trang nhà l trang sách l bản tin l thiền học l tiểu sử l trang thơ l h́nh ảnh l bài vở
CHUYỂN DI TƯ TƯỞNG
trích trong
Quyền Năng Tư Tưởng
Ngày nay, hầu hết ai cũng muốn thực hành phép chuyển di tư tưởng và
ước mơ được diễm phúc tiếp xúc với những bạn thiết của mình hiện
đang xa vắng mà khỏi cần liên lạc bằng điện thoại, hoặc điện tín hay
thơ từ.
Nhiều người tưởng rằng chỉ gắng công chút đỉnh là có thể biết được phương pháp chuyển di tư tưởng, nhưng họ sẽ ngạc nhiên và thất bại hoàn toàn. Điều hiển nhiên là muốn chuyển di tư tưởng, trước hết phải biết tư tưởng. Tư tưởng đó phải hội đủ năng lực cần thiết để có thể phóng ra ngoài không gian một làn sóng thật mạnh. Những tư tưởng bạc nhược lau chau, đều là những rung động lu lờ và chập chờn trong bầu không khí tư tưởng, những rung động đó hiện rồi tan, tan rồi hiện trong mỗi giây phút, sắc thái lờ mờ, yếu ớt, không thành hình dạng rõ ràng. Thật ra, hình thức tư tưởng phải rõ rệt và sống động mới có thể phóng tới một phương hướng nhất định, và cần phải có đủ năng lực để giữ vững sắc thái, thì nó mới có thể tái lập được hình thức tư tưởng khi di chuyển đến nơi đến chốn.
Có hai phương pháp chuyển di tư tưởng: một là phương pháp vật thể, hai là phương pháp tâm linh. Phương pháp vật thể do trí và não, còn phương pháp tâm linh chỉ do tâm trí mà thôi.
Đầu tiên, tâm thức sinh ra tư tưởng, tạo thành sự rung động trong thể trí, rồi lần đến thể vía, kết thành làn sóng dĩ thái và trong những “phân tử đông đặc” của bộ óc. Sự rung động của não cảm nhiễm dĩ thái, đoạn dĩ thái truyền làn sóng lan rộng ra xa dần, sao cho tới khi gặp bộ não khác để kết thành sự rung động trong dĩ thái cũng như trong những “phân tử đông đặc” của não. Bộ não sau này tiếp thu sự rung động rồi truyền qua thể vía, kế đến thể trí. Tới phiên thể trí rung động để đáp ứng lại, rồi rung động của thể trí cảm nhiễm tâm thức. Như vậy, mỗi tư tưởng đều phải trải qua nhiều giai đoạn như trên theo hình bán nguyệt. Những giai đoạn theo chiều dài hình vòng cầu này không cần thiết, vì tâm thức có thể tạo thành sự rung động trong thể trí rồi trực tiếp hướng dẫn sự rung động đó đến thể trí của tâm thức tiếp thu làn rung động này, như vậy tránh được đường vòng cầu mô tả.
Giờ đây, chúng ta thử xét qua phương pháp chuyển di tư tưởng thứ nhất.
Nơi phía trước và dưới não bộ có một hạch nhỏ bằng trái tùng, gọi là tùng quả tuyến, các nhà sinh lý học Tây phương chưa biết được tác dụng của hạch này và nhà tâm lý học Tây phương cũng không màng quan tâm đến. Tùng quả tuyến là một bộ phận phát triển chậm hơn hết trong cơ thể con người, mặc dù rất chậm chạp, nhưng nó cứ tuần tự phát triển mãi. Mặt khác, chúng ta có thể thúc giục bộ phận này phát triển mau lẹ hơn, bằng cách bắt nó thực hiện phận sự của nó mà trong tương lai nó sẽ hoạt động trong mọi người. Tùng quả tuyến là quan năng dùng để chuyển di tư tưởng, rất cần thiết như mắt để thấy và tai để nghe vậy.
Người nào chủ tâm suy nghĩ về một việc gì và cứ tập trung tư tưởng vào việc đó mãi, thì sẽ cảm giác như ở trong hạch quả tùng có cái gì rung chuyển và rọ rại như kiến bò. Cái rung chuyển đó vốn ở trong dĩ thái thấm nhuần hạch này, sinh ra một luồng từ diện rất yếu ớt và mảnh mai làm ta có cảm giác như có kiến bò trong tế bào của tùng quả tuyến.
Nếu người nào suy tưởng mạnh mẽ, đủ khả năng phát ra một luồng từ điện mạnh thì có thể truyền tư tưởng mình đi đến một nơi khác rất rõ ràng.Sự rung động trong dĩ thái của hạch quả tùng tạo thành làn sóng ở chất dĩ thái chung quanh như làn sóng ánh sáng nhưng rất nhỏ và tốc độ mau hơn. Làn sóng ấy lan tràn khắp nơi làm cho dĩ thái này rung động, rồi truyền qua dĩ thái khác, và như thế mãi cho tới khi gặp được dĩ thái của tùng quả tuyến trong bộ não khác. Từ đó, nó chuyển sang qua thể vía, rồi đến thể trí, và tiếp tục đều đều chuyển đến tâm thức. Nếu hạch quả tùng thứ hai không tạo lại được làn sóng rung động mà nó đã tiếp nhận, thì tư tưởng sẽ phân tán, không sanh ra được một ấn tượng nào cả, cũng như ánh sáng không làm cho người mù trông thấy sáng.
Phương pháp chuyển di tư tưởng thứ hai là: người tư tưởng tự tạo ở cõi trí một hình tư tưởng, nhưng không truyền sang bộ não, mà trực tiếp truyền cho một người tư tưởng khác ở cõi trí. Kẻ thực hành được điều này tất nhiên phải giàu nghị lực, tư tưởng mạnh mẽ và cao siêu hơn những kẻ dùng trí não chuyển di tư tưởng. Bởi vì người dùng phương pháp này phải tỉnh thức ở cõi trí mới hành động được.
Mỗi người trong chúng ta đều có dùng những quyền năng ấy một cách gián tiếp và vô ý thức, vì theo bản tính tự nhiên, những tư tưởng của chúng ta phát sinh từ thể trí, đều rung động và truyền lan đến các chất thượng thanh khí chung quanh.
Không có lý do nào khác để thu hẹp ý nghĩa của từ chuyển di tư tưởng trong sự cố tâm và dụng ý về sự chuyển di tư tưởng riêng biệt của người này truyền sang cho người khác. Chúng ta thường bị ảnh hưởng với nhau luôn do những làn sóng tư tưởng tạo ra không ý định rõ rệt, và điều mà cái gọi là dư luận quần chúng, một phần lớn thành hình nhờ tư tưởng mà ra, thường quần chúng hay tưởng nghĩ một cách nào đó, chớ không phải suy xét chu đáo một vấn đề rồi đi đến một kết luận. Đó là vì đa số dân chúng chỉ nghĩ một việc gì rồi lôi cuốn những người khác cùng theo họ.
Một tư tưởng mạnh mẽ của một nhà đại tư tưởng sở dĩ truyền bá được khắp cõi tư tưởng là do một số người hấp thụ tư tưởng này rồi truyền lại làn sóng tư tưởng đầu tiên, và khuếch đại làn sóng đó để kích động những kẻ chưa cảm ứng được làn sóng sơ khởi. Làn sóng ấy cứ tiếp tục tăng cường mãi cho đến khi cảm nhiễm được quảng đại dân chúng. Một khi thành dư luận quần chúng, thì nó có ảnh hưởng lớn lao đối với đại chúng, ảnh hưởng này đập mạnh vào trí óc dân chúng để khêu gợi dân chúng đáp ứng lại những làn sóng mà họ đã thu nhận được. Có vài tư tưởng theo đường lối quốc gia tạo thành những vận hà sâu rộng do sự lập đi lập lại không ngừng trong nhiều thế kỷ một thứ tư tưởng như nhau bởi những cuộc tranh đấu lịch sử và những tập quán của một dân tộc. Những tư tưởng ấy thay đổi sâu xa và tô điểm thêm sắc thái cho thể trí những gì thuộc về dân tộc, và mỗi tư tưởng đó, bất cứ từ đâu đến, đều bị phương thức rung động quốc gia biến đổi.
Những tư tưởng ngoại lai vào trí não chúng ta, đều bị thể trí của chúng ta thay đổi và khi chúng ta tiếp nhận chúng là chúng đã tiếp nhận những tư tưởng rung động đó với những rung động bình thường của chúng ta. Như thế, chúng ta thâu nhận một loại rung động do sự kết hợp của hai thứ rung động. Vì vậy, các quốc gia lân bang ghi nhận những tư tưởng ngoại lai, đều bị sự rung động dân tộc tính của quốc gia biến đổi.
Do đó, người Anh và người Pháp, hay người Ấn Độ và người Phi châu đều thấy rất nhiều sự việc như nhau, nhưng mỗi dân tộc đều thêm thắt những gì họ có từ lâu đời, mặc dầu thành thật, song họ vẫn tố cáo lẫn nhau, dân này nói dân kia ngụy tạo, còn dân kia nói dân nọ hành động phi pháp. Nếu chân lý bất khả kháng này được thành thật nhìn nhận, thì nhiều cuộc tranh chấp quốc tế sẽ được san bằng dễ dàng, những chiến tranh có thể tránh khỏi và những kẻ gây chiến rất dễ dàn xếp ổn thỏa để tránh nạn khói lửa. Ngoài ra, mỗi quốc gia sẽ nhìn nhận cái mà đôi khi họ gọi là bình đẳng cá nhân thay vì khiển trách và đổ lỗi cho nước láng diềng của mình chỉ vì lý do bất đồng ý kiến, mỗi quốc gia cố gắng tìm hiểu ý nghĩa quan điểm dị đồng giữa đôi bên và đừng quốc gia nào ngoan cố giữ mãi thành kiến của mình.
Một câu hỏi thiết thực được nêu ra: đang khi chúng ta sống trong bầu không khí hỗn loạn, tràn ngập những làn sóng tư tưởng xấu xa lẫn tốt đẹp, không ngớt va chạm vào trí óc chúng ta, làm thế nào biết được có bao nhiêu điều lành ta đã hưởng và bao nhiêu điều dữ ta đã tránh ? Phải đề phòng cách nào để tránh những tư tưởng xấu và làm sao thu nhận những tư tưởng tốt ? Đó là một vấn đề tối quan trọng mà chúng ta cần tìm hiểu để chọn lựa cho đúng.
Thật ra, mỗi người là một cá nhân nên thể trí của chúng ta chịu ảnh hưởng của chúng ta nhiều nhất, còn ảnh hưởng của kẻ khác chỉ thỉnh thoảng cảm nhiễm chút đỉnh thôi. Nghe diễn thuyết hay đọc sách thì thuyết trình viên hay tác giả cũng ảnh hưởng đến cái trí, nhưng đó là sự ngẫu nhiên trong cuộc đời, chính chúng ta mới là yếu tố thường xuyên. Ảnh hưởng của riêng chúng ta đóng góp trong sự kiến tạo thể trí mạnh nhất và nhiều hơn hết, nó do chính chúng ta quyết định thể thức rung động bình thường cho cái trí của chúng ta mà thôi. Tư tưởng nào không hợp với thể thức rung động khi vừa chạm đến thể trí của chúng ta thì liền bị loại ra ngoài. Nếu người nào tưởng đến sự ngay thật, thì sự dối trá không nhiễm vào tâm trí của họ, người nào có tư tưởng bác ái, thì sự oán thù không làm cho họ băn khoăn, kẻ nào nghĩ đến minh triết thì sự ngu dốt không làm họ tê liệt được. Chỉ như thế mới đem lại thực sự an toàn và dũng mãnh. Đừng để trí ta ở không như mảnh đất hoang, mặc cho những mầm giống tư tưởng nào cũng mọc lên được, vì như vậy trí ta cảm nhiễm tật xấu nhiều hơn tánh tốt.
Đó là bài học thực tập. Nếu chúng ta hành đúng, thì sẽ mau tìm thấy giá trị của tư tưởng. Chúng ta hãy nhớ rằng chỉ có tư tưởng chân chính mới làm cho đời sống thanh cao, và cũng nhờ minh triết mà chúng ta dứt được đau khổ.
trang nhà l trang sách l bản tin l thiền học l tiểu sử l trang thơ l h́nh ảnh l bài vở