trang nhà l trang sách l bản tin l thiền học l tiểu sử l trang thơ l hình ảnh l bài vở


TẠI SAO JOHN GLENN TIN Ở THƯỢNG ĐẾ ?

“Tôi không thể mở mắt ra mà không tán thưởng không khí tuôn tràn khắp nơi : chỉ    thoáng nhìn qua là đủ nhận thấy bàn tay sáng tạo nhiệm mầu"       ( Fénélon) 
                      
 

Khi tôi được chọn để gia nhập vào phi hành đoàn, người ta trao cho tôi một quyển sách nói về không trung. Quyển ấy có hai đoạn diễn tả sự vô biên của Vũ trụ được tôi lưu ý nhứt.

Để hiểu hai đoạn nầy, chúng ta phải hiểu thế nào là một năm ánh sáng. Tốc độ của ánh sáng là 300.000 cây số mỗi giây; với tốc độ đó, mỗi giây, nó đi quanh trái đất bảy lần. Nếu mỗi mảnh ánh sáng di chuyển theo lằn ngang trong một năm, quãng đường nó vượt qua là một năm ánh sáng, tính ra là 95.000.000.000.000 cây số.

Bây giờ ta thử xem quyển sách đó nói gì về Vũ trụ vô biên. Quyển sách ấy nói rằng đường kính của Thiên hà (Galaxie) của chúng ta là 100.000 năm ánh sáng và mặt trời chẳng qua là một ngôi sao bé nhỏ cách trung tâm Thiên hà lối 30.000 năm ánh sáng và quay ở quỹ đạo của nó 200 triệu năm một vòng. Các con số đó cho biết Vũ trụ của chúng ta lớn là dường nào.

Hơn nữa, ngoài Thiên hà của chúng ta, còn có cả triệu Thiên hà khác nữa, cái nào cũng quay với một tốc độ lớn lao. Phần Vũ trụ mà chúng ta có thể quan sát được chung quanh chúng ta rộng 2 tỷ năm ánh sáng.

Vũ trụ của chúng ta bao la như thế.

Bây giờ chúng ta nhìn xem nguyên tử, một phần nhỏ nhứt của vật chất. Nguyên tử rất giống Thái dương hệ và Vũ trụ, vì nó có những điện tử xoay chung quanh một nhân ở giữa.

Vậy chúng ta phải suy luận như thế nào ?

Chúng ta chấp nhận rằng trong Vũ trụ đâu đâu cũng có trật tự, từ trong một nguyên tử nhỏ nhứt đến những Thiên hà bao la ở xa cả triệu năm ánh sáng.

Đó phải chăng là một việc ngẫu nhiên ? Phải chăng do một việc tình cờ mà một mớ vật chất tự nó vận chuyển theo những quỹ đạo nhứt định ? Tôi không nghĩ như vậy. Rõ ràng đây là một kế hoạch. Vũ trụ vô biên chứng minh là Thượng Đế có và phải có một quyền lực tối cao điều khiển kế hoạch vĩ đại nầy.

Bây giờ chúng ta so sánh tốc độ của chương trình Mercury với vài tốc độ chúng tôi vừa nói. Kết quả chúng ta thu đạt được tương đối rất tốt đẹp. Trên quỹ đạo chúng tôi vận chuyển 29.000 cây số một giờ nghĩa là 8 cây số một giây. Tốc độ ấy to lớn đối với chúng ta. Cao độ của chúng tôi đạt được cũng vậy : 160 cây số. Nhưng kết quả nầy có nghĩa gì trước các con số chúng tôi vừa nêu ở trên ?

Chúng ta không thể đo lường Thượng Đế bằng những dữ kiện khoa học. Chúng ta không thể quan niệm các năng lực thiêng liêng với các giác quan chúng ta.

Tuy nhiên chúng quanh chúng ta, các năng lực ấy tác động không ngừng mặc dầu chúng ta không thấy, không rờ được như động lực khiến la bàn chuyển động chẳng hạn. Nhờ động lực ấy, kim la bàn di động và chúng tôi mới có thể điều khiển phi cơ. Thiếu nó, chúng tôi sẽ thúc thủ mặc dầu phi cơ có động cơ cực mạnh hay thân hình khéo léo. Động lực ấy tuy vô hình nhưng chúng tôi biết nó có và đang tác động. Chúng tôi giao phó sanh mạng chúng tôi cho nó mỗi lần bay và lần nào chúng tôi cũng đến nơi, đến chốn.

Động lực tâm linh của Tôn giáo cũng thế. Nó tác động chính xác và hướng cuộc đời chúng ta đến chỗ an lành. Chúng ta hãy đặt trọn lòng tin ở nó và phó thác số mệnh ta cho nó.

                                                           John Glenn [1]

                                      (Trích  Ánh Đạo số 24 năm 1973) 


  trang nhà l trang sách l bản tin l thiền học l tiểu sử l trang thơ l hình ảnh l bài vở

[1] Phi hành gia Mỹ.