa:

"Ba Ánh Sáng nơi Đấng Thánh Linh Thượng Đẳng vốn kết hợp làm Một; chúng là cơ sở của Thorah, và điều này mở cửa cho tất cả. . . Hãy tới xem đây này ! bí nhiệm của lời nói. Những Ánh Sáng này gồm có ba bậc, mỗi bậc đều tự thân tồn tại, thế nhưng tất cả đều là Một và được kết nút thành Một, chúng cũng không tách rời khỏi nhau. . . Ba bắt nguồn từ Một, Một tồn tại nơi Ba, đó là lực giữa Hai, Hai nuôi dưỡng Một, Một nuôi dưỡng nhiều mặt, như thế Tất Cả là Một (như trên 373, 375, 376).

Không cần nói rằng người Do Thái tin theo giáo lý về nhiều vị Thần linh - "Hỡi Đấng Chúa Tể, trong số các vị Thần linh, ai giống như Ngài ?"[12] - và nhiều vị giáo phẩm phụ trợ, các "Con Thượng Đế", "Thiên thần của Chúa", Mười tập đoàn Thiên thần".

 Về khởi đầu vũ trụ, kinh Zohar dạy rằng:

"Thoạt đầu là Ý chí của Đức Vua, trước khi bất kỳ sự tồn tại nào bước vào hiện hữu do sự phân thân từ Ý Chí Ngài. Nó phác họa và chạm khắc các hình tướng của vạn vật vốn phải được biểu lộ từ tình trạng khuất mắt, hiện ra trong ánh sáng tối cao và chói lòa của Tứ Linh Diệu' (Qabbalah của Myer, trang 194, 195).

Chẳng điều gì có thể tồn tại nếu Thượng Đế không nội tại trong đó; xét về Luân hồi, người ta dạy rằng Linh hồn hiện diện trong Ý niệm thiêng liêng trước khi giáng thế; nếu Linh hồn vẫn còn hoàn toàn thanh tịnh trong khi bị thử thách thì nó sẽ thoát khỏi sự tái sinh, nhưng điều này dường như chỉ là một khả năng lý thuyết, vì người ta bảo rằng:

"Mọi linh hồn đều phải chịu sự luân hồi  (a'leen o'gilgoolah), nhưng người ta chẳng hề biết các đường lối của Đấng Thánh Linh; xin ban phúc cho Nó! họ chẳng biết cách thức mà họ bị phán xét vào bất cứ lúc nào, trước khi họ đến với thế giới này và khi họ đã rời bỏ nó " (như trên, trang 198).

Những vết tích của niềm tin này có ở trong Thánh kinh công truyền của cả Do Thái giáo lẫn Thiên Chúa giáo, cũng như nơi niềm tin Elija sẽ trở lại, và sau này Ngài đã trở về nơi Thánh John Baptist.

Quay sang thoáng nhìn Ai Cập, ta thấy ở đó từ thời thượng cổ đã có Tam vị Nhất thể nổi tiếng: Ra, Osiris-Isis trên cương vị là Thượng Đế Ngôi Hai lưỡng tính, và Horus. Ta ắt nhớ bản tụng ca vĩ đại dành cho Amun-Ra:

"Chư Thần linh cúi đầu trước Đấng Quân Vương bằng cách ngợi ca các Linh hồn của Đấng tạo ra chúng. . . và nói với Người. Nguyện cầu Bình An cho mọi phân thân xuất phát từ vị Cha vô thức của các vị Cha hữu thức của chư Thần linh. . . Người là Đấng Tạo ra muôn loài, chúng con tôn sùng các Linh hồn vốn là phân thân của Người. Người sinh ra chúng con, Hỡi Người, Đấng Huyền vi, và chúng con chào mừng Người qua việc tôn thờ mỗi Linh hồn-Thần linh vốn từ Người giáng xuống và sống với chúng con. (được trích dẫn trong Giáo Lý Bí Truyền iii, 485, Ấn bản 1893; V, 463, Ấn bản Adyar).

Các vị "Cha hữu thức của chư Thần linh" là chư Thượng Đế, vị "Cha vô thức" là Bản thể Nhất như, vô thức không phải trên cương vị là kém hơn mà là vô cùng vượt hơn cái mà chúng ta gọi là tâm thức, một điều hạn hẹp.

Trong những trích đoạn của Tử Thư, ta có thể nghiên cứu các quan niệm về việc Linh hồn người luân hồi, hành hương về phía và rốt cuộc hợp nhất với Thượng Đế. Bản văn giấy cói nổi tiếng của "người sao chép Ani, chiến thắng trong hòa bình", đầy dẫy những nét chấm phá nhắc độc giả nhớ tới các Thánh kinh thuộc các tín ngưỡng khác; cuộc du hành của ông qua Âm phủ, việc ông mong mỏi nhập trở lại vào xác mình (hình tướng mà ông khoác lấy khi luân hồi trong đám người Ai cập), việc ông đồng nhất hóa với Thượng Đế:

"Osiris Ani nói: Ta là Đấng cao cả, con của Đấng cao cả; Ta là Lửa, con của Lửa. . . Ta đã gắn xương mình liền chắc lại, Ta đã làm cho bản thân trọn vẹn và lành mạnh; Ta đã trẻ lại; Ta là Osiris, Đấng Chúa Tể của sự vĩnh hằng" (xliii, I, 4).

Trong phần kiểm lại Tử Thư  của Pierret, ta thấy đoạn văn nổi bật sau đây:

"Ta là thực thể mang nhiều danh xưng huyền nhiệm vốn chuẩn bị cho bản thân có được chỗ ở trong hàng triệu năm. (trang 22). Tâm mà ta có được là do mẹ ta ban cho, tim ta cần thiết cho việc ta tồn tại trên trần thế. . . Tâm mà ta có được là do mẹ ta ban cho, tim ta cần thiết cho việc ta biến hóa (trang 113, 114) ".

Trong Bái hỏa giáo, ta thấy có quan niệm về Bản thể Nhất như, được hình dung là Không gian Vô biên, từ đó phát sinh ra Thượng Đế, Đấng Tạo hóa Aùharmazd:

"Tối thượng về sự toàn tri và tốt lành, vô địch về sự huy hoàng: vùng ánh sáng là nơi chốn của Aùharmazd (Bundahis, Các Thánh thư Đông phương, V. 3, 4: V. 2).

Trước hết người ta tôn vinh Đấng ở nơi Yasna, nghi thức thờ phụng chính yếu của tín đồ Bái hỏa giáo :

"Tôi loan báo và Tôi (sẽ) hoàn thành (việc thờ phụng [Yasna]) của tôi đối với Ahura Mazda, Đấng Tạo Hóa, Đấng chói lọi và vinh diệu, Đấng vĩ đại nhất và tốt nhất, Đấng đẹp nhất (?) (theo quan niệm của chúng ta), Đấng vững chắc nhất, khôn ngoan nhất, và là một trong tất cả mọi Đấng có cơ thể hoàn hảo nhất, Ngài đạt tới cứu cánh của mình một cách đúng đắn nhất, vì trật tự chính trực của Ngài; đối với Đấng chỉnh đốn lại tâm trí chúng ta, ban phát ra xa ân huệ mang lại niềm vui của mình; Đấng tạo ra chúng ta và uốn nắn chúng ta, Đấng nuôi dưỡng và bảo vệ chúng ta, Đấng vốn là Chơn linh hào phóng nhất. (Các Thánh thư Đông phương, xxxi, trang 195, 196).

Bấy giờ, kẻ thờ phụng tỏ lòng kính ngưỡng các Ameshaspends và chư Thần linh khác, nhưng Đấng Thiêng Liêng biểu lộ tối cao, Thượng Đế ở đây không được trình bày là ba ngôi. Cũng giống như đối với người Do Thái, trong tín ngưỡng công truyền có một khuynh hướng quên mất chân lý cơ bản này. May mắn thay, chúng ta có thể truy nguyên giáo lý nguyên sơ, mặc dù về sau nó biến mất ra khỏi tín ngưỡng dân gian. Trong Khảo luận về tín đồ Bái hỏa giáo (người Parsis), (do Tiến sĩ West dịch và tạo thành quyển V trong bộ sưu tập Đông phương của Trubner), Tiến sĩ Haug nêu rõ rằng Ahuramazda - Auharmazd tức Hormazd - là Đấng Tối Cao, và từ Ngài phát sinh ra.

Hai nguyên nhân sơ thủy; mặc dù khác nhau song chúng lại hợp nhất và tạo ra thế giới các sự việc vật chất cũng như là thế giới tinh thần. (trang 303).

Những điều này được gọi là các nguyên nhân sinh đôi và hiện diện ở bất cứ nơi đâu, nơi Ahuramazda cũng như nơi con người. Nguyên nhân này tạo ra thực tại, nguyên nhân kia tạo ra phi thực tại, và trong Bái hỏa giáo sau này, chúng trở thành các Chơn linh đối nghịch thiện và ác. Trong các giáo lý sơ khai, chúng hiển nhiên hợp thành Thượng Đế Ngôi Hai, lưỡng tính là điểm đặc trưng của Ngài.

"Tốt" và "xấu" chỉ là Ánh Sáng và Bóng Tối, Tinh thần và Vật chất, các cặp bài trùng cơ bản của vũ trụ, Hai bắt nguồn từ Một.

Khi phê bình ý niệm sau này, Tiến sĩ Haug nói rằng :

"Đó là ý niệm của Bái hỏa giáo nguyên thủy về hai Chơn linh sáng tạo, vốn chỉ tạo thành hai bộ phận của Bản thể Thiêng liêng. Nhưng theo dòng thời gian, giáo lý này của Đấng giáo chủ vĩ đại bị thay đổi và suy đồi, do hậu quả của những sự hiểu lầm và thuyết giải sai lạc. Spentomainyush ["Chơn linh thiện"] được coi là một danh xưng của chính Ahuramazda; thế rồi dĩ nhiên Angromainyush ["Chơn linh ác"], bằng cách trở nên hoàn toàn tách rời khỏi Ahuramazda, bèn được coi là một đối thủ đều đặn của Ahuramazda; thế là Lưỡng tính Thượng Đế và Ma Quỉ bèn xuất lộ (trang 205)".

Quan điểm của Tiến sĩ Haug dường như được hậu thuẩn bởi Gatha Ahunavaiti mà các "Tổng Thiên thần" ban cho Zoroaster (tức Zarathustra) cùng với các Gàthas khác:

"Thoạt đầu có một cặp bài trùng, hai Chơn linh, mỗi chơn linh có một hoạt động đặc thù; đó là điều tốt đẹp và điều đê hèn. . . Và hai chơn linh này hợp nhất lại tạo thành điều đầu tiên; chơn linh này là thực tại, chơn linh kia là phi thực tại. . . Và để trợ giúp cho cuộc đời này (để tăng cường nó), Armaiti giáng lâm mang tới sự thịnh vượng, điều tốt lành và tâm trí chân chính, bà là Đấng vĩnh hằng, tạo ra thế giới vật chất. . . Mọi sự vật toàn bích được thu thập lại nơi chỗ ở nguy nga của Tâm trí Tốt lành, Đấng Minh Triết và Đấng Công Chính, mà người ta biết là những thực thể tốt nhất. (Yast, xxx, 3, 4, 7, 10; Bản dịch của Tiến sĩ Haug, trang 149-151).

Ở đây, ta thấy ba vị Thượng Đế, Ahuramazda, Thượng Đế Ngôi Một, Sự Sống tối cao; ở nơi và từ nơi Ngài phát sinh ra "cặp bài trùng", Thượng Đế Ngôi Hai; rồi tới Armaiti Tâm trí, Đấng Sáng tạo ra Vũ trụ, Thượng Đế Ngôi Ba [13].

Sau này, Mithra xuất hiện và trong tín ngưỡng công truyền, việc ấy, che khuất chân lý sơ khai trong một chừng mực nào đó. Người ta nói về Ngài như sau :

"Đấng mà Ahura Mazda đã lập nên để duy trì và giám sát mọi thế giới vận động này, Ngài chẳng bao giờ ngủ, tỉnh táo canh gác sự sáng tạo của Mazda" (Mihir Yast.,  xxvii, 103; các Thánh Thư Đông phương, xviii).

Ngài là một Thần linh phụ thuộc, Ánh Sáng Thiên Đường, cũng như Varuna là chính Thiên Đường, một trong các Đấng Thông Tuệ trị vì cao cả. Đấng cao nhất trong số các Đấng Thông tuệ trị vì này, trong đó sáu Ameshaspends, cầm đầu là Tư tưởng Tốt lành Ahuramazda, Vohuman

"Ngài chịu trách nhiệm về toàn thể sự sáng tạo vật chất (Thánh thư Đông phương, V, trang10, chú thích).

Những tác phẩm này - cho đến nay, chúng đã được dịch ra rồi - dường như không dạy về luân hồi, và niềm tin này cũng không thịnh hành trong đám tín đồ Bái hỏa giáo hiện đại. Nhưng chúng ta có tìm thấy ý tưởng về Tinh thần nơi con người với tư cách là một tia lửa vốn phải trở thành một ngọn lửa và phải được tái kết hợp với Lửa Tối Cao, và điều này phải hàm ý một sự phát triển khiến cho cần có sự tái sinh. Chúng ta sẽ chẳng bao giờ hiểu được Bái hỏa giáo chừng nào mà chúng ta còn chưa phục hồi được các Sấm giảng Chaldea cùng với những tác phẩm liên hệ, vì trong đó có gốc rễ chân thực của nó.

Khi du hành về hướng Tây tới tận Hy lạp, ta gặp hệ thống Orpheus, mà ông G.R.S. Mead miêu tả một cách thông thái xiết bao trong tác phẩm Orpheus. U Minh khôn tả Ba lần Huyền vi chính là hồng danh của Bản thể Nhất Như.

"Theo thần học Orpheus, vạn vật bắt nguồn từ một nguyên lý bao la, mà ta gọi tên vì quan niệm của con người thật là ngu ngốc và nghèo nàn, mặc dù nguyên lý này hoàn toàn khôn tả, và trong ngôn ngữ tôn kính của con người Ai cập, đó là một U minh ba lần Huyền vi mà mọi tri thức đều hoàn lại là vô minh khi ta chiêm ngưỡng nó".(Thomas Taylor, trích dẫn trong Orpheus, trang 93).

Từ điều này phát sinh ra "Tam nguyên Sơ thủy", Điều Thiện Vũ trụ, Linh hồn Vũ trụ, Tâm trí Vũ trụ, lại chính là Tam vị Nhất thể Thượng Đế. Ông Mead viết về điều này như sau:

"Tam nguyên sơ khởi, vốn có thể biểu lộ ra đối với trí năng, chẳng qua chỉ là một phản ánh của, hoặc thay thế cho Đấng không thể biểu lộ được, và các bản chất của nó là(a) Điều Thiện, vốn có tính cách siêu cốt yếu (b) Linh Hồn (Linh hồn Thế giới), vốn là một bản chất tự thân vận động (c) Trí năng (tức Tâm trí), vốn là một bản chất không thể truyền đạt được và bất di bất dịch"(như trên, trang 94).

Sau đó, một loạt các Tam nguyên hằng giáng hạ, cho thấy các đặc tính của điều sơ khởi khi làm giảm đi sự huy hoàng mãi đến lúc đạt tới con người, vốn

 Tiềm tàng mang trong mình tổng số và thực chất của vũ trụ. . . "Loài người và chư thần linh là một" (Pindar, vốn là một đệ tử của phái Pythagore, do Clemens trích dẫn, Strom, V, trang 709). . . Như thế con người được gọi là tiểu thiên địa tức tiểu vũ trụ, để phân biệt y với đại thiên địa tức đại vũ trụ (như trên, trang 271).

Y có Nous, (tức tâm trí thực sự), Ngôi Lời (Logos) tức phần thuần lý, Alogos tức phần không thuần lý, cả Logos lẫn Alogos đều lại được tạo lập dưới dạng Tam nguyên, và thế là phô bày cách phân chia thất nguyên còn rắc rối hơn nữa. Con người cũng được coi là có ba hiện thể: thể xác, thể tinh vi và thể quang huy (tức augoeides), đó

là "nhân thể" tức lớp áo nghiệp quả của linh hồn trong đó có tích lũy vận mệnh (hoặc đúng hơn là mọi hạt giống nhân quả quá khứ) của y. Đây là "hồn dây" - đôi khi nó được gọi như vậy - "cái thể" trải từ kiếp này sang kiếp kia (như trên, trang 284).

Còn về phần sự luân hồi :

"Cùng với mọi tín đồ của các Bí pháp ở khắp mọi xứ, tín đồ Orpheus tin vào sự luân hồi" (như trên, trang 292).

Ông Mead làm chứng rất nhiều cho điều này, ông chứng tỏ rằng Plato, Empedocles, Pythagoras và những người khác đã dạy nó. Con người chỉ có thể thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi nhờ vào các đức tính.

Trong những ghi chú về Các tuyển tập tác phẩm của Plotinus, Taylor có trích dẫn Damascius về phần các giáo lý của Plato bàn về Đấng Nhất Như vượt quá Đấng Nhất Như, Bản thể vô hiện :

"Thật vậy, có lẽ Plato dẫn dắt ta - một cách khôn tả - qua Đấng Nhất Như (trên cương vị là một trung gian) tới điều khôn tả vượt quá Đấng Nhất Như vốn là đề tài bàn luận hiện nay. Và điều này được thực hiện một sự cắt xén Đấng Nhất Như cũng giống như ông dẫn dắt tới Đấng Nhất Như bằng cách cắt xén các sự vật khác. Điều vượt quá Đấng Nhất Như được tôn vinh trong sự im lặng hoàn hảo nhất. . . Quả thật là Đấng Nhất Như vốn độc nhất vô nhị; nhưng Đấng Huyền vi vượt quá Đấng Nhất Như là hoàn toàn khôn tả. Đây là điều mà ta thừa nhận là mình chẳng phải biết, cũng chẳng phải không biết, mà tuyệt nhiên chẳng biết. Vì thế, do gần cận với điều này, bản thân Đấng Nhất Như bị mờ tối đi; đó là vì khi gần cận nguyên lý bao la này (tạm gọi như vậy), có thể nói rằng nó vẫn còn ở trong vực thẳm của sự tịch lặng thần bí đích thực. . . Điều sơ khởi vượt trên Đấng Nhất như và vạn vật, vì đơn giản hơn cả hai (trang 341-343).

Các trường phái Pythagore, Platon và Tân Platon có quá nhiều tiếp điểm với tư tưởng Ấn Độ giáo và Phật giáo đến nỗi mà việc chúng phát xuất từ cùng một nguồn cội thật là hiển nhiên. Trong tác phẩm Triết thuyết Số luận (Sàmkhya) (iii, từ trang 85 đến trang 105), R. Garbe có trình bày nhiều điều này, và phát biểu của ông có thể được tóm tắt như sau:

Điều nổi bật nhất là sự giống nhau - hoặc đúng hơn là sự đồng nhất - giữa giáo lý về Đấng Nhất Như trong Áo Nghĩa Thư (Upanishads) với trường phái Eleatus, Giáo lý của Xenophane về tính đơn nhất của Thượng Đế và Càn khôn và tính thường trụ của Đấng Nhất Như, hơn thế nữa, giáo lý của Parmenides (ông chủ trương rằng ta chỉ có thể coi Đấng Nhất Như - bất sinh, bất diệt và hiện diện khắp nơi - là thực tại, còn tất cả những gì đa tạp và vô thường đều chẳng qua là sắc tướng; vả lại Tự Tại và Tư Duy đều như nhau; các giáo lý này hoàn toàn đồng nhất với các nội dung cốt yếu của Áo Nghĩa Thư và triết thuyết Vedanta (vốn bắt nguồn từ Áo Nghĩa Thư). Nhưng ngay cả trước kia nữa, quan điểm của Thales - theo đó vạn hữu bắt nguồn từ Nước - giống một cách kỳ lạ với giáo lý Vaidik, theo đó Vũ trụ bắt nguồn từ Nước. Sau này, Anaximander giả định cơ sở của vạn vật là một Bản chất vĩnh hằng, vô hạn và vô định, mọi chất xác định bắt nguồn từ đó và lại trở về đó - một giả định giống hệt như giả định làm gốc rễ cho thuyết Số Luận, nghĩa là Prakriti mà toàn bộ khía cạnh vật chất của vũ trụ tiến hóa ra từ đó. Và câu nói nổi tiếng của ông 'panta rhei" diễn đạt quan điểm đặc trưng của phái Số Luận theo đó vạn vật đang hằng biến dịch do hoạt động không ngừng của ba Gunas. Empedocles lại giảng dạy các thuyết luân hồi và tiến hóa hầu như giống hệt các thuyết của phái Số Luận, còn thuyết của ông - theo đó chẳng điều gì có thể bước vào hiện hữu mà không đã tồn tại rồi - thậm chí còn gần giống hệt hơn nữa với một thuyết Số Luận đặc trưng.

Cả Anaxogoras lẫn Democritus cũng đều phô bày nhiều điểm tương cận, nhất là quan điểm của Democritus về bản chất và địa vị của chư Thần linh; điều này cũng áp dụng cho Epicurus, nhất là xét về một số vấn đề chi tiết kỳ lạ. Tuy nhiên, trong giáo lý của Pythagoras, ta thấy có những sự đồng nhất thường xuyên và mật thiết nhất về giáo lý và lập luận; điều này được giải thích là do bản thân Pythagoras đã thăm viếng Ấn Độ và đã học được triết thuyết của mình ở đó, theo như truyền thuyết khẳng định. Trong những thế kỷ sau này, ta thấy một số ý tưởng đặc thù của phái Số Luận và Phật giáo đóng  vai trò nổi bật trong tư tưởng phái Ngộ Đạo.

Đoạn trích dẫn sau đây của tác giả Lassen mà Garde nêu ra ở trang 97, cho thấy điều này một cách rất rõ ràng:

"Phật giáo nói chung phân biệt rõ ràng giữa Tinh thần và Ánh Sáng, và không coi Ánh Sáng là phi vật chất; nhưng trong đám tín đồ Phật giáo, người ta thấy có một quan niệm về Ánh Sáng vốn liên quan mật thiết với quan niệm của phái Ngộ Đạo. Theo quan niệm này, Ánh Sáng là biểu lộ của Tinh thần trong vật chất; như thế, trí thông tuệ được bọc trong Ánh sáng bèn bước vào liên hệ với vật chất, trong đó Ánh sáng có thể bị giảm thiểu và cuối cùng là hoàn toàn bị mờ tối, trong trường hợp này, trí thông tuệ ấy rốt cuộc trở nên hoàn toàn vô ý thức. Xét về Trí Thông tuệ cao siêu nhất, người ta khăng khăng cho rằng nó không phải là Ánh sáng cũng chẳng phải là không Ánh sáng, không phải là Bóng tối cũng chẳng phải là không Bóng tối, vì mọi cách diễn tả này đều biểu thị các mối quan hệ của Trí Thông tuệ với Ánh sáng. Quả thật là thoạt đầu Ánh sáng thoát khỏi các mối liên hệ này, nhưng về sau nó bao hàm Trí Thông tuệ và làm trung gian cho mối quan hệ của nó với vật chất. Từ đây suy ra rằng quan điểm của Phật giáo gán cho Đấng Thông tuệ cao siêu nhất quyền năng tạo ra Ánh sáng từ chính mình, và về vấn đề này, cũng có một sự đồng thuận giữa Phật giáo và phái Ngộ Đạo."

Ở đây, Garbe nêu rõ rằng xét về các đặc điểm mà người ta ám chỉ sự đồng thuận giữa phái Ngộ Đạo và phái Số Luận rất gần gũi hơn là sự đồng thuận với Phật giáo. Đó là vì trong khi những quan niệm này về các mối quan hệ giữa Ánh sáng và Tinh thần thuộc về các giai kỳ sau này của Phật giáo, và không hề cơ bản đối với (hoặc đặc trưng cho) Phật giáo, thì phái Số Luận dạy rõ ràng và chính xác rằng Tinh thần là Ánh sáng. Về sau này nữa thì ảnh hưởng của tư tưởng Số Luận rất hiển nhiên rõ rệt trong đám các tác giả Tân Platon. Trong khi đó, giáo lý về Thượng Đế tức Ngôi Lời, mặc dù không có nguồn gốc là Số Luận, thậm chí vẫn cho thấy một cách chi tiết rằng nó đã thoát thai từ Ấn Độ, nơi mà quan niệm về Vàch, Ngôi Lời Thiêng Liêng, đóng một vai trò nổi bật xiết bao trong hệ thống Bà La Môn giáo.

Xét tới Thiên Chúa giáo, cùng thời với các hệ thống Ngộ Đạo và Tân Platon, ta sẽ thấy chẳng khó khăn gì trong việc truy nguyên hầu hết các giáo lý căn bản như nhau mà giờ đây ta cảm thấy quen thuộc xiết bao. Thượng Đế Ba Ngôi hiện ra là Tam vị Nhất thể: Thượng Đế Ngôi Một, cội nguồn của mọi sự sống là Ngôi Cha; Thượng Đế Ngôi Hai có bản chất lưỡng tính, Ngôi Con, Thượng Đế-con người; Thượng Đế Ngôi Ba, Trí tuệ sáng tạo, Ngôi Thánh Thần, việc Ngài suy gẫm trên nước Hỗn Mang sinh ra các thế giới.

Rồi tới "Bảy Chơn linh của Thượng Đế" [14]và tập đoàn các Tổng Thiên thần cùng với các Thiên thần. Người ta chẳng nói bóng gió bao nhiêu về Bản thể Nhất Như mà tất cả bắt nguồn từ đó và lại trở về đó, Tự Nhiên mà ta chẳng thể tìm thấy bằng cách kiếm tìm. Nhưng các vị đại tiến sĩ của Giáo hội Thiên Chúa luôn luôn giả định về sự tồn tại của Thượng Đế khôn dò, không thể hiểu được, vô hạn và vì vậy tất yếu là Độc Nhất và bất khả phân ly. Con người được làm theo "hình ảnh Thượng Đế" [15] và vì vậy có bản chất tam phân - Tinh thần, Linh hồn và Thể xác [16] y là một "chỗ trú của Thượng Đế" [17], "đền thờ Thượng Đế" [18], "đền thờ Chúa Thánh thần" [19], đây là cụm từ phản ánh chính xác giáo lý Ấn Độ.

Giáo lý về luân hồi được coi là đương nhiên trong Tân Ước hơn là được dạy riêng biệt và rành mạch; như thế, ngỏ lời với Thánh John Baptist, Chúa Jesus tuyên bố rằng ông là Elias "vốn ắt phải giáng lâm" [20] ,qui chiếu lời của Malachi, "Ta sẽ gửi tới cho các con nhà tiên tri Elijah" [21]; lại nữa, khi được hỏi về việc Elijah giáng lâm trước Đấng Cứu Thế, thì Ngài bèn trả lời rằng "Elias đã giáng lâm rồi và họ không biết Ngài" [22]. Lại nữa, chúng ta thấy các vị đệ tử coi sự luân hồi như đương nhiên lúc thắc mắc liệu tật mù bẩm sinh có phải là một sự trừng phạt đối với tội lỗi của con người hay chăng. Khi trả lời, Chúa Jesus không bác bỏ khả năng có tội trước lúc sinh ra đời, nhưng Ngài chỉ loại trừ việc nó gây ra tật mù lòa trong trường hợp đặc biệt [23]. Cụm từ đáng chú ý áp dụng cho "Đấng đã khắc phục" trong Khải huyền . iii, 12, rằng "Ngài sẽ là một cột trụ trong đền thờ Thượng Đế tôi, và Ngài sẽ không còn đi ra ngoài nữa", cụm từ này đã được coi là có ý nghĩa thoát khỏi sự tái sinh. Từ những tác phẩm của một số các Cha trong Thiên Chúa giáo, ta có thể chứng minh được một niềm tin thịnh hành vào sự luân hồi; một số người lập luận rằng người ta chỉ giảng dạy về sự tồn tại trước của linh hồn, nhưng đối với tôi quan niệm này dường như không có chứng cớ.

Sự đơn nhất của giáo huấn về đạo đức không nổi bật bằng sự đơn nhất trong các quan niệm về vũ trụ và kinh nghiệm của các Đấng vốn vượt thoát ra khỏi nhà tù của cơ thể để bước vào sự tự do của các cõi cao. Rõ ràng là tập hợp giáo huấn sơ khai này do một số xác định người chưởng quản, những người này giảng dạy ở các trường và có các đệ tử nghiên cứu giáo lý của mình. Sự đồng nhất của các trường này cùng với giới luật của chúng thật là hiển nhiên khi ta nghiên cứu giáo huấn về đạo đức, những yêu cầu đối với các môn sinh, các trạng thái trí tuệ và tâm linh mà họ được nâng cấp lên. Trong Đạo Đức kinh có phân chia rành mạch các hạng học giả:

"Khi nghe nói tới Đạo, các học giả bậc thượng thành khẩn thực hành; khi nghe nói tới Đạo, các học giả bậc trung ba hồi thì giữ theo, ba hồi thì không giữ theo; khi nghe nói tới Đạo, các học giả bậc hạ cười phá lên nhạo báng"   ( các Thánh thư Đông phương, xxxix, sách đã dẫn, xli , 1).

Cũng trong quyển sách này, ta đọc thấy :

"Bậc Thánh hiền đặt cá nhân mình sau rốt, thế nhưng người ta lại thấy nó ở chỗ trước tiên; bậc Thánh hiền coi cá nhân mình như thể một điều gì xa lạ, thế nhưng cá nhân đó vẫn được bảo toàn. Chẳng phải là vì Ngài không có các mục đích riêng tư cá nhân mà do đó các mục đích này lại được thực hiện hay sao ? (vii, 2). Ngài không tự phô trương, vì vậy Ngài mới chói sáng, Ngài không tự khẳng định, vì vậy Ngài mới nổi bật lên; Ngài không tự khoe khoang, vì vậy công đức của Ngài mới được thừa nhận; Ngài không tự mãn, vì vậy, Ngài trở nên ưu việt. Thế là vì Ngài không tranh đua cho nên không ai trên thế gian có thể tranh giành với Ngài được (xxii, 2). Chẳng có tội lỗi nào lớn hơn việc đồng tình với tham vọng; chẳng có thảm họa nào lớn hơn việc bất mãn với số phận mình; chẳng có lỗi lầm nào lớn hơn việc ham muốn chiếm đoạt. (xlvi, 2). Tôi đối xử tốt với những người nào đối xử tốt (với tôi); và thế là tất cả đều tốt. Tôi thành thật với những người nào thành thật (đối với tôi);  tôi cũng thành thật với những người nào không thành thật (đối với tôi); và thế là tất cả đều thành thật (xlix, 1). Người nào có dồi dào các thuộc tính (của Đạo) ắt giống như một đứa con nít. Những con côn trùng độc ắt không chích y; những con thú dữ ắt không vồ y; những con chim săn mồi ắt không quắp lấy y (lv, 1).Tôi có ba điều quí báu mà tôi đánh giá cao và giữ kỹ. Điều thứ nhất là sự dịu dàng, điều thứ hai là sự tiết kiệm và điều thứ ba là không chơi trội đối với người khác . . . Sự dịu dàng ắt hẳn là chiến thắng, ngay cả khi ta chiến đấu, và kiên cường bám đất bám trận địa. Trời sẽ cứu rỗi kẻ chiến hữu nó, bảo vệ y do y (rất ) dịu dàng. (lxvii, 2, 4).

 Trong đám người Ấn Độ có những học giả chọn lọc được coi là xứng đáng được huấn luyện đặc biệt; vị Đạo Sư (Guru) truyền thụ những giáo lý bí nhiệm cho các học giả này. Trong khi đó, ta có thể thu thập các qui tắc sinh hoạt đúng đắn từ các Điều luật của Đức Bàn Cổ, Áo Nghĩa thư, Mahàbhàrata và nhiều bộ khảo luận khác :

"Xin hãy nói điều gì chân thật, xin y hãy nói điều gì dễ chịu, xin y đừng thốt ra sự thật khó chịu, và xin y đừng thốt ra điều giả dối dễ chịu; đó là luật vĩnh hằng (Luật Bàn Cổ, iv, 138). Không gây đau khổ cho bất kỳ tạo vật nào, xin y hãy từ từ tích lũy công đức. (iv, 238). Đối với con người hai lần sinh ra ấy - người thậm chí chẳng hề gây ra nguy cơ  ít ỏi nhất cho các tạo vật - sẽ không có nguy cơ ở bất cứ (nơi đâu) sau khi y đã bỏ xác (vi, 40). Xin y hãy kiên nhẫn chịu đựng những lời lẽ khắc nghiệt, xin y đừng lăng nhục bất kỳ người nào, và xin y đừng trở thành kẻ thù của bất kỳ người nào vì lợi ích của cái xác (hữu hoại) này. Xin y đừng nổi giận đáp trả lại một kẻ nóng giận, xin hãy chúc lành khi mình bị nguyền rủa (vi, 47, 48). Khi đã hết đam mê, sợ hãi và giận dữ, hãy suy nghĩ tới Ta, qui y Ta, được tẩy trược trong lửa minh triết, nhiều người đã nhập vào Bản Thể Ta (Chí Tôn Ca, iv, 10). Niềm hoan lạc tối cao được dành cho vị đạo sĩ Yoga nào có Manas yên bình, có bản chất đam mê đã bình ổn, vị này thật là vô tội và có bản chất Brahman (vi, 27). Kẻ nào không có ác ý đối với bất kỳ sinh linh nào, thân hữu và từ bi, không dính mắc và không ích kỷ, quân bình giữa khoái lạc và đau khổ, biết tha thứ, luôn luôn bằng lòng, hài hòa, kiểm soát được bản ngã, quả quyết, với Manas và Buddhi tận hiến cho Ta, kẻ đó là người sùng tín Ta, là người thân thương của Ta (xii, 13, 14).

Nếu quay sang Đức Phật, ta thấy Ngài cùng với chư La Hán vốn tiếp thu các giáo lý bí mật của Ngài. Trong khi đó ta có giáo lý đã được công bố như sau:

"Nhờ vào lòng thành khẩn, đức hạnh và sự thanh tịnh, kẻ minh triết biến mình thành một hòn đảo mà không một trận lụt nào có thể nhận chìm được (Udànavarga, iv, 5). Trong thế giới này, kẻ minh triết giữ vững đức tin và sự minh triết, đây là các kho báu lớn nhất của y; y vứt bỏ đi mọi tài sản khác (x, 9). Kẻ nào có ác ý với những người có ác ý chẳng bao giờ có thể trở nên thanh tịnh, nhưng kẻ nào không có ác ý ắt hòa giải được những người đang thù ghét; vì sự thù ghét mang lại sự khốn khổ cho nhân loại, cho nên bậc thánh hiền không hề biết tới sự thù ghét (xiii, 12). Hãy khắc phục sự sân hận bằng cách đừng sân hận; hãy khắc phục điều ác bằng điều thiện, hãy khắc phục sự hà tiện bằng sự hào phóng; hãy khắc phục những điều giả dối bằng sự thật (xx, 18).

Người ta dạy tín đồ Bái hỏa giáo ca tụng Ahuramazda, thế rồi :

 "Điều gì công chính nhất, điều gì thanh tịnh, điều gì bất tử, điều gì rực rỡ, mọi điều này đều tốt cả. Chúng ta tôn vinh tinh thần tốt lành, cõi giới tốt lành, luật lệ tốt lành và minh triết tốt lành (Yasna, xxxvii). Mong sao chỗ ở này sẽ có sự an phận, sự chúc lành, sự thật thà và sự minh triết của kẻ thanh tịnh (Yasna, lix). Sự thanh tịnh là điều tốt lành nhất. Hạnh phúc, hạnh phúc dành cho Ngài : nghĩa là, cho kẻ thanh tịnh nhất (Ashem-vohu). Mọi tư tưởng, lời nói và việc làm tốt đẹp đều được thực hiện một cách đầy hiểu biết. Mọi tư tưởng, lời nói và việc làm xấu xa đều được thực hiện một cách thiếu hiểu biết. (Mipa Kumata). (Được tuyển chọn từ Avesta trong Luân lý cổ truyền của người Cổ Ba tư và Bái hỏa giáo của Dhunjibhoy Jamsetjee Medhora).

Người Do thái có "các trường tiên tri gia" và kinh Kabalah, trong những tác phẩm ngoại môn, ta thấy có các giáo lý đạo đức được chấp nhận :

"Ai sẽ thăng lên đồi của Chúa và ai ở nơi chốn thánh linh của Ngài ? Kẻ nào có đôi bàn tay sạch và một tâm hồn thanh tịnh, kẻ nào đã không tăng cao kiêu mạn, không thề dối trá (Thánh thi, xxiv, 3, 4). Chúa yêu cầu ngươi làm chi đâu ngoài việc hành động công chính, từ bi bác ái và khiêm tốn bước theo Chúa ? (Micah., vi, 8). Lời nói chân thật sẽ được xác lập mãi mãi, còn lời nói dối trá chẳng qua chỉ được nhất thời. (Prov. xii, 19). Chẳng lẽ đây không phải là giới luật mà tôi đã chọn lựa ? thả lỏng băng đảng độc ác, cất nhắc gánh nặng trĩu vai, và giải phóng kẻ bị áp bức, thế là bạn phá tan mọi ách xiềng xích hay sao ? Chẳng lẽ bạn không phân phối bánh mì của mình cho kẻ đói và bạn không mang đến cho kẻ nghèo những gì mà bạn tống ra khỏi nhà mình ? Khi nào bạn trông thấy kẻ trần truồng mà bạn che phủ cho y và bạn không che giấu bản thân đối với da thịt của chính mình ? (Is. lviii, 6, 7).

Bậc Đạo Sư Ky Tô có những giáo huấn bí mật dành cho các môn đồ của mình [24]và Ngài ra lệnh cho họ:

Đừng đem những gì thiêng liêng cho bọn chó, cũng đừng quẳng ngọc trai cho bầy heo (Matt. vii, 6). 

Xét về giáo huấn công khai, ta có thể đề cập tới những niềm chí phúc trong Bài giảng trên Núi và đề cập tới những giáo lý chẳng hạn như :

"Ta bảo các con hãy yêu thương kẻ thù mình, hãy chúc lành cho những kẻ nào nguyền rủa các con, hãy tử tế với những kẻ nào thù ghét con, hãy cầu nguyện cho những kẻ nào hành hạ, khinh bỉ các con. Do đó các con hãy toàn bích, ngay cả giống như Cha các con vốn toàn bích trên Trời (Matt. v, 44, 48). Kẻ nào mưu tìm sự sống ắt sẽ tìm thấy sự sống (x, 39). Kẻ nào khiêm tốn như đứa trẻ con này, chính kẻ đó sẽ vĩ đại nhất nơi Nước Trời (xviii, 4). Thành quả của Tinh thần là tình thương, niềm vui, sự an bình, sự nhẫn nhục, sự dịu dàng, lòng tốt, sự tin tưởng, sự mềm mỏng, sự tiết độ; không có luật lệ nào chống lại điều đó (Gal., v, 22, 23). Chúng ta hãy thương yêu lẫn nhau, vì tình thương vốn thuộc về Thượng Đế; và bất cứ kẻ nào yêu thương đều sinh ra từ Thượng Đế và biết được Thượng Đế (I. John, iv, 7)".

Trường phái Pythagoras và các trường phái Tân Platon bảo tồn truyền thống cho Hi lạp, ta biết rằng Pythagoras đạt được một số học thức ở Ấn Độ, còn Plato có học tập và được nhập môn vào các trường phái Ai cập. Người ta đã công bố thông tin chính xác về các trường phái Hi lạp nhiều hơn các trường phái khác, trường phái Pythagoras có các đệ tử hữu thệ cũng như là một giới luật ngoại môn, nhóm nội môn gồm có ba cấp trải qua trong vòng năm năm dự bị. (Muốn biết chi tiết, xem Orpheus của G.R.S. Mead, các trang 268 và tiếp theo). Ông mô tả giới ngoại môn như sau :

"Trước hết ta phải tận hiến cho Thượng Đế. Khi một người cầu nguyện, y chẳng bao giờ cầu xin bất kỳ lợi ích đặc thù nào, vì tin chắc rằng điều được trình bày là đúng đắn và thích đáng, phù hợp với minh triết của Thượng Đế chớ không tuân theo các dục vọng ích kỷ của chính ta. (Diod. Sic. ix, 41). Chỉ nhờ vào đức tính không mà thôi thì con người mới đạt tới tính linh thiêng, và đây là đặc quyền độc nhất vô nhị của một thực thể thuần lý (Hippodamus, De Felicitate, ii, Orellli, Opusc. Groecor. Sent. et Moral. ii, 284). Tự bản thân, do bản chất của chính mình, con người chẳng tốt và cũng chẳng hạnh phúc, nhưng y có thể trở nên như thế nhờ vào giáo huấn về giáo lý chân thực (Hipppo., như trên). Bổn phận thiêng liêng nhất là lòng hiếu thảo. Pampelus nói: "Thượng Đế ban phúc dồi dào cho kẻ nào tôn vinh và kính trọng tác giả đương thời" (De Parentibus, Orelli, sách đã dẫn, ii, 345). Perictione viết (như trên, trang 350). "Sự vô ơn với cha mẹ là tội ác xấu xa nhất"; người ta giả sử rằng bà đã là mẹ của Plato. Sự tinh khiết và tế nhị của mọi tác phẩm trường phái Pythagoras thật là phi thường. (Oelian Hist. Var. xiv, 19). Cái nguyên tắc của họ là cực kỳ thanh tịnh xét về mọi điều có dính dáng tới sự trinh khiết và hôn nhân. Ở bất cứ nơi đâu bậc đại Đạo sư đều khuyên ta phải trinh khiết và tiết độ; nhưng đồng thời Ngài chỉ đạo rằng kẻ đã kết hôn trước hết phải trở thành các bậc cha mẹ trước khi sống một cuộc đời hoàn toàn độc thân, để cho đám con cái có thể được sinh ra trong hoàn cảnh thuận lợi ngõ hầu tiếp tục cuộc sống thánh thiện và nối tiếp Khoa học Linh thiêng (Iamblichus, Vit. Pythag. Và Hierocl., ap. Stob. Serm. xlv, 14).  Điều này cực kỳ thú vị, vì nó chính là qui tắc được ấn định trong Mànava Dharma Shàrtra, bộ luật vĩ đại của Ấn Độ. Sự ngoại tình bị án nghiêm khắc nhất (Iamb. như trên). Hơn nữa, người ta ra lệnh cho người chồng đối xử dịu dàng nhất với vợ, bởi vì chẳng lẽ y lại không coi vợ mình là bạn đồng hành "khi đứng trước Chư Thần linh" ? (xem Lascaulx, Zur Geschichte der Ehe bei den Griechen trong "Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Bavière", vii, 107, sq.)

Hôn nhân không phải là một sự kết hợp do thú dục, mà là một sự ràng buộc tinh thần. Vì vậy, đến lượt người vợ phải yêu thương chồng mình ngay cả hơn chính bản thân mình, tận tụy và phục tùng về mọi chuyện. Thật là thú vị hơn nữa mà nhận thấy rằng trường phái Pythagoras đã đào tạo ra những tính tình thanh tú nhất trong đám phụ nữ và Cổ Hi lạp phô bày ra cho ta, và điều này cũng đúng đối với đàn ông. Các tác giả thời xưa nhất trí rằng giới luật này đã thành công tạo ra những gương mẫu điển hình nhất chẳng những xét về tình cảm và sự trinh khiết thanh tịnh nhất, mà còn là xét về một phong cách đơn giản, sự tế nhị và một thị hiếu đối với các công trình theo đuổi nghiêm chỉnh vô song. Ngay cả các tác giả Thiên Chúa giáo cũng thừa nhận điều này. (xem Justin, xx, 4). . . Trong đám các thành viên của trường phái này thì ý tưởng về sự công bằng điều khiển mọi hành vi của họ, còn trong các quan hệ hỗ tương thì họ tuân theo lòng từ bi và khoan dung nghiêm nhặt nhất. Đó là vì sự công bằng là nguyên lý của mọi đức tính, như  Polus (ap. Stob., Serm., viii, ed. Schow, trang 232) dạy: sự công bằng vốn duy trì sự yên bình và thăng bằng trong linh hồn; đó là mẹ của trật tự tuyệt vời trong mọi cộng đồng, khiến cho vợ chồng hòa hợp với nhau, chủ tớ yêu thương nhau.

Từ ngữ của một người thuộc trường phái Pythagoras cũng là xiềng xích ràng buộc y. Và cuối cùng một nguời phải sống sao cho y bao giờ cũng sẵn sàng chết (Hippolytus, Philos., vi) (như trên, trang 263-267).

Trong các trường phái Tân Platon, việc bàn luận về các đức tính thật là thú vị, và người ta phân biệt rõ ràng giữa đạo đức và sự phát triển tâm linh, hoặc theo như Plotinus diễn tả "Nỗ lực chẳng phải là không có tội lỗi, mà là trở thành một Đấng Thiêng liêng".[25] Giai đoạn thấp nhất là trở nên không có tội lỗi bằng cách thủ đắc các "đức tính chính trị" vốn khiến cho một người có hạnh kiểm toàn bích (các đức tính thể chất và luân lý thấp kém hơn các đức tính này), lý trí kiểm soát và tô điểm cho bản chất phi lý. Vượt trên các đức tính này là các đức tính tẩy trược, thuộc về lý trí không mà thôi, chúng giải thoát linh hồn ra khỏi các xiềng xích ràng buộc của thế hệ; các đức tính lý thuyết, nâng cao linh hồn lên tiếp xúc với các bản chất cao hơn chính mình; và các đức tính niệm giới, khiến cho linh hồn hiểu biết được bản thể chân thực:

"Vì thế cho nên kẻ nào hành động theo các đức tính thực tế là một người đáng giá, nhưng kẻ nào hành động theo các đức tính tẩy trược là một thần nhân, hoặc cũng là một thần tốt lành [26] . Người nào hành động theo các đức tính trí tuệ không mà thôi là một Thần linh. Song người nào hành động theo các đức tính niệm giới chính là Cha của chư Thần linh (Chú thích về sự Thận trọng trí tuệ, trang 325-332)"

Người ta dạy môn đồ dùng đủ thứ phép thực hành để thoát ra khỏi thể xác và thăng lên nhập vào các cõi giới cao hơn. Cũng như có rút ra được từ một lớp vỏ, con người nội giới phải triệt thoái khỏi cái khung cơ thể mình [27]."Thể ánh sáng tức thể quang huy" của người Ấn Độ chính là "thể quang hình" của môn đồ Tân Platon, và trong thể này, con người thăng lên tìm thấy Chơn Ngã:

"Không bị chi phối bởi mắt thấy, tai nghe hoặc các giác quan khác (theo sát nghĩa là chư Thần linh), cũng chẳng bị sự khổ hạnh hoặc các nghi thức tôn giáo không chế; chỉ bị kiểm soát bởi minh triết thanh thản và bản chất cốt yếu thuần túy, con người ắt thấy được Đấng Độc Nhất Vô Nhị trong khi tham thiền. Người ta phải biết tới Chơn Ngã tinh vi này bằng tâm trí mà cuộc sống ngũ phân đang yên ngủ trong đó. Tâm trí của mọi tạo vật là bản năng đối với các sự sống [này]; Chơn Ngã biểu lộ nơi tâm trí đã được tẩy trược này.  (Mundakopanishad, III, ii, 8, 9).

Thế rồi chỉ con người mới có thể nhập vào cõi giới không bị chia lìa, nơi mà "các cõi giới đã không còn nữa". Trong phần mà G.R.S Mead dẫn nhập vào tác phẩm Plotinus của Taylor, ông trích dẫn Plotinus mô tả một cõi giới vốn hiển nhiên là Turiya của người Ấn Độ.

"Họ cũng thấy mọi sự vật, không phải là những sự vật hàm chứa sự sinh sôi nảy nở, mà là những sự vật bao hàm bản chất cốt yếu. Và họ nhận thức được chính mình nơi những người khác. Đó là vì mọi sự vật ở đấy đều trong mờ; không một sự vật nào tối sẫm và cản quang, nhưng mọi người đều thấy rõ mọi sự vật cả bên trong lẫn bên ngoài. Đó là vì ở đâu đâu ánh sáng cũng đều hội ngộ với ánh sáng; vì mọi sự hàm chứa vạn vật nơi bản thân và lại thấy vạn vật nơi một sự vật khác. Để có thể cho vạn vật ở khắp nơi và hết thảy đều là tất cả. Mỗi sự vật cũng là vạn vật. Và sự rực rỡ ở đó thật là vô hạn. Ấy là vì vạn vật ở đó đều lớn lao, vì ngay cả điều vốn nhỏ bé cũng thật là lớn lao. Mặt trời ở đó cũng là tất cả các ngôi sao, và lại nữa mỗi ngôi sao đều là mặt trời và tất cả các ngôi sao. Tuy nhiên, nơi mỗi sự vật thì một tính chất khác lại chiếm ưu thế, song đồng thời ta lại có thể thấy vạn vật nơi mỗi sự vật. Chuyển động ở đó cũng thuần túy; vì chuyển động không bị lẫn lộn với một chủ thể vận động vốn khác hẳn chuyển động (trang lxxiii).

Một sự mô tả như vậy là một điều thất bại, vì vùng này là một cõi giới mà ngôn ngữ phàm phu không thể mô tả được, nhưng chỉ người nào đã sáng mắt mới có thể viết ra được một lời mô tả.

Người ta có thể chép đầy trọn cả một quyển sách bàn về những điều tương tự giữa các tôn giáo trên thế giới, nhưng phát biểu bất toàn nêu trên cũng đủ làm tiền đề cho việc nghiên cứu Thông Thiên Học, đây chính là việc trình bày mới mẻ và trọn vẹn hơn các chân lý cổ xưa mà thế gian đã từng được cấp dưỡng. Tất cả những sự tương tự này đều cho thấy có một nguồn cội duy nhất, đó là Quần Tiên Hội, Huyền giai các Chân Sư vốn giám sát và dìu dắt sự tiến hóa của nhân loại, các Ngài đ