trang nhà l trang sách l bản tin l thiền học l tiểu sử l trang thơ l h́nh ảnh l bài vở
MANTRA YOGA
Sau khi xét tới bản chất của các Công năng Thiêng liêng vốn ẩn tàng dưới danh xưng và hình tướng GĀYATRĪ Devì, giờ đây ta sẽ xét tới GĀYATRĪ mantra. Nhờ vào GĀYATRĪ mantra, ta có thể thỉnh cầu và sử dụng công năng của GĀYATRĪ Devì để phát triển tâm thức con người và đạt tới mục tiêu tối hậu của nỗ lực con người, đó là: sự Thực Chứng Chơn Ngã. Nhưng trước khi thử ra sức khảo sát và tìm hiểu GĀYATRĪ mantra, ta nên biết một mantra thực sự là gì. Sự tham thiền GĀYATRĪ (GĀYATRĪ upāsanā) hòa lẫn với kỹ thuật Yoga trong các giai đoạn cao siêu và không ai có thể thẩm định rốt ráo được các khía cạnh khác nhau của GĀYATRĪ upāsanā mà thông thường không quen thuộc với lý thuyết và kỹ thuật Yoga. Ngành Yoga đặc thù vốn đặc biệt có dính dáng tới sự tham thiền GĀYATRĪ (GĀYATRĪ upāsanā) chính là Mantra Yoga. Điều này giúp ích rất nhiều cho kẻ chí nguyện, nhất là đối với kẻ sơ cơ. Nó dường như là không quen thuộc khi mang danh xưng “đao to búa lớn” Mantra Yoga, nhưng mọi người đều hiểu sự tham thiền lập đi lập lại (japa) Mantra Yoga cốt yếu là kỹ thuật phát triển tinh thần bằng cách thực hành japa.
Một số rất lớn những người mộ đạo trên khắp thế giới thực hành japa và phép thực hành này không bị hạn chế nơi những người Ấn Độ như một số người lầm tưởng. Người Thiên Chúa giáo La Mã có phép lần tràng hạt, còn người Hồi giáo có phép tasbeih. Nhưng nhiều người thực hành japa một cách khá máy móc mà không hiểu được lý thuyết hoặc kỹ thuật của nó. Hậu quả là họ chỉ có thể thành tựu được những kết quả có tính cách khá hời hợt và hạn hẹp. Quả thật là khi yếu tố sùng tín mạnh mẽ và người ta thành khẩn nỗ lực sống trên đời, thì người ta vẫn có thể tiến bộ đáng kể mà không hiểu nhiều về lý thuyết japa. Điều này không có nghĩa là kiến thức về Mantra Yoga thật là vô ích và ta không nên dùng trí thông minh của mình khi áp dụng kỹ thuật đơn giản có những lực mạnh mẽ đang hoạt động, chúng biểu hiện ra mặc dù ta không có được sự hiểu biết thích đáng. Một người thợ máy vào nhà bạn để sửa một chiếc quạt điện có thể dễ dàng xử trí một công việc thông thường, nhưng vì kiến thức của y có tính cách thực nghiệm và hạn hẹp, cho nên y không thể giải quyết được những vấn đề lớn lao và phức tạp có dính dáng tói việc dùng điện. Muốn giải quyết điều này cần phải có một kỹ sư điêu luyện có đầy đủ kiến thức khoa học.
Mantra Yoga là một đề tài có tầm mức khá rộng lớn mặc dù chỉ có ít nguyên lý cốt yếu làm nền tảng cho nó. Xung quanh kiến thức căn bản và cốt yếu về khoa học, trải qua hàng thế kỷ, đã phát triển nên một kho tài liệu rộng lớn mặc dù khá tầm phào mà ta thường gọi là khoa học Mantra (Mantra Shāstra). Trái với Mantra Yoga, Mantra Shāstra này có liên quan chủ yếu với sự áp dụng khoa học để đạt được các mục tiêu cá nhân và ích kỷ trong khi Mantra Yoga chỉ có một mục tiêu duy nhất – phát triển bản chất tinh thần của ta. Mặc dù các nguyên lý căn bản được sử dụng trong Mantra Yoga và Mantra Shāstra đều như nhau và có tính cách khoa học, song sự khác nhau căn bản về động cơ thúc đẩy khiến cho việc áp dụng các nguyên lý này khác nhau rất nhiều. Việc áp dụng bất kỳ khoa học nào vì các mục đích cá nhân (và nhất là các mục đích độc ác) bao giờ cũng có kèm theo đủ thứ điều nguy hiểm; và để phòng ngừa ta cần phải dùng nhiều công cụ có thể giữ cho kẻ chí nguyện tránh khỏi các nguy hiểm đó. Vì lý do này, kỹ thuật Mantra Shāstra rất tỉ mỉ và cần tuân thủ rất nghiêm ngặt các quy tắc được đề ra bởi những người đã soạn thảo ra các kỹ thuật ấy. Trong kinh Purānas có đề cập tới việc con quỷ Vritra (kẻ thù của Indra), vì thốt ra mantra với một sự lên xuống giọng (svara) sai lầm, đã tự giết mình thay vì giết kẻ thù. Đối tượng của một mantra càng cao siêu và càng có tính cách tinh thần, thì kỹ thuật càng đơn giản và việc sử dụng nó một cách thông minh càng ít nguy hiểm. Ta cần phải lưu ý từ “một cách thông minh” vì ngay cả việc dùng các mantras như Pranava (âm tiết linh thiêng Om) cũng đòi hỏi phải tuân theo một vài điều kiện mặc dù các điều kiện này thuộc một loại khác. Dù sao đi nữa, vì ta đang bàn tới đề tài Mantra Yoga, nhất là liên quan tới Japa trong GĀYATRĪ, cho nên ta không cần đi sâu vào các vấn đề này ở đây.
Giáo lý căn bản làm nền tảng cho Mantra Yoga, đó là: tất cả vũ trụ rắn chắc và hữu hình mà ta thấy xung quanh ta chẳng qua được tạo thành bởi đủ thứ rung động và năng lượng hoạt động ở các mức độ khác nhau. Những sự việc vốn dường như rắn chắc và có thực xiết bao, không giống như dáng vẻ bên ngoài của chúng, mà chỉ là kết quả tương tác của đủ thứ năng lượng và tâm thức. Điều này dường như là một giáo lý hoang đường chỉ mới cách đây một nửa thế kỷ khi người ta coi như vật chất được tạo thành bởi các nguyên tử vật chất bất hoại. Nhưng sự tiến bộ của khoa học - nhất là của vật lý học và hóa học trong thế kỷ này – đã bổ chứng cho giáo lý này hầu như là trọn vẹn một cách rất bất ngờ. Những điều khám phá về bản chất của nguyên tử đã làm thay đổi hoàn toàn ý tưởng của ta về vật chất và giờ đây, ta coi như toàn thể vũ trụ vật lý không phải là một khối các nguyên tử cứng rắn bền chắc, mà là một sự tác dụng phi thường của đủ thứ năng lượng. Các khoa học gia đã tìm thấy rằng điều dường như là một vũ trụ hữu hình đối với các giác quan, té ra hầu như là không gian trống rỗng. Người ta đã tính toán rằng nếu mọi nguyên tử hiện diện trong cơ thể một người được tụ tập lại và mọi không gian trống rổng trong các nguyên tử này đều bị loại trừ thì ta sẽ thu được chỉ một chấm nhỏ đến nỗi mà muốn thấy được nó thì cần phải có một kính lúp. Và ngay cả chấm vật chất này cũng chỉ có thể bao gồm năng lượng theo công thức nổi tiếng của Einstein E=mc²; công thức này chứng tỏ rằng vật chất và năng lượng có thể chuyển đổi lẫn cho nhau. Đến nỗi mà ta có thể coi hầu như đã chứng tỏ được rằng vật chất hồng trần thực tế chẳng qua chỉ là một tác dụng đa tạp của đủ thứ năng lượng ở các mức độ khác nhau. Các vị Rishis đã đi sâu thêm nữa vào vấn đề cấu tạo vũ trụ này; nhờ vào các quyền năng siêu phàm của mình, các Ngài đã khám phá ra rằng các yếu tố vô hình của vũ trụ (như tư tưởng và cảm xúc) vẫn có một cơ sở vật chất – ta dùng từ “vật chất” theo nghĩa rộng nhất – nhưng vật chất tinh vi mà chúng tác động thông qua đó cũng có bản chất cốt yếu chỉ là một khối rung động và là tác dụng của đủ thứ năng lượng. Khi khảo cứu rốt ráo, người ta cũng tìm thấy rằng các thế giới tinh vi – mà kho tài liệu tôn giáo của ta thường gọi là sūkshma lokas – vốn dựa vào đủ thứ rung động và năng lượng. Các hội nghiên cứu tâm linh đã tiến hành khảo cứu khoa học hiện tượng truyền tư tưởng và điều này đã chứng tỏ rằng các tư tưởng cũng rất có thể là có bản chất rung động; nhưng từ lâu rồi, các huyền bí gia đã thừa biết sự kiện này và đã sử dụng nó để truyền thông với nhau và để làm những việc khác.
Những sự khảo cứu thêm nữa bằng các phương pháp Yoga cho thấy rằng chẳng những mọi thế giới biểu lộ đều dựa vào các rung động và đủ thứ năng lượng, mà mọi rung động này còn có liên hệ với nhau và có thể được truy nguyên từ một giai đoạn tinh vi này cho tới một giai đoạn khác mãi đến khi chúng chấm dứt nơi một rung động sơ cấp, căn bản, trùm khắp – ta có thể coi như mọi rung động cấu thành vũ trụ biểu lộ bắt nguồn từ rung động này. Mối liên hệ của các rung động cấu thành khác nhau này đối với rung động căn bản nhất như cũng chẳng khác nào mối liên hệ của các lá và cành của một cái cây đối với thân cây. Ngay cả trong lãnh vực khoa học hiện đại, ta đang dần dần ý thức được rằng mọi khoa học đều có liên quan với nhau và thực ra đều thoát thai từ khoa học cơ bản duy nhất bao hàm và bao trùm tất cả.
Khoa học đã không thể phát hiện hoặc phân loại mọi rung động hoạt động ngay cả trên cõi hồng trần và có lẽ sẽ chẳng bao giờ có thể làm được điều này vì chúng thật là phức tạp và tinh vi. Vì vậy, ta chẳng thể nào hy vọng dùng các phương pháp thông thường để khảo sát trọn vẹn được các rung động cực kỳ phức tạp và tinh vi hoạt động trên mọi cõi – hồng trần và siêu hồng trần. Thế thì bằng cách nào mà ta có thể biết được chúng đều thoát thai từ một nguồn duy nhất ? Chỉ có một cách duy nhất để biết được – một cách rốt ráo và theo đúng nghĩa – bất cứ điều gì có bản chất tinh vi, đó là: siêu việt được nó trong tâm thức ta. Để biết được Māya là gì, ta phải siêu việt được sự hão huyền của nó. Để biết được Nghiệp là gì, ta phải vượt lên trên sự vận hành của nó bằng cách trở nên không còn Nghiệp. Tương tự như vậy, để biết được bản chất của rung động cơ bản này – nó vốn bao gồm mọi rung động khác và là nền tảng của vũ trụ biểu lộ – ta cần dùng các phương pháp Yoga để siêu việt được thế giới mà nó tạo ra trong tâm thức ta. Chỉ khi thực hiện được điều này thì bậc Cao đồ mới có thể biết được bản chất của cái rung động cơ bản mà ta gọi là Nāda và các khía cạnh Thực tại Tối hậu mà Nāda được tạo ra trong đó và bởi đó, nghĩa là Shabda Brahman.
Trong thuyết Mantra Yoga có một sự kiện khác mà ta phải thấu hiểu, đó là: rung động là nền tảng của hình tướng – ta dùng từ “hình tướng” theo nghĩa rộng nhất. Vũ trụ biểu lộ có đầy dẫy vô số và đủ thứ hình tướng mà ta nhận biết được bằng các giác quan vật lý và siêu vật lý. Mỗi một trong các hình tướng này được tạo ra bằng rung động và có thể bị biến đổi bằng cách thay đổi rung động. Điều này đặc biệt đúng đối với các hình tướng vốn có tính cách tự nhiên và được tạo ra theo một kiểu mẫu bởi các lực Tự nhiên vốn hoạt động đằng sau chúng, chẳng hạn như một cái cây, một cơ thể con người hoặc một thái dương hệ. Các hình tướng có bản chất nhân tạo – vốn được tạo ra do sự tương tác ngẫu nhiên của các lực tự nhiên hoặc thông qua tác nhân con người – thuộc về một phạm trù khác. Mặc dù các hình tướng này được duy trì do sự tương tác của các lực và rung động diễn ra giữa các nguyên tử cấu thành, song không có rung động bao trùm tách rời khỏi các lực này như trong trường hợp các cơ thể sống.
Ta có thể minh họa tuyệt vời việc “rung động có thể tạo ra các hình tướng” bằng cách kéo một cái cung cứa vào cạnh của một bản mỏng trên đó có rắc một số cát. Rung động do cái cung tạo ra hất tung các hạt cát lên và khi các hạt cát này an vị, thì các kiểu mẫu đẹp đẽ được tạo thành tùy theo bản chất của rung động. Những kiểu mẫu này được gọi là các Hình Chladni. Nhiều thí nghiệm được tiến hành ở cả Ấn Độ và Châu Ấu đã chứng tỏ rằng các rung động mà các nhạc cụ tạo ra có thể tạo các hình tướng trên một màn ảnh, hình tướng này tùy thuộc vào týp âm nhạc đặc thù được tạo ra. Thật vậy, người ta tin rằng việc biểu diễn đủ thứ hệ thống âm giai trưởng và thứ (rāgas và rāginis) trong âm nhạc Ấn Độ bằng đủ thứ hình tướng xác định, vốn dựa vào việc dùng thần nhãn để quan sát các hình tướng như thế. Dù sao đi nữa, những khảo cứu huyền bí học – khoa học mantras dựa vào những khảo cứu này – đã chứng tỏ rằng đằng sau mọi hình tướng sống động đều có một rung động đặc thù vốn giữ cho các thành phần khác nhau của hình tướng cố kết lại với nhau thành ra một tổng thể hữu cơ; khi rung động đó không còn nữa thì hình tướng rã rời tan nát. Anāhata shabda (âm thanh mật niệm) - mà các kẻ chí nguyện của một vài trường phái thần bí học nghe thấy – là một rung động như thế. Các rung động này không nhất thiết diễn ra trên cõi hồng trần. Chúng có thể diễn ra trên các cõi khác nhau, bản chất của chúng tùy thuộc vào bản chất của hình tướng và sự sống vốn làm linh hoạt hình tướng. Cấu tạo giải phẫu của các cơ thể siêu hồng trần vốn tinh vi và khó hiểu đối với tâm thức óc phàm đến nỗi mà ta không thể hy vọng làm gì hơn là chỉ thoáng thấy được các nguyên lý tổng quát. Nhưng mặc dù không thể hiểu được các chi tiết, ta không nên lầm tưởng rằng các hình thể tinh vi này hoạt động một cách ngẫu nhiên. Quy luật ngự trị tối cao trong mọi địa hạt của vũ trụ biểu lộ, và mọi hiện tượng tự nhiên với chi tiết tỉ mỉ nhất đều bị quy luật chi phối, mặc dù các phép lạ đôi khi dường như có thể xảy ra. Các Cao đồ huyền bí học – vốn tạo ra cái gọi là các phép lạ – chỉ sử dụng các quy luật mà ta không biết. Ngay cả các vị này cũng không vượt trên điều tất yếu là hoạt động theo các quy luật Tự Nhiên.
Một nguyên lý quan trọng khác mà ta phải hiểu khi xét tới thuyết Mantra Yoga đó là: rung động chẳng những là nền tảng của hình tướng mà cũng cần thiết cho sự biểu lộ tâm thức. Cách thức đơn giản nhất khiến ta có thể hiểu được mối quan hệ này giữa rung động và tâm thức, đó là: nghiên cứu sâu sắc cơ chế cảm giác, bằng cách nào mà tâm thức ngự bên trong nhận biết được ngoại giới xung quanh ta thông qua các giác quan. Đây chỉ là vấn đề kiến thức khoa học, theo đó ta tri thức được ngoại giới thông qua đủ thứ rung động. Các rung động ánh sáng tạo ra các cảm giác nhìn thấy, các rung động âm thanh tạo ra cảm giác nghe thấy v..v.. Nếu những rung động này bị cắt bỏ hoàn toàn, thì sự biểu lộ của tâm thức trên cõi hồng trần sẽ không còn nữa và tâm thức sẽ triệt thoái vào trong thể tinh vi kế tiếp chẳng hạn như trong trường hợp ngủ, tê mê hoặc giai đoạn tối hậu của Yoga (samādhi). Đây là một đề tài khá phức tạp bao hàm nhiều ngành khoa học chẳng hạn như sinh lý học, tâm lý học, vật lý học v...v...và ở đây ta không thể hoặc không cần đi sâu thêm nữa vào chi tiết. Sự kiện cơ bản mà ta phải thấu hiểu và ghi nhớ, đó là: rung động, hình tướng và tâm thức đều có liên quan rất mật thiết với nhau và ảnh hưởng lẫn nhau theo đủ mọi kiểu. Mối liên hệ này giữa ba thứ bắt rễ nơi tiến trình sơ cấp biểu lộ từ Thực tại và vì vậy trí năng (vốn bị hão huyền ràng buộc) khó lòng thấu hiểu được. Như ta đã nêu rõ rồi, toàn thể vũ trụ biểu lộ cốt yếu là kết quả của một rung động bao hàm và bao trùm tất cả tên là Nāda. Bằng cách biến phân và chia nhỏ ra thêm nữa, rung động tinh vi nhất này làm nảy sinh ra đủ thứ rung động vốn làm nền tảng cho mọi hiện tượng Tự Nhiên và tạo ra đủ thứ hình tướng. Những hình tướng này – với đủ thứ mức độ phức tạp, được kiến tạo bởi các diễn trình tiến hóa lâu dài – cung ứng các hiện thể cho tâm thức và khiến cho nó có thể hoạt động trên các cõi khác nhau theo đủ thứ kiểu cách, ảnh hưởng tới hoặc bị ảnh hưởng bởi hiện tượng của các cõi này. Như vậy, ta ắt thấy toàn thể vũ trụ biểu lộ chính là một sự tương tác của ba thực tại hiện tồn căn bản này mà bình thường ta không thể tách rời chúng ra khỏi nhau được.
Khi đã hiểu rõ được những ý tưởng cơ bản này, ta có thể hiểu thấu thuyết Mantra Yoga đến một chừng mực nào đó. Nếu rung động có liên quan tới cả hình tướng lẫn tâm thức – như ta đã nêu rõ ở các chương trước – thì nhờ vào rung động, một mặt ta có thể tạo ra đủ thứ hiện tượng tự nhiên, mặt khác ta có thể gây ra những thay sự thay đổi về tâm thức. Mantra Shāstra là một khoa học trong đó người ta dùng các mantras để tạo ra một vài kết quả chuyên biệt có tính cách thế tục. Chẳng những ta có thể phát triển một vài thần thông (tức siddhis) nhờ vào các mantras – điều này được rõ trong Yoga Sūtras (IV-1), mà ta còn có thể tạo ra các hiện tượng có tính cách tầm phào nhất. Kho tài liệu Tantra đầy dẫy những mantras như thế. Khoa học này chẳng có gì mang tính chất tâm linh. Nó cũng giống hệt như bất kỳ khoa học nào khác trong đó ta có thể sử dụng các quyền năng ẩn tàng trong một vài tổ hợp âm thanh theo nhiều cách khác nhau, đôi khi vì những mục đích ích kỷ và độc ác. Nhiều phép thực hành tà thuật vốn dựa vào việc sử dụng một vài mantras.
Mặt khác Mantra Yoga là cái ngành Yoga trong đó người ta sử dụng các quyền năng ẩn tàng trong một vài tổ hợp âm thanh để phát triển tâm thức con người. Japa (nghĩa là việc lập đi lập lại các mantras về mặt hồng trần hoặc tâm trí) tạo ra các rung động trên các cõi khác nhau; các rung động này ảnh hưởng tới các hiện thể (tức koshas) của kẻ chí nguyện và những thay đổi được tạo ra trong các hiện thể khiến cho kẻ chí nguyện có thể đạt tới các lớp tâm thức sâu thẳm của mình. Các rung động từ từ sắp xếp lại vật chất của các hiện thể khác nhau, và làm cho các hiện thể này hài hòa đến nỗi mà các trạng thái tâm thức mới mẻ có thể biểu lộ thông qua các hiện thể đó.
Cần nhớ rằng tâm thức vĩnh hằng của Đấng Tối Cao lúc nào cũng đập vào các bức vách của tâm trí chúng ta ở khắp nơi, và chỉ có tính không thụ cảm hoặc thiếu nhạy cảm của các hiện thể mới ngăn cản chúng không giảm hạ tâm thức này (ít ra là một phần nào) đưa xuống các cõi thấp. Chúng ta giống như các máy thu thanh đắm mình trong một biển sóng điện xuất phát từ các đài phát thanh trên khắp thế giới. Ta có thể bắt được bất kỳ tập hợp các làn sóng nào mà ta có thể chỉnh hợp được. Nhưng các máy thu thanh của ta thường có một phẩm chất rất tồi vì thiếu phát triển hoặc cho dù chúng có phẩm chất tốt thì chúng cũng không được hiệu chỉnh một cách thích đáng. Như vậy, chúng chỉ có thể được “chỉnh hợp” với các trạng thái tâm thức và tư tưởng thông thường. Các trạng thái tâm thức tinh vi hơn ở ngoài tầm của chúng. Vấn đề tu thân (sādhana) chính là tẩy trược và làm cho hài hòa mọi hiện thể sao cho chúng có thể được chỉnh hợp với các trạng thái tâm thức cao siêu cùng với mọi vẻ đẹp, sự minh triết, sự an bình và chí phúc (ānanda) của chúng. Mantra Yoga là một trong nhiều phương pháp khiến cho ta có thể tạo ra được điều này. Cũng có những phương pháp khác mà ở đây ta không quan tâm tới.
Sau khi xét tới những nền tảng lý thuyết tổng quát của Mantra Yoga, giờ đây ta có thể quan tâm tới vấn đề chuyên biệt bản chất của các mantras và chúng được sử dụng như thế nào trong việc phát triển các lớp sâu thẳm của tâm thức con người. Từ “mantra” có nhiều hàm ý. Nhưng ở đây nó được dùng để chỉ bất kỳ tổ hợp âm thanh đặc thù nào mà việc lặp lại có thể tạo ra một vài kết quả xác định. Ta cũng sẽ không kể đến tất cả mọi mantras nào nhắm tới việc tạo ra những kết quả có liên quan với các mục tiêu trần tục (dù là tốt hay xấu), mà sẽ chỉ hạn chế vào các mantras vốn có các mục tiêu thuần túy tâm linh và vì vậy đuợc dùng trong việc tu thân (sādhana). Tóm lại, ta có thể nói rằng mục tiêu của mọi mantras như thế chính là việc tẩy trược và làm cho hài hòa các hiện thể của kẻ chí nguyện sao cho chúng trở nên càng ngày càng bén nhạy với các lớp tinh vi của tâm thức tinh thần chính y. Khi y bước vào tiếp xúc với các lớp này, y trở nên càng ngày càng tri thức được các Thực tại mà tâm thức chính y là một biểu hiện riêng phần.
Các mantras được xây dựng như thế nào ? Đâu là bản chất cốt yếu của chúng ? Vì một mantra cốt yếu là một tổ hợp các âm thanh và các âm thanh có thể được biểu diễn bằng bộ mẫu tự của một ngôn ngữ, cho nên các mantras được xây dựng bằng cách sắp xếp các chữ của bộ mẫu tự theo một vài chuyển vị và tổ hợp với những chỉ định cần thiết để phát âm một cách đúng đắn và chính xác. Hiển nhiên là điều này chỉ có thể được thực hiện bởi một người nào biết được các tính chất tinh vi của các âm thanh khác nhau tương ứng với các chữ của bộ mẫu tự, nhất là các tính chất của đủ thứ chuyển vị và tổ hợp của các âm thanh này. Đó là vì các tính chất hoặc các hiệu quả do tổ hợp của các chữ này tạo ra không phải là trung bình số học của các tính chất của các chữ riêng lẽ, cũng như các tính chất của một hợp chất hóa học không phải là trung bình số học của các tính chất của các nguyên tử cấu thành. Carbon, hydrogen và nitrogen đều là các thành phần thông thường của hầu hết các hợp chất vốn tham gia vào chế độ ăn uống hằng ngày của ta, nhưng tổ hợp đặc thù của ba nguyên tố này – mà ta biết là acid hydrocyanic – là một chất độc gây chết người. Như vậy, chẳng ai có thể tiên đoán được hiệu quả do một vài tổ hợp âm thanh tạo ra mà không thí nghiệm và khảo cứu rốt ráo. Và những thí nghiệm này phải được thực hiện chẳng những trên cõi hồng trần, mà còn trên các cõi siêu hồng trần, sao cho ta có thể xác định được hiệu quả tổng cộng được tạo ra đối với các hiện thể của kẻ chí nguyện. Các hiệu quả của một mantra càng sâu đậm, thì chúng càng mất nhiều thời giờ để xuất hiện trong cuộc đời của kẻ chí nguyện, nhưng các sự biến đổi ắt lâu bền và có tính cách cơ bản. Từ những điều nêu trên, ta ắt thấy rằng chỉ các Cao đồ và Huyền bí gia vĩ đại – các cõi tinh vi của thái dương hệ ta hiện ra trước linh thị nội giới của các Ngài giống như một quyển sách mở ngỏ – mới có thể xây dựng được các mantras. Chỉ những người nào có thể biết được hiệu quả của các âm thanh và tổ hợp của chúng trên mọi cõi, mới có đủ tư cách xây dựng các mantras và truyền các mantras này lại cho những kẻ nào bản thân vốn không thể thấy được các hiệu quả nêu trên mà lại có thể thu được lợi ích bằng cách sử dụng các mantras ấy. Các vị Cao đồ như thế được gọi là các Rishis. Các vị Cao đồ đặc thù vốn đã phát hiện hoặc xây dựng một mantra sau khi đã khảo cứu đạt yêu cầu hoặc khổ hạnh sùng tín (tức tapasya) được gọi là vị Rishi của mantra đặc thù đó.
Như ta đã nêu rõ trước kia, một mantra là một tổ hợp đặc thù của một vài chữ trong bộ mẫu tự Bắc Phạn được sắp xếp theo một cách nào đó để tạo ra một kết quả chuyên biệt. Mỗi một trong các chữ thành phần này – vốn tiêu biểu cho một âm thanh đặc thù – đều có một công năng hoặc mãnh lực nào đó vốn cố hữu nơi nó cũng giống như một vài tính chất vốn cố hữu nơi mọi loại nguyên tử hóa học. Các công năng chuyên biệt này liên kết với các chữ (hoặc đúng hơn là các âm thanh mà chúng tiêu biểu) vốn bắt rễ nơi cõi cao nhất của thái dương hệ và vì vậy có thể hoạt động trên mọi cõi cấu thành thái dương hệ. Người ta ra sức truyền đạt ý tưởng này trong giáo lý nổi tiếng, theo đó các chữ của bộ mẫu tự Bắc Phạn xuất phát từ cái trống (damaru) của Shiva. Cái trống của Shiva là một biểu tượng của rung động âm thanh nguyên thủy (Nāda) vốn là nền tảng của vũ trụ biểu lộ; phát biểu theo đó các chữ xuất phát từ damaru, thực sự có nghĩa là các công năng tinh vi (cố hữu nơi các âm thanh tương ứng) bắt rễ nơi các Đại Công năng (tức Shakti) vốn duy trì các thế giới đang biểu lộ thông qua mãnh lực của cái âm thanh bí nhiệm tên là Nāda. Từ điều nêu trên, ta không nên để cho mình lầm tưởng rằng tiếng Bắc Phạn là một ngôn ngữ được ưu đãi và có một địa vị đặc biệt nào đó trong hệ thống thiết kế Tự Nhiên. Các công năng tinh vi chuyên biệt ở nơi các âm thanh do các chữ tạo ra chứ không phải là các biểu tượng được dùng thay cho các âm thanh. Người ta đề cập tới bộ mẫu tự tiếng Bắc Phạn vì các vị Rishis – vốn triển khai khoa học này – đã làm việc và thí nghiệm với bộ mẫu tự của ngôn ngữ này.
Vì trong bộ mẫu tự tiếng Bắc Phạn có 52 chữ và các chữ này có thể được sắp xếp theo đủ thứ kiểu cách, cho nên ta có thể tạo ra hầu như là vô số hiệu quả nhờ vào các mantras. Do đó, bất cứ người nào biết được các mãnh lực cố hữu nơi các âm thanh do các chữ này tạo ra đều có trong tầm tay của mình một công năng ghê gớm. Nhưng vì các hiệu quả được tạo ra bởi một sự chuyển vị và tổ hợp nào đó của các chữ không phải là tổng số của các hiệu quả được tạo ra bởi các chữ cá biệt, cho nên khoa học này không dễ dàng như dáng vẻ biểu kiến của nó; muốn tạo ra một hiệu quả được xác định trước thì ta cần phải hiểu biết sâu sắc về các cõi tinh vi và cần phải thí nghiệm kỹ lưỡng. Đây là một đề tài rất phức tạp không dễ hiểu, nhất là vì kiến thức thuần túy đã bị trộn lẫn với nhiều phép thực hành bất hảo và nguy hiểm cũng như là trò hỏa mù. Ở đây, mục đích của ta chỉ là thấu hiểu các nguyên tắc cơ bản làm nền tảng sao cho ta có thể hiểu được kỹ thuật lặp đi lặp lại tham thiền (japa).
Giờ đây, ta xét tới việc dùng các mantras trong sự thực hành tâm linh. Đây là một đề tài khó hiểu bao hàm kỹ thuật Yoga và ở đây ta không thể bàn tới nó một cách rốt ráo; nhưng vì sự tham thiền GĀYATRĪ (GĀYATRĪ upāsanā) phần lớn có nghĩa là sự lặp đi lặp lại (japa) của GĀYATRĪ mantra, cho nên ta có thể bàn một cách ngắn gọn tới các nguyên lý làm nền tảng cho japa.
Japa là việc lặp đi lặp lại một mantra đã chọn sẵn với mục đích tạo ra một vài sự thay đổi trong tâm trí ta; về lâu về dài, những sự thay đổi này có kết quả là tạo ra sự du nhập các công năng và thần lực từ các cõi cao cũng như là các kinh nghiệm về các trạng thái tâm thức cao siêu. Mantra có thể được thốt ra lớn tiếng, thì thầm lặng lẽ hoặc lặp đi lặp lại trong trí. Việc lặng lẽ lặp đi lặp lại vốn hữu hiệu hơn việc thốt ra lớn tiếng, nhưng việc lặp đi lặp lại hoàn toàn trong trí có hiệu quả cao nhất và là japa theo nghĩa chân thực của từ này. Những âm thanh vật lý được thốt ra lớn tiếng tác động lên thể xác, những âm thanh được thốt ra lặng lẽ tác động lên thể phách (tức pranamaya kosha). Việc lặp đi lặp lại mantra (có ý nghĩa) trong trí tự nhiên là tác động lên tâm trí. Japa lớn tiếng và lặng lẽ thật là dễ hiểu, nhưng người ta thấy thật là khó hiểu sự lặp đi lặp lại (japa) trong trí nghĩa là gì ?
Japa trong trí có nhiều giai đoạn. Nó bắt đầu với việc lặp đi lặp lại mantra trong trí, tâm trí chỉ có ý thức về các âm thanh được tạo ra. Trong giai đoạn thứ hai, ý nghĩa của mọi từ được khơi dậy trong tâm trí cùng với âm thanh của từ. Trong giai đoạn thứ ba, toàn thể ý tưởng làm nền tảng cho mantra thế chỗ cho ý nghĩa của các từ riêng rẽ. Ý tưởng trùm khắp là một điều gì đó khác hẳn chuỗi ý nghĩa mà các từ liên tiếp khơi dậy. Ta ắt ý thức được điều này nếu ta ra sức tách rời hoàn toàn ý tưởng trùm khắp ra khỏi các từ và siêu việt được sự hạn chế của ngôn ngữ. Thoạt đầu, khi ta lặp đi lặp lại mantra trong trí thì ý tưởng trùm khắp làm nền tảng cho mantra cứ xuất hiện đi xuất hiện lại; nhưng nhờ việc thực hành và định trí, ý tưởng trở nên ít nhiều cố định trong tâm trí và cứ hiện diện hoài hoài. Trong giai đoạn này, mantra được lặp đi lặp lại trong trí, nhưng các từ hoàn toàn ở nơi hậu trường của tâm trí và được dùng vào cùng loại mục đích với các nốt nhạc trổi lên trên một tānpura khi người ta hát ra tiếng một bài ca Ấn Độ. Đây là mức tối đa mà kẻ chí nguyện thông thường có thể đạt được trong việc thực hành japa; nếu y hoàn thành các điều kiện khác mà người ta đề cập sau này, thì y có thể thu được lợi ích đáng kể và tiến rất gần tới mục đích của mình. Nhưng nếu y quyết tâm đạt tới mục tiêu của mình chỉ nhờ vào Mantra Yoga không thôi, thì y cần phải có thêm một điều gì nữa; điều này cốt ở việc siêu việt được ý tưởng tồn tại trên cõi tâm trí và bước vào tiếp xúc với thực tại đằng sau mantra vốn vượt ngoài tầm của tâm trí. Chính ở đây mà y bước vào địa hạt Yoga.
Trong Yoga Sùtras của
Patanjali (I-42 và 43), người ta có nói bóng gió tới
tiến trình siêu việt (hoặc vượt ngoài tầm) tâm trí này.
“Tatra sabdārtha-jnāna-vikalpaih samkīrnā savitarkā”
“Savitarka
Samādhi là trạng thái samādhi trong đó kiến thức (vốn
chỉ dựa vào từ ngữ), kiến thức thực sự và kiến thức
thông thường (vốn dựa vào nhận thức giác quan hoặc lý
luận) hiện diện trong một trạng thái hổn hợp và tâm
trí luân phiên chuyển dịch giữa ba loại kiến thức này”.
“Smrti parisuddhau svarūpasnyevārtha-mātranirbhāsā nirvitarkā”.
“Người ta đạt tới Nirvitarka Samādhi khi đã làm sáng tỏ trí nhớ, khi tâm trí có thể nói là mất đi bản chất cốt yếu của nó, và chỉ riêng kiến thức thực sự về đối tượng chiếu sáng (thông qua tâm trí).
Ta không thể đi sâu vào các chi tiết của vấn đề này – nó vốn có dính dáng tới giai đoạn sơ khởi của samādhi – nhưng ta có thể trình bày (một cách ngắn gọn) một ý tưởng tổng quát về tiến trình này. Có ba điều dính dáng tới japa trong trí. Điều thứ nhất là các từ của mantra và các ý nghĩa của chúng. Điều thứ hai là ý tưởng vốn độc lập với các từ hoặc là ý nghĩa. Điều thứ ba chính là thực tại vốn là đối tượng của japa. Khi các từ và ý nghĩa của chúng (được gọi là shabda trong câu kinh I-42) hoàn toàn lui vào trong hậu trường và chỉ có ý tưởng chiếm lĩnh trong tâm thức, thì người ta đạt tới giai đoạn mà đoạn văn vừa qua có đề cập tới. Khi chẳng những các từ và ý nghĩa biến mất ra khỏi tâm thức, mà tâm thức của kẻ chí nguyện còn trở nên dung hợp với ý tưởng đến nỗi mà y không còn có ý thức về bản thân nữa, thì người ta đạt đến giai đoạn mà câu kinh I-43 có đề cập tới. Trong giai đoạn này, thực tại – vốn là mục tiêu của mantra – ló dạng trong tâm thức và người ta đạt đến giai đoạn cuối cùng. Đây chính là cái gọi là mantra-siddhi (thực chứng nhờ vào mantra).
Mặc dù ta không thể truyền đạt các sự việc này thông qua các từ ngữ, song ta có thể minh họa tiến trình này một cách bất toàn bằng cách xét tới mantra nổi tiếng. “Om Namah Shivāya (Om, kính chào Đấng Siva). Một kẻ chí nguyện có thể lặp lại mantra này trong trí mà không chú ý tới ý nghĩa của các từ. Hoặc là y có thể nhớ lại ý nghĩa của mỗi từ riêng biệt khi y lặp đi lặp lại nó vào lúc japa trong trí. Hoặc là y có thể ra sức khơi dậy trong tâm trí mình thái độ hoàn toàn hiến dâng bản thân cho Đấng Chúa Tể mà toàn thể mantra tiêu biểu. Khi y có thể làm điều này và – trong một chừng mực nào đó – có thể tách rời ý tưởng trùm khắp này ra khỏi các từ và ý nghĩa của chúng, thì y đang ở vào địa vị tiến bước cuối cùng. Điều này trước hết loại trừ ra khỏi tâm trí y – một cách hoàn toàn – các từ và ý nghĩa của chúng, rồi đến loại trừ ý thức về “Bản Ngã”. Khi y có thể làm như vậy một cách thành công và hạ trí đã bị diệt trừ (tạm gọi như vậy), thì trong tâm trí chỉ có trạng thái (bhāva) hoàn toàn hiến dâng bản thân, và việc hoàn toàn hiến dâng bản thân có nghĩa là tri thức về Đấng mà tâm trí được hiến dâng lên. Điều này có thể có dạng một darsana (linh ảnh) hoặc chỉ là một tri thức trực tiếp – ở đủ thứ mức độ – về cái Thực tại mà ta gọi là Siva, tùy thuộc vào tính khí và các tích lũy kinh nghiệm (samskāras) trước kia cũng như là tình trạng tiến hóa của kẻ chí nguyện.
Vì vậy ta ắt thấy rằng trong các giai đoạn cao siêu của Mantra Yoga, sự lặp đi lặp lại (japa) theo nghĩa thông thường không còn nữa và kẻ chí nguyện nhập vào một loại samādhi. Chỉ trong những giai đoạn sơ khai thì japa theo nghĩa thông dụng mới được dùng trên con đường Mantra Yoga. Nó hòa lẫn với Rāja Yoga trong giai đoạn cuối cùng. Điều này thật là rõ ràng khi xét theo các câu kinh II-44 và II-45 trong Yoga-Sūtras. Ta nên lưu ý rằng ý nghĩa chính thống của svādhyāya chính là japa, còn Īshvara pranidhāna có nghĩa là hiến dâng bản thân cho Đấng Thiêng liêng đã được chọn lọc (Ishta Devatā) của mình.
Ta cũng sẽ thấy mối quan hệ của bốn giai đoạn này của japa với bốn loại Vāk (từ). Vāk có 4 loại: vaikharì, madhyamā, pashyanti và parā. Loại thứ nhất là loại thấp nhất hoặc thô trược nhất, loại mà ta dùng trong ngôn ngữ thông thường. Loại cuối cùng là loại cao nhất, có liên quan tới trạng thái tâm thức siêu tâm trí và vượt ngoài tầm óc tưởng tượng của con người. Xét về japa, điều quan trọng nhất mà kẻ sơ cơ cần nhớ, đó là: nó không chỉ là việc máy móc lặp đi lặp lại một công thức hoặc một danh hiệu. Nó có nghĩa là sự phân cực mọi công năng của cá nhân hướng về một mục tiêu xác định và thực hiện được một mục đích xác định. Vì công năng của mỗi chữ trong một mantra rốt cuộc bắt nguồn từ cõi cao nhất, cho nên nó có thể ảnh hưởng tới mọi cõi, từ cõi hồng trần cho tới cõi Niết Bàn. Nhưng điều này chỉ có thể xảy ra nếu mọi hiện thể đều tham dự vào hành động chung. Nếu người ta muốn thành tựu được phát tâm chí nguyện và ý chí tinh thần, tất cả phải hoạt động, phải lôi kéo người ta đi theo một hướng. Phản tác động theo sau tác động và tương đương với nó; chính vị sādhaka phải phát khởi tác động trên bất kỳ cơi nào, nếu y muốn thu được mantra. Nếu y khơi dậy các xúc cảm của mình đối với Ishta Devatā (Đấng Thiêng liêng đã được chọn lọc), thì bhakti (lòng sùng tín) sẽ dần dần trào dâng lên bên trong tâm hồn y. Nếu y ra sức tìm hiểu bản chất Ishta Devatā của mình thì sự phân biện tâm linh (viveka) sẽ ló dạng trong tâm trí y. Nếu y cảm thấy mong ước mãnh liệt Đấng Thân thương, thì y sẽ tiến gần hơn tới Ngài. Nếu y tăng cường sự hiến dâng bản thân thì chỉ lúc bấy giờ lòng từ bi (kriptā) mới giáng xuống y. Kẻ nào chẳng làm điều gì ắt chẳng thu được điều gì chẳng những nơi cõi hồng trần mà còn nơi cõi tâm linh nữa.
Rất nhiều người sùng đạo (vị sādhus và sanyāsis) giả hiệu cứ đi lang thang rao giảng “triết lý hoàn toàn hiến dâng bản thân” cho những kẻ chưa học được lớp vỡ lòng về sự tu thân (sādhanā) kết quả tất yếu của giáo lý dối gạt và “đao to búa lớn” này là biến kẻ sùng tín thông thường thành ra một cá nhân thụ động và tiêu cực, thiếu nghị lực, sáng kiến và nhiệt tình, một đối tượng thích hợp cho sự lợi dụng của những người bản thân thường có nhiều sáng kiến và sức bật nhưng chẳng hề xuất sắc về mặt thật sự sùng tín hoặc hoàn toàn hiến dâng bản thân cho Thượng Đế. Việc hoàn toàn hiến dâng bản thân và hoàn toàn từ bỏ (samkalpa) cũng có một vai trò nào đó trong sự phát triển của linh hồn, song những điều này chỉ xảy ra vào giai đoạn cuối cùng khi linh hồn đã chặt đứt các xiềng xích thông thường và sẵn sàng thực hiện sự chìm lặn cuối cùng vào trong cõi Hư Vô của Điều Chưa biết. Việc khuyên người thường (hoặc ngay cả kẻ chí nguyện) từ bỏ các mục tiêu bình thường của con người (purushārtha) và tùy thuộc vào Thượng Đế trong mọi chuyện cũng chẳng khác nào việc yêu cầu một người – vốn không thể định trí trong năm phút vào một vấn đề thông thường – thực hành samādhi. Kẻ chí nguyện cần phải ý thức ngay từ đầu rằng người ta không thể thu được bất cứ điều gì trong tự nhiên mà không cần nỗ lực, không thể thu được điều gì một cách đột ngột và trước khi đạt được bất kỳ loại thành tựu có giá trị và thành công nào thì người ta phải nỗ lực lâu dài, kiên trì và có định hướng một cách thông minh.
Ta ắt thấy rằng người ta chỉ có thể thành công trong japa khi mọi công năng và năng lực của kẻ chí nguyện được tập trung và phân cực theo chiều hướng mục tiêu của mình. Việc máy móc lặp đi lặp lại các âm thanh trên cõi hồng trần hoặc việc lơ đễnh lặp đi lặp lại tư tưởng trên cõi tâm trí không thể đưa người ta đi rất xa được mặc dù nó ắt phải tạo ra một hiệu quả nào đó và tạo ra các xu hướng (samskāras) thuận lợi tùy theo mức độ định trí và sùng tín. Chính nỗ lực phối hợp hoặc tổng cộng – theo như ta nói hiện nay – mới cần thiết cho sự thành công trong Mantra Yoga cũng như là trong các loại Yoga khác. Vì thế đó mà một mantra chỉ có thể được sử dụng thành công bởi một kẻ chí nguyện vốn rất thành khẩn với mục tiêu của mình (và phối hợp japa với sādhanā). Quả thật là loại thái độ này không thể phát triển một cách đột ngột. Nó từ từ phát triển khi người ta vận dụng japa thành khẩn, trường kỳ và các yếu tố giới luật tự giác khác vốn nên đi kèm theo japa. Nếu cứu xét cuộc đời của các bậc thánh và hiền triết vốn sử dụng japa để hoàn thành các mục tiêu của mình, thì ta ắt ý thức được cần phải nỗ lực ghê gớm mới đảm nhiệm được việc này một cách thành công.
Samartha Rāma Dās (sư phụ của Shivaji) và Tyāga Rāja (vị nhạc sĩ bậc thánh nổi tiếng ở miền Nam Ấn Độ) là các ví dụ điển hình của việc thực chứng Chơn Ngã nhờ vào Mantra Yoga. Đây chẳng phải là những nhân vật chính trong thần thoại mà là những nhân vật lịch sử, cuộc đời của họ đã được bảo tồn tới từng chi tiết nhỏ nhặt nhất. Người ta nói rằng Samartha Rāma Dās thực hiện japa đứng nơi Godāvari từ 6 đến 12 tiếng đồng hồ trong 12 năm, còn Tyāga Rāja mỗi ngày bỏ ra tới 16 tiếng đồng hồ để japa trong một thời kỳ chừng 20 năm.
Đâu phải kẻ chí nguyện nào cũng có được sự thành khẩn hoặc năng lực nhất tâm theo đuổi mục đích sống của mình như thế. Người ta cũng chẳng cần có được mức độ thôi thúc khủng khiếp này trước khi thực hành japa. Đời sống tinh thần không hề được kiến tạo trong một quãng ngắn ngủi của cuộc đời. Nhưng có một điều mà ta phải ý thức được, đó là: nó phải được kiến tạo vào một lúc nào đó, và nếu ta muốn thoát khỏi sự đau khổ của kiếp sống trong vòng sinh tử luân hồi (samsāra) đầy hão huyền và hạn chế, thì ta phải làm như vậy càng sớm càng tốt. Nó chỉ có thể được xây dựng bằng một loại nỗ lực gắng gỏi, kiên trì và thông minh nào đó. Và nỗ lực này bao hàm toàn bộ bản thể của ta. Một nỗ lực hạn chế trong một thời kỳ hạn hẹp, dựa vào những điều linh tinh chỉ gồm có các nghi lễ [vốn mang danh hiệu] (anusthāna) có thể thỏa đáng đối với các mục tiêu hạn hẹp, nhưng thật là vô nghĩa đối với cái tiến trình vô biên và không thể tiên đoán được bao hàm trong sự thực chứng Chơn Ngã. Điều quan trọng là ta phải khởi sự và tiếp tục đi theo hướng mục tiêu với tất cả sự thành khẩn mà ta có thể có được, không để cho tiến trình này suy thoái thành ra một chuyện cơm bữa. Khi japa và các tiến trình hổ trợ cho nó trở thành một chuyện cơm bữa, thì hiệu năng của nó bị giảm thiểu rất nhiều. Nó không bị triệt tiêu vì có một vài lực và công năng cố hữu nơi chính các âm thanh vốn ắt phải ảnh hưởng tới các hiện thể của ta. Những điều này từ từ xây dựng nên các khuynh hướng (samskarās) thuận lợi và chuẩn bị cho kẻ chí nguyện có được một sự cố gắng chân thực sau này; nhưng tiến trình ấy vô cùng chậm và hầu như chẳng thỏa đáng để cho ta thấy bất kỳ kết quả xác định nào trong địa hạt tâm trí và cuộc sống của kẻ chí nguyện mà y có thể trông đợi hoặc mong muốn.
Hết
(Trích dịch từ quyển GĀYATRĪ của I.K.Taimni)
trang nhà l trang sách l bản tin l thiền học l tiểu sử l trang thơ l h́nh ảnh l bài vở