trang nhà l trang sách l bản tin l thiền học l tiểu sử l trang thơ l hình ảnh l bài vở

Sự Sống và  Sự Chết
Tác giả: Radha Burnier
hội trưởng hội Thông Thiên Học Thế giới hiện nay
Tạp chí : Người Thông Thiên Học  1985

người dịch: Lê Trung

Sự Sống là một năng lực biểu lộ qua muôn vàn hình thể, và có khả năng tổ chức vật chất.Khi năng lực nầy rút về thì khả năng tổ chức vật chất chấm dứt, và cái mà năng lực Sự Sống chảy qua sẽ tan rã. Điều nầy được gọi là Sự Chết.

Năng lực Sự Sống hoạt động qua hình thể tạo nên sự tăng trưởng: em bé trưởng thành, mầm nẩy thành cây. Sự tăng trưởng cũng theo một kiểu mẫu xác định. Sau khi xác thân bị thương, da thịt đứt rời, tiến trình chữa lành liền xảy ra khiến các tế bào khác nhau được nhân bội lên theo một đường lối đúng đắn để tạo lại phần cơ thể như đã có lúc trước. Con rắn mối đứt đuôi sẽ mọc lại đuôi mới giống như cũ một cách chính xác. Như thế các thế hệ tăng trưởng và nối tiếp nhau theo một kiểu mẫu vô hình tiền định. Tại sao mỗi hạt giống chỉ phát triển để thành một cái cây thuộc đúng loại của nó? Tại sao trứng chim sẻ chỉ nở ra chim sẻ? Kiểu mẫu cho vạn vật ắt phải hiện hửu đâu đó. Có một trí thông minh trong chính Sự Sống không? Năng lực tổ chức nầy có vẻ là một năng lực thông minh siêu nhiên.

Nói xa hơn, nơi nào có sự sống thì nơi đó có tâm thức nhưng ở các trình độ khác nhau và chịu ít nhiều hạn chế. Cảm giác là một hình  thức của tâm thức. Tâm thức hàm ý sự tiếp xúc với bên ngoài. Qua sự tiếp xúc nầy, vài loại thông điệp được đưa vào trong. Xúc giác cho biết ngoại vật mềm hay cứng. Các cảm giác khác nhau chuyển di các thông điệp khác nhau; và nhờ chúng , ta nhận được ấn tượng nào đó của ngoại cảnh.

Hình thể càng phức tạp  thì khả năng nhận thức càng nhiều. Sự sống trong hình thể sơ khai chỉ nhận thức được đôi điều mà thôi. Còn trong những hình thể tiến hóa thì tâm thức mở rộng và đáp ứng được nhiều hơn. Khi năng lực sự sống ngừng chảy, sự tiếp xúc không còn tồn tại và tâm thức cũng chấm dứt luôn.

Như đã nói, hình thể càng phát triển thì tâm thức càng có khả năng nhiều hơn. Hiện nay người ta biết rằng loài thảo mộc có khả năng nhận thức nhiều hơn như ta đã tưởng. Không những chúng chỉ đáp ứng với những kích thích tố như ánh sáng mặt trời mà còn đáp ứng với tư tưởng và tình cảm nữa. Thí nghiệm cho biết nếu ai có tư tưởng giết hại thì cây sẽ nhận thấy và ghi lại phản ứng nầy trên não điện đồ. Thảo mộc nhạy cảm hơn các hỉnh thể khác nên phản ứng của nó có nhiều loại hơn. Nơi hình thể phát triển cao như xác thân con người  thì khả năng tâm thức càng cao hơn nữa vì nó có nhiều giác quan để tiếp xúc hơn. Nhờ những tiếp xúc nầy, nó nhận được nhiều ấn tượng hơn từ thế giới bên ngoài.

Tâm thức cũng có hình thức của cảm nghĩ. Lòng thiện cảm với điều gì  giúp ta tiếp xúc được với điều đó. Tri thức cũng là một hình thức tiếp xúc. Đó là khả năng phân biệt vật nầy với vật khác qua sự nhận thức về các đặc tính của chúng. Tâm thức con người bao trùm một lãnh vưc rộng lớn gồm cả cảm giác, cảm nghĩ và tri giác.

Hơn nữa tâm thức con người còn có khả năng nhận thức điều ‘trừu tượng’. Một tâm thức giới hạn chỉ thấy điều riêng rẽ chứ không đại đồng. Những loại hoa khác nhau về kích thước, hình thể và màu sắc  đều được gọi chung là hoa vì mặc dầu khác biệt, chúng có những điểm giống nhau được gọi là ‘hoa tính’. Chỉ riêng trí con người cũng có thể nhận thức được tính đại đồng, trừu tượng, chẳng hạn như ‘hoa tính’. Những triết gia, học giả, khoa học gia ở nhiều thời đại đã suy gẫm hoặc đi tìm sự Duy Nhất trong đó mọi hiện hửu được liên kết nhau. Có một bản thể đại đồng, một bản thể không biểu lộ của mọi sắc tướng biểu lộ, một nền tảng cốt yếu cho mọi sự hiện hửu,  và tri thức về bản thể nầy là tâm thức tối hậu.

Ý thức về sự duy nhất đại đồng hay tối hậu không phải là vấn đề của suy tưởng  mà là vấn đề của kinh nghiệm. Có những điều mà cái trí chỉ có thể biết bằng cách kinh nghiệm chúng mà thôi. Ta nhận biết cái ghế bằng cách nhìn và nhận xét các đặc tính của nó. Nhưng ta không thể biết được hạnh phúc bằng cách trên. Hạnh phúc người nầy không thể trở nên hạnh phúc cho người khác. Mỗi người chỉ biết được hạnh phúc bằng kinh nghiệm mà thôi, và chỉ biết rõ thực sự khi có kinh nghiệm thâm sâu thuần nhất. Hạnh phúc hổn tạp, chống đối, hạnh phúc hời hợt,thoảng qua  không phải là hạnh phúc thật sự. Kinh nghiệm trọn vẹn có nghiã là kinh nghiệm liên tục,không đứt khoảng. Tri thức về những giá trị vĩnh cửu có nghĩa là thấu hiểu bản chất của mỹ lệ, tình thương và hạnh phúc vô biên. Kinh nghiệm tùy thuộc vào sự lưu thông của năng lực sự sống có dễ dàng hay không. Như đã đề cập trước đây, năng lưc càng tuôn chảy dễ dàng thì tâm thức càng biểu lộ các quyền năng của nó nhiều hơn qua đặc tánh rõ ràng, nhạy cảm, thâm sâu…

Có lẽ thể xác con người  không cần phát triển thêm về mặt sinh học vì có nhiều vùng não bộ chưa được sử dụng đến. Julian Huxley  tuyên bố rằng sư tiến hóa tương lai của con người thuộc về lãnh vực tâm lý, xã hội chứ không thuộc lãnh vực sinh học. Điều nầy có nghĩa là những khả năng tương lai của con người nằm trong lãnh vực tâm thức. Như đã nêu rõ, ý thức là tạo sự tiếp xúc, nhận ấn tượng và tạo sự tương quan. Khi tâm thức bị giới hạn thì mối tương quan cũng bị giới hạn. Vì sự tiếp xúc thuộc nhiều trình độ khác nhau, từ các cảm giác, tư tưởng cho đến tính đại đồng , nên sự tương quan cũng khác nhau về phẩm chất và mức độ. Có người chỉ đơn giản xem hoa là một hình thể vật chất nên đã hủy hoại hoa  hoặc để thương mại. Nhưng nếu y thấy được phẩm chất mỹ lệ, y sẽ không muốn làm thương tổn hoa. Còn ai ý thức trọn vẹn vẻ mỹ lệ của hoa sẽ âu yếm, thương yêu hoa.

Ý thức mỹ  lệ không liên quan đến kiến thức về những sự kiên đơn giản. Chúng ta có thể biết tất cả các sự kiện về hoa, nhưng muốn có ý thức về vẻ đẹp của nó, chúng ta phải học nhận thức ở một trình độ khác. Hầu hết mọi người nghĩ rằng mình nhận thức đầy đủ, nhưng nếu gẫm lại, họ sẽ khám phá rằng họ chỉ nhận thức được một phần nào mà thôi, còn phần lớn cuộc đời của họ trôi qua như một giấc mộng. Có thể chúng ta đi qua một người bạn, mắt thấy y, nhưng lại không ý thức được y là ai bởi vì tâm trí ta đang bận rộn. Có thể chúng ta nhìn một khu vườn mà chẳng thấy mảy may vẻ đẹp của nó chỉ vì tâm ta đang lo lắng cho buổi tranh luận hoặc cuộc đầu tư. Khi nhiều tư tưởng và hình ảnh hổn độn  đi ngang qua bộ óc, tâm thức liền bị thâu hẹp lại rất nhiều. Thật vậy, đa số đời sống con người trôi qua trong tâm thức mơ màng. Cả đến những người có ý thức cũng chỉ biết được mặt ngoài của sự vật mà thôi. Thấy khu vườn mà không thấy vẻ đẹp của nó, hoặc chỉ thấy vẻ đẹp cách hời hợt thì cũng chưa gọi là đi sâu vào cốt lõi của sự vật.

Hình ảnh và tư tưởng hiện lên trong trí có nguồn gốc ở quá khứ. Tâm thức không thể ở trong quá khứ vì quá khứ đã chấm dứt, ký ức chỉ là một bóng mờ. Hiện tại mới thật sư hiện hữu. Những bóng mờ và hình ảnh phát xuất từ quá khứ ngăn cản chúng ta sống trong hiện tại. Sống có nghĩa là ý thức và tương quan. Sống trọn vẹn là ý thức bên ngoài lẫn cả bên trong. Nó phải là ý thức vừa cục bộ vừa toàn thể, vừa hiển nhiên vừa tế vi. Khi sự nhận thức giảm đi, chúng ta không còn sống thực sự. Cái trí chứa đầy quá khứ ngăn cản chúng ta sống trọn vẹn, quá khứ đã mất rồi nhưng còn lưu lại những bóng mờ.

Tương lai cũng không thật sự hiện hữu mà chỉ là một loại tưởng tượng. Đành rằng có thời gian vật lý do trái đất quay quanh trục của nó, nhưng khi chúng ta đi đến điều mà chúng ta nghĩ là tương lai thì nó đã là hiện tại rồi. Thế thì quá khứ và tương lai không thật sự hiện hữu, chúng chỉ hiện ra dưới dạng những bức tranh của cái trí. Lo âu và hy vọng thuộc phần tương lai tưởng tượng, tổn thương và thù hận thuộc về quá khứ. Vì chúng mà chúng ta đánh mất hiện tại là khả năng dạy chúng ta những bí nhiệm của đời sống.

Có thời kỳ người ta nghĩ rằng mọi việc xảy ra trên thế giới đều do ngẫu nhiên. Nhưng ngày nay các nhà lỗi lạc nghĩ khác. Theo thống kê, không một cơ quan đơn bào nào có thể phát triển cách ngẫu nhiên để thành hình thể con người,  bởi vì có vô số sự biến đổi và tất cả mọi  biến đổi nầy bắt buộc phải theo một đường lối đúng thì điều nầy mới có thể xảy ra. Một cơ quan cảm giác như đôi mắt chẳng hạn thì không thể thành hình cách ngẫu nhiên được vì nó quá phức tạp. Những bằng cớ như thế khiến nhiều nhà tư duy phải chấp nhận rằng có một cái trí thiêng liêng đang hoạt động trong vũ trụ, một trí thông minh phi thường ẩn sau các hiện tượng và hình thể. Ông  Alister Hardy chấp nhận không những có một trí thông minh hoạt động trong diễn trình tiến hóa, mà còn có cả tình thương như một năng lực thúc đẩy nó, bởi vì chỉ có tình thương mới có thể làm vẻ mỹ lệ và năng lực sáng tạo biểu lộ ra được như đã có trong vũ trụ.

Chúng ta đánh mất điều huyền nhiệm và vẻ mỹ lệ của đời sống  vì chúng ta ngăn cản năng lực của sự sống lưu chảy tự do.Tâm thức của chúng ta không nhận dược tất cả những điều mà nó có thể nhận thức được bởi lẽ quá khứ và tương lai đã đè nặng lên trí não ta. Những hình ảnh tưởng tượng chuyển động vòng quanh trong trí theo nhiều cách khác nhau như trong kính vạn hoa. Điều gì sẽ xảy ra vào lúc xác thân tan rã mà chúng ta gọi là sự chết? Tất cả hình ảnh của quá khứ đươc xóa đi cùng với não bộ. Sự sống được tự do khoác lấy một hình thể khác để học cách hoạt động mà không bị quá khứ ràng buộc.

Mỗi người phải ý thức làm điều giống như cái chết sẽ làm vào lúc cuối cuộc đời. Trong khi làm thế, y sống trọn vẹn hơn, có nghĩa là y học ý thức càng nhiều càng tốt. Socrates nói rằng triết gia  diễn tập cái chết của mình mỗi ngày. Y xóa khỏi tâm thức những hình ảnh và ký ức của quá khứ, y mở rộng tâm thức đón nhận những tri thức thâm sâu lẫn hời hợt, cả bí ẩn lẫn hiển nhiên. Như đã nói, sự nhận thức ám chỉ mối tương quan. Ai có tri giác càng thâm sâu- không chỉ theo hình dáng bên ngoài mà còn theo vẻ mỹ lệ và sự bí nhiệm của sự sống chuyển lưu trong những hình thể nầy- thì y càng kinh nghiệm về tình yêu nhiều hơn và y càng đến gần với bản thể sự vật hơn.

Gần đây công cuộc nghiên cứu về kinh-nghiệm-gần-chết  cho thây rằng vào lúc cuối, đương sự thấy rằng tình thương là mục đích của đời sống, sự thành công không ở chỗ  trở nên danh tiếng và giàu sang, mà ở chỗ tăng trưởng khả năng đáp ứng với tình yêu. Tình yêu có nghĩa là thấu hiểu sự duy nhất của sự sống bởi vì sự sống giáng nhập vào những hình thể khác nhau. Giống như khi thấy bóng trăng trong vũng, hồ, ao, khiến ta cho rằng có nhiều mặt trăng. Tương tự, chúng ta có thể nghĩ rằng khoảng không gian trong căn phòng khác biệt với khoảng không gian trong cái hộp, nhưng thực tế không gian chỉ là một. Một ngày kia phòng bị kéo sập, hộp bị phá hủy, nhưng không gian vẫn là duy nhất và vô hình.[1] Cũng thế, chỉ có một trí tuệ duy nhất, một tình yêu duy nhất, một năng lực đại đồng không phân chia . Biết được điều nầy là đã học được bài học của sự sống. Việc nầy chỉ có thể xảy ra khi chúng ta tập mở rộng mắt nhìn vào nội tâm và để cho tâm thức nở hoa. Nó phải mở rộng, thoát khỏi gánh nặng của quá khứ và tương lai. Tương lai con người nằm trong sự phát triển của tâm thức  bởi vì nhờ nó y sẽ khám phá ra một mối tương quan với vạn vật một cách hoàn toàn khác hẳn.

Hết
Lê Trung dịch

  Chú thích

 [1] Khi cái phòng bị kéo sập, cái hộp bị phá hủy, sắc tướng không còn nữa. Tuy nhìên, không gian còn đó nhưng vô hình, mắt trần không thấy được . Ðoạn văn này cho ta hai ý nghĩa:

1-Làm cho chúng ta ý thức được không gian ngoài phòng và không gian trong cái hộp cùng một bản thể duy nhất. Chúng ta sẽ thấy  vạn vật đồng nhất thể, một bản thể , một sự sống duy nhất, không phân biệt. Ðến đây chúng ta mới hiểu được, nhân loại, chúng sinh, vạn vật là một bản thể .

2- Ý thứ hai này mới độc đáo hơn, nó giúp cho những người tìm hiểu về thiền học một bí quyết, đó là  Khi cái phòng bị kéo sập, cái hộp bị phá hủy chỉ còn lại không gian cái mà không thấy được nên thấy cái không thấy mới là thấy.

Như Hải


trang nhà l trang sách l bản tin l thiền học l tiểu sử l trang thơ l hình ảnh l bài vở

Bản quyền    Copyright  @ www.thongthienhoc.com  2001-2004
Mọi bản sao hay trích dẫn kính xin quí vị đề rõ nơi xuất xứ chân thành cám ơn.
Xin giữ nguyên bản. Mọi sự liên hệ xin  liên lạc e-mail sau:   nhusee@yahoo.com