trang nhà l trang sách l bản tin l thiền học l tiểu sử l trang thơ l h́nh ảnh l bài vở
Về việc rèn luyện tinh thần, đối với những người sơ cơ, không gì khó khăn cho bằng tập định trí. Trong những giai đoạn đầu tiên, tác động của tinh thần là sự tiến triển do chủ ý lanh lẹ, tiếp nhận nhanh chóng, kích động liền liền từ cảm giác này đến cảm giác nọ, tập trung ý tưởng mau lẹ, hết việc này đến việc kia. Trong bước đầu, điều cần ích quan trọng cho sự tiến hóa là trí linh động hướng dẫn sự chú ý thường xuyên ở ngoại cảnh. Khi cái trí thu góp nguyên liệu dùng vào dịp suy tưởng, tính linh động càng nhiều thì càng có lợi, càng sống nhiều kiếp và nhờ biết linh động thì trí khôn ngày càng già giặn. Vả lại, cũng nhờ năng luyện tập mà trí não cũng mở mang thêm. Từ ngàn xưa, trí óc của chúng ta quen hướng ngoại nên thường vọng động và hay để ý triền miên đến những cảnh vật biến đổi bên ngoài, giờ đây, bất thần chúng ta ép buộc cái trí từ bỏ hẳn thói quen ấy, bắt nó trụ vào một chỗ, thì không khi nào cái trí chịu vâng lời ta liền; tất nhiên, nó chống đối lại, càng bị ép buộc nó càng chống trả mãnh liệt và lồng lên như ngựa bất kham lần đầu tiên bị tra hàm thiếc.
Như chúng ta đã thấy, khi thể trí chủ ý đến hình ảnh đối tượng nào thì nó mô phỏng lại hình ảnh ấy. Đạo sư Patanjali dạy: “Hăy chận đứng sự biến đổi của tư tưởng”, nghĩa là phải ngăn cản những hình ảnh thay đổi liên miên ở ngoại cảnh. Định trí liên quan đến sắc tướng thì bắt buộc cái trí chủ ý vào một hình ảnh cố định, không cho nó tưởng nghĩ đến hình ảnh nào khác. Còn định trí liên quan đến Người hiểu biết thì tâm trí phải chủ ý đến một hình ảnh để rồi mô phỏng lại rõ ràng hình ảnh đó trong tâm trí.
Khi định trí, tâm thức chỉ chăm chú tới một hình ảnh mà thôi. Người hiểu biết phải hoàn toàn chủ ý đến một điểm duy nhất, không lao chao, không xao xuyến. Cái trí thường hay nhảy nhót lung tung, rước vật này đuổi vật nọ, chạy theo sự quyến rủ của ngoại vật và định hướng theo sự vật liên miên, vì vậy, cần phải cương quyết ép buộc cái trí chỉ chủ ý đến một việc mà thôi và xua đổi các ấn tượng khác đang len lỏi vào.
Khi cái trí đã thuần và chịu chủ ý đến một hình ảnh duy nhất và Người hiểu biết chiêm nghiệm hình ảnh ấy để có thể đạt được hiểu biết thông suốt các sự vật mà ngôn ngữ ở cõi trần không thể diễn tả cho ráo lý. Tỷ như chính mắt chúng ta ngắm một bức tranh hay xem một thắng cảnh, thì chúng ta ý thức đầy đủ và nhận định rõ ràng hơn là đọc trong sách báo hoặc nghe kẻ khác nói lại. Nếu chúng ta tập trung ý chí vào một cảnh vật nào, rồi hình dung cảnh vật trong thể trí, thì chúng ta hiểu biết hoàn hảo hơn là đọc suông. Ngôn ngữ tiêu biểu cho sự vật, còn định trí là hình dung sự vật và bổ túc chi tiết. Ngôn ngữ dùng để phác họa, còn tâm thức dùng để tiếp xúc chặt chẽ với sự vật đã phô diễn.
Chúng ta nên nhớ rằng định trí không phải là trạng thái thụ động, mà trái lại, là một trạng thái chủ động mạnh mẽ, đúng qui tắc. Trạng thái vật chất tương tự tinh thần, như khi chúng ta chạy nhảy hay rán sức đương đầu với một công việc khó nhọc dằng dai thì các bắp thịt của chúng ta bị dồn ép lại. Thực vậy, người nào mới bắt đầu luyện tập thể thao thì thấy sự căng thẳng này biểu lộ khắp châu thân. Cũng như khi mới tập định trí thì người sơ cơ cảm thấy thân thể mệt mỏi, các sớ thịt đều bải hoải, chớ không phải chỉ riêng hệ thống thần kinh mệt mỏi mà thôi đâu.
Trong khi mắt chăm chỉ nhìn một vật gì, chúng ta thấy rõ nhiều chi tiết. Trái lại, nếu ngó thoáng qua thì chúng ta không thể nhận rõ được. Cũng một lẽ ấy, phải định trí thì chúng ta mới có thể nghiệm xét một ý tưởng được sâu sắc và đầy đủ hơn lúc thường. Có định trí thì mãnh lực mới gia tăng, đồng thời thấy xa hiểu rộng hơn. Tỷ như một người đi bộ trong mười phút, chỉ đi được một khoảng đường ngắn và thấy cảnh vật hai bên đường ít hơn người chạy. Cũng trong thời gian ấy, người chạy vượt qua một khoảng đường xa hơn và thấy nhiều cảnh vật hơn người đi bộ, còn năng lực vận dụng các sớ thịt của hai người đều như nhau.
Lúc mới tập định trí, người ta phải trải qua hai điều khó khăn như sau:
1- Xua đuổi những hình ảnh chập chờn xuất hiện liên miên trong trí. Đừng để những ấn tượng ngoại lai ám ảnh trí não, tuy nhiên, Người hiểu biết cũng phải chủ ý phần nào để ngăn chận những ý tưởng vơ vẩn lảng vảng trong trí. Một khi ngăn cản được ấn tượng ngoại giới thì cái ý nghĩ ngăn cản phải chấm dứt, vì cần có sự thăng bằng hoàn toàn cho nên không còn có cái ngăn cản hay cái bị ngăn cản nữa, mà chỉ có cái yên lặng thật sự, yên lặng hoàn toàn. Như vậy, những làn sóng rung động ngoại cảnh mới không thể len lỏi thâm nhập cảm nhiễm tâm thức.
2- Trong lúc định trí phải giữ vững một hình ảnh, chẳng những phải ngăn chặn các cảm xúc từ bên ngoài xen vào, mà còn phải ngưng mọi tác động do tính tự nhiên của cái trí, tác động này thường được ứng dụng để kiểm soát và sửa đổi nội dung của trí, ngõ hầu tạo mối liên lạc mới và tìm kiếm chỗ dị đồng ẩn tàng trong tâm thức.
Không phải bắt cái trí chủ ý đến một vật là đủ, song phải sai khiến nó chăm chú vào vật đó nữa. Dĩ nhiên, không vì thế mà cái trí ngưng hoạt động, trí phải hướng trọn vẹn vào con đường vận hà duy nhất. Thí dụ, một khối nước to chảy trên một diện tích rộng lớn thì sức chảy rất yếu ớt, nhưng nếu khối nước ấy chảy vào con kinh nhỏ hẹp thì nó tạo thành một sức mạnh khủng khiếp, phá tan mọi chướng ngại rất dễ dàng. Bởi vậy, các thiền sư chỉ đặc biệt chú trọng đến một mục đích duy nhất, là vì tinh thần tự nó có một năng lực hữu hiệu, tăng tiến vô biên, nên chẳng cần phải thêm thắt cái gì khác để làm cho nó mạnh hơn. Cũng như nước nóng bốc hơi bay tủa lan tràn trên không trung, nhưng không đủ sức đuổi một con ruồi, song le, nếu ta dẫn hơi nước ấy vào trong một ống hơi thì nó thừa sức làm chuyển động piston của guồng máy.
Giữ tâm không vọng động là một việc làm rất khó, trăm ngàn lần khó khăn hơn là bắt cái trí đừng cảm xúc ở ngoại cảnh, vì sự huấn luyện này liên quan đến đời sống viên mãn trong thâm tâm. Tự mình cô lập với thế giới bên ngoài còn dễ dàng hơn là giữ tâm thanh tịnh, vì nội giới hòa đồng với Chơn ngã. Thật ra, trong giai đoạn tiến hóa hiện tại, hầu hết mọi người đều dùng cái “Ta”, tức cái “tôi” để biểu thị chính mình. Tuy nhiên, tìm cách giữ tâm yên lặng là bước đầu trên con đường tiến hóa của tâm thức. Chúng ta cảm thấy rằng Kẻ chế ngự và Người bị chế ngự có thể là một, và do thiên tính, chúng ta đồng nhất với Kẻ chế ngự. Như khi tôi nói: “Tôi bắt cái trí của tôi phải yên lặng”. Cái Tôi biểu thị cho tâm thức chế ngự, còn cái của tôi vốn lệ thuộc “tôi”, nó là vật sở hữu của “tôi”.
Sự phân biệt này phát khởi một cách vô ý thức, còn người học đạo thì ý thức được sự song đôi: “có một cái gì đang kiểm soát và có một cái gì đang bị kiểm soát”. Tách rời cái hạ trí cụ thể, cái “tôi” cảm thấy có một quyền lực mạnh mẽ hơn trước, một kiến thức sâu rộng, sáng suốt và cảm biết cái “tôi” này là Chơn ngã không lệ thuộc xác thân, cũng không tùy thuộc thể trí. Đó là quan niệm đầu tiên hay là cảm giác bằng ý thức của bản tính chân thật trường tồn đã được lý trí xác nhận. Thật ra, sự hiểu biết này do huệ giác khai mở trong khi định trí.
Nhờ công phu luyện tập hằng ngày không gián đoạn, nên trí tuệ mở rộng, đi sâu vào nội tâm, đi sâu mãi, sâu mãi vào nội tâm vô tận. Cái quyền năng hiểu biết ngay tức khắc, rõ ràng và chính xác sẽ được khai mở – nói một cách khác, chứng đắc huệ giác – là khi nào chúng ta không còn dùng đến trí óc nặng nề và chậm lụt để suy luận nữa. ( Độc giả đừng quên rằng từ “trí” thường dùng nơi đây có nghĩa là thể trí hay phàm trí và cũng gọi là hạ trí ). Vì cái “Tôi” tiêu biểu cho Chơn ngã có bản chất là sự hiểu biết, nên mỗi khi tiếp xúc với điều gì chân thật, cái tôi nhận biết những rung động ấy đúng, thì nó tạo cho nó một hình ảnh chắc chắn rõ rệt, còn những điều sai lầm nó tạo nên hình ảnh méo mó, lệch lạc. Trừ phi thể trí chỉ còn giữ vai phụ thuộc không đáng kể thì quyền năng Chơn ngã mới biểu lộ rõ ràng. Còn trực giác tương tự sự nhìn trực tiếp ở cõi trần – thay thế cho lý trí mà chúng ta có thể so sánh với xúc giác. Chắc chắn cái nhìn thoáng đầu tiên, bởi có nhiều sự giống nhau về “hình thức” nên không thể phân biệt được. Trực giác phát triển do lý trí suy tư không ngừng và không thay đổi đặc tính, cũng như nhãn quan phát triển là do xúc giác vậy. Thật ra phải có sự biến chuyển lớn về quá trình, nhưng điều này không đến nỗi làm cho chúng ta mù quáng trước sự tiến hóa điều hòa trong trật tự. Trực giác của kẻ dốt nát đần độn thì đầy dục vọng, rất thấp thỏi, và chỉ có tính cách tạm thời, trực giác của họ còn kém lý trí nữa.
Khi ta định trí về một đối tượng gì, cứ giữ vững một mục đích duy nhất trong giây lát, giai đoạn kế tiếp là lìa bỏ đối tượng ấy, song trí phải tập trung lại, nhưng không trụ vào chỗ nào hết, như vậy sự luyện trí đã thuần thục. Trong giai đoạn này, trí không được biểu lộ một hình ảnh nào, tâm phải hoàn toàn yên tịnh, yên tịnh như nước phẳng lặng trên mặt hồ không gợn sóng. Trạng thái vô niệm này chỉ bộc khởi nhất thời, rất ngắn ngủi tương tự “trạng thái tới hạn” của các nhà hóa học, là tiếp điểm giữa hai trạng thái phụ của vật chất đã được thừa nhận và qui định. Nói cách khác, khi thân trí an tịnh thì tâm thức thoát ra ngoài thể trí, nhập vào “trung tâm laya” [15] rồi vượt qua trung tâm ấy, là tiếp điểm trung hòa giữa hạ trí và thượng trí. Con người xuất thần trong khoảnh khắc, đó chính là lúc thần thức lìa cảnh vật ở cõi thấp (hạ giới) để nhập diệu với cảnh trí cao cả. Chơn ngã tạo cho thể trí những ý tưởng trác tuyệt để có thể rung động cùng nhịp với Chơn ngã. Chơn ngã uốn nắn thể trí có nhãn thức cao để nhìn thấy cảnh giới xa xăm huyền diệu, ngõ hầu truyền đạt những ý tưởng siêu việt cho thể trí. Ngoài phương tiện này, thể trí không còn cách nào khác để cảm ứng với cõi trần.
Những bậc thiên tài, cảm ứng được những ý tưởng siêu việt ở cõi trần gọi là linh cảm. Nguồn linh cảm giống như tia sáng trong tâm hốt nhiên bừng tỏ xán lạn huy hoàng khắp vũ trụ. Lúc trở lại vị trí bình thường, vị anh tài đem ánh sáng truyền bá cho thế gian rất bối rối khi phải giải thích trạng thái linh cảm đã đạt được. Vị ấy chỉ cảm biết có cái gì rất huyền diệu lạ lùng khó truyền đạt như ở câu văn: “... cái uy lực đó sang sảng trong tâm tôi, nó sống trên môi tôi và ra dấu bằng bàn tay của tôi”.
trang nhà l trang sách l bản tin l thiền học l tiểu sử l trang thơ l h́nh ảnh l bài vở