Không Tôn Giáo Nào Cao Hơn Chân Lý

 HOME  sách   TIỂU SỬ    BẢN TIN   HÌNH ẢNH   thIỀN    BÀI VỞ   THƠ   gifts   TẾT 2006  BOOKS  MAGAZINES

 

TẠI SAO SỰ TIẾN HÓA CỦA DÂN CHÚNG

TRÊN ĐỊA CẦU KHÔNG ĐỒNG BỰC VỚI NHAU?

 


TẠI SAO SỰ TIẾN HÓA CỦA DÂN CHÚNG

TRÊN ĐỊA CẦU KHÔNG ĐỒNG BỰC VỚI NHAU?

BẠCH LIÊN

 

CHƯƠNG THỨ NHỨT

 

Tại sao sự tiến hóa của dân chúng trên Địa cầu không đồng bực với nhau?

Vấn đề nầy cực kỳ khó khăn. Muốn giải cho rành thì phải nói đến Nhơn vật của Dãy Hành Tinh thứ Ba là Dãy Nguyệt Tinh (Chaîne Lunaire).

Ta biết rằng: Những thú ở Dãy Mặt Trăng là Dãy thứ Ba qua Dãy thứ Tư là Dãy Địa Cầu chúng ta đầu thai hoặc làm người hoặc làm những Tinh Linh hay Ngũ Hành.

Nhưng mà còn một số người ở Dãy Mặt Trăng bị bỏ lại trong cuộc Phán Xét cuối cùng của Dãy Mặt Trăng phải qua Địa Cầu đầu thai đặng hoàn tất sự tiến hóa của họ. Thế nên nói tóm lại dân chúng trên Địa Cầu chúng ta gồm hai hạng người:

a)- Những người ở Dãy Mặt Trăng bị bỏ lại trong cuộc Phán Xét cuối cùng.

b)- Những thú được đi đầu thai làm người.

Những người trong hai hạng nầy cũng không tiến hóa đồng bực với nhau. Vì thế mới có những sự dị biệt giữa tâm tánh và trí thức của các giống dân tộc.

Vậy thì muốn giải thích vấn đề, ta phải biết chút ít về Nhơn Vật của Dãy Mặt Trăng.

 

NHƠN VẬT CỦA DÃY NGUYỆT TINH

(Theo Bà A. Besant và Đức Leadbeater)

 

Bà Besant và Đức Leadbeater chia nhơn vật của Dãy Nguyệt Tinh ra làm ba Nhóm:

I.- Nhóm thứ Nhứt: A, Con người.

II.- Nhóm thứ Nhì:  B, Người thú và những thú vật.

III.- Nhóm thứ Ba: C, Ba loài dưới (Thảo mộc – Kim thạch và ba loài Tinh chất)

 

I.- NHÓM THỨ NHỨT: A, CON NGƯỜI

 

Con người ở Dãy Nguyệt Tinh phân ra làm ba bực:

1)- Bực Nhứt: Trên hết là những vị được bốn lần Điểm Đạo vào hàng Siêu phàm.

2)- Bực Nhì: Kế đó là những người đệ nhứt cấp (Hommes Lunaires, 1er Ordre).

3)- Bực Ba: Sau rốt là những người đệ nhị cấp (Hommes Lunaires, 2 è Ordre).

 

BỰC NHỨT: NHỮNG VỊ SIÊU PHÀM

 

Trước mặt những vị Siêu phàm có bảy đường tiến hóa khác nhau. Bảy đường nầy ra sao? Trừ Chơn sư ra thì không một ai hiểu rõ điều đó. Dầu sao cũng có một con đường giống in con đường mà chúng ta biết; những vị theo con đường nầy ở lại đặng giúp đỡ nhơn vật của Địa Cầu chúng ta, ấy là những vị Barishads Pitris.

Có bảy hạng Barishads Pitris chia ra Vô Sắc Giới và Sắc Giới. Các Ngài đều có lửa thiêng sanh hóa và thuộc về giai cấp thứ bảy của Thập Nhị Khai Thiên, tức là 12 giai cấp sanh hóa, nhưng thật sự các Ngài thuộc về giai cấp thứ 12. (Xin xem quyển Các Hạng Thiên Thần).

Tại Dãy Địa Cầu chúng ta có bốn hạng thuộc về Vô Sắc Giới (Pitris Roupas) hoạt động, mỗi hạng ngự trị trong một Cuộc Tuần Hườn.

1)- Hạng thứ Nhứt A: Thể thấp hơn hết là Thượng Trí điều khiển sự sanh hóa và sự tiến hóa của những hình dạng các loài trong Cuộc Tuần Hườn thứ Nhứt.

2)- Hạng thứ Nhì B: Thể thấp hơn hết là Hạ Trí điều khiển sự sanh hóa và sự tiến hóa những hình dạng các loài trong Cuộc Tuần Hườn thứ Nhì.

3)- Hạng thứ Ba C: Thể thấp hơn hết là cái Vía điều khiển sự sanh hóa và sự tiến hóa những hình dạng các loài trong Cuộc Tuần Hườn thứ Ba.

4)- Hạng thứ Tư D: Thể thấp hơn hết là cái Phách điều khiển sự sanh hóa và sự tiến hóa những hình dạng các loài trong Cuộc Tuần Hườn thứ Tư.

Mỗi hạng nầy còn chia ra bảy bực tùy theo trình độ tiến hóa cao thấp nữa.

Vậy bốn hạng có tất cả là 28 bực; nhưng nên nhớ rằng trong mỗi Cuộc Tuần Hườn và trên mỗi Bầu Hành Tinh chỉ có bảy bực thuộc về một hạng hoạt động mà thôi.

Các Ngài chưởng quản những đạo Thiên Binh, gồm Thiên Thần và các vị Ngũ Hành (Esprits de la Nature) có nhiệm vụ tạo ra hình dạng các loài. Có thể so sánh những vị nầy với những người thợ hồ, còn các Ngài là những vị Kiến trúc sư vẽ những bản đồ và cho những kiểu mẫu rồi mấy người phụ tá coi theo đó mà thi hành phận sự của mình.

Khi hoàn thành sứ mạng rồi thì các ngài trở về cõi Thượng Giới (Maha Loka) và mỗi khi một giống dân mới khởi sự sanh ra thì các Ngài trở xuống Trần đặng giúp đỡ Đức Bàn Cổ của giống dân đó.

Tỷ như lối một triệu năm trước đây, các Ngài đã góp phần vào việc tổ chức dòng họ thứ Nhứt của Giống dân Chánh thứ Năm là Giống A-Ri-Den (Aryens) với Đức Bàn Cổ Vaivasvata.

1)- Những vị gọi là con của Brigu sanh ra Suksma-Sharira, tức là cái Vía, cho những Linh Hồn tiến hóa hơn hết. Những Linh Hồn nầy làm ra hạng Bà La Môn hồi đời tối thượng cổ.

2)- Những vị gọi là con của Angiras sanh ra cái Vía cho những vị Vương hầu Tướng sĩ. Họ làm ra hạng Sái-đế-lỵ (Kshattriyas).

3)- Những vị gọi là con của Pulastya sanh ra cái Vía cho những người làm ruộng rẫy, buôn bán. Họ làm ra hạng Tỷ xá (Vaishya).

4)- Những vị gọi là con của Vashista sanh ra cái Vía cho những người tôi đòi. Họ làm ra hạng Su-tra (Sudras).

Người ta gọi bốn dòng nầy là bốn Hoạt-na (Varnas) nghĩa là bốn màu, bởi vì cái Vía của mỗi hạng đều có một màu riêng biệt. Màu nầy có những đặc điểm khác hơn màu khác. Người có Thần nhãn lão luyện dòm vô thì thấy rõ ràng.

Nói tóm lại, các Ngài giúp cho con người có:

a)- Cái Phách.

b)- Sanh lực Prana

c)- Cái Vía, nhưng các Ngài không cho cái Trí được.

Phận sự của các Ngài chỉ có bao nhiêu đó thôi.

 

Hỏi: Tại sao trong sách Thông Thiên Học gọi cái Vía (Corps Astral) là Nguyệt Thể (Corps Lunaire)?

Đáp: Bởi vì cái Vía do các Ngài Barishads Pitris làm ra, và bởi các Ngài thuộc về Dãy Mặt Trăng, cho nên người ta gọi cái Vía là Nguyệt Thể (Corps Lunaire). Luôn luôn có sự liên quan mật thiết giữa Mặt Trăng và Trái Đất, và cái Vía vẫn chịu ảnh hưởng của Mặt Trăng.

 

BỰC NHÌ: NHỮNG NGƯỜI ĐỆ NHỨT CẤP

(Hommes lunaires 1er Ordre)

 

Dưới bực Siêu phàm là những người tiến hóa khá cao, song không đồng bực với nhau. Các vị nầy chia ra làm ba hạng:

1)- Hạng thứ Nhứt: Những vị đã bước vào Đường Đạo và được Điểm Đạo từ một lần tới ba lần.

2)- Hạng thứ Nhì: Những vị tiến gần đến cửa Đạo.

3)- Hạng thứ Ba: Những người bị bỏ lại trong sự Phán Xét cuối cùng của Dãy Nguyệt Tinh, trong Cuộc Tuần Hườn thứ Sáu, và những người thoát kiếp thú, có cá tánh và Thượng Trí mở mang đầy đủ.

 

VÀI CHI TIẾT VỀ BA HẠNG NẦY

 

1.- Hạng thứ Nhứt: Những vị đã bước vào đường Đạo. Mấy vị nầy qua Địa Cầu chúng ta trong Cuộc Tuần Hườn thứ Tư và khởi sự đầu thai vào lúc Giống dân thứ Ba phân chia nam nữ. Các Ngài thành Chánh quả đã lâu lắm rồi và đã theo một trong bảy đường tiến hóa khác nhau. Trong số nầy có hai Đấng Chí Tôn mà người ta gọi là Đức Thích Ca và Đức Bồ Tát Di-Lạc (Maîtreya). . .

2.- Hạng thứ Nhì: Những người bước gần tới cửa Đạo. Những vị bước gần tới cửa Đạo là những người thoát kiếp thú và có cá tánh trong Cuộc Tuần Hườn thứ Tư của Dãy Nguyệt Tinh. Qua Địa Cầu chúng ta, ngày nay các Ngài đã thành Chánh quả, trong số đó có những vị mà chúng ta gọi là Chơn sư và nhiều vị đắc quả La Hán khi nghe Đức Phật thuyết pháp hơn 2.500 năm trước đây. Có vị đã lên tới bực Đế Quân. Cũng có nhiều vị đã từ giã Địa Cầu mà đi nơi khác.

3.- Hạng thứ Ba: Gồm những người bị bỏ lại trong cuộc Phán Xét cuối cùng của Dãy Nguyệt Tinh và những người thoát kiếp thú, có cá tánh và Thượng Trí mở mang đầy đủ, trong ba Cuộc Tuần Hườn chót của Dãy Nguyệt Tinh là: Cuộc Tuần Hườn thứ Năm, Cuộc Tuần Hườn thứ Sáu và Cuộc Tuần Hườn thứ Bảy.

 

VÀI LỜI NÓI VỀ NHỮNG NGƯỜI NẦY

 

a)- Những người có cá tánh trong Cuộc Tuần Hườn thứ Năm của Dãy Nguyệt Tinh:

Những vị nầy ngày nay là những bực thượng lưu thật sự trong xã hội chúng ta. Theo đường lối nầy hay đường lối khác, họ tiến hóa hơn đồng loại rất xa. Họ là những bực thiên tài trong ngành khoa học và mỹ thuật; hoặc là những người được thiên hạ tôn sùng, là những vị Thánh trong các tôn giáo.

Phần đông đã bước vào cửa Đạo, cũng có người đi gần tới cửa Đạo và được Chơn sư thâu làm Đệ tử.

b)- Những người có cá tánh trong Cuộc Tuần Hườn thứ Sáu của Dãy Nguyệt Tinh.

Họ là những người phong lưu tao nhã, những nhà trí thức hành nghề tự do, những người quí tộc, những nhơn viên cao cấp trong quân đội. Họ cũng nắm được trong tay một phần quyền lực của quốc gia. Họ có tình cảm tế nhị và để danh dự trên tất cả. Họ hơn bực trung bình là nhờ lòng dạ của họ nhơn từ, học thức của họ rộng sâu, những hoài vọng của họ cao thượng.

c)- Những người có cá tánh trong Cuộc Tuần Hườn thứ Bảy của Dãy Nguyệt Tinh.

Họ làm ra giai cấp trung lưu, hữu sản, trưởng giả, nhưng mà càng ngày họ càng đi gần tới mức độ trung bình về ba phương diện: lòng dạ nhơn từ, trí thức mở mang và mến chuộng Đạo đức, nhưng trí óc của họ hướng về vật chất nhiều hơn.

 

BỰC BA: NHỮNG NGƯỜI ĐỆ NHỊ CẤP

(Hommes lunaires, 2è Ordre)

 

Lúc còn ở Dãy Nguyệt Tinh, những vị nầy hồi mới đầu thai làm người thì Thượng Trí của họ chưa mở mang. Họ chỉ có “cái sườn của Thượng Trí”, nghĩa là những luồng thần lực xỏ rế với nhau, biểu thị những màu sắc của hình thuẫn sau nầy. Những vị Chơn Nhơn nầy có một hình dạng lạ kỳ. Dường như họ bị nhốt vào trong một cái “Rổ sảo” làm bằng chất Thượng Thanh Khí cao hay là chất Trí Tuệ.

Ngày nay họ đầu thai vào giai cấp trung lưu, nhưng chưa tiến hóa nhiều. Họ chuyên nghề thương mãi và làm việc ở trong các xưởng, các hãng. Họ có gan dạ, có thiện chí, sẵn sàng vâng lời, nhưng vẫn tôn trọng tập quán. Họ thường nghe theo dư luận, biết tôn trọng danh dự, mặc dầu trí hóa còn eo hẹp.

Nếu họ được nhấc lên địa vị cao sang, cầm quyền cai trị thì có thể nói rằng: xứ sở của họ đương trả một Quả Báo nặng nề, xấu xa. Những việc làm của họ gây ra một hậu quả trầm trọng cho đất nước, có khi cả trăm năm sau mới dứt.

 

II.- NHÓM THỨ NHÌ, B NHỮNG NGƯỜI THÚ

VÀ NHỮNG THÚ VẬT.

 

a)- Những người thú: Họ mới thoát kiếp thú nên chưa có Thượng Trí như chúng ta biết vậy. Chơn Thần của họ bay qua bay lại trên mình Phàm nhơn và liên lạc với nó nhờ vài sợi dây làm bằng chất Âm Dương Khí của cõi Niết Bàn. Không thấy nói Chơn Nhơn của họ ra sao.

Người ta gọi là Thượng Trí làm bằng những lằn. Trong Cuộc Tuần Hườn thứ Nhứt, chính là họ làm những công việc hướng đạo đầu tiên.

Công việc đó là thế nào?

Đáng lẽ khi qua Địa Cầu chúng ta thì họ được đi đầu thai làm người liền, nhưng không có điều đó. Trái ngược lại, ở tại Bầu thứ Nhứt A, họ đầu thai vào loài Tinh chất thứ Nhứt, một ít lâu thì qua loài Tinh chất thứ Nhì, kế thứ Ba, rồi mới tới loài Kim Thạch, Thảo Mộc, Thú Vật và Con Người. Nói cho đúng họ chui vào những khuôn do các Thiên Thần đã làm sẵn, rồi họ làm cho những khuôn nầy càng ngày càng cứng rắn thêm đặng cho những kẻ tới sau họ dùng được dễ dàng.

Từ Bầu thứ Nhì cho tới Bầu thứ Bảy, trên mỗi Bầu họ đều lập lại những điều của họ đã làm ở Bầu thứ Nhứt, nghĩa là họ cứ đầu thai vào bảy loài, từ Tinh chất thứ Nhứt cho tới Con Người.

Khi hết Cuộc Tuần Hườn thứ Nhứt, phận sự của họ đã xong, nhiệm vụ của họ đã mãn. Từ Cuộc Tuần Hườn thứ Nhì sắp sau, khi trở lại Bầu thứ Nhứt A thì họ đầu thai làm người liền, không còn thật hành cái công việc nặng nhọc trước kia nữa.

Ngày nay tại Địa Cầu chúng ta, họ làm ra “đám bình dân”, bất câu ở xứ nào họ cũng là những phần tử đông hơn hết.

Họ là những người làm công, những thợ thuyền, thường thường tánh tình ngay thẳng, lòng dạ tốt, biết tự trọng và làm cho người khác tin cậy mình.

b)- Những thú vật: Những thú vật ở Dãy Nguyệt Tinh cũng chia ra làm ba bực:

1)- Những thú bực Nhứt,

2)- Những thú bực Nhì,

3)- Những thú bực Ba, tùy theo sự tiến hóa của chúng.

 

1/- NHỮNG THÚ BỰC NHỨT

 

Những thú bực Nhứt đầu thai làm người trong Cuộc Tuần Hườn thứ Nhì của Dãy Địa Cầu chúng ta.

Ngày nay, họ là những người quê mùa, những người làm những công việc mệt nhọc, nặng nề. Tánh tình của họ cũng tốt vậy, song họ không biết lo xa và hay bê trễ, lười biếng. Họ cũng đầu thai vào những người còn ở trong rừng núi, song thuộc vào những hạng khôn ngoan hơn hết như: Những người Zoulous ở Nam Phi Châu, dân da đen và da đỏ ở Phi Châu và Mỹ Châu.

 

2/- NHỮNG THÚ BỰC NHÌ

 

Những thú bực Nhì có cá tánh trong Cuộc Tuần Hườn thứ Ba của Dãy Địa Cầu. Ngày nay phần đông còn ở trong những bộ lạc miền sơn cước.

Nếu Nhân Quả cho họ đầu thai vào những nước văn minh thì họ là những phần tử say sưa vất vả, lười biếng, sống với nghề đầu trộm đuôi cướp, hành hạ đàn bà, trẻ con và ở những xóm tồi tệ nhứt.

Có lẽ quí bạn ngạc nhiên về luật Nhân Quả nói trên đây, vậy tôi chỉ cho quí bạn xem. Đó là Nhân Quả do những nước văn minh da trắng gây ra mấy trăm năm trước khi họ mượn cớ khai thác những thuộc địa, xua binh hùng đánh chiếm những nước nhược tiểu cô thế ở Phi Châu, Á Châu, Đại Dương Châu và Mỹ Châu, tàn sát dân bổn xứ một cách dã man và hành hạ những người sống sót như thú vật.

Luật Báo Ứng Tuần Hườn đâu có dung tha họ, cho nên những người bị giết một cách oan uổng mới đầu thai làm công dân của những nước đó. Rồi Nhân nào Quả nấy, có vay thì phải có trả, chớ đáng lẽ trong những nước văn minh không có những người còn nhiều tật xấu gớm ghiết đến thế đâu.

Xác thân của họ thuộc về Giống dân thứ Năm, nhưng mà Linh Hồn ở trong những xác thân đó lại thuộc về nhánh nhóc của Giống dân thứ Ba, thứ Tư, chưa được mở mang lắm.

 

3/- NHỮNG THÚ BỰC BA

 

Những thú bực Ba mới đi đầu thai làm người trong Cuộc Tuần Hườn thứ Tư nầy và cũng có những người mới thoát kiếp thú tại quả Địa Cầu của chúng ta. Thế nên họ còn thú tánh rất nhiều. Họ rất dã man và thác sanh vào những bộ lạc, song họ còn thấp thỏi hơn hết. Người ta thường gọi họ là cặn bã của xã hội, những người đáng ghê tởm hơn hết. Nhưng thật sự, họ đáng cho ta thương xót hơn là ghét bỏ, đuổi xua. Họ phải học những bài học mà chúng ta đã học và đã kinh nghiệm cả triệu năm trước. Rồi trong một thời gian sau, họ cũng sẽ tiến tới địa vị của chúng ta đương chiếm giữ bây giờ.

Đối với chúng ta thì họ là trẻ nít mới bốn năm tuổi, còn chúng ta là những đàn anh đã trưởng thành. Họ cần những sự dạy dỗ và những sự giúp đỡ của chúng ta. Chúng ta phải chỉ biểu họ, dìu dắt họ đi từng bước một.

Điều tốt hơn hết là chúng ta nên nhớ mãi trong lòng ‘cái quá khứ của chúng ta’. Nếu ngày nay chúng ta thành những con bướm, cánh bông rực rỡ, bay liệng trên nhành thì chúng ta đừng cười chê hay là nhạo báng những con sâu còn đương bò lăng quăng dưới đất; trước đây không bao lâu, chúng ta cũng là những con sâu mà người ta đương ghê tởm đó.

Đừng quên lốt cũ.

 

CHỚ NÊN QUẢ QUYẾT ĐIỀU CHI CẢ

 

Đây là nói một cách tổng quát về sự sắp hạng Chơn Nhơn ở Dãy Nguyệt Tinh để giải nghĩa phần nào những sự khác biệt về sự tiến hóa của các giống dân tộc trên Địa Cầu. Chớ nên cho những điều nói trên đây là tuyệt đối. Còn nhiều chi tiết hết sức khó khăn.

Hiện giờ, trừ ra những trường hợp đặc biệt thì các giống dân tộc đều tiếp xúc lẫn nhau và ảnh hưởng với nhau một cách trực tiếp hay là gián tiếp. Nhiều điều kiện đã đổi thay.

Những Linh Hồn nào cố gắng thì tiến mau, nhứt là những ai bền lòng ăn ở in như những lời khuyên bảo của các vị Thánh Hiền, các vị Giáo Chủ, giữ gìn giới cấm, lo mở mang những tánh tốt và giúp đỡ mọi người tùy theo khả năng năng và phương tiện thì sửa đổi được số mạng của mình kiếp nầy và luôn kiếp sau nữa.

 

CÓ TRỜI MÀ CŨNG CÓ TA,

TU LÀ CỘI PHÚC . . .

 

Thật là đúng lắm vậy! Vì  Nhân Quả mà có những người văn minh phải trở lại đầu thai làm công dân của các nước nhược tiểu.

Thế nên ta chớ quả quyết rằng: anh A thuộc về bực Nhứt, còn anh B thuộc về bực Nhì v.v. . .  mà cũng đừng có những thành kiến.

Phải mở được Huệ Nhãn, xem Nhân Thể hay là Thượng Trí của một người nào, thì mới biết được sự tiến hóa của y tới bực nào.

Duy có Chơn sư và những vị La Hán mới không lầm lạc về những điểm nầy mà thôi. Hãy khiêm tốn vì đức tánh khiêm tốn là một đức tánh rất quí và hiếm có trên đời. Chúng ta còn Vô minh thì chớ nên xét đoán ai cả, trái lại, luôn luôn phải tự xét mình trước và phục thiện. . . .

Tôi xin quí bạn lưu ý về điểm nầy:

Đức Bà Blavatsky gọi hai hạng người ở Nguyệt Tinh thấp hơn những vị Barishade Pitris một vài bực là:

Nirvanis,

Dhyanis inférieurs hoặc Pitris solaires.

Còn bốn hạng nữa dưới những vị Pitris solaires thì Bà dùng danh từ Pitris lunaires để chỉ định họ.

Nhưng theo ý kiến của Bà A. Besant thì không nên gọi là Pitris, bởi vì Pitris có nghĩa là Tổ tiên, mà họ không phải là tổ tiên của con người, họ không sanh ra con người. Trái lại, họ còn phải qua Dãy Địa Cầu chúng ta đầu thai làm con người đặng tiếp tục sự tiến hóa của họ.

Đáng lẽ hai chữ Pitris lunaires phải để dùng cho những vị Đắc đạo thành Chánh quả ở Dãy Nguyệt Tinh là các vị Barishads mà thôi.

Tuy nhiên bởi vì Đức Bà Blavatsky đã dùng mấy chữ Pitris solaires, Pitris lunaires, Dhyanis inférieurs và chúng nó đã có trong sách vở Thông Thiên Học thì cứ để y nguyên như vậy, điều nầy không có hại chi cả. Miễn là đừng lầm lộn nó với những Đấng Barishads Pitris là những vị Đại Thiên Thần ở Dãy Nguyệt Tinh. Các Ngài qua Dãy Địa Cầu chúng ta điều khiển sự sanh hóa đầu tiên các loài vật trong mỗi Cuộc Tuần Hườn với Đức Bàn Cổ của mỗi giống dân.

 

CHƯƠNG THỨ NHÌ

 

Hỏi: Truyện Tàu nói rằng: Trên Cung Trăng có những vị Tiên nữ gọi là Hằng Nga xinh đẹp lạ thường. Huynh có tin điều đó không?

Đáp: Tôi tin mà không tin. Mới nghe qua chắc là Huynh lấy làm ngạc nhiên lắm. Tôi tin, bởi vì điều đó có thật và đã xảy ra mấy trăm triệu năm trước rồi.

Còn không tin là vì bây giờ không còn mấy việc đó nữa đâu.

Để tôi xin cắt nghĩa cho Huynh nghe.

 

XIN NHẮC LẠI

 

Hệ thống tiến hóa của chúng ta gồm bảy Dãy Hành Tinh, mỗi Dãy có bảy Bầu Hành Tinh, có cái hữu hình thấy được, có cái vô hình con mắt phàm không thấy được.

Dãy Hành Tinh thứ Nhứt (1ere Chaîne)

Dãy Hành Tinh thứ Nhì (2è Chaîne)

Dãy Hành Tinh thứ Ba (3è  Chaîne)

Đã tan rã lâu lắm rồi. Nhưng Dãy thứ Ba nầy còn để lại một di tích là Mặt trăng cho nên người ta gọi nó là Dãy Mặt Trăng hay là Dãy Nguyệt Cầu (Chaîne lunaire). Cũng như Dãy Hành Tinh thứ Tư có Bầu Trái Đất nên gọi là Dãy Địa Cầu (Chaîne terrestre) vậy.

Thật vậy, Mặt Trăng là Bầu Trái Đất của Dãy thứ Ba bởi vì nó cũng làm bằng đất cát như trái đất của chúng ta và nó cũng là Bầu thứ Tư.

 

HẰNG NGA LÀ AI?

 

Từ Cuộc Tuần Hườn thứ Năm sắp sau, nhơn loại ở Mặt Trăng tiến hóa càng ngày càng cao và loại trừ tất cả những dục vọng thấp hèn cho nên thân hình càng ngày càng trở nên mảnh mai đẹp đẽ.

Danh từ môi son má phấn, mặt liễu mày hoa bây giờ diễn tả chưa đúng mức. Sắc đẹp của phái nữ lúc đó, có lẽ nói là: ‘cá chìm đáy nước, nhạn sa lưng trời’ mới phải hơn. Cái đẹp nầy là cái đẹp thùy mị đoan trang đầy vẻ phong lưu cao quí, làm cho người ta kính mến, chớ không phải cái đẹp khêu gợi dục vọng, quyến rũ con người vào đường tội lỗi.

Nói tóm lại Hằng Nga là phái nữ của Mặt Trăng hồi 4 – 500 triệu năm trước.

 

MẶT TRĂNG LÀ MỘT BẦU HÀNH TINH CHẾT

 

Từ xưa đến nay, các nhà Huyền bí học đều biết rằng Mặt Trăng là một Bầu Hành Tinh chết, khô khan và lạnh lẽo vô cùng. Danh từ Quảng Hàn Cung dành cho nó rất đúng. Không còn sanh khí, không còn một loài vật nào cả, bởi vì những nhơn vật chưa tiến hóa đúng mức ở Dãy Mặt Trăng đều được di chuyển qua Dãy Trái Đất của mình rồi thì còn có ai đâu mà gọi Hằng Nga nơi Nguyệt điện.

Chuyện vua Đường Minh Hoàng lên chơi trên Cung Trăng khi trở về bày ra khúc Nghê Thường Vũ Y là do ảo thuật của thầy đạo sĩ La công Viễn, chớ sự thật là vua Đường Minh Hoàng không có đi đâu cả.

 

NHIỆT ĐỘ CỦA MẶT TRĂNG

 

Sau khi thám hiểm Mặt Trăng rồi trở về Trái Đất, các phi hành gia nói rằng: Ở Mặt Trăng 130 độ tại những vùng có ánh sáng mặt trời; còn 50 độ dưới không độ trong bóng tối.

Thuở xưa kinh sách Tàu gọi Mặt Trăng là Quảng Hàn Cung, bao nhiêu đây cũng đủ để chứng minh rằng mấy ngàn năm trước các nhà Huyền bí học Trung Hoa đã biết Mặt Trăng là một Bầu Hành Tinh lạnh lẽo vô cùng.

Tôi cũng tin rằng hồi Châu Ắt-Lăn-Tích (Atlantide) còn thạnh hành, lối 90.000 năm trước, cũng có người lên thám hiểm Cung Trăng rồi. Thuở đó người ta biết dùng phi thoàn di chuyển bằng sức mạnh của dĩ thái gọi là Force inter éthérique. Vẫn có những trận không chiến dữ dội và cũng có việc xử dụng hơi độc nữa.

Nhưng tiếc thay, năm 75.025 trước Chúa Giáng Sanh, châu Ắt-Lăn-Tích bị nhận chìm xuống đáy biển không còn sử sách để đời sau chứng minh những lời nói trên đây.

Tuy nhiên, trong Tàng thư viện của Tiên Thánh vẫn có những tài liệu ghi chép lịch sử nhơn loại từ lúc mới sanh ra trên Địa Cầu cho tới ngày nay, để truyền dạy các đệ tử, nhưng không bao giờ tiết lộ ra ngoài.

 

MỘT NGÀY TRÊN MẶT TRĂNG

 

Một ngày trên Mặt Trăng dài bằng 14 ngày dưới trần thế từ lúc mặt trời mọc cho tới khi mặt trời lặn.

 

HỘ TINH CỦA TRÁI ĐẤT

 

Theo một định luật thiên nhiên, thì Bầu Hành Tinh của Dãy thứ Ba sẽ làm Hộ Tinh (Satellite) cho Bầu Hành Tinh thứ Tư của Dãy thứ Tư.

Còn Bầu Hành Tinh thứ Tư của Dãy thứ Tư sẽ làm Hộ Tinh cho Bầu Hành Tinh thứ Tư của Dãy thứ Năm.

Đây có nghĩa là: Bầu Trái Đất của Dãy thứ Ba – thành ra Mặt Trăng, Hộ Tinh cho Địa Cầu chúng ta. Rồi ngày sau Trái Đất của chúng ta sẽ thành Mặt Trăng, Hộ Tinh của Bầu Trái Đất của Dãy thứ Năm. . .

Tôi xin nói thêm rằng: Cũng theo định luật trước đây, tới Cuộc Tuần Hườn thứ Bảy của Dãy Địa Cầu, đúng ngày giờ, thì Mặt Trăng sẽ tan rã. Tới chừng đó ban đêm chúng ta không còn thấy Mặt Trăng nữa.

Rồi tới Cuộc Tuần Hườn thứ Bảy của Dãy thứ Năm, Bầu Trái Đất của chúng ta bây giờ là Mặt Trăng của Dãy đó cũng phải theo định luật mà tan rã vậy.

 

 

CHƯƠNG THỨ BA

 

HỘ TINH CỦA KIM TINH

 

Hỏi: Huynh nói Dãy Kim Tinh là Dãy thứ Năm. Vậy thì Kim Tinh phải có một Hộ Tinh tức là Mặt Trăng và Mặt Trăng nầy là Bầu Trái Đất của Dãy thứ Tư của Kim Tinh?

Tại sao khoa học bây giờ lại nói: Kim Tinh không có Mặt Trăng tức là không có Hộ Tinh. Huynh nghĩ thế nào về điều nầy?

Đáp: Nói rằng: ‘Kim Tinh có một Hộ Tinh’ vẫn đúng với sự thật, mà nói rằng Kim Tinh hiện nay không có Hộ Tinh cũng đúng với sự thật nữa.

 

HỘ TINH CỦA KIM TINH

 

Kim Tinh phải có một Hộ Tinh. Luật Trời đã định thì không bao giờ sai chạy được.

200 năm trước Hộ Tinh nầy vẫn còn. Năm 1761, hai nhà Thiên Văn trứ danh là Cassnini và Short quan sát Hộ Tinh nầy nhiều lần với những viễn vọng kính khác nhau.

Cũng năm 1761, Scheuter vẫn thấy Hộ Tinh nầy đi ngang qua Kim Tinh.

Montaigne thấy Hộ Tinh nầy bốn lần và ba năm sau, năm 1764 Rordkier, Horrebow và Montbaron cũng thấy nó nữa.

Bề trực kính của Hộ Tinh nầy lối 3.700 cây số.

 

TẠI SAO NGÀY NAY KHÔNG CÒN THẤY HỘ TINH NẦY NỮA?

 

Ngày nay không còn thấy Hộ Tinh nầy nữa bởi vì Dãy Kim Tinh ở vào Cuộc Tuần Hườn thứ Bảy (7è Ronde). Phần đông nhơn loại ở Kim Tinh đã thành Tiên Thánh rồi. Theo định luật nói trước đây, Hộ Tinh nầy đã tan rã, vì đúng ngày giờ thì cát bụi phải trở về  với cát bụi.

Các nhà Thiên Văn hiện kim cho rằng nhà Thiên Văn đời xưa đã lầm lạc nhưng sự thật, mấy vị ấy không lầm đâu.

Cái chi cũng có nguyên nhân, trừ ra khi biết được nguyên nhân thì thấy rõ hết mọi việc.

 

H Ế T

 

 

 

 

HOME  sách   TIỂU SỬ    BẢN TIN   HÌNH ẢNH   thIỀN    BÀI VỞ   THƠ   gifts   TẾT 2006  BOOKS  MAGAZINES