trang nhà l trang sách l bản tin l thiền học l tiểu sử l trang thơ l h́nh ảnh l bài vở

 


TÌM CHƠN NGĂ
Tác giả: BẠCH LIÊN

 


trúc nước

 


 

Nơi đây tôi chép lại cho quí bạn xem bài của tôi viết và nói vắn tắt về việc tìm Chơn Ngã, rồi thực hiện Chơn Ngã, bởi vì trong nhiều quyển kinh sách đạo đức có nói về việc Tìm Bản Ngã, chẳng hạn như trong kinh Phật Mahavagga 1 – 14 (Tàu dịch là Phạm Võng Kinh 1 – 14) có thuật lời của Đức Phật hỏi các Nhạc sư như sau đây:

“ Hỡi các bạn thanh niên: Hãy nói cho Ta biết tìm một người đàn bà bỏ đi mất hay tìm Bản Ngã của các bạn  điều nào quan trọng hơn? ”

Tuy nhiên không quyển nào chỉ phương pháp tìm Bản Ngã, bởi vì điều này thuộc về khoa bí truyền, thuở xưa chưa được phép tiết lộ.

Trong quyển “Phật độ các Nhạc sư hay là Ta phải tự kiếm Ta” tôi có đề cập đến phương pháp này do Thông Thiên Học chỉ dạy. Quí bạn muốn hiểu nhiều xin đọc quyển đó, còn trong bài này tôi chỉ giải sơ lược để quí bạn có một quan niệm đúng đắn về việc “tại sao phải tìm Chơn Ngã” mà thôi.

TÌM CHƠN NGÃ.

Người học đạo là người đi tìm Chơn Ngã. Muốn tìm Chơn Ngã, trước nhất phải biết Chơn Ngã là gì ?  Chơn Ngã ở đâu ? Nhiên hậu mới tìm phương pháp thực hiện việc đó.

CHƠN NGÃ LÀ GÌ ?

Con người có ba Ngôi như cha mình là Đức Thượng Đế.

Ngôi thứ Nhất là Chơn Thần (Monade)

Ngôi thứ Nhì là Chơn Nhơn (Égo –  Soi Supérieur)

Ngôi thứ Ba là Phàm Nhơn (Personnalité)

Chính là Chơn Thần sanh ra Chơn Nhơn, cũng gọi là Chơn Ngã hay Bản Ngã cao siêu.

Chơn Nhơn sanh ra Phàm Nhơn.

Thường thường Phàm Nhơn ở tại trái tim của xác thân và giống hình ngôi sao chiếu sáng rỡ.

Chơn Ngã hay là Chơn Nhơn ở tại cõi Thượng Thiên, còn Chơn Thần ở tại cõi Niết Bàn.

TẠI SAO PHẢI TÌM CHƠN NGÃ ?

Con người ta là Phàm Nhơn có bốn thể thường dùng là:

1.     Xác thân để hoạt động.

2.     Cái Phách để thu hút sanh lực Prana vô mình đặng nuôi các tế bào.

3.     Cái Vía để biểu hiện tình cảm và ý muốn.

4. Cái Trí (Hạ Trí) để sanh ra những tư tưởng hữu hình, học hỏi, phân biện, xét đoán, tưởng tượng, ghi nhớ.

Ba thể Thân –  Vía –  Trí  có những tánh nết riêng biệt, hầu hết đều xấu xa.

Cái Vía thường cấu kết với cái Trí xúi giục con người làm những điều chúng nó muốn. Con người ngỡ là mình muốn nên đem ra thực hành. Con người thường làm trái với Luật Trời, gây ra muôn vàn tội lỗi, cho nên phải đầu thai đi đầu thai lại muôn kiếp đặng thanh toán những mối nợ nần. Tuy nhiên, mỗi lầm lạc là một bài học để dạy con người trở nên khôn ngoan. Nhưng mà phải học cho thiệt thuộc, sau khỏi học lại, không thì con người cứ phạm vào một lỗi lầm cũ cả trăm cả ngàn lần.

Thế nên con người phải tìm Chơn Ngã hay là Chơn Nhơn, bởi Chơn Nhơn không lầm lạc. Một khi Chơn Nhơn có kinh nghiệm thì Ngài sẽ dìu dắt Phàm Nhơn. Phàm Nhơn biết vâng lời Chơn Nhơn và sẽ tiến mau lắm.

Vì mấy lẽ trên đây mà chúng ta phải luyện tập đặng tìm Chơn Ngã. Gặp Chơn Ngã rồi mới lo đến việc thực hiện Chơn Ngã. Bắt đầu học Đạo mà nói: “Đương thực hiện Chơn Ngã” thì e còn sớm lắm. Họa may là 25 –  30 kiếp nữa mới có thể thốt ra lời này được.

THỰC HIỆN CHƠN NGÃ

Có ba giai đoạn:

1: Giai đoạn thứ nhất: Tìm Chơn Ngã.

2. Giai đoạn thứ nhì: Gặp Chơn Ngã.

3. Giai đoạn thứ ba: Thực hiện Chơn Ngã. 

1.     GIAI ĐOẠN THỨ NHẤT: TÌM CHƠN NGÃ.

Muốn tìm Chơn Ngã thì phải giữ gìn kỷ luật Bản Thân cho đúng phép.

Kỷ luật này gồm việc điều khiển tư tưởng, ý muốn, tình cảm, lời nói và việc làm đúng với Thiên Ý, nói theo Huyền bí học là:

-          Làm chủ Xác thân.

-          Làm chủ cái Vía.

-          Làm chủ cái Trí.

Giáo lý của chư Phật tóm tắt trong ba câu:

1/ Lánh dữ.

2/ Làm lành.

3/ Rửa lòng trong sạch.

Lánh dữ và rửa lòng trong sạch là trau dồi hạnh kiểm, còn làm lành là phụng sự vô tư lợi.

Quí bạn nên đọc những quyển sách sau đây:

1/ Trước thềm Thánh Điện.

2/ Con đường của người Đệ Tử.

3/ Dưới Chơn Thầy và Giảng lý.

4/ Tiếng Nói Vô Thinh và Giảng lý.

5/ Ánh Sáng Trên Đường Đạo và Giảng lý.

6/ Người Phụng Sự.

Chúng sẽ giúp quí bạn tìm dễ dàng Chơn Ngã, nếu quí bạn cố gắng đem những lời dạy trong đó ra thực hành, không phải vài ba năm mà trọn cả kiếp này và nhiều kiếp sau. Đây không phải là chuyện dễ dàng vì ba thể: Thân –  Vía –  Trí rất ương ngạnh. Cả ngàn kiếp rồi, chúng sai khiến con người, bây giờ bắt buộc chúng vâng lời thì sẽ gặp không biết bao nhiêu chướng ngại. Nếu không bền chí, không cương quyết thì khó vượt qua bức rào của chúng dựng lên. Vì vậy tôi mới nói : Phải nhiều kiếp. Nếu kiếp này thành công là nhờ mấy chục kiếp trước đã luyện tập rồi. 

2.     GIAI ĐOẠN THỨ NHÌ: GẶP CHƠN NGà

Khi sanh viên sống đúng như lời dạy trong quyển Dưới Chơn Thầy tới một mức độ do Luật Trời qui định sẵn thì anh được Điểm Đạo lần thứ Nhất.

Phàm Nhơn của anh nhập một với Chơn Nhơn, sanh viên đã gặp Chơn Ngã. Nhưng trước giai đoạn đó, anh phải được một vị Chơn Sư thâu nhận anh làm Đệ Tử và dạy dỗ phương pháp khai mở Tâm Thức. Khi Ngài thấy anh được xứng đáng Nhập Lưu tức là vào dòng tiến hóa của các vị Siêu Phàm thì Ngài dẫn anh đến trình diện với Quần Tiên Hội xin Điểm Đạo lần thứ Nhất cho anh.

Từ đó về sau, anh có thể tiến hóa chậm, anh vẫn còn lầm lạc, song anh đã ra khỏi vòng trần tục, anh không còn là một người phàm phu nữa. Phật giáo gọi anh là Srotapanna. Tàu dịch là Tu Đà Huờn. Ấn giáo gọi là Parivrajaka có nghĩa là Vô Trú.

3. GIAI ĐOẠN THỨ BA: THỰC HIỆN CHƠN NGÃ

Vị Tu Đà Huờn bắt đầu thực hiện Chơn Ngã là lo luyện tập đặng chặt đứt mười chướng ngại gọi là Samyojana buộc trói con người vào Bánh Xe Luân Hồi.

Anh còn phải trải qua bốn thời kỳ Điểm Đạo nữa.

1) Được Điểm Đạo lần thứ Nhì, anh làm một vị Tư Đà Hàm (Sakridagamin hay là Sakadagamin).

Ấn giáo gọi anh là Koutichaka, người đã dựng được một túp lều.

2) Được Điểm Đạo lần thứ Ba, anh là một vị A Na Hàm (Anagamin). Ấn giáo gọi anh là Hamsa nghĩa là con hạc. Tục truyền rằng: Đứng trước một cái chậu sữa có pha nước, nó biết cái nào là sữa, cái nào là nước.

3) Được Điểm Đạo lần thứ Tư, anh thành một vị La Hán, Arhat, có nghĩa là Tôn Giả, Đại Đức.

Ấn giáo gọi anh là Đại Thiên Hạc Parahamsa.

Phật giáo gọi bốn bực Đệ Tử này: Tu Đà Huờn –  Tư Đà Hàm –  A Na Hàm và La Hán là Tứ Thánh. Lời này rất đúng bởi vì dầu mới được Điểm Đạo lần thứ Nhất đi nữa, vị Tu Đà Huờn cũng được vào Quần Tiên Hội. Anh đã bước vào đường tiến hóa của các hạng Siêu Phàm, rồi từ đó anh lần lần lên những cấp bậc cao hơn.

Vị La Hán được năm lần Điểm Đạo thì thành một vị Siêu Phàm, một vị Chơn Tiên, hoàn toàn sáng suốt, không còn cái chi để học hỏi trên quả địa cầu này nữa. Chơn Nhơn nhập một với Chơn Thần.

Phật giáo gọi Ngài là Aseka, nghĩa là không còn làm Đệ Tử nữa, Tàu dịch là Vô Học.

Ấn giáo gọi Ngài là Atita hay là Jivanmoukta, nghĩa là đã được hoàn toàn giải thoát, khỏi đọa Luân Hồi dưới trần thế.

Vị Chơn Tiên đã thực hiện hoàn toàn Chơn Ngã. Tới bực Ngài mới thấy Chơn Thần và có quyền thâu nhận Đệ Tử đặng giáo dục.

Vị La Hán hay A Na Hàm chỉ thấy được Chơn Nhơn mà thôi. Vị La Hán cũng chưa được phép làm Sư Phụ.

Các hàng Phật Tử đều biết câu: Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, nghĩa là chỉ có Phật mới được phép làm thầy mà thôi, bởi vì Ngài là giáo chủ các vị Tiên Thánh, các vị Thiên Thần. Còn các vị Đệ Tử đều tới bực La Hán như Ma Ha Ca Diếp –  A Nan Đa cũng vẫn là Sư Huynh của các tín đồ Phật giáo, bởi lẽ các Ngài chưa được hoàn toàn giải thoát, chưa phá tan được bức màn Vô Minh che lấp Chơn Như bổn tánh.

PHẢI TU MẤY KIẾP VỊ TU ĐÀ HUỜN

MỚI LÊN TỚI BỰC CHƠN TIÊN ?

Lấy bực trung mà nói, vị Tu Đà Huờn phải tu hành trong bảy kiếp mới lên tới bực La Hán, còn vị La Hán phải luyện tập bảy kiếp mới thành một vị Siêu Phàm, tất cả là 14 kiếp. Nhưng đây là nói bực trung. Thời gian này có thể thu ngắn lại tùy theo công phu của hành giả.

Còn khi mới bắt đầu học Đạo cho đến ngày được Chơn Sư thâu nhận làm Đệ Tử và được Điểm Đạo lần thứ Nhất thì phải trải qua một thời gian khá lâu. Từ 25 đến 30 kiếp là nếu một vị Cư sĩ, kiếp nào cũng lập gia đình; còn kiếp nào cũng độc thân làm một vị Tu Trì, có lẽ trong  6 -7 kiếp tu hành sẽ được toại nguyện.

Xin nhớ rằng mục đích đã định sẵn cho con người trong Thái Dương Hệ này là làm một vị Siêu Phàm. Ai đi mau tới trước, ai đi chậm tới sau. Luật Tiến Hóa cứ thúc đẩy con người đi tới mãi, song một cách chậm chạp và điều hòa.

Tuy nhiên nên đi mau tới nơi tới chốn, đặng thoát đọa Luân Hồi, khỏi mắc vào vòng tứ khổ : Sanh  –  Lão –  Bệnh - Tử.

Trước mắt Chơn Tiên còn bảy đường tiến hóa khác nhau. Ngài có quyền chọn lựa con đường nào cũng được.

Nói tóm lại, từ xưa đến nay và cho đến mai sau nữa, muốn tìm Chơn Ngã  thì phải bắt đầu Tự chủ, là chế phục ba Thể : Thân –  Vía –  Trí, biến chúng thành những tôi tớ dễ dạy, biết vâng lời mình. Từ đó mới hành đạo được. Không Hành Đạo, không bao giờ Đắc Đạo.

Muốn mở mang Tâm Thức mau lẹ thì phải học phương pháp với một vị Chơn Sư mới khỏi bị tai hại, đừng coi theo sách, hay nghe lời một người Thầy Phàm mà có ngày phải bỏ mạng. Trước khi chấm dứt, tôi xin nhấn mạnh một lần nữa : bảy điểm sau đây quí bạn nhớ.

- Một là: Thật chúng ta là Chơn Thần, một Điểm Linh Quang của Đức Thượng Đế, chúng ta trường sinh bất tử chứ không phải xác thân hữu hình, hữu hoại này đâu.

- Hai là: Chúng ta sinh ra cõi Trần đặng học hỏi Cơ Trời. Tới một ngày kia, mỗi người đều thành một vị Siêu Phàm gọi là Chơn Tiên. Vị Chơn Tiên phải tiến hóa nhiều cấp bực cao hơn nữa.

Thành một vị Siêu Phàm là mục đích đã định sẵn cho nhơn loại trong Thái Dương Hệ này.

- Ba là: Dầu muốn dầu không, con người và vạn vật đều bị Luật Tiến Hóa thúc đẩy đi tới mãi chớ không hề thụt lùi lại được. Luật Tiến Hóa rất chậm chạp song điều hòa.

- Bốn là: Chung cuộc ai cũng tới mục đích song chỉ có khác một điều là: Kẻ đi mau, tới trước, người đi chậm đến sau.

- Năm là: Chúng ta nên đi mau, chúng ta có quyền đó. Chúng ta phải học hỏi cho rộng sâu những Luật Trời đang hành động chung quanh chúng ta rồi đem áp dụng vào đời sống hằng ngày đặng tiến mau. Nếu chúng ta tham luyến Hồng Trần, cứ đi chậm rãi thì phải trải qua muôn kiếp Luân Hồi, mỗi kiếp đều phải chịu qua bốn cái khổ : Sanh –  Lão –  Bệnh –  Tử  và phải chịu áp lực của hai Luật : NHÂN QUẢ, LUÂN HỒI, chạy trốn đường nào cũng không khỏi vì những điều quấy quá của chúng ta đã làm.

Điều hay hơn hết là bước cho lẹ, nhưng bước nào phải chắc bước nấy.

- Sáu là: Chúng ta cầm số mạng mình trong tay. Chúng ta tự ban thưởng mình hay là tự hành phạt lấy mình tùy theo những sự hành động của chúng ta thuận hay nghịch với Thiên Ý.

Đó là tuân theo Luật NHÂN QUẢ. Nhân nào Quả nấy, chớ không có chi lạ.

- Bảy là: Vòng hoa chiến thắng sẽ ban thưởng cho ai đã tự chiến thắng lấy mình và đã qua tới Bờ Giác.

Cầu xin những đoạn tôi viết ra đây giúp ích được quí bạn phần nào trên con đường tìm Chơn Lý và cầu xin Ân Lành của các Đấng Cao Cả ban xuống cho quí bạn./.

 Lành thay ! Lành thay !

BẠCH LIÊN
    
Tháng 10 - 1974


 trang nhà trang sách l bản tin l thiền học l tiểu sử trang thơ l h́nh ảnh l bài vở